Điều trị thủy đậu ở trẻ em như nào để nhanh hồi phục?

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Mai Hoa

Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI

Thủy đậu được cho là bệnh mà ai cũng sẽ bị ít nhất một lần trong đời. Theo thống kê, phần lớn bệnh thủy đậu thường mắc ở đối tượng trẻ nhỏ do sức đề kháng yêu. Mặc dù là bệnh lành tính song việc điều trị thủy đậu ở trẻ em không đúng cách sẽ gây nên biến chứng khôn lường.

1. Sơ lược về bệnh thủy đậu

Thủy đậu là một trong những bệnh truyền nhiễm phổ biến vào mùa xuân. Bệnh do do virus Varicella Zoster – VZV gây ra và lây lan qua đường hô hấp. Khi người bị thủy đậu ho, hắt hơi,… virus gây bệnh sẽ được phát tán ra bên ngoài theo nước bọt, chất nhầy và tan trong không khí. Người bình thường hít phải không khí mang virus sẽ bị lây nhiễm thủy đậu.

Khi mắc thủy đậu, người bệnh sẽ ủ bệnh trong vòng từ 2 đến 3 tuần và không có triệu chứng nào biểu hiện ra bên ngoài. Giai đoạn ủ bệnh này rất khó phát hiện bệnh.

Quá trình phát triển và thoái triển của mụn thủy đậu

Quá trình phát triển và thoái triển của mụn thủy đậu

Bước sang giai đoạn khởi phát, hầu hết trẻ đều có các dấu hiệu sốt, nhức đầu và đau mỏi chân tay. Tuy nhiên một số ít trẻ em cũng không có triệu chứng cho đến giai đoạn phát bệnh.

Khi đến giai đoạn phát bệnh, trên cơ thể trẻ xuất hiện nhiều nốt mụn tròn, nhỏ. Vị trí nổi mụn đầu tiên thường thấy là ở lưng, bụng, chân tay. Trong vòng 24 giờ, các mụn này nhanh chóng lan ra toàn cơ thể kèm theo cảm giác ngứa ngáy, khó chịu. Phần lớn khi xuất hiện những nốt mụn đầu tiên, trẻ thường có phản xạ gãi do cảm giác ngứa ngáy. Điều này vô tình tạo điều kiện để những chất nhầy, bọng nước bị vỡ ra và virus được phát tán nhanh hơn trên cơ thể của trẻ. Hầu hết trẻ được phát hiện mắc thủy đậu thường được phát hiện khi lượng mụn lên khá nhiều. Các đợt mụn đậu thường mọc theo đợt từ 3 – 4 ngày. Hết thời gian này, các mụn khô đi và bong vảy, trong khi đó các đợt mụn mới lại tiếp tục mọc lên.

Giai đoạn cuối cùng của bệnh là giai đoạn phục hồi. Thông thường bệnh thủy đậu sẽ kéo dài từ 5 – 10 ngày tùy theo mức độ nhiễm bệnh của trẻ. Khi bắt đầu phục hồi, các mụn thủy đậu sẽ tự xẹp lại và bong vảy, các vết sẹo trên bề mặt da sẽ tự bong vảy và tự lành thương.

2. Các ảnh hưởng tới sức khỏe và biến chứng của bệnh thủy đậu

Nhiều cha mẹ nghĩ rằng thủy đậu lên hết mụn thì sẽ tự khỏi. Song mặc dù là bệnh lành tính và thường chỉ gây ngứa cho trẻ nhưng thủy đậu vẫn có thể gây nên những biến chứng vô cùng nguy hiểm nếu không được chăm sóc đúng cách:

2.1. Nhiễm trùng

Điều trị thủy đậu ở trẻ em không đúng cách có thể gây ra biến chứng nhiễm trùng huyết

Điều trị thủy đậu ở trẻ em không đúng cách có thể gây ra biến chứng nhiễm trùng huyết

Tình trạng nhiễm trùng xảy ra tại các vị trí mụn thủy đậu bị vỡ vô tình tạo điều kiện cho các tác nhân gây viêm tấn công từ bên ngoài nếu không được vệ sinh thường xuyên. Các vết mụn nhiễm trùng, lở loét gây chảy máu bên trong. Nếu trình trạng nhiễm trùng quá nhiều, trẻ có thể bị nhiễm trùng máu đe dọa tính mạng.

Không chỉ thế, tại các vị trí mụn bị loét và nhiễm trùng, có thể để lại sẹo lồi hoặc sẹo lõm vĩnh viễn trên cơ thể của trẻ.

2.2. Biến chứng viêm não và viêm màng não

Đây là biến chứng xuất hiện muộn sau một tuần các mụn thủy đậu phát triển. Khi trẻ có dấu hiệu sốt cao, co giật, rối loạn thị giác,… cha mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ tới cơ sở y tế để cấp cứu kịp thời bởi biến chứng này sẽ nhanh chóng đe dọa đến tính mạng của trẻ.

2.3. Biến chứng viêm phổi

Virus thủy đậu có thể tấn công phổi gây viêm phổi với biểu hiện ho nhiều, khó thở và tức ngực. Ở trẻ em, biến chứng này có thể xảy ra sau khi phát bệnh từ 3 đến 5 ngày, chính vì thế cha mẹ cần đặc biệt theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ để có thể xử lý kịp thời.

Ngoài ra, thủy đậu còn có biến chứng viêm thận và cầu thận cấp, viêm tai giữa.

3. Điều trị thủy đậu ở trẻ em như nào để nhanh hồi phục?

Cha mẹ cần quan sát các triệu chứng thủy đậu trong quá trình chăm sóc trẻ

Cha mẹ cần quan sát các triệu chứng thủy đậu trong quá trình chăm sóc trẻ

Khi trẻ bị thủy đậu, chăm sóc trẻ như nào để nhanh chóng hồi phục là điều mà nhiều cha mẹ quan tâm. Trẻ bị thủy đậu nên được cách ly và chăm sóc tại nhà để tránh lây lan và dễ dàng quan sát dấu hiệu của bệnh. Trong đó, cha mẹ cần chú ý:

– Mặc đồ thoáng mát, rộng rãi và dễ thấm hút mồ hôi cho trẻ.

– Nhắc nhở trẻ không gãi hoặc làm vỡ các nốt mụn nước để tránh lan rộng các nốt mụn.

– Vệ sinh cơ thể cho trẻ bằng cách sử dụng vải ẩm, mềm, lau cơ thể cho trẻ để giảm ngứa và chống nhiễm khuẩn do mồ hôi và các chất bã nhờn. Tuyệt đối không nên tắm giội nước cho trẻ, không dùng nước quá lạnh hoặc quá nóng.

– Nên tránh gió trời, thay vào đó cho trẻ nghỉ ngơi trong phòng thoáng đãng, lưu thông khí tốt, có ánh nắng mặt trời.

– Chăm sóc trẻ với chế độ ăn uống đầy đủ, nên bổ sung vitamin C thông qua một số trái cây như ổi, cam… để tăng đề kháng cho trẻ.

– Xoa thuốc cho trẻ theo đơn của bác sĩ. Phần lớn, trẻ đều có thể sử dụng các loại thuốc như xanh – methylen hoặc Castellani  để bôi lên các nốt mụn đậu, giúp mụn nhanh xẹp và tránh lây lan.

– Cần đưa trẻ đến khám ngay nếu trẻ sốt cao, co giật, thị giác, thính giác không ổn định.

4. Phòng tránh thủy đậu cho trẻ em

Thủy đậu là căn bệnh dễ lây lan và dễ bùng phát thành dịch. Đặc biệt với đối tượng trẻ nhỏ, khi trẻ mắc thủy đậu, cha mẹ nên chủ động cho trẻ ở nhà để tránh lây nhiễm tới các trẻ còn lại và điều trị khỏi hoàn toàn trước khi trở lại lớp học.

Để chủ động phòng tránh thủy đậu cho con, cách tốt nhất hiện nay là thực hiện tiêm phòng thủy đậu cho trẻ. Vacxin thủy đậu sẽ giúp cơ thể sản sinh ra kháng thể chống lại virus thủy đậu, từ đó mà phát huy tác dụng phong bệnh. Đối với trẻ đã từng mắc thủy đậu thì khả năng tái phát bệnh là rất thấp do cơ thể đã tự sản sinh ra kháng thể chống lại virus khi  không may trong lần tới trẻ tiếp xúc với nguồn bệnh. Tuy nhiên, một số ít trẻ vẫn mắc thủy đậu lặp lại lần 2. Nguyên nhân là do đề kháng của trẻ yếu dẫn đến kháng thể không đủ mạnh để chống lại bệnh. Chính vì vậy, ngoài việc tiêm phòng và từng mắc thủy đậu, để phòng tránh triệt để nguy cơ mắc bệnh, bản thân trẻ phải có đề kháng tốt. Cha mẹ nên bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, đa dạng các nhóm thực phẩm cho trẻ. Đồng thời duy trì thói quen sinh hoạt, ngủ nghỉ và thể dục thể thao khoa học cho trẻ để có một cơ thể khỏe mạnh nhất.

Trên đây là một số vấn đề xoay quanh việc điều trị thủy đậu của trẻ. Cha mẹ không nên quá lo lắng khi trẻ bị thủy đậu, hãy hướng dẫn và giúp trẻ nghỉ ngơi đúng cách, theo dõi sức khỏe của trẻ liên tục,.. để trẻ có thể tự khỏi bệnh một cách nhanh chóng nhé!

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital