Giải đáp điều trị sỏi mật như thế nào?

Tham vấn bác sĩ
Phó Giáo sư, Tiến sĩ

Vũ Văn Khiên

Phó giám đốc phụ trách Nội soi tiêu hóa

Điều trị sỏi mật như thế nào là vấn đề rất được quan tâm. Nhiều người bị sỏi mật rất hoang mang lo lắng liệu có cần phẫu thuật cắt bỏ? Tìm hiểu chi tiết hơn về các phương pháp điều trị sỏi mật trong bài viết dưới đây.

1. Sỏi mật có cần điều trị không?

Thực tế, không phải sỏi mật nào cũng cần điều trị. Có một số sỏi mật tự hình thành và biến mất. Một số phát triển lên từng ngày về kích thước và gây tác động xấu đến cơ thể. Sỏi mật cần điều trị khi cơ thể có các dấu hiệu đau đớn ở mạn sườn, sỏi gây viêm túi mật cấp tính và một số biến chứng khác. Cụ thể:

– Sỏi mật kẹt ở cổ hay ống túi mật gây viêm túi mật cấp tính. Viêm túi mật cấp tính cần được điều trị ngay bằng phương pháp phẫu thuật.

– Sỏi rơi xuống ống mật chủ, gây tắc nghẽn và viêm đường mật. Biến chứng ngày cần cấp cứu kịp thời nếu không sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng.

– Sỏi gây tắc nghẽn cả ống mật và ống tụy. Cần được can thiệp lấy sỏi ngay trong trường hợp này.

– Sỏi mật với kích cỡ lớn có thể làm gia tăng nguy cơ ung thư, kèm các polyp túi mật với hình thái bất thường. Khi xảy ra trường hợp này, thường có chỉ định cắt bỏ túi mật để ngăn ngừa biến chứng ung thư và tránh nguy hiểm cho người bệnh.

Điều trị sỏi mật cần tuân thủ những gì

Sỏi mật có kích thước lớn và có tác động xấu đến cơ thể thì cần được xử lý kịp thời

2. Giải đáp điều trị sỏi mật bằng những phương pháp nào?

Điều trị sỏi mật không nhất thiết phải cắt bỏ. Tùy thuộc vào triệu chứng, tình trạng sỏi để cho những chỉ định thích hợp. Các chuyên gia sẽ phân loại cách điều trị theo điều trị phẫu thuật và điều trị không phẫu thuật

– Điều trị không phẫu thuật: Chỉ định này thường được áp dụng cho các viên sỏi mật chưa gây biến chứng gì, sỏi còn nhỏ và có thể ra ngoài được bằng đường tự nhiên. Người bệnh có thể được kê đơn dùng thuốc tan sỏi, thuốc giảm đau… để loại bỏ sỏi ra ngoài. Tán sỏi công nghệ cao cũng có thể được áp dụng để tán vỡ sỏi thành mảnh nhỏ rồi bơm hút ra ngoài. Sỏi sẽ tạm thời được lấy ra ngoài nhưng không thể đảm bảo là không tái phát. Do đó, điều trị không phẫu thuật không có hiệu quả lâu dài.

– Điều trị phẫu thuật: Chỉ định  phẫu thuật áp dụng cho những trường hợp biến chứng cấp tính như viêm túi mật cấp, viêm tụy cấp. Bệnh nhân cần nhập viện gấp và nhanh chóng được phẫu thuật sau khi thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng. Phẫu thuật cắt bỏ túi mật có 2 cách áp dụng là mổ mở và mổ nội soi. Hiện nay, mổ nội soi được ưu tiên sử dụng vì giúp người bệnh đỡ đau đớn, ít biến chứng sau mổ và giúp rút ngắn thời gian điều trị.

Cắt bỏ túi mật là phương  pháp điều trị triệt để sỏi mật. Người bệnh không nên lo lắng vì cơ thể không có túi mật vẫn đảm bảo sức khỏe và sinh hoạt bình thường.

Điều trị sỏi mật cần lưu ý

Điều trị sỏi mật bằng phương pháp ngoại khoa sẽ giúp dứt điểm biến chứng

3. Phòng ngừa sỏi mật

3.1. Có chế độ ăn uống hợp lý

Sỏi mật tái phát có nguyên nhân chủ quan rất quan trọng đó là chế độ ăn uống không phù hợp. Từ đó, kích thích và hình thành nên sỏi mật ở trong túi mật. Một số điều người bệnh cần lưu ý để phòng tránh túi mật hình thành và phát triển:

– Bổ sung nguồn chất béo tốt: Chất béo rất cần thiết cho cơ thể. Tuy nhiên cần lưu ý lựa chọn nguồn chất béo tốt giúp cơ thể dẻo dai và khỏe mạnh. Những thực phẩm chứa chất béo tốt như ô liu, bơ, hạch quả, cá… Nguồn chất béo tự nhiên sẽ làm giảm cholesterol và tăng cường các chất dinh dưỡng cho cơ thể.

– Bổ sung thực phẩm giàu chất xơ: Chất xơ tốt cho tiêu hóa và cũng góp phần ngăn ngừa sỏi mật. Người từng mắc sỏi mật nên ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi, các loại ngũ cốc nguyên hạt để giảm mức cholesterol. Có thể thay thế tinh bột trắng bằng gạo lứt.

– Uống nhiều nước: Nước uống thúc đẩy tiêu hóa, loại bỏ cặn bã, lưu thông hoạt động tiêu hóa và túi mật. Từ đó hạn chế hình thành sỏi.

– Không nên sử dụng chất béo bão hòa: Những chất béo bão hòa sẽ làm tăng mức cholesterol xấu trong máu – đây là yếu tố quan trọng nhất hình thành nên sỏi mật. Hãy tăng cường dùng chất béo tốt, hạn chế chất béo xấu có trong thịt đỏ, đồ chiên rán, thịt xông khói…

– Không nên dùng chất kích thích: Sức khỏe gan mật sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu người bệnh thường xuyên sử dụng rượu bia…

Điều trị sỏi mật cần có chế độ ăn uống, sinh hoạt phù hợp

Điều trị sỏi mật cần có chế độ ăn uống, sinh hoạt phù hợp

3.2. Có lối sống khoa học

Khi có lối sống khoa học, cơ thể sẽ hạn bớt lắng cặn, hệ tiêu hóa thông thoáng và khỏe mạnh. Từ đó giảm nguy cơ hình thành sỏi mật. Những thói quen khoa học cần hình thành như:

– Không được bỏ bữa sáng: Bỏ bữa sáng thúc đẩy hình thành sỏi mật vì khi đó túi mật không thể co bóp đẩy dịch mật dẫn đến lắng đọng dịch. Nếu dịch mật bị lắng đọng từ đêm sẽ tích tụ nhiều lắng cặn, gia tăng nguy cơ mắc sỏi.

– Thể dục đều đặn: Tập thể dục nhẹ nhàng giúp người bệnh sảng khoái cả tinh thần lẫn thể chất. Duy trì tập luyện ít nhất là 30 phút 1 ngày.

– Không cố sức giảm cân: Duy trì cân nặng vừa phải bằng cách cung cấp đủ chất cho cơ thể. Kiêng cữ quá mức sẽ dẫn đến thiếu hụt chất và làm gia tăng nguy cơ mắc sỏi mật.

Điều trị sỏi mật thực ra không quá khó khăn và phức tạp. Sỏi còn nhỏ thì điều trị nội khoa rất an toàn và không mất nhiều thời gian. Điều quan trọng vẫn phải chú ý sinh hoạt và ăn uống phù hợp để hạn chế tái phát sỏi.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital