Giải đáp: Bệnh tay chân miệng có nguy hiểm không?

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Mai Hoa

Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI

Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm, thường xảy ra ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Bệnh có nguy cơ lây lan thành dịch nhanh chóng. Vậy bệnh tay chân miệng có nguy hiểm không và cách điều trị như thế nào? Tham khảo thông tin chi tiết về bệnh tay chân miệng dưới đây.

1. Bệnh tay chân miệng là gì?

Tay chân miệng là một loại bệnh truyền nhiễm, do vi-rút đường tiêu hóa gây ra. Dấu hiệu đặc trưng nhất của người nhiễm bệnh là sốt và xuất hiện các nốt mụn ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, bên trong miệng, có thể ở mông. Thời gian dễ mắc bệnh tại nước ta là khoảng tháng 2 – tháng 4 hay tháng 9 – tháng 12.

Bệnh tay chân miệng do vi-rút gây ra

Bệnh tay chân miệng do vi-rút gây ra, đối tượng dễ mắc bệnh nhất là trẻ nhỏ

Bệnh tay chân miệng có nguy hiểm không phụ thuộc một phần vào phương thức và tốc độ lây truyền. Vi-rút gây bệnh tay chân miệng dễ dàng lan truyền trong điều kiện thường. Vì vậy, bệnh này nếu không phát hiện và kiểm soát kịp thời dễ dàng phát triển thành dịch lớn. Con đường lây nhiễm bệnh chủ yếu qua các dịch bài tiết (nước bọt và dịch mũi) và phân.

Thời gian phát tán bệnh tay chân miệng thuận lợi nhất là giai đoạn ủ bệnh (tuần đầu tiên). Thời gian  sau vẫn có thể lây nhiễm bệnh vì vi-rút vẫn tồn tại trong dịch bài tiết nhưng tốc độ chậm hơn. Một số con đường lây nhiễm bệnh gồm:

– Tiếp xúc trực tiếp với người bệnh: Chạm vào dịch từ các nốt mụn nhọt, dính phải nước bọt, nước mũi hay phân người bệnh.

– Tiếp xúc gần: Do hít phải dịch tiết, nước bọt của người bệnh trong không khí.

– Tiếp xúc gián tiếp: Chạm vào các đồ vật người bệnh đã chạm qua.

2. Nguyên nhân trẻ mắc bệnh tay chân miệng là gì?

Tác nhân gây bệnh tay chân miệng là vi-rút đường ruột, thường gặp nhất là Coxsackie A16 và Enterovirus typ 71. Chúng hình cầu, đường kính 27 – 30nm. Tùy vào cách xâm nhập cơ thể, ban đầu chúng trú ngụ ở niêm mạc má hoặc niêm mạc ruột, sau đó di chuyển đến các hạch bạch huyết, tiếp đến đi vào máu, cuối cùng tới niêm mạc miệng và da.

Trong 2 loại vi-rút gây bệnh, Coxsackie A16 lành tính hơn, bệnh nhanh khỏi từ 7 – 10 ngày, khả năng gây ra các biến chứng thần kinh thấp. Trong khi đó, Enterovirus typ 71 lại gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm cơ tim, viêm màng não…

Ngoài 2 loại vi-rút trên, một số vi-rút nhóm A gồm Coxsackie A4-A7, A9, A10; một số vi-rút nhóm B gồm Coxsackie B1, B3 và B5 cũng có thể gây bệnh tay chân miệng.

3. Trẻ mấy tuổi có nguy cơ bị tay chân miệng cao?

Bệnh tay chân miệng có nguy hiểm không cũng phụ thuộc vào độ tuổi người mắc bệnh. Thực tế cho thấy đối tượng mắc bệnh chủ yếu là trẻ em dưới 5 tuổi. Trẻ nhỏ có hệ miễn dịch kém, dễ nhiễm bệnh, cũng dễ để bệnh trở nặng. Nếu không điều trị kịp thời và đúng cách dễ để lại biến chứng nguy hiểm.

Đối tượng dễ mắc bệnh tay chân miệng nhất là trẻ dưới 5 tuổi

Trẻ dưới 5 tuổi là đối tượng mắc bệnh tay chân miệng nhiều nhất

Theo đó, trẻ mẫu giáo dễ nhiễm bệnh nhất. Môi trường này các trẻ tiếp xúc với nhau nhiều, có tính tò mò cao nên tốc độ lây nhiễm nhanh, khó kiểm soát. Đối tượng mắc bệnh cũng có là thanh thiếu niên và người lớn thông qua tiếp xúc, tỷ lệ thấp hơn.

4. Nhận biết bệnh tay chân miệng như thế nào?

Dấu hiệu nhận biết bệnh tay chân miệng ở trẻ

Triệu chứng dễ nhận biết nhất là sốt, xuất hiện các nốt phát ban ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, trong miệng và ở mông

Thời gian từ khi nhiễm vi-rút đến khi xuất hiện triệu chứng của bệnh tay chân miệng từ 3 – 6 ngày. Một số dấu hiệu ban đầu dễ dàng nhận biết gồm trẻ bị sốt nhẹ đến sốt cao từ 37,5-38 độ C, mệt mỏi, đau họng, tiết nước bọt nhiều, chán ăn. Sau 1 – 2 ngày sẽ xuất hiện các nốt phát ban dày đặc ở lòng bàn tay, lòng bàn chân và bên trong miệng.

– Tại lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông: Các nốt phát ban phỏng nước hình bầu dục nổi dày đặc, đường kính 2 – 10mm, màu xám. Các nốt này có thể mọc ẩn dưới da hoặc nổi nốt trên da, không gây đau ngứa.

– Bên trong miệng: Ở niêm mạc má, lợi và lưỡi xuất hiện các bóng nước đường kính 2 – 3mm, dễ vỡ tạo thành vết loét, gây đau đớn khi ăn.

Những ngày tiếp theo, trẻ có thể bị tiêu chảy, các nốt mụn mới nhiều hơn, các nốt cũ lở loét và phồng rộp. Khi bệnh trở nặng, trẻ có thể sốt cao kéo dài trên 39 độ, xuất hiện rối loạn tri giác, mê sảng và co giật. Lúc này, gia đình phải đưa trẻ nhập viện ngay lập tức, tránh biến chứng nghiêm trọng.

5. Giải đáp: Bệnh tay chân miệng có nguy hiểm không?

Bệnh tay chân miệng có nguy hiểm không còn phụ thuộc vào mức độ phát triển bệnh. Bệnh tay chân miệng tiến triển theo 4 cấp độ bệnh như sau:

– Cấp độ 1: Bệnh nhẹ, không nguy hiểm, có thể khỏi sau 7 – 10 ngày.

– Cấp độ 2: Bắt đầu có biến chứng thần kinh và tim mạch mức độ nhẹ. Trẻ bắt đầu có một số biểu hiện trong nhóm sau: sốt cao 39 độ liên tục, giật mình từ 2 lần/ 30 phút trở lên, nôn, khó ngủ, quấy khóc, ngủ gà, tim đập nhanh trên 150 nhịp/phút, rung người, ngồi không vững, đi loạng choạng, rung nhãn cầu, lác mắt.

– Cấp độ 3: Biến chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp nặng. Trẻ sẽ xuất hiện các triệu chứng gồm mạch nhanh trên 170 lần/ phút, mồ hôi lạnh toàn thân, tăng huyết áp, nhịp thở nhanh và bất thường, có thể ngưng thở, rối loạn tri giác.

– Cấp độ 4: Bệnh rất nặng, xuất hiện các triệu chứng sốc, biến chứng là không tránh khỏi. Trẻ có thể xuất hiện mạch và huyết áp bằng 0, ngưng thở, thở nấc từng nhịp khó khăn.

Trường hợp trẻ tử vong cũng có xảy ra, tập trung chủ yếu trẻ dưới 3 tuổi (chiếm 75% – 86% trong tổng số các trường hợp trẻ em tử vong), thường do vi-rút Enterovirus 71 gây ra.

6. Phương pháp điều trị bệnh tay chân miệng như thế nào?

Bệnh tay chân miệng do vi-rút gây ra nên chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Các biện pháp điều trị hiện nay đều nhằm giải quyết các triệu chứng và biến chứng của bệnh. Để phối hợp điều trị và đạt hiệu quả tốt nhất, bố mẹ cần kiểm soát chế độ ăn và chế độ sinh hoạt hàng ngày của bé theo lời khuyên của bác sĩ.

Nếu trẻ có biểu hiện sốt, các loại thuốc hạ sốt như Paracetamol được sử dụng để hạ nhiệt, giảm đau, phòng ngừa biến chứng hệ thần kinh. Đối với các nốt phát ban ngoài da, sử dụng nước muối 0.9% để khử trùng, làm sạch.

Các nốt nước trong miệng khiến bé đau và biếng ăn, ba mẹ nên sử dụng dung dịch glycerin borat lau sạch miệng bé trước và sau khi ăn. Việc này giúp giảm đau, sát khuẩn miệng hiệu quả. Bổ sung vitamin C hay kẽm cũng góp phần hạ sốt và giảm đau.

Đối với việc ăn uống, vết loét miệng gây đau khi nhai nuốt, nên cho bé ăn thức ăn loãng, mềm, nguội, dễ tiêu hóa. Nếu trẻ đau quá không ăn được, bố mẹ có thể cho bé uống sữa hay nước ép hoa quả thay thế.

7. Phòng tránh bệnh tay chân miệng thế nào hiệu quả?

Những khoảng giao mùa là thời gian dễ bùng phát dịch tay chân miệng nhất. Nhiệt độ ấm, không khí ẩm thuận lợi cho vi-rút sinh sôi, phát triển. Khi đến những khu tập trung đông người, khu đông dân cư như trường học, siêu thị, công sở… mọi người cần chú ý giữ gìn vệ sinh thật tốt, hạn chế chạm vào đồ vật, tránh chạm tay trực tiếp vào mắt – mũi – miệng.

Hiện tại chưa có vaccine phòng ngừa bệnh tay chân miệng. Việc phòng tránh bệnh phụ thuộc vào ý thức mỗi gia đình, mỗi người dân. Một số biện pháp phòng tránh hữu ích sau đây:

– Rửa sạch tay chân, mặt sau khi từ ngoài về nhà.

– Rửa tay trước khi chuẩn bị thức ăn, trước và sau khi dùng bữa.

– Rửa tay sau khi sử dụng nhà vệ sinh, chạm vào các đồ vật trong phòng tắm hay sau khi chạm vào đồ chơi của trẻ, thay tã cho trẻ, chạm vào các bọng nước của người bệnh.

– Thường xuyên khử khuẩn đồ dụng cụ học tập, đồ chơi của bé, các vật dụng khác trong gia đình.

– Hạn chế ôm hôn, dung chung khăn mặt, quần áo, đồ dùng cá nhân với người khác, kể cả với người thân, người nhà.

– Che miệng khi ho, hắt xì tại nơi đông người.

– Chú ý giữ gìn vệ sinh nơi ở, khu vực sống xung quanh và nơi công cộng.

Nếu bạn có thắc mắc bệnh tay chân miệng có nguy hiểm không? Câu trả lời là không nếu thuộc trường hợp bệnh nhẹ, khỏi sau 7 – 10 ngày; câu trả lời là có nếu bệnh tiến triển nặng, nguy cơ biến chứng cao. Do vậy, nếu nghi ngờ trẻ xuất hiện các triệu chứng bệnh tay chân miệng, bố mẹ cần đưa con đến các cơ sở y tế gần nhất đề chẩn đoán và điều trị kịp thời, giảm nguy cơ xảy ra biến chứng.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital