Dương tính vi khuẩn HP được xác định bằng các phương pháp nào?

Tham vấn bác sĩ
Phó Giáo sư, Tiến sĩ

Vũ Văn Khiên

Phó giám đốc phụ trách Nội soi tiêu hóa

Tại Việt Nam, tỷ lệ người bệnh dương tính vi khuẩn HP được ước tính lên tới 70-75% tổng dân số. Để xác định có hay không việc bản thân có bị nhiễm HP mỗi người cần chủ động thăm khám và thực hiện phương pháp chẩn đoán phù hợp được bác sĩ chỉ định.

1. Không thể chủ quan với vi khuẩn HP

1.1. Vi khuẩn HP gây ra những vấn đề tiêu hóa gì?

Vi khuẩn HP là loại sinh vật đặc biệt có khả năng xâm nhập và phát triển tại lớp nhầy niêm mạc thành dạ dày. Trong quá trình hoạt động, vi khuẩn sẽ dần phá hủy lớp bảo vệ và bắt đầu gây ra các tổn thương tại đây.

Bên cạnh những triệu chứng khó chịu, rối loạn tiêu hóa do vi khuẩn HP gây ra thì loại vi khuẩn này còn được biết đến là nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh lý thường gặp ở dạ dày tá tràng. Theo thống kê được đưa ra, có tới 90 – 95% ca bệnh loét tá tràng và trên 70% ca bệnh loét dạ dày đều có tiểu sử nhiễm vi khuẩn HP. Đáng chú ý là có khoảng 90% ca ung thư dạ dày được phát hiện có liên quan đến nhiễm khuẩn HP dương tính.

Vi khuẩn HP gây ra vấn đề tiêu hóa gì?

Vi khuẩn HP là nguyên nhân hàng đầu gây đau dạ dày, viêm dạ dày, loét dạ dày, ung thư dạ dày.

1.2. Dấu hiệu nghi ngờ dương tính vi khuẩn HP

Khi vi khuẩn HP hoạt động mạnh sẽ bắt đầu gây bệnh và kèm theo các biểu hiện khá rõ ràng như:

– Đau bụng.

Đau thượng vị.

– Ợ hơi.

– Đầy hơi, chướng bụng.

– Buồn nôn và nôn.

– Sốt.

– Chán ăn, ăn không ngon.

– Giảm cân bất thường.

– Cảm giác khó nuốt khi ăn.

– Nôn ra máu.

– Đi đại tiện có lẫn máu.

– Chóng mặt, ngất xỉu.

– Mặt tái nhợt.

Khi nhận thấy các dấu hiệu nghi ngờ về nhiễm vi khuẩn HP nêu trên, bạn nên chủ động thăm khám chuyên khoa tiêu hóa để được chẩn đoán chính xác bệnh tình cũng như nhanh chóng tiến hành điều trị tiêu diệt HP từ sớm.

2. Phương pháp chẩn đoán dương tính vi khuẩn HP

2.1. Nội soi dạ dày

Nội soi được xem là phương pháp chẩn đoán tiêu chuẩn các bệnh lý về đường tiêu hóa trong đó có nhiễm khuẩn HP dương tính. Bác sĩ sẽ dùng một ống mềm nhỏ có đầu gắn camera đi qua ống thực quản tới dạ dày. Sau đó, sử dụng dụng cụ chuyên biệt để lấy ra mẫu bệnh phẩm đưa đi tiến hành sinh thiết nhằm xác định có hay không vi khuẩn HP ở dạ dày.

Việc chẩn đoán HP dương tính qua nội soi mang tới nhiều ưu điểm mà ở các phương pháp khác không thực hiện được. Nội soi cho kết quả chính xác, đồng thời giúp theo dõi và phát hiện các bệnh lý phát sinh có liên quan đến vi khuẩn HP. Từ đó, phục vụ việc điều trị bệnh một cách tốt nhất.

Nội soi dạ dày chẩn đoán dương tính vi khuẩn HP

Nội soi dạ dày là phương pháp tiêu chuẩn trong chẩn đoán HP dương tính.

2.2. Xét nghiệm máu

Xét nghiệm máu giúp tìm ra loại kháng thể kháng HP ở người bệnh nhằm kết luận về khả năng HP dương tính. Tuy nhiên, việc xét nghiệm máu tìm HP không phải phương pháp được ưu tiên thực hiện vì khả năng dương tính giả khá cao. Vì trong nhiều trường hợp vi khuẩn HP trong dạ dày đã bị tiêu diệt hết, người bệnh đã khỏi bệnh nhưng kháng thể kháng HP vẫn còn lưu lại trong máu nhiều tháng thậm chí có thể là nhiều năm.

Do vậy, xét nghiệm máu tìm vi khuẩn HP chỉ được lựa chọn khi cơ sở y tế không còn phương pháp xét nghiệm nào khác tối ưu hơn.

2.3. Test hơi thở tìm vi khuẩn HP

Test HP qua hơi thở là phương pháp chẩn đoán có độ chính xác cao, cho kết quả nhanh chóng, dễ thực hiện, không xâm lấn và an toàn cho hầu hết các đối tượng.

Người bệnh được uống 1 loại thuốc được chỉ định. Sau đó sẽ cầm trên tay một thiết bị ống thở chuyên dụng và thở vào. Hơi thở của người bệnh sẽ được kiểm tra, đánh giá và cho kết quả có hay không vi khuẩn HP chỉ sau 15-30 phút.

Test HP bằng hơi thở

Test HP qua hơi thở cho kết quả chính xác cao và trong thời gian nhanh chóng.

2.4. Phân tích mẫu phân phát hiện dương tính vi khuẩn HP

Vi khuẩn HP ở dạ dày sẽ được đào thải qua phân thông qua hoạt động tiêu hóa của cơ thể. Phân tích mẫu phân giúp phát hiện có hay không vi khuẩn HP bằng phản ứng miễn dịch huỳnh quang. Đây cũng là loại xét nghiệm có kết quả chính xác cao nên được ưu tiên sử dụng trong việc đánh giá nhiễm khuẩn HP gây bệnh loét dạ dày tá tràng.

Tuy nhiên, phương pháp chẩn đoán này còn gặp một số hạn chế như không cho kết quả tức thì, quy trình lấy mẫu phân gặp phải các vấn đề liên quan đến vệ sinh cùng yếu tố tế nhị cho cả người bệnh và kỹ thuật viên.

3. Điều trị HP dương tính đúng phác đồ

Điều trị vi khuẩn HP thường được thực hiện theo phác đồ thuốc chuyên biệt. Cụ thể, người bệnh cần tiến hành thăm khám, thực hiện các chỉ định cận lâm sàng cần thiết để bác sĩ đánh giá về tình trạng bệnh, khả năng dung nạp thuốc ở mỗi ca bệnh để lên nhóm thuốc kháng sinh tương thích.

Để tăng hiệu quả điều trị thành công, phác đồ diệt trừ vi khuẩn HP thường được kết hợp từ 2 loại kháng sinh trở lên theo đúng các phác đồ điều trị HP do Bộ Y tế ban hành sau đây:

– Phác đồ liệu pháp 3 thuốc

– Phác đồ liệu pháp 4 thuốc

– Phác đồ điều trị nối tiếp

– Phác đồ kết hợp liệu pháp 3 thuốc + kháng sinh Levofloxacin

Một lưu ý quan trọng đó là vi khuẩn HP có sức đề kháng với kháng sinh ngày một cao, vậy nên người bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt đúng phác đồ, đúng hướng dẫn của bác sĩ để tiêu diệt thành công vi khuẩn và ngăn ngừa việc tái nhiễm.

Bên cạnh việc dùng thuốc, điều trị dương tính vi khuẩn HP sẽ có kết quả tốt hơn khi người bệnh cùng lúc kết hợp chế độ ăn khoa học, điều chỉnh lối sống lành mạnh và chủ động tái khám kiểm tra theo đúng hẹn với bác sĩ.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital