Giải đáp thắc mắc: Viêm tai giữa uống thuốc gì?

Tham vấn bác sĩ
Thầy thuốc ưu tú, Bác sĩ

Dương Văn Tiến

Trưởng phòng khám Tai mũi họng Cơ sở 286 Thụy Khuê

Viêm tai giữa hay nhiễm trùng tai giữa là bệnh lý khá phổ biến thường xảy ra ở trẻ em. Đặc biệt, đối với trẻ từ 1-2 tuổi có nguy cơ nhiễm bệnh nhiều nhất. Do tâm lý chủ quan không điều trị kịp thời nên đã có không ít trường hợp bị mắc bệnh viêm tai giữa gây tình trạng điếc, thậm chí là tử vong. Vậy viêm tai giữa uống thuốc gì để điều trị bệnh hiệu quả? Cùng tìm hiểu rõ hơn qua bài viết dưới đây.

1. Viêm tai giữa là bệnh gì?

Viêm tai giữa là tình trạng viêm ở toàn bộ hệ thống hòm nhĩ và xương chũm (nằm ở phía sau màng nhĩ). Bệnh thường tạo ra dịch ở trong hòm nhĩ, dịch này có thể bị nhiễm trùng hoặc vô trùng. Viêm tai giữa là một trong những căn bệnh thường gặp nhất, đứng thứ hai sau viêm nhiễm đường hô hấp trên cấp ở trẻ nhỏ và cũng có khả năng xảy ra với người lớn.

Nếu trẻ bị viêm tai giữa mà phụ huynh không có biện pháp chữa trị kịp thời thì sẽ dẫn đến tình trạng viêm tai xương chũm cấp rất nguy hiểm. Một khi để bệnh phát nặng sẽ dễ gây ra biến chứng như: giảm thính lực, thủng màng nhĩ, xơ hóa màng nhĩ, liệt thần kinh mặt,… nguy hiểm nhất là khi bị biến chứng xảy ra ở trong sọ não như áp xe não, viêm màng não, áp xe ngoài màng cứng,… dễ dẫn tới tử vong ở trẻ.

Viêm tai giữa uống thuốc gì giúp trị bệnh

Viêm tai giữa nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm

2. Nguyên nhân và dấu hiệu của bệnh viêm tai giữa

Nguyên nhân gây nên tình trạng viêm tai giữa là do sự viêm nhiễm vùng mũi họng bởi vi trùng hoặc siêu vi. Ngoài ra, tắc vòi nhĩ, thường gặp do sùi, u ở vòm họng, do viêm mũi xoang mủ cũng là nguyên nhân lớn gây bệnh. Có trường hợp mắc bệnh còn do bị viêm nhiễm đường hô hấp, dị nguyên, bệnh lý trào ngược, hoặc không khí ô nhiễm, thời tiết lạnh cũng là các tác nhân gây viêm tai giữa hiện nay.

Khi bị viêm tai giữa, người bệnh sẽ xuất hiện những triệu chứng phổ biến như:

– Khởi đầu là hiện tượng đau tai, sau đó xuất hiện tình trạng chảy nước tai và sức nghe bị giảm.

– Ngoài ra còn có những dấu hiệu ít gặp khác như: bị ù tai, chóng mặt (thường được phát hiện với trẻ lớn), sốt, sưng ở sau tai, cảm thấy chán ăn và khó ngủ,…

Để phát hiện bệnh sớm, người lớn và trẻ em sẽ cần được sự trợ giúp của bác sĩ trong chẩn đoán như dùng đèn soi tai có kính phóng đại (Otoscope); kính hiển vi để soi tai và nội soi tai (Oto-Endoscope).

tư vấn viêm tai giữa nên uống thuốc loại gì

Khi bị viêm tai giữa, trẻ sẽ cảm thấy thường xuyên bị đau tai

3. Bị viêm tai giữa uống thuốc gì để trị bệnh hiệu quả?

Để tiến hành điều trị bệnh viêm tai giữa, bác sĩ sẽ cân nhắc một vài vấn đề quan trọng như: Mức độ nghiêm trọng của viêm tai giữa; Trẻ có hay bị tái phát viêm tai giữa hay không; Thời gian viêm nhiễm kéo dài bao lâu; Độ tuổi của trẻ;… từ đó có phác đồ điều trị sao cho phù hợp nhất.

3.1. Viêm tai giữa uống thuốc gì? – Thuốc điều trị toàn thân

– Sử dụng kháng sinh qua đường uống hoặc đường tiêm. Nhóm b-lac tam, nhóm macrolid, nhóm quinolon là lựa chọn hàng đầu của các bác sĩ tai mũi họng. Tuy nhiên, hạn chế sử dụng nhóm kháng sinh aminoglucosid vì trẻ bị viêm tai giữa thường ở độ tuổi dưới 3 tuổi. Đây là độ tuổi đang tập nói trong khi đó nhóm kháng sinh này có khả năng gây độc ốc tai của trẻ. Nếu dùng loại thuốc này, trẻ có thể bị câm điếc do thuốc. Do tỷ lệ kháng thuốc ngày càng cao nên bác sĩ thường phải phối hợp kháng sinh ở các nhóm khác nhau trong các trường hợp độc tính vi khuẩn cao, trẻ bị suy dinh dưỡng, trẻ bị giảm đề kháng hoặc điều trị 3 ngày mà triệu chứng của bệnh không giảm.

– Thuốc chống viêm corticoid ngắn ngày (khoảng từ 7-10 ngày) hoặc thuốc kháng viêm non-steroid, thuốc chống viêm dạng men là những enzym thuỷ phân protein nhằm giúp ngăn chặn những triệu chứng khác nhau do viêm, để phục hồi cấu trúc của các mô bị tổn thương càng nhanh càng tốt, ngăn chặn tiến triển của tình trạng viêm, đồng thời hỗ trợ cùng với kháng sinh để tiêu diệt các loại vi khuẩn gây viêm.

– Thuốc hạ sốt, giảm đau sẽ được dùng tuỳ thuộc theo cân nặng của trẻ. Thuốc thông dụng và an toàn nhất hiện này là paracetamol.

– Ngoài ra, có thể sử dụng thêm kháng histamin H1 để giúp giảm hiện tượng xuất tiết của niêm mạc viêm, nhất là với những trẻ khai thác được tiền sử dị ứng.

3.2. Viêm tai giữa uống thuốc gì? – Thuốc điều trị tại chỗ

– Thuốc điều trị tại mũi: Dùng thuốc chống xung huyết, co mạch, giảm phù nề, chống viêm theo đúng lứa tuổi (thuốc thường sử dụng như là otrivin 0,05%, sunfarin, xylomethazoline, collydexa, naphtazoline, adrénaline…). Bên cạnh đó, thuốc nhỏ mũi được sử dụng với mục đích giúp làm sạch hốc mũi và trả lại sự thông thoáng ở vùng tai giữa và mũi họng. Điều này giúp cho việc phục hồi vùng niêm mạc viêm ở trong tai giữa dễ dàng hơn và giúp dẫn lưu dịch mủ từ tai giữa ra ngoài qua đường vòi tai.

– Thuốc điều trị tại tai: Dùng thuốc có tác dụng giảm đau và kháng viêm tại chỗ. Đây là loại thuốc không được sử dụng đối với trường hợp tai bị thủng màng nhĩ.

4. Một số cách giúp phòng ngừa viêm tai giữa ở trẻ

Để phòng ngừa bệnh viêm tai giữa ở trẻ, các bậc phụ huynh cần lưu ý một số vấn đề sau:

– Cho trẻ bú sữa mẹ trong ít nhất 6 tháng nhằm giúp ngăn ngừa sự phát triển của các vi khuẩn gây nên bệnh viêm tai.

– Nếu em bé còn bú bình, hãy bế bé để cho bú chứ không nên đặt bé ở tư thế nằm.

– Không để trẻ hít phải khói thuốc lá, bởi khói thuốc có thể làm gia tăng số lượng và mức độ bị nhiễm trùng.

– Cha mẹ và trẻ nên tiến hành rửa sạch tay thường xuyên. Đây là một trong những cách quan trọng để giúp ngăn chặn sự lây lan của vi trùng có thể gây nên tình trạng cảm lạnh và dễ dẫn đến căn bệnh viêm tai giữa.

Viêm tai giữa uống thuốc gì

Hãy chú ý veek sinh tay sạch sẽ để ngăn chặn vi khuẩn lây lan

Trên đây là những thông tin cha mẹ cần nắm rõ để điều trị bệnh cho con em mình khi bị viêm tai giữa. Bạn cũng cần lưu ý, việc dùng thuốc cần hết sức thận trọng và phải được tư vấn, kê đơn bởi bác sĩ tại các cơ sở có chuyên khoa tai mũi họng uy tín.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital