Đừng lơ là với căn bệnh sa sút trí tuệ ở người trẻ

Tham vấn bác sĩ
Tiến sĩ, Bác sĩ

Nguyễn Văn Doanh

Trưởng khoa Khám bệnh

Sa sút trí tuệ trước giờ vẫn được coi là bệnh của người già. Trên thế giới cứ 3 giây lại có 1 người mắc sa sút trí tuệ. Khoảng 60-80% người bị sa sút trí tuệ mắc bệnh Alzhimer – một trong những căn bệnh thần kinh nguy hiểm, không thể chữa khỏi và có thể dẫn đến tử vong. Tuy nhiên, không phải sa sút trí tuệ chỉ xảy ra ở người cao tuổi, mà ngay cả những người còn khá trẻ (từ 30 tuổi trở lên) cũng có thể mắc bệnh. Tỷ lệ mắc bệnh sa sút trí tuệ ở người trẻ ngày càng tăng, vậy nguyên nhân nào lại khiến giới trẻ bị sa sút trí tuệ, biểu hiện cũng như cách hạn chế tình trạng này là gì? Mời bạn cùng tham khảo bài viết sau đây.

1. Bạn hiểu gì về sa sút trí tuệ?

Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, sa sút trí tuệ là một hội chứng có tính chất mạn tính hoặc tiến triển tự nhiên. Trong đó có sự suy giảm chức năng nhận thức (khả năng tư duy) không được như kỳ vọng mà người bình thường ở cùng độ tuổi có thể làm được. Hội chứng này gây ảnh hưởng đến trí nhớ, suy nghĩ, định hướng, năng lực học tập, ngôn ngữ, khả năng hiểu, tính toán và phán đoán nhưng ý thức không bị ảnh hưởng.

Mặc dù tuổi tác là yếu tố nguy cơ cao nhất đối với căn bệnh sa sút trí tuệ, nhưng đó không phải là hậu quả tất yếu của chứng lão hóa. Với vòng quay của cuộc sống hiện đại, sa sút trí tuệ giờ đây không còn là căn bệnh của riêng người già mà hiện nay rất nhiều bạn trẻ cũng đang mắc phải. Hầu hết các bệnh nhân đều không phát hiện ra vì những dấu hiệu sớm của căn bệnh này thường là các vấn đề liên quan đến trí nhớ, các biểu hiện thường không rõ ràng.

Bệnh sa sút trí tuệ không còn hiếm gặp đối với những người trẻ.

Bệnh sa sút trí tuệ không còn hiếm gặp đối với những người trẻ.

2. Những điều cần biết về căn bệnh sa sút trí tuệ của người trẻ

2.1. Nguyên nhân gây sa sút trí tuệ ở người trẻ

– Có rất nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng sa sút trí tuệ ở đối tượng người trẻ. Nó có thế được gây ra bởi các bệnh như nhiễm trùng, rối loạn miễn dịch, các bất thường nội tiết, thiếu oxy, thiếu dinh dưỡng, các bệnh lý tim phổi,… Hoặc đây cũng là kết quả của một số bệnh liên quan đến chứng mất trí nhớ.

– Sa sút trí tuệ có thể xảy ra do căng thẳng, mệt mỏi, áp lực công việc, cuộc sống. Điều này khiến các tế bào thần kinh bị thoái hóa gây ảnh hưởng tới khả năng ghi nhớ, suy nghĩ, lý luận, thậm chí là teo não.

– Uống rượu và sử dụng chất kích thích quá nhiều cũng là một nguyên nhân không thể bỏ qua. Việc làm này ảnh hưởng đến các tế bào thần kinh dễ gây sa sút trí tuệ.

– Bên cạnh đó, sa sút trí tuệ cũng có thể được gây ra do một phản ứng thuốc hoặc nhiễm trùng đảo ngược trong quá trình điều trị bệnh.

2.2. Biểu hiện của bệnh sa sút trí tuệ ở người trẻ

– Gặp phải các vấn đề về trí nhớ

Bình thường khi bị sa sút trí tuệ thì trí nhớ của người bệnh sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên. Ban đầu, nó sẽ gây ảnh hưởng đến trí nhớ ngắn hạn. Người bệnh sẽ quên mất công việc cần làm, hoặc đồ vật để ở đâu sẽ không nhớ. Nếu tình trạng sa sút trí tuệ nặng hơn sẽ khiến người bệnh quên hết các sự kiện gần đây, dẫn tới họ chỉ sống trong quá khứ. Hoặc trầm trọng hơn nữa, người bệnh có thể quên luôn các sự kiện xảy ra xa hơn.

– Xuất hiện các thay đổi về tâm trạng hoặc hành vi

Sa sút trí tuệ khiến người trẻ thay đổi tính cách, họ sẽ trở lên cáu kỉnh, khó tính hơn. Họ có thể mất kiềm chế, nói những câu vô nghĩa, cười một cách vô duyên, hoặc làm những việc chống đối, không phù hợp. Người bệnh có thể quên và dùng sai từ kể cả các từ đơn giản mà không biết, lời nói chậm chạp, lặp lại, khó hiểu.

Một số trường hợp sa sút trí tuệ còn dẫn đến hành vi tình dục không đúng đắn, người bệnh không kiềm chế được ham muốn và có thể gây rủi ro cho họ cùng người xung quanh. Khi mắc bệnh người bệnh không còn quan tâm đến việc chăm sóc bản thân và bất kỳ sự thay đổi nào của thế giới bên ngoài.

Triệu chứng của bệnh sa sút trí tuệ ở người trẻ

Sa sút trí tuệ khiến người trẻ thay đổi tính cách, họ dần trở lên cáu kỉnh, khó tính hơn.

– Gặp khó khăn trong việc tiếp thu các thông tin, ý tưởng, kỹ năng mới

Người mắc bệnh sa sút trí tuệ sẽ gặp nhiều khó khăn khi phải học hỏi những điều mới. Ngoài ra một số bệnh nhân bị sa sút trí tuệ còn mắc phải chứng hoang tưởng, ám ảnh hành vi, giấc ngủ rối loạn, trầm cảm, chán ăn, bịa đặt các câu chuyện không bao giờ xảy ra, sút cân …

Nếu sa sút trí tuệ trầm trọng hơn sẽ có thể khiến người bệnh gặp các triệu chứng: mất trí nhớ ngắn hạn hoặc mất luôn trí nhớ dài hạn, khó nuốt, đi lại khó khăn. Đôi khi người bị sa sút trí tuệ sẽ không ý thức được rằng họ đang mắc phải các triệu chứng này.

– Dễ bối rối và gặp khó khăn khi làm những nhiệm vụ đơn giản

Người mắc bệnh sa sút trí tuệ khó có thể làm được những công việc đơn giản hàng ngày như: thay quần áo, đánh răng,…hoặc có thể đang bắt đầu một làm một việc gì đó nhưng lơ đãng rồi quên những gì đang phải làm.

Người bệnh cũng hay trở lên bối rối khi hoạt động trong một môi trường mới hoặc tiếp xúc với những con người mới. Họ có thể không định vị được thời gian và không gian, không biết đang là buổi sáng hay buổi chiều…

Bệnh sa sút trí tuệ gây ảnh hưởng lớn tới đời sống sinh hoạt của những người trẻ.

Bệnh sa sút trí tuệ gây ảnh hưởng lớn tới đời sống sinh hoạt của những người trẻ.

3. Làm gì để hạn chế mắc phải căn bệnh sa sút trí tuệ ở người trẻ?

Ở người trẻ, hội chứng sa sút trí tuệ sẽ ảnh hưởng lớn đến cuộc sống hàng ngày. Dưới đây là những bước giúp bạn có thể thực hiện nhằm hạn chế mắc bệnh hoặc làm giảm sự tiến triển của hội chứng này:

3.1. Các biện pháp cải thiện khả năng hoạt động của não

Các hoạt động kích thích não hoạt động như việc đọc, giải câu đố, chơi trò chơi chữ và rèn luyện trí nhớ có thể giúp trì hoãn sự xuất hiện của chứng sa sút trí tuệ và giảm tác động xấu của nó đến cơ thể.

3.2 Duy trì các thói quen tốt

– Hãy chú ý hoạt động thể chất và xã hội thường xuyên. Việc làm này có thể giúp trì hoãn sự khởi phát của chứng sa sút trí tuệ và giảm các triệu chứng của hội chứng này. Hãy di chuyển nhiều hơn và tập thể dục khoảng 150 phút/tuần.

– Từ bỏ việc hút thuốc lá. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, hút thuốc lá có thể làm tăng nguy cơ mắc hội chứng sa sút trí tuệ và các bệnh về mạch máu. Do đó, việc bỏ hút thuốc lá có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh và sẽ cải thiện sức khỏe của bạn.

– Bổ sung đầy đủ vitamin cần thiết cho trí não và cơ thể. Theo nghiên cứu, những người có lượng vitamin D trong máu thấp sẽ có nhiều khả năng mắc bệnh sa sút trí tuệ hơn. Bạn có thể nhận vitamin D thông qua một số loại thực phẩm,hoặc phơi nắng.

– Cân bằng chế độ ăn uống một cách khoa học và lành mạnh. Hãy bổ sung các loại trái cây, rau, ngũ cốc và axit béo omega-3. Bên cạnh đó, hãy thử ăn cá béo như cá hồi và một số các loại hạt, đặc biệt là hạnh nhân và quả óc chó…

– Đảm bảo chất lượng giấc ngủ. Thực hành vệ sinh giấc ngủ tốt và trao đổi với bác sĩ nếu bạn ngáy to hoặc có những khoảng thời gian ngừng thở/thở hổn hển khiến bạn phải thức giấc khi ngủ.

3.2 Điều trị dứt điểm các bệnh lý nguy cơ

Hãy chú ý điều trị ngay các bệnh liên quan đến mất thính lực, trầm cảm hoặc chứng lo âu.

Hãy đến gặp bác sĩ ngay nếu bạn có biểu hiện của bệnh sa sút trí tuệ.

Hãy đến gặp bác sĩ ngay nếu bạn có biểu hiện của bệnh sa sút trí tuệ.

Có thể thấy, sa sút trí tuệ ở người trẻ là một căn bệnh gây rất nhiều ảnh hưởng cho những người mắc phải. Hãy đi thăm khám ngay nếu bạn hoặc người thân có vấn đề về trí nhớ hoặc các triệu chứng sa sút trí tuệ. Nhờ đó, bác sĩ sẽ giúp bạn xác định nguyên nhân và có hướng xử lý phù hợp với tình hình sức khỏe.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital