Dự phòng đột quỵ do xơ vữa động mạch lớn

Tham vấn bác sĩ
Tiến sĩ, Bác sĩ CKI

Trịnh Thị Khanh

Bác sĩ Nội Khoa

Hẹp xơ vữa động mạch nội sọ là một trong những nguyên nhân chính gây đột quỵ trên toàn thế giới hiện nay, chiếm từ 10-50% các ca đột quỵ. Cùng tìm hiểu biện pháp dự phòng đột quỵ do xơ vữa động mạch và một số biện pháp dự phòng chung trong bài viết dưới đây.

1. Dự phòng đột quỵ do xơ vữa động mạch

1.1 Dự phòng đột quỵ bằng thuốc chống huyết khối

Các thuốc chống tập kết tiểu cầu, thuốc chống đông máu mới được sử dụng để phòng ngừa đột quỵ đặc biệt ở những bệnh nhân bị rối loạn nhịp tim (rung nhĩ).

Ngoài ra, các chuyên gia có thể dùng thuốc chống huyết khối kết hợp để giảm thuyên tắc ở bệnh nhân hẹp xơ vữa động mạch cảnh hoặc có triệu chứng não. Kết quả thử nghiệm

1.2 Kiểm soát tốt chỉ số huyết áp, điều chỉnh Lipid máu

Người có chỉ số huyết áp cao (bệnh nhân cao huyết áp) có nguy cơ đột quỵ cao hơn người có huyết áp ổn định. Đặc biệt, nếu huyết áp cao đi kèm với mỡ máu cao thì nguy cơ đột quỵ sẽ càng tăng cao. Người bệnh huyết áp cao cần kiểm soát thật tốt chỉ số huyết áp, duy trì huyết áp mục tiêu <140/90 mmHg giúp giảm nguy cơ đột quỵ và các biến cố mạch máu, kể cả hẹp nặng tuần hoàn sau.

Người có chỉ số mỡ máu cao, rối loạn lipid máu cần tuân thủ điều trị theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ và thay đổi lối sống để hạ lipid máu (giảm LDL-cholesterol xuống mức thấp), phòng ngừa đột quỵ.

1.3 Hoạt động thể chất để dự phòng đột quỵ

Việc hoạt động thể chất thường xuyên vừa duy trì cân nặng hợp lý, giảm stress, tăng cường tuần hoàn máu,… còn vừa giúp giảm tỷ lệ đột quỵ.

Một bệnh nhân dư cân béo phì có nguy cơ bị xơ vữa động mạch, nếu không hoạt động thể chất thường xuyên rất dễ hình thành cục máu đông trong thành mạch gây tắc nghẽn mạch máu não. Theo một nghiên cứu cho thấy rằng, người không hoạt động thể chất vừa phải ít nhất 3-5 lần mỗi tuần làm tăng nguy cơ đột quỵ tái phát và rủi ro mạch máu cao hơn.

Các bác sĩ khuyến cáo bạn nên hoạt động thể chất mỗi ngày với những bài tập phù hợp với sức khỏe và độ tuổi, để giảm nguy cơ đột quỵ tái phát và các biến cố liên quan đến mạch máu.

1.4 Bỏ hút thuốc

Thuốc lá hay thuốc lào đều có hại, nhất là đối với những người đang bị xơ vữa động mạch. Việc tiêu thụ thuốc lá hay thuốc lào có thể khiến tình trạng xơ vữa ngày càng nặng hơn, tăng nguy cơ hình thành cục máu đông gây đột quỵ chảy máu não hoặc thiếu máu não.

Các chuyên gia khuyến cáo, nên tránh hút thuốc với những người chưa hút và ngưng hút thuốc với người đang hút, ngoài ra bạn cũng nên tránh xa những môi trường có khói thuốc.

dự phòng đột quỵ

Tập thể dục thể thao mỗi ngày giúp giảm nguy cơ thừa cân, béo phì, ngăn ngừa các bệnh lý tim mạch và tránh xa đột quỵ.

2. Thêm một số biện pháp dự phòng đột quỵ khác

2.1 Kiểm soát đái tháo đường hiệu quả

Hãy cố gắng chăm sóc sức khỏe thật tốt đừng để bị bệnh tiểu đường. Nếu bị bệnh tiểu đường thì cần tuân thủ điều trị để kiểm soát lượng đường huyết ổn định, vì đường huyết cao là nguyên nhân kéo theo rất nhiều vấn đề trong đó có nguy cơ đông máu gây đột quỵ.

Ngoài dự phòng đột quỵ thì việc kiểm soát tốt đường huyết sẽ giúp bạn giảm nguy cơ đối diện với các biến chứng như suy gan, suy thận, biến chứng tim mạch, biến chứng thần kinh, mù lòa,…

2.2 Duy trì nhịp tim ổn định

Đối với bệnh nhân bị rối loạn nhịp tim (rung nhĩ) có nguy cơ đột quỵ cao gấp 5 lần người bình thường, do bệnh lý này dễ hình thành cục máu đông gây đột quỵ não.

Người bị rung nhĩ cần tuân thủ điều trị của bác sĩ chuyên khoa tim mạch. Bác sĩ sẽ cân nhắc điều trị chống tiểu cầu aspirin cho bệnh nhân rung nhĩ nguy cơ thấp và một số trường hợp rung nhĩ nguy cơ trung bình. Đối với bệnh nhân rung nhĩ nguy cơ cao không dùng thuốc kháng đông.

dự phòng đột quỵ nhờ kiểm soát tốt chỉ số huyết áp

Kiểm soát tốt chỉ số huyết áp, nhịp tim, chỉ số đường huyết, chỉ số mỡ máu,… là biện pháp giúp ngăn ngừa đột quỵ bạn nên áp dụng càng sớm càng tốt.

2.3 Điều trị tốt các bệnh lý tim mạch khác

Các bệnh lý tim mạch khác bao gồm bệnh van tim, đau thắt ngực không ổn định, nhồi máu cơ tim,… làm tăng nguy cơ đột quỵ lên gấp nhiều lần. Người mắc các bệnh lý này cần được điều trị kịp thời và hiệu quả, theo dõi sức khỏe thường xuyên để dự phòng đột quỵ có thể xảy ra.

2.4 Hẹp động mạch cảnh

Bệnh nhân hẹp động mạch cảnh không triệu chứng tầm soát và điều trị các yếu tố nguy cơ đột quỵ khác, điều trị thuốc và thay đổi lối sống thích hợp. Chọn lựa tái thông (đặt stent) tuỳ thuộc vào đánh giá bệnh kết hợp, triển vọng cuộc sống cũng như các yếu tố bản thân khác và bàn bạc kỹ lưỡng nguy cơ, cũng như lợi ích của thủ thuật với người bệnh và gia đình bệnh nhân.

2.5 Bệnh hồng cầu hình liềm

Cần tầm soát, phát hiện sớm để điều trị (truyền máu) hiệu quả. Có thể tầm soát bằng siêu âm xuyên sọ, xét nghiệm máu, xét nghiệm gen.

2.6 Chế độ ăn và dinh dưỡng

Theo khuyến cáo của các chuyên gia, một chế độ ăn uống đủ chất đặc biệt là ăn nhiều trái cây và rau quả sẽ giúp phòng ngừa đột quỵ và nhiều bệnh lý khác. Một chế độ ăn uống hợp lý cũng sẽ giúp hỗ trợ quá trình điều trị bệnh đạt hiệu quả tốt hơn.

Các chuyên gia đặc biệt nhấn mạnh với những người bị tăng huyết áp, nên giảm tiêu thụ muối trong bữa ăn. Người dư cân, béo phì, mỡ máu cao cần hạn chế các loại đồ ăn nhiều dầu mỡ, nội tạng động vật, nước uống có gas, có cồn như bia, rượu,… Còn người mắc bệnh tiểu đường cần cắt giảm lượng đường trong bữa ăn để duy trì lượng đường huyết ổn định.

dự phòng đột quỵ từ thói quen ăn uống hàng ngày

Tiêu thụ nhiều đồ ăn nhanh, đồ ăn nhiều dầu mỡ sẽ góp phần làm tăng nguy cơ đột quỵ.

3. Dự phòng đột quỵ não tái phát

Dự phòng cấp 2 đối với người bị đột quỵ não là điều vô cùng quan trọng, bởi đột quỵ rồi vẫn có thể bị lại và tỷ lệ tử vong ở những lần đột quỵ tiếp theo sẽ cao hơn rất nhiều so với đột quỵ lần đầu.

Cần kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được như: tăng huyết áp, đái tháo đường, rung nhĩ và bệnh lý tim mạch, rối loạn chuyển hóa lipid máu, hẹp động mạch cảnh không triệu chứng, giảm vận động, thừa cân béo phì.

Ngoài ra, các yếu tố nguy cơ có bằng chứng không rõ ràng như: hội chứng chuyển hóa, nghiện rượu, lạm dụng thuốc, rối loạn nhịp thở khi ngủ, đau đầu migraine, tình trạng tăng đông,… cũng nên hạn chế và kiểm soát thật tốt.

Bên cạnh đó, có một số yếu tố nguy cơ mà bạn không thể thay đổi được như: độ tuổi, giới tính, chủng tộc, tiền sử gia đình.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital