Điều trị trĩ nội sớm để ngăn ngừa biến chứng sau này

Tham vấn bác sĩ
Phó Giáo sư, Tiến sĩ

Vũ Văn Khiên

Phó giám đốc phụ trách Nội soi tiêu hóa

Điều trị trĩ nội được khuyến cáo nên được thực hiện càng sớm càng tốt, để lâu bệnh thêm nặng cùng nguy cơ xuất hiện biến chứng và gây ra nhiều phiền phức cho người bệnh. Bài viết sau sẽ giúp bạn dừng ngay suy nghĩ trì hoãn và chủ động điều trị trĩ. Đây là bệnh lý vùng hậu môn trực tràng phổ biến nhất.

1. Sẽ ra sao khi để trĩ nội trở nặng?

Khẳng định đầu tiên: Bệnh trĩ nội không thể tự khỏi, búi trĩ không tự triệt tiêu nên việc điều trị trĩ là bắt buộc cần được thực hiện.

Khẳng định thứ 2: Búi trĩ nội không “đứng im” một chỗ, bệnh sẽ diễn biến nặng dần theo 4 cấp độ, các triệu chứng nghiêm trọng dần cùng nguy cơ xuất hiện biến chứng.

1.1. 4 cấp độ tiến triển của trĩ nội

– Trĩ độ 1: Có triệu chứng đi ngoài ra máu dù không có cảm giác đau đớn hay khó chịu gì, búi trĩ còn nằm trong thành trực tràng, chưa sa ra ngoài hậu môn.

– Trĩ độ 2: Búi trĩ bắt đầu sa ra ngoài mỗi khi đại tiện nhưng có thể tự co lên. Bắt đầu có cảm giác ngứa ngắn, khó chịu vùng hậu môn.

– Trĩ độ 3: Búi trĩ to dần và sa ra ngoài nhiều hơn khi đại tiện, phải dùng tay đẩy lên chứ không tự co lên. Triệu chứng đau rát, ngứa ngáy và xuất huyết ngày một nghiêm trọng.

– Trĩ độ 4: Búi trĩ sa hẳn ra ngoài mất kiểm soát, dùng tay đẩy cùng không lên. Búi trĩ sưng đau, chảy máu, ra mủ cùng mùi hôi khó chịu, nguy cơ viêm nhiễm nặng, gây ảnh hưởng tới mọi hoạt động của người bệnh.

4 cấp độ của bệnh trĩ nội

Trĩ nội được diễn biến theo 4 cấp độ nặng dần của bệnh.

1.2. Biến chứng bệnh trĩ nội

Bệnh trĩ nội không gây ra những biến chứng nguy hiểm đe dọa tính mạng người bệnh, song tuyệt đối không thể chủ quan. Những biến chứng thường gặp của bệnh như sau:

– Thiếu máu do mất máu qua búi trĩ: Trĩ nội gây ra tình trạng chảy máu cấp tính hoặc mạn tính. Người bệnh khi thiếu máu sẽ thường xuyên mệt mỏi, chán ăn, suy giảm trí nhớ, làm việc thiếu tập trung,..

– Nghẹt búi trĩ: Búi trĩ sa ra ngoài và bị mắc kẹt làm cho mạch máu máu đi tới búi trĩ bị tắc, gây ra nhiều đau đớn cho người bệnh. Khi dùng tay ấn nhẹ vào sẽ cảm giác cộm cộm do có cục máu đông bao bên ngoài.

– Tắc mạch: Khi mạch máu bị giãn phồng và ứ máu do chịu áp lực lâu ngày như thường xuyên rặn, bưng vác nặng, trải qua giai đoạn thai kỳ, chơi thể thao cường độ mạnh,… sẽ tạo điều kiện thuận lợi hình thành cục máu đông gây ra tắc mạch. Tắc mạch trĩ nội thì có cảm giác đau và lấn cấn trong sâu (triệu chứng thường sẽ không rầm rộ như ở trĩ ngoại).

– Viêm nhiễm khuẩn vùng da quanh hậu môn: Khi búi trĩ chảy máu, ra mủ là cơ hội cho vi khuẩn xâm nhập và phát triển gây lở loét kèm theo các triệu chứng ngứa ngáy, nóng rát.

2. Lợi ích của điều trị trĩ nội sớm

Việc điều trị bệnh trĩ nội ở những giai đoạn đầu của bệnh (trĩ độ 1, độ 2) sẽ có nhiều lợi thế hơn, búi trĩ lúc này mới hình thành và chưa gây ra nhiều đau đớn hay khó chịu gì cho người bệnh nên hầu như không gặp phải nhiều cản trở trong suốt quá trình thực hiện điều trị, cụ thể như sau:

– Hiệu quả điều trị tốt, tỷ lệ khỏi bệnh cao.

– Hạn chế đau đớn và nguy cơ biến chứng.

– Tỷ lệ tái phát thấp.

– Tiết kiệm thời gian và tiền bạc

Tuy nhiên, hầu hết các ca bệnh đều không được điều trị sớm, lúc đến thăm khám với bác sĩ, bệnh đã ở độ 3, độ 4. Người bệnh trĩ do tâm lý chủ quan, “nước đến chân mới nhảy”, cắn răng chịu đựng cơn đau trĩ hành hạ, chỉ khi không chịu nổi nữa mới nghĩ tới việc điều trị. Lúc này trĩ đã trở nặng và chỉ có phẫu thuật cắt bỏ búi trĩ mới hết.

Vì thế, người bệnh nên chủ động thăm khám sớm khi nhận thấy những dấu hiệu đầu tiên của trĩ để bác sĩ đánh giá chính xác tình trạng bệnh và chỉ định phương pháp điều trị phù hợp.

Nên điều trị trĩ nội sớm

Điều trị bệnh trĩ nội nên được tiến hành càng sớm càng tốt, cho hiệu quả tốt, tỷ lệ khỏi bệnh cao.

3. Phương pháp điều trị bệnh trĩ nội phổ biến

Như đã nói ở trên, chỉ định điều trị trĩ nội được quyết định sau khi người bệnh đã thăm khám chi tiết, xác định cấp độ bệnh, mức độ triệu chứng. Thông thường bác sĩ sẽ chỉ định 2 phương án như sau:

– Điều trị trĩ nội độ 1, độ 2: Điều trị nội khoa bằng thuốc kết hợp chế độ ăn uống và điều chỉnh thói quen sinh hoạt đúng cách.

– Điều trị trĩ nội độ 3, độ 4: Phẫu thuật loại bỏ búi trĩ.

Phương pháp điều trị trĩ nội

Bệnh trĩ nội có thể được chữa khỏi nếu áp dụng đúng phương pháp và tuân thủ chỉ định điều trị từ bác sĩ.

3.1. Điều trị trĩ nội độ 1, độ 2

Điều trị bằng thuốc cho kết quả tốt với các trường hợp trĩ độ 1, độ 2. Thuốc sẽ có tác dụng giúp tăng cường thành mạch, giảm đau, chống sưng, chống viêm hiệu quả (thuốc uống) và giải quyết các triệu chứng như ngứa rát, khó chịu (thuốc bôi ngoài da).

Lưu ý, những thông tin về thuốc điều trị trên đây chỉ mang tính chất để tham khảo, người bệnh tuyệt đối không tự ý mua thuốc mà chỉ được thực hiện điều trị khi có chỉ định từ bác sĩ sau khi đã thực hiện thăm khám chi tiết.

Bên cạnh đó, người bệnh trĩ nội cũng cần kết hợp thực hiện chế độ ăn uống và điều chỉnh thói quen sinh hoạt đúng cách. Việc này sẽ được bác sĩ hoặc điều dưỡng viên hướng dẫn chi tiết cùng với chỉ định dùng thuốc, người bệnh cần tuân thủ và duy trì thực hiện để đảm bảo hiệu quả điều trị.

3.2. Điều trị trĩ nội độ 3, độ 4

Với trĩ độ 3, độ 4 hoặc một số trường hợp trĩ độ 2 không đáp ứng yêu cầu điều trị nội khoa thì bắt buộc thực hiện phẫu thuật cắt trĩ mới hết.

Hiện nay, các phương pháp mổ trĩ ít xâm lấn, ít đau, cho hiệu quả điều trị tốt trở thành lựa chọn tối ưu cho người bệnh trĩ sợ mổ, sợ đau. Tiêu biểu có thể kể tới là phương pháp mổ trĩ Longo.

 Ưu điểm của phẫu thuật Longo

– Áp dụng cho nhiều loại trĩ và nhiều đối tượng. Mổ trĩ Longo có thể áp dụng cho cả những người bệnh bị huyết áp, tiểu đường, nhiễm trùng…vv

– Giải pháp an toàn, triệt tiêu hoàn toàn búi trĩ.

– Không gây nhiều đau đớn cả trong và sau mổ vì các thao tác được thực hiện trên đường lược – nơi có ít các cơ quan thụ cảm.

– Hạn chế biến chứng.

– Ngăn ngừa nguy cơ tái trĩ.

– Thực hiện mổ trĩ chỉ khoảng 30 phút, rút ngắn thời gian nằm viện, có thể về nhà sau 24-48h.

– Người bệnh hồi phục nhanh chóng, sớm trở lại sinh hoạt bình thường (khi được chăm sóc đúng cách, người bệnh có thể hồi phục sau 7-10 ngày thay vì 4-5 tuần như khi mổ mở truyền thống).

Điều trị trĩ nội không thể trì hoãn, tiến hành càng sớm sẽ càng tốt. Người bệnh nên chủ động thăm khám tại các cơ sở y tế uy tín để được điều trị đúng cách. Điều trị trĩ là một quá trình kiên trì, bệnh nhân nên thực hiện đúng theo chỉ định từ bác sĩ để có hiệu quả tốt nhất, sớm khỏi bệnh và trở lại sinh hoạt, làm việc bình thường.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital