Phế cầu khuẩn Streptococcus pneumoniae thường gây ra nhiều bệnh lý nhiễm trùng khác nhau, trong đó phổ biến là các bệnh nhiễm trùng, viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi và viêm tai giữa. Chuyên gia y tế khuyến cáo trẻ em nên thực hiện tiêm phòng vắc xin phế cầu từ sớm để đề phòng nguy cơ mắc bệnh. Vậy giá vắc xin phế cầu Synflorix là bao nhiêu? Tham khảo ngay tại đây.
Menu xem nhanh:
1. Tìm hiểu về bệnh gây ra bởi phế cầu khuẩn
1.1. Phế cầu khuẩn
Phế cầu khuẩn là vi khuẩn mang tên Streptococcus pneumoniae. Vi khuẩn cư trú chủ yếu ở mũi, họng, đường thở của người khỏe mạnh, thường không gây bệnh. Những đối tượng này gọi là người lành mang trùng. Phế cầu khuẩn có thể lây lan qua đường máu hoặc hô hấp như tiếp xúc với người mang trùng như hắt hơi, ho,… hoặc dùng chung đồ cá nhân.
Phế cầu khuẩn rất dễ gây bệnh ở những đối tượng nhạy cảm như:
– Trẻ nhỏ.
– Người cao tuổi.
– Người có hệ miễn dịch yếu.
– Người mắc bệnh liệt nửa người bẩm sinh, phẫu thuật cắt bỏ bộ phận cơ thể,… dễ nhiễm trùng.
1.2. 4 bệnh lý phổ biến gây ra bởi phế cầu khuẩn
Phế cầu khuẩn Streptococcus pneumoniae thường gây ra nhiều bệnh lý nhiễm trùng khác nhau, trong đó phổ biến là 4 bệnh dưới đây:
– Viêm phổi.
Phế cầu khuẩn là một trong những nguyên nhân chính gây ra bệnh viêm phổi ở trẻ em và người già, người có hệ miễn dịch yếu. Viêm phổi là bệnh lý nhiễm trùng tại phổi khiến các túi khí ở một hoặc hai bên phổi tổn thương gây viêm. Bệnh tiến triển nhanh chóng, dễ gây biến chứng nếu không được chẩn đoán và kịp thời điều trị.
– Viêm tai giữa.
Bệnh nhiễm trùng ở tai với nguyên nhân phổ biến là do bị ảnh hưởng bởi tình trạng nhiễm trùng tại đường hô hấp trên. Bệnh phổ biến ở trẻ với tỉ lệ lên đến 80%.
– Viêm màng não.
Viêm màng não do phế cầu khuẩn gây ra rất khó phát hiện bởi triệu chứng bệnh ban đầu là đau đầu, nôn ói, dễ nhầm lẫn với bệnh đường tiêu hóa. Nếu không được phát hiện và điều trị chính xác, bệnh có thể để lại di chứng thần kinh nặng nề.
– Nhiễm trùng huyết.
Bệnh xảy ra do sự xâm nhập liên tiếp của vi khuẩn và độc tố của nó vào máu người bệnh, gây ra phản ứng viêm khiến cơ thể phản ứng quá mức và gây tổn thương ở nhiều tạng. Khi trở nặng, người bệnh có thể bị sốc nhiễm trùng và tử vong nếu không được cấp cứu kịp.
Ngoài 4 bệnh lý phổ biến kể trên, phế cầu khuẩn còn gây ra nhiều bệnh khác như viêm kết mạc, viêm tủy xương, viêm xoang cấp tính, viêm mô tế bào,…
2. Tìm hiểu về vắc xin phế cầu Synflorix
Vắc xin Synflorix được nghiên cứu phát triển bởi tập đoàn dược chế phẩm sinh học Glaxosmithkline (GSK) – Bỉ giúp ngăn ngừa các bệnh gây ra bởi phế cầu như nhiễm trùng, viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi và viêm tai giữa.
2.1. Đối tượng và phác đồ tiêm Synflorix
Vắc xin Synflorix được chỉ định cho trẻ từ 6 tuần tuổi đến 5 tuổi. Số liều tiêm phụ thuộc vào lứa tuổi bắt đầu tiêm mũi đầu tiên. Cụ thể:
– Nếu bắt đầu tiêm khi trẻ đủ 6 tuần tuổi đến 6 tháng sẽ tiêm 4 mũi. Mũi 2 và 3 cách mũi đầu lần lượt 1 tháng, mũi 4 tiêm nhắc lại sau mũi 3 khoảng 6 tháng.
– Nếu bắt đầu tiêm khi trẻ từ 7 – 11 tháng tuổi sẽ tiêm 3 mũi. Mũi 2 cách mũi đầu 1 tháng và mũi 3 tiêm nhắc lại sau mũi 2 khoảng 6 tháng.
– Nếu bắt đầu tiêm khi trẻ 12 tháng đến dưới 24 tháng thì mũi 2 cách 2 tháng sau mũi 1
– Nếu bắt đầu tiêm khi trẻ hơn 24 tháng tuổi đến dưới 5 tuổi thì tiêm 2 mũi cách nhau ít nhất 2 tháng.
Nếu trẻ hơn 5 tuổi vẫn có nhu cầu tiêm phòng phế cầu khuẩn phải chuyển sang sử dụng vắc xin Prevenar 13 và tiêm 1 mũi duy nhất. Tuyệt đối không sử dụng Synflorix cho đối tượng trên 5 tuổi.
Liều dùng cho mỗi lần tiêm là 0.5ml với đường dùng là tiêm bắp.
2.2. Chống chỉ định và lưu ý khi tiêm Synflorix
Một số điểm cần chú ý gồm:
– Không tiêm Synflorix cho đối tượng quá mẫn với bất kỳ thành phần nào có trong vắc xin.
– Hoãn tiêm nếu đối tượng đang sốt hoặc nhiễm trùng cấp tính.
– Vắc xin Synflorix chỉ có tác dụng phòng ngừa với các vi khuẩn có tuýp huyết thanh được liệt kê trong bảng thành phần.
– Liệu trình sử dụng Synflorix thích hợp để chỉ định cho trẻ dưới 24 tháng tuổi.
– Đối tượng có nguy cơ cao nên tiến hành tiêm vắc xin từ sớm.
– Trước, trong và sau quá trình tiêm cần theo dõi sức khỏe trẻ cẩn thận để đề phòng các phản ứng phụ không mong muốn. Lưu ý đến nguy cơ ngừng thở cho các đối tượng sinh non hoặc trẻ có tiền sử chưa trưởng thành về hệ hô hấp.
– Không tiêm Synflorix theo đường tĩnh mạch hoặc dưới da.
– Cẩn trọng khi tiêm cho đối tượng bị giảm tiểu cầu hoặc rối loạn đông máu.
– Đối tượng đang bị suy giảm miễn dịch hoặc đang sử dụng thuốc ức chế miễn dịch có thể làm giảm mức độ đáp ứng kháng thể trong vắc xin.
– Tiêm vắc xin Synflorix không thể thay thế liệu trình tiêm chủng thường quy.
– Vắc xin Synflorix có thể thực hiện tiêm đồng thời nhưng phải vào các vị trí khác nhau với vắc xin bạch hầu, ho gà vô bào, bại liệt bất hoạt, viêm gan B, Hib, sởi, rubella, quai bị, thủy đậu, rota virus và não mô cầu.
2.3. Phản ứng phụ sau khi tiêm Synflorix
Một số phản ứng phụ phổ biến gồm sốt trên 38 độ, đau sưng đỏ hoặc chai cứng ở vị trí tiêm, chán ăn và uể oải. Những phản ứng tại chỗ thường gặp với tỉ lệ cao hơn ở trẻ trên 12 tháng tuổi. Ngoài ra các phản ứng này thường nặng hơn nếu thực hiện tiêm Synflorix cùng với vắc xin ho gà toàn tế bào.
Một số phản ứng nặng phụ huynh cần lưu tâm và theo dõi để kịp thời đưa trẻ đến bệnh viện gồm:
– Hiếm gặp: Sốt cao trên 39 độ.
– Rất hiếm gặp: Quấy khóc bất thường, ngừng thở ở trẻ sinh non, nôn mửa, tiêu chảy, u máu tại vị trí tiêm, sốt trên 40 độ.
– Cực kỳ hiếm gặp: Viêm da, chàm, co giật, nổi mề đay, phát ban, giảm trương lực.
3. Tham khảo giá vắc xin phế cầu Synflorix hiện nay
3.1. Những yếu tố ảnh hưởng đến giá vắc xin phế cầu Synflorix
Trên thực tế, cùng một loại vắc xin tại mỗi phòng tiêm chủng đều có mức chi phí chênh lệch dù ít hay nhiều. Theo đó, một số yếu tố cơ bản ảnh hưởng đến giá vắc xin có thể kể đến:
– Cơ sở vật chất tại phòng tiêm.
– Trình độ chuyên môn của bác sĩ thăm khám và tiêm chủng.
– Dịch vụ chăm sóc khách hàng trước và sau khi tiêm.
Do đó khi có nhu cầu, phụ huynh nên liên hệ trực tiếp phòng tiêm để được giải đáp thắc mắc một cách chi tiết nhất.
3.2. Giá vắc xin phế cầu Synflorix tại phòng tiêm chủng Thu Cúc TCI
Tham khảo giá vắc xin phế cầu tại phòng tiêm chủng Thu Cúc TCI như sau:
– Vắc xin Synflorix cho trẻ em của GSK/Bỉ có giá 1.100.000 vnđ cho một mũi.
Ngoài ra, phụ huynh có thể tham khảo thêm vắc xin Prevenar 13 với cùng công dụng. Prevenar 13 của Pfizer/Bỉ được chỉ định cho cả trẻ em và người lớn có giá 1.300.000 vnđ cho một mũi.
Hiện tại vắc xin đang có sẵn tại hệ thống, đảm bảo về nguồn gốc và chất lượng bảo quản vắc xin.
Trên đây là những thông tin về giá vắc xin phế cầu Synflorix và những thông tin liên quan. Phụ huynh hãy lưu ý những mức giá trên chỉ mang tính chất tham khảo, tùy thời điểm chi phí sẽ có sự chênh lệch. Do đó khi có nhu cầu tiêm chủng cho trẻ, phụ huynh hãy liên hệ đến Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI để được tư vấn.