Giải đáp bệnh viêm tai ngoài ở trẻ khác gì với viêm tai giữa

Tham vấn bác sĩ
Thạc sĩ, Bác sĩ 

Phạm Văn Hưng

Bác sĩ Nhi

Với biểu hiện chung là gây đau hay khó chịu ở tai, nhiều phụ huynh dễ nhầm lẫn hai bệnh viêm tai ngoài và tai giữa ở trẻ. Việc nhầm lẫn giữa 2 tình trạng, có thể dẫn tới cách điều trị không đúng, khiến bệnh kéo dài không khỏi. Do đó, bài viết dưới đây sẽ giúp bạn phân biệt ngay hai bệnh lý viêm tai ngoài và viêm tai giữa.

1. Phân biệt bệnh viêm tai ngoài với viêm tai giữa ở trẻ

1.1. Dấu hiệu thường gặp ở bệnh viêm tai ngoài và viêm tai giữa

Dấu hiệu bệnh viêm tai ngoài và viêm tai giữa ở trẻ có nhiều điểm khác nhau

Dấu hiệu viêm tai ngoài và viêm tai giữa ở trẻ có nhiều điểm khác nhau

Viêm tai ngoài ở trẻ là tình trạng lớp da mỏng ở phần khoang tai xảy ra nhiễm trùng. Tác nhân gây bệnh phổ biến nhất là do vi khuẩn, một số ít trường hợp khác trẻ cũng có thể mắc viêm tai ngoài vì bị nhiễm nấm. Khi mắc viêm tai ngoài, trẻ sẽ dần xuất hiện những triệu chứng khá rõ ràng như:

– Bé bị đau tai, đặc biệt bị đau nhiều hơn nếu bị tác động ấn vào tai hay kéo dái tai;

– Bé cảm thấy ngứa trong tai nên cơ thể rất bứt rứt, khó chịu. Một số trường hợp còn xuất hiện cục u hay mụn nhọt trong khoang khiến bé bị đau nhiều;

– Bé có thể sốt nhẹ;

– Bé bị giảm hoặc thậm chí mất thính lực tạm thời.

Dù nguyên nhân gây bệnh chủ yếu cũng do vi khuẩn, nhưng trẻ mắc viêm tai giữa sẽ xảy ra nhiễm trùng tại tai giữa và đặc trưng với các triệu chứng gồm:

– Trẻ có biểu hiện mệt mỏi, kém ăn và quấy khóc nhiều;

– Trẻ viêm tai giữa có thể sốt cao từ 39 – 40 độ C;

– Một số trẻ xuất hiện triệu chứng nôn trớ, co giật…

– Ngoài ra, trẻ mắc viêm tai giữa cũng có thể gặp các triệu chứng khác như: bị đau bên trong tai, khó giữ thăng bằng, bị rối loạn tiêu hóa

1.2. Những ảnh hưởng của bệnh viêm tai ngoài và viêm tai giữa tới trẻ

So với viêm tai giữa, viêm tai ngoài ít ảnh hưởng trầm trọng tới sức khỏe của trẻ hơn. Cụ thể những ngày đầu mắc viêm tai ngoài, trẻ thường chỉ bị ù tai và nghe kém hơn, còn lại mọi hoạt động ăn ngủ vẫn có thể diễn ra bình thường. Khi viêm tai ngoài chuyển biến nặng, trẻ có thể xuất hiện những dấu hiệu phức tạp và ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách.

Trái lại, bệnh viêm tai giữa ở trẻ có chuyển biến rất nhanh, ngay từ những ngày đầu khởi phát, bệnh đã gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của trẻ, khiến bé quấy khóc nhiều, ăn ngủ không ngon, có thể kèm theo nôn ói hay rối loạn tiêu hóa như đi ngoài phân lỏng nhiều lần. Nếu không được hỗ trợ điều trị kịp thời, chỉ sau 2 – 3 ngày, bệnh viêm tai ngoài có thể diễn tiến nặng gây những biến chứng ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của trẻ.

1.3. Các biến chứng có thể gặp khi trẻ mắc viêm tai ngoài và viêm tai giữa

Khi trẻ mắc viêm tai ngoài chuyển biến nặng, các triệu chứng của bệnh sẽ tăng lên với mức độ nặng hơn: trẻ đau tai dữ dội, dịch tai trong suốt liên tục chảy ra, bé có thể sốt cao, chóng mặt, phản ứng rất kém với âm thanh do thị lực bị giảm mạnh. Nguy hiểm hơn, trẻ có thể bị mất thính lực tạm thời.

Đối với bệnh viêm tai giữa, các biến chứng có thể xảy ra nhanh hơn ở mức độ nặng hơn như: chảy mủ mạn tính, suy giảm thính lực hoặc mất thính lực, thủng màng nhĩ, viêm xương chũm, viêm não, áp xe màng não, tắc tĩnh mạch…

Lưu ý rằng, các phân biệt bên trên chỉ góp phần giúp phụ huynh hiểu hơn về bệnh lý trẻ có thể đang gặp phải. Để xác định đúng bệnh và có cách điều trị phù hợp, cách tốt nhất phụ huynh nên cho bé đi khám tại cơ sở y tế uy tín ở gần. Phụ huynh cũng không nên tự ý mua thuốc điều trị cho trẻ vì trường hợp bé dùng sai thuốc, hệ quả có thể khiến bệnh không khỏi và kéo theo các biến chứng nặng gây tổn hại tới sức khỏe của bé.

2. Trẻ mắc viêm tai ngoài có thể tự khỏi được không?

Theo chuyên gia, viêm tai ngoài là bệnh lý nhiễm trùng ở mức độ nhẹ, trẻ mắc bệnh vẫn có thể tự khỏi bệnh sau vài ngày hoặc vài tuần. Tuy nhiên, trong thời gian này, tình trạng nhiễm trùng nếu không được kiểm soát tốt có thể lây lan sang các mô lân cận và gây ra các biến chứng nguy hiểm.

Vì thế khi phát hiện trẻ bị viêm tai ngoài, phụ huynh nên cho bé đi khám để được bác sĩ chuyên môn hỗ trợ điều trị. Cách này vừa giúp trẻ mắc viêm tai ngoài nhanh khỏi bệnh, vừa kiểm soát và giảm thiểu tối đa các biến chứng nặng có thể xảy ra với bé. Nhờ đó, phụ huynh cũng có thể an tâm hơn về sức khỏe của con mình.

Bé có bất thường về sức khỏe phụ huynh nên sớm cho con đi khám để xác định bệnh và điều trị kịp thời

Bé có bất thường về sức khỏe phụ huynh nên sớm cho con đi khám để xác định bệnh và điều trị kịp thời

3. Điều trị viêm tai ngoài cho bé bao lâu thì khỏi?

Khi được can thiệp điều trị sớm, bệnh lý viêm tai ngoài ở trẻ có thể được chữa khỏi trong thời gian rất nhanh. Thông thường, trẻ mắc viêm tai ngoài sẽ được bác sĩ chỉ định thuốc nhỏ tai theo toa, chỉ dùng kháng sinh khi cần thiết. Với trường hợp viêm tai ngoài ở mức độ nhẹ, các triệu chứng bé gặp phải sẽ được cải thiện rõ rệt chỉ sau 1 – 3 ngày và bệnh có thể khỏi hẳn sau 7 – 10 ngày điều trị.

4. Cách phòng tránh các bệnh lý viêm tai cho trẻ

 

Tiêm phòng hiện là cách chủng ngừa hiệu quả các bệnh nhiễm trùng về tai, mũi, họng

Tiêm phòng hiện là cách chủng ngừa hiệu quả các bệnh nhiễm trùng về tai, mũi, họng

Hiện nay, có 3 bệnh viêm tai trẻ thường gặp nhất là viêm tai ngoài, viêm tai giữa và viêm tai trong. Để giảm thiểu nguy cơ mắc phải các bệnh lý trên, phụ huynh nên chủ động nâng cao các biện pháp phòng bệnh cho con:

– Tiêm chủng hiện được đánh giá là phương pháp phòng các bệnh viêm tai cho hiệu quả tai nhất. Phụ huynh có thể tìm hiểu và cho bé tiêm phòng các loại vaccine cúm hay vaccine phế cầu để chống lại các nguyên nhân phổ biến gây nhiễm trùng tai và viêm tai.

– Xây dựng cho trẻ thói quen rửa tay xà phòng thường xuyên, không cho tay lên miệng để ngăn ngừa vi khuẩn tấn công mũi họng gây viêm họng và tai.

– Bổ sung cho bé dinh dưỡng đầy đủ, cân bằng để có sức khỏe tốt chống lại các tác nhân gây bệnh. Với trẻ đang bú mẹ, mẹ nên ưu tiên cho trẻ bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu và duy trì tối thiểu trong 12 tháng. Bởi sữa mẹ không chỉ cung cấp dưỡng chất mà còn chứa nhiều sức đề kháng rất tốt cho bé.

– Hạn chế cho trẻ tới nơi đông người, tránh cho bé tiếp xúc trực tiếp với người đang viêm mũi họng để ngừa nguy cơ bị lây bệnh.

– Luôn đảm bảo vệ sinh nhà cửa, phòng và đồ chơi của bé sạch sẽ.

Bệnh viêm tai ngoài, viêm tai giữa hay viêm tai trong đều là những bệnh lý khá phổ biến, có thể dễ dàng điều trị khỏi hoàn toàn khi bé được hỗ trợ kịp thời và đúng cách. Do đó khi quan sát thấy trẻ xuất hiện triệu chứng bất thường về tai, phụ huynh nên sớm cho bé đi khám tại cơ sở y tế uy tín ở gần để được xác định bệnh và nhận phác đồ điều trị phù hợp từ bác sĩ chuyên môn.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital