Điều trị thế nào khi bị sỏi đường tiết niệu?

Tham vấn bác sĩ
Thầy Thuốc ưu tú, Bác sĩ CKII

Phạm Huy Huyên

Phó Giám đốc Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc, Phụ trách Ngoại thận tiết niệu

Sỏi tiết niệu là một căn bệnh phổ biến nhưng nhiều bệnh nhân vẫn chưa nắm rõ được phương pháp điều trị, bài viết sau đây sẽ liệt kê các phương pháp điều trị khi bị sỏi đường tiết niệu phổ biến.

1. Khái quát về sỏi đường tiết niệu

1.1 Sỏi đường tiết niệu là gì?

Hệ tiết niệu gồm có 2 quả thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo. Nước tiểu sẽ từ thận, di chuyển qua niệu quản xuống bàng quang, cuối cùng thoát ra ngoài qua niệu đạo. Sỏi có thể hình thành ở tất cả các vị trí trong hệ tiết niệu: sỏi ở thận hay sỏi thận, sỏi hình thành ở niệu quản gọi là sỏi niệu quản, sỏi xuất hiện ở bàng quang được coi là sỏi bàng quang, sỏi kẹt ở niệu đạo là sỏi niệu đạo. Tuy nhiên sỏi có tự đào thải được ra ngoài hay không còn tùy thuộc vào kích thước, vị trí và tính chất của viên sỏi.

Sỏi hệ tiết niệu 90% là sỏi có tính chất canxi, ngoài ra còn có một số dạng sỏi photsphat, oxalat, acid uric… Tính chất của các loại sỏi khác nhau tuy nhiên đều có những ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe và đời sống tinh thần của người bệnh.

bị sỏi đường tiết niệu

Sỏi hệ tiết niệu bao gồm: sỏi thận, sỏi niệu quản, sỏi bàng quang, sỏi niệu đạo.

1.2 Bị sỏi đường tiết niệu do đâu?

Sỏi tiết niệu thường bắt nguồn từ sự kết tinh chất cặn nước tiểu tạo thành tinh thể cứng, tinh thể này chặn dòng nước tiểu, tích tụ lớn dần trở thành sỏi. Một số trường hợp sỏi hình thành từ khi sỏi từ vị trí thận rơi xuống niệu quản, niệu quản rơi xuống bàng quang, bàng quang rơi xuống niệu đạo…

Một số nguyên nhân chính dẫn tới sỏi tiết niệu có thể kể đến như:

– Thói quen uống ít nước: Uống ít nước dẫn đến nước tiểu bị cô đặc, lượng nước tiểu ít nên dễ kết tinh tạo sỏi.

– Một số bệnh lý nền có nguy cơ tạo thành sỏi tiết niệu: Dị dạng đường tiểu, bệnh tiểu khung, u đường tiết niệu, tăng sinh lành tính tiền liệt tuyến…

– Sỏi tiết niệu do thói quen sinh hoạt, ăn uống: ăn quá mặn, ăn nhiều thực phẩm chứa oxalat, uống quá nhiều sữa hoặc sử dụng thuốc dài ngày cũng có nguy cơ tạo sỏi.

– Nhiễm trùng đường niệu cũng là một trong số nguyên nhân gây sỏi tiết niệu.

1.3 Bị sỏi đường tiết niệu biểu hiện thế nào?

Sỏi tiết niệu là bệnh lý phổ biến ở nam giới hơn so với nữ giới, đồng thời cũng thường xảy ra ở bệnh nhân trên 40 tuổi. Khi mắc phải căn bệnh này, người bệnh sẽ thường xuất hiện một số dấu hiệu điển hình như:

– Đau: đau buốt khi đi tiểu, đau bụng dưới hoặc đau quặn thận

– Khó tiểu: tiếu buốt, tiếu ngắt quãng, bí tiểu, đi tiểu nhiều lần nhưng không hết cơn, có thể đi tiểu ra máu nhạt

– Nước tiểu có mùi hôi và màu đục

– Sốt cao, ớn lạnh do nhiễm trùng đường tiểu

bị sỏi đường tiết niệu

Người bệnh có thể bị đau quặn thận, đau bụng dưới khi bị sỏi

2. Phương pháp điều trị sỏi đường tiết niệu

2.1 Điều trị nội khoa khi mắc sỏi đường tiết niệu

Thông thường, khi hệ tiết niệu có sỏi, đường tiết niệu phía trên viên sỏi sẽ tăng cường sức co bóp để tống sỏi ra ngoài. Niệu quản và bể thận phía trên viên sỏi chưa bị giãn nở, có sự tăng áp lực đột ngột dẫn đến đau đớn cho người bệnh. Nếu qua thăm khám, kích thước viên sỏi còn nhỏ và không có nhiều triệu chứng bất thường như: kết dính vào niêm mạc bàng quang, chặn hoàn toàn gây tắc đường nước tiểu…; người bệnh có thể được chỉ định điều trị nội khoa hay điều trị bằng thuốc.

Một số loại thuốc có thể được chỉ định bao gồm: thuốc giãn cơ trơn, thuốc lợi tiểu, thuốc giảm đau, thuốc tiêu sỏi…

2.2 Điều trị ngoại khoa khi mắc sỏi đường tiết niệu

Trường hợp người bệnh điều trị nội khoa sau 3 tháng không có chuyển biến hoặc tình trạng phức tạp hơn, sẽ được yêu cầu chuyển sang điều trị ngoại khoa. Bên cạnh đó, sỏi với kích thước lớn hay tính chất phức tạp cũng sẽ được chỉ định điều trị ngoại khoa để sạch sỏi nhanh chóng.

Hai phương pháp điều trị ngoại khoa điển hình và phổ biến nhất là: điều trị tán sỏi và điều trị mổ mở. Hai phương pháp này sẽ áp dụng cho từng trường hợp nhất định. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, tán sỏi đang dần thay thế mổ mở truyền thống trở thành phương pháp ưu tiên bậc nhất do những ưu điểm vượt trội mà nó mang lại.

Hiện nay, có 4 phương pháp tán sỏi đang được điều trị rộng rãi và mang lại nhiều tín hiệu tích cực cho người bệnh:

Tán sỏi ngoài cơ thể: áp dụng với sỏi thận <1.5cm sỏi niệu quản ⅓ trên sát bể thận và < 1cm

Phương pháp này sử dụng sóng xung kích tác động qua cơ thể, đến viên sỏi và tán vỡ sỏi, vụn sỏi sẽ trôi theo đường tiểu. Đây là phương pháp được đánh giá là an toàn, không đau đớn và không xâm lấn. Người bệnh có thể ngồi dậy ngay sau khi điều trị và xuất viện về nhà sau 30 phút theo dõi.

Tán sỏi qua da đường hầm nhỏ: sử dụng với sỏi thận > 1.5cm và sỏi niệu quản ⅓ trên và > 1.5cm

Kỹ thuật này tiếp cận thận và niệu quản thông qua một đường hầm nhỏ chỉ khoảng 5mm, sau khi luôn dụng cụ nội soi và tiếp cận viên sỏi, laser sẽ tán vỡ sỏi và vụn sỏi cũng thoát ra ngoài khi người bệnh đi tiểu. Vết rạch 5mm hạn chế tối đa hiện tượng sẹo, ít xâm lấn, ít gây đau đớn, tỉ lệ sạch sỏi cao. Với phương pháp này, người bệnh sẽ lưu viện khoảng 3 ngày.

Tán sỏi nội soi ngược dòng: chỉ định cho sỏi niệu quản ⅓ giữa và ⅓ dưới và sỏi bàng quang > 1cm hoặc < 1cm mà không tự thoát theo đường tiểu.

bị sỏi đường tiết niệu

Điều trị tán sỏi nội soi ngược dòng

Tán sỏi nội soi ngược dòng sẽ luồn ống nội soi qua đường tiểu của cơ thể: cụ thể là từ niệu đạo lên bàng quang hoặc niệu quản, bắn vỡ viên sỏi bằng laser và gắp những mảnh vụn to ra ngoài. Phương pháp này không hề can thiệp “dao kéo” nên được đánh giá là rất an toàn, không có vết mổ, không để lại sẹo. Người bệnh chỉ cần theo dõi 24h là có thể xuất viện.

Tán sỏi nội soi ống mềm: điều trị sỏi thận < 2.5cm

Đây là kỹ thuật điều trị dành cho sỏi thận với kích thước khá lớn. Người bệnh cũng được đưa trực tiếp ống nội soi vào qua niệu đạo và phá vỡ sỏi với cường độ laser phù hợp. Phương pháp này hiệu quả, an toàn, tỉ lệ điều trị sạch sỏi cao, không có vết mổ nên không để lại sẹo, ảnh hưởng đến tính thẩm mĩ. 24h đến 48h là thời gian mà người bệnh ở lại theo dõi sau điều trị.

Ngoài ra, với những trường hợp không thể can thiệp tán sỏi, sỏi có tính chất xù xì phức tạp, sỏi cứng hoặc bám chặt vào niêm mạc thì người bệnh sẽ được chỉ định điều trị mổ mở để lấy sỏi ra khỏi cơ thể.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:
Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital