Giải đáp một số dạng đau đầu và cách chẩn đoán

Tham vấn bác sĩ
Tiến sĩ, Bác sĩ

Nguyễn Văn Doanh

Trưởng khoa Khám bệnh

Nhiều người gặp phải cơn đau đầu và kèm theo nhiều triệu chứng khác nhau, với biểu hiện khác nhau ở mỗi người. Bài viết sẽ đưa ra một số dạng đau đầu thường gặp được nhiều người quan tâm và cách chẩn đoán, xử trí đối với các dạng này.

1. Các dạng đau đầu và cách chẩn đoán

1.1 Dạng đau nửa đầu

Đau đầu Migraine triệu chứng điển hình là đau nửa đầu, đau có cảm giác như nhịp mạch đập giật trong đầu kèm buồn nôn hoặc nôn. Trong cơn đau sợ ánh sáng, tiếng ồn.

Dạng đau đầu này thường hay gặp ở phụ nữ trẻ, đặc biệt là phụ nữ văn phòng. Nam giới cũng có thể gặp nhưng tỷ lệ ít hơn so với phụ nữ.

Để chẩn đoán loại đau đầu Migraine, bác sĩ chuyên khoa nội thần kinh sẽ khai thác tiền sử của cơn đau như sau:

– Đau ít nhất 5 lần (5 cơn) nêu trên và mỗi lần đau kéo dài từ 4 giờ cho đến 72 giờ.

– Trong cơn đau có ít nhất 2 trong số các triệu chứng sau như: đau nửa đầu, đau có tiếng mạch đập ở trong đầu, đau với cường độ vừa hoặc nặng (đau nặng hơn khi người bệnh gắng sức hoặc các hoạt động mạnh). Có ít nhất 1 trong các triệu chứng sau: sợ tiếng động, sợ ánh sáng, sợ những kích thích trong cơn đau.

– Ngoài ra không tìm thấy biểu hiện của bệnh lý nào có thể gây ra chứng đau đầu.

Sau đó bác sĩ sẽ chỉ định làm thêm một số chẩn đoán nếu thấy cần thiết và xây dựng phương án điều trị hiệu quả.

Dạng đau đầu Migraine

Đau đầu Migraine là bệnh đau đầu nửa đầu thường gặp nhất, đặc biệt là hay gặp ở phụ nữ trẻ, làm văn phòng.

1.2 Dạng đau đầu kèm chóng mặt, mỏi cổ vai gáy, tê bì tay

Dạng đau đầu này có thể là biểu hiện của bệnh lý Migraine tiền đình (đau đầu kèm rối loạn tiền đình gây biểu hiện chóng mặt). Nhưng đau đầu kèm mỏi cổ vai gáy, tê bì tay có thể gợi í bệnh lý do tổn thương mạch máu bên trong não hoặc tổn thương cột sống cổ như thoái hóa đốt sống cổ, thoát vị đĩa đệm cột sống cổ gây kích thích dây thần kinh gây tê tay, chèn ép dây thần kinh chẩm, chèn ép lưu thông mạch máu ở vùng vai gáy.

Để chẩn đoán dạng đau đầu này, các bác sĩ sẽ khám và chỉ định một số chẩn đoán để đánh giá tình trạng tổn thương, tìm ra nguyên nhân và phân biệt với bệnh lý khác như:

Chụp cộng hưởng từ sọ não, mạch máu não để xem có tổn thương trong não hay tổn thương mạch máu não không, có tổn thương dây thần kinh số 5, số 7, số 8 gây tình trạng chóng mặt hay không.

– Chụp cộng hưởng từ cột sống cổ xem có thoái hóa hay thoát vị đĩa đệm cột sống cổ không và khảo sát tủy cổ và các rễ thần kinh.

Sau đó bác sĩ sẽ đưa ra kết luận và xây dựng phác đồ điều trị phù hợp.

Dạng đau đầu mỏi cổ vai gáy, tê bì chân tay

Đau đầu kèm chóng mặt, mỏi cổ vai gáy, tê bì tay nên đi khám ngay với bác sĩ, tuyệt đối không được xoa hay đắp loại thuốc nào nếu như chưa có sự tư vấn từ bác sĩ chuyên môn.

1.3 Dạng đau đầu vùng thái dương có mạch nổi cộm

Đây có thể là dạng đau đầu do viêm động mạch vùng thái dương, thường gặp ở người lớn tuổi với các triệu chứng: đau vùng thái dương, soi gương thấy rõ các động mạch nổi cộm lên, sờ vào cứng và không thấy mạch đập. Ngoài ra có thể do dị dạng mạch máu não (thường gặp ở người trẻ tuổi).

Chẩn đoán bằng chụp hoặc siêu âm động mạch thái dương, nhiều trường hợp cần thiết có thể sinh thiết động mạch thái dương để chẩn đoán tình trạng tổn thương động mạch thái dương (nếu có). Đồng thời cần kiểm tra dây thần kinh số 5, mạch máu hoặc có bất thường trong sọ không.

Với những người trẻ tuổi cần kiểm tra xem có phải đau đầu do căn nguyên mạch máu hay migraine hay thậm chí có thể viêm động mạch thái dương hay không. Dù là già hay trẻ thì với trường hợp đau đầu nguy hiểm này, người bệnh cần đi thăm khám ngay với bác sĩ.

1.4 Dạng đau đầu dữ dội kèm ù tai, sợ tiếng ồn

Có thể đau đầu do căn nguyên mạch máu do mạch máu co giãn quá mức hoặc do phình mạch hay dị dạng mạch không. Ngoài ra đau đầu dữ dội còn kèm theo biểu hiện ù tai, thì cũng có thể do tổn thương dây thần kinh tiền đình.

Sau khi thăm khám với bác sĩ (cần khám với bác sĩ nội thần kinh và bác sĩ tai mũi họng), một số chẩn đoán cần thực hiện đó là chụp cộng hưởng mạch máu não và chụp cộng hưởng từ dây thần kinh tiền đình để kiểm tra. Cần thăm khám sớm để ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm xảy ra.

Dạng đau đầu nguy hiểm: Dạng đau đầu dữ dội kèm ù tai, sợ tiếng ồn

Đau đầu dữ dội kèm ù tai, sợ tiếng ồn thường cảnh báo dấu hiệu bệnh lý nguy hiểm, người bệnh cần đi khám ngay.

1.5 Dạng đau đầu kèm chảy nước dãi, nước mắt

Dạng này có thể do nguyên nhân mạch máu vùng mặt, vùng mắt hoặc nguyên nhân mạch máu kèm rối loạn dây thần kinh thực vật.

Người bệnh cần đi khám, sau khám lâm sàng bác sĩ sẽ chỉ định một số xét nghiệm, chẩn đoán cần thiết và điều trị.

1.6 Đau buốt đầu kèm choáng váng, đổ mồ hôi

Đây có thể là do đau đầu migraine tiền đình và kèm theo rối loạn thần kinh thực vật. Cần đi thăm khám để bác sĩ chuyên môn kiểm tra, chẩn đoán đúng bệnh và có biện pháp điều trị hiệu quả.

2. Lời khuyên cho bạn

Khi có biểu hiện đau đầu, người bệnh nên đi thăm khám với bác sĩ chuyên khoa Nội thần kinh để bác sĩ có chuyên môn kiểm tra và xây dựng phác đồ điều trị.

Việc lạm dụng thuốc giảm đau có thể khiến bạn gặp phải một số bất lợi sau:

– Đau đầu tái diễn do lạm dụng thuốc giảm đau (đau đầu tái diễn phụ thuộc vào thuốc).

– Tăng men gan, suy giảm chức năng gan, suy giảm chức năng thận.

– Ảnh hưởng đến tủy xương tạo máu.

– Giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu

– Ảnh hưởng đến dạ dày,…

Bạn nên đi thăm khám với bác sĩ chuyên khoa Nội thần kinh để bác sĩ thăm khám và cân nhắc tư vấn sử dụng thuốc phù hợp, hiệu quả, không lạm dụng thuốc.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital