Giải đáp: bé bị tay chân miệng bao lâu thì khỏi

Tham vấn bác sĩ

Bé bị tay chân miệng bao lâu thì khỏi hiện là thắc mắc của không ít phụ huynh và độc giả. Thời gian điều trị khỏi bệnh tay chân miệng còn tùy thuộc vào mức độ bệnh và thể trạng của từng trẻ. Chi tiết hơn, mời phụ huynh và quý độc giả tìm hiểu trong bài viết bên dưới đây.

1. Bệnh tay chân miệng ở đối tượng trẻ em là gì?

Giải đáp: bé bị tay chân miệng bao lâu thì khỏi

Bệnh tay chân miệng ở trẻ rất dễ lây nhiễm

Bệnh tay chân miệng ở trẻ em là một bệnh lý truyền nhiễm cấp tính có khả năng lây trực tiếp từ người này sang người khác. Triệu chứng đặc trưng của bệnh là xuất hiện các nốt mụn nước ở khu vực miệng, lòng bàn tay, bàn chân, đầu gối và mông. Bệnh thường bùng phát vào các giai đoạn từ tháng 2 – 4 và từ tháng 9 – 12 hàng năm.

Nguyên nhân gây bệnh tay chân miệng ở đối tượng trẻ em là do sự xâm nhập của virus từ chủng đường ruột, thường gặp nhất là virus Coxsackie A16 (A16) và Enterovirus (EV71). Bên cạnh đó, còn có nhiều chủng virus khác cũng gây bệnh tay chân miệng ở trẻ em như: Coxsackie A4-A7, A9, A10, Coxsackie B1-B3, B5… Chính điều này khiến cho trẻ đã mắc tay chân miệng vẫn có nghi cơ bị tái lại.

Phần lớn trường hợp bệnh nhi mắc tay chân miệng do virus EV71 thường có diễn biến nhanh và nguy cơ biến chứng cao. Thống kê cho thấy hầu hết các trường hợp tử vong do bệnh tay chân miệng đều liên quan đến virus EV71, nhất là trẻ dưới 3 tuổi.

Bệnh tay chân miệng ở trẻ em lây truyền chủ yếu thông qua tiếp xúc trực tiếp với giọt bắn chứa virus khi người bệnh ho, hắt hơi, nói chuyện hoặc tiếp xúc với dịch tiết từ các bọng nước và chất nôn của người bệnh. Song một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, virus gây bệnh tay chân miệng có thể tồn tại trong môi trường bên ngoài. Chúng chỉ bị tiêu diệt ở nhiệt độ khoảng 56 độ C sau 30 phút. Ở nhiệt độ lạnh -40 độ C, virus có thể sống được đến 3 tuần. Vì vậy, trẻ vẫn có nguy cơ bị nhiễm bệnh khi tiếp xúc với đồ ăn, đồ uống hoặc các bề mặt và vật dụng nhiễm virus gây bệnh.

2. Bé bị tay chân miệng bao lâu thì khỏi?

Với thắc mắc bé bị bệnh tay chân miệng bao lâu thì khỏi, đáp án còn tùy thuộc vào cấp độ bệnh tay chân miệng mà trẻ mắc phải. Hiện nay, trẻ mắc tay chân miệng có thể tiến triển với 4 cấp độ khác nhau. Càng cấp độ cao thì gian điều trị càng kéo dài và tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến chứng nặng.

2.1. Cấp độ 1 bệnh tay chân miệng ở trẻ em

Trẻ bị tay chân miệng bao lâu thì khỏi-2

Ở cấp độ 1, bệnh nhi tay chân miệng xuất hiện các nốt bọng nước dễ gây nhầm lẫn với bệnh thủy đậu

Bệnh tay chân miệng cấp độ 1 là mức độ bệnh nhẹ nhất trẻ có thể gặp phải khi mắc bệnh. Các triệu chứng thường gặp gồm: cơ thể mệt mỏi, sốt nhẹ và xuất hiện bọng nước trên da.

Ở giai đoạn này, trẻ tay chân miệng xuất hiện các nốt bọng nước riêng lẻ, lộn xộn, rất dễ gây nhầm lẫn với bệnh thủy đậu. Tuy nhiên, nhìn chung chúng sẽ xuất hiện nhiều ở các khu vực quanh miệng, lòng bàn tay, bàn chân và đầu gối. Các bọng nước này có thể tự vỡ ra hoặc bị vỡ do trẻ cào, gây tổn thương da, xước da.

Hầu hết trẻ mắc tay chân miệng cấp độ 1 đều có thể chăm sóc và điều trị bệnh tại nhà. Bệnh có thể hết hoàn toàn sau 7 – 10 ngày điều trị.

2.2. Cấp độ 2 bệnh tay chân miệng ở trẻ em

Trẻ bị tay chân miệng bao lâu thì khỏi-3

Sốt cao là triệu chứng thường xuất hiện ở trẻ tay chân miệng cấp độ 2

Bệnh tay chân miệng cấp độ 2 thường được chia làm 2 loại: 2a và 2b. Mỗi loại sẽ có triệu chứng đặc thù khác nhau.

Trẻ mắc tay chân miệng độ 1, nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, có thể tiến triển thành tay chân miệng cấp độ 2a. Ở mức độ này, trẻ thường có các triệu chứng bao gồm mệt mỏi, mất ngủ, sốt cao kéo dài hơn 2 ngày, quấy khóc nhiều không rõ nguyên nhân, nôn mửa, và giật mình dưới 2 lần trong 30 phút.

Khi triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn, bệnh tay chân miệng ở trẻ có thể tiến triển thành cấp độ 2b. Ở cấp độ này, bệnh nhi được chia thành hai nhóm:

– Nhóm 1 thường có các biểu hiện như: sốt cao không giảm sau khi sử dụng thuốc hạ sốt, co giật dưới 2 lần trong 30 phút, mệt mỏi, khó ngủ, mạch tim nhanh (trên 150 lần/phút, đo khi trẻ nằm yên, không sốt).

– Nhóm 2 thường có các triệu chứng như run người, ngồi không vững, run chi, đi loạng choạng, liệt chi, rung giật nhãn cầu, lác mắt, liệt thần kinh sọ, khó nuốt, nuốt sặc, và thay đổi giọng nói.

Nếu điều trị đúng cách và tình hình bệnh nhi khả quan, trẻ có thể hồi phục sau khoảng 10 – 14 ngày. Ngược lại, trẻ có thể tiến triển thành cấp độ 3 hoặc 4, với các triệu chứng nghiêm trọng và có nguy cơ đối mặt với tình trạng nguy hiểm cho sức khỏe và tính mạng.

2.3. Cấp độ 3 bệnh tay chân miệng ở trẻ em

Bệnh tay chân miệng độ 3 ở trẻ đánh dấu mức độ bệnh nghiêm trọng, đòi hỏi sự can thiệp và điều trị tích cực tại bệnh viện để ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm và giảm thiểu các hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra với các bệnh nhi. Những triệu chứng thường gặp của bệnh tay chân miệng độ 3 bao gồm:

– Tăng tốc mạch tim, thường là trên 170 lần/phút (đo khi trẻ nằm yên, không sốt);

– Đổ mồ hôi nhiều, có dấu hiệu lạnh toàn thân hoặc lạnh ở một số khu vực cụ thể;

– Hô hấp bất thường, bao gồm hô hấp nhanh, cơn ngừng thở nhẹ, khò khè, thở rít trong thanh quản, và biểu hiện rút lõm ngực trong quá trình hô hấp;

– Tăng nhịp tim và áp huyết, rối loạn tri giác, tăng cường cơ lực.

2.4. Cấp độ 4 bệnh tay chân miệng ở trẻ em

Bệnh tay chân miệng cấp độ 4 là mức độ nặng nhất trẻ có thể gặp phải. Với cấp độ này, trẻ có nguy cơ biến chứng cao, thậm chí còn có thể tử vong nhanh do biến chứng khôn lường trẻ gặp phải. Các triệu chứng thường gặp ở bệnh tay chân miệng cấp độ 4 gồm: sốc, phù phổi cấp, thở dốc, thở yếu, cơ thể tím tái, ngưng thở, giảm nhịp tim.

Ở cấp độ 3 và 4, trẻ mắc tay chân miệng sẽ cần thời gian điều trị dài hơn, vài tuần hay thậm chí vài tháng. Điều này một phần cũng phụ thuộc vào thể trạng sức khỏe của trẻ.

Trẻ bị tay chân miệng bao lâu thì khỏi-4

Trẻ xuất hiện triệu chứng bất thường về sức khỏe nên được đi khám sớm, tại cơ sở y tế uy tín

Như vậy bài viết trên đây đã giải đáp chi tiết bé bị tay chân miệng bao lâu thì khỏi. Tốt nhất ngay khi trẻ xuất hiện triệu chứng bất thường, nghi mắc tay chân miệng, phụ huynh hãy cho bé đến ngay Thu Cúc TCI để được bác sĩ chẩn đoán bệnh, tư vấn phác đồ điều trị phù hợp, hiệu quả nhé.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital