Điều trị HP bao lâu sẽ âm tính? Lưu ý những gì để bệnh nhanh khỏi?

Tham vấn bác sĩ
Phó Giáo sư, Tiến sĩ

Vũ Văn Khiên

Phó giám đốc phụ trách Nội soi tiêu hóa

Điều trị HP đúng phác đồ là cách duy nhất tiêu diệt thành công loại vi khuẩn gây hại này. Câu hỏi được đặt ra là điều trị bao lâu sẽ âm tính trở lại, điều trị như thế nào để nhanh khỏi đều là những băn khoăn được đông đảo người bệnh quan tâm.

1. Vì sao phải điều trị vi khuẩn HP?

Trên thực tế, vi khuẩn HP có tới trên 200 chủng khác nhau và không phải chủng HP nào cũng gây bệnh tiêu hóa. Một số loại HP còn có lợi vì ngăn ngừa nguy cơ nhiễm khuẩn đường ruột. Nhưng trên hết, vi khuẩn HP hoạt động vẫn gây ra những ảnh hưởng nhất định tới người bệnh. Cụ thể:

– Có tới 90 – 95% ca bệnh loét tá tràng nguyên nhân đến từ HP dương tính.

– Trên 70% ca bệnh loét dạ dày có tiểu sử bị nhiễm vi khuẩn HP.

– Khoảng 90% ca ung thư dạ dày có liên quan đến nhiễm vi khuẩn HP.

Theo đó, việc chủ động điều trị HP cần được thực hiện càng sớm càng tốt, ngăn ngừa những diễn biến trở nặng và phát triển thêm các bệnh lý tiêu hóa nghiêm trọng hơn.

Vì sao phải điều trị HP dạ dày

Vi khuẩn HP là nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh lý phổ biến ở đường tiêu hóa.

2. Điều trị HP bao lâu âm tính trở lại?

Vi khuẩn HP dương tính không thể tự âm tính trở lại. Người bệnh cần thực hiện thăm khám và được chỉ định phác đồ điều trị đúng cách mới có thể tiêu diệt thành công loại vi khuẩn này.

Thông thường, vi khuẩn HP sẽ được điều trị tốt bằng việc sử dụng thuốc kháng sinh phù hợp. Quá trình dùng thuốc kéo dài trong ít nhất 2 tuần và có thể cần điều trị duy trì trong khoảng 4 – 8 tuần sau đó để chữa khỏi viêm loét dạ dày tá tràng do nhiễm vi khuẩn HP gây ra.

Tuy nhiên, vi khuẩn HP có khả năng kháng kháng sinh ngày một cao. Vì vậy, trong trường hợp người bệnh không tuân thủ tốt các chỉ định bác sĩ đưa ra thì việc điều trị sẽ gặp nhiều khó khăn và kéo dài hơn, thậm chí vi khuẩn HP còn có thể tái đi tái lại nhiều lần. Như vậy, việc chữa trị có hiệu quả hay không và điều trị kéo dài trong bao lâu phần nhiều phụ thuộc vào ý thức và cách thực hiện phác đồ của người bệnh.

3. Thực hiện điều trị để bệnh nhanh khỏi

Như đã nói ở trên, chỉ khi nghiêm túc thực hiện điều trị đúng phác đồ bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa chỉ định người bệnh nhiễm vi khuẩn HP mới nhanh chóng được chữa khỏi hiệu quả. Cụ thể, bác sĩ sẽ lên phác đồ dùng thuốc kháng sinh cũng yêu cầu về chế độ ăn uống cũng như điều chỉnh thói quen sinh hoạt hằng ngày để việc tiêu diệt HP diễn ra thuận lợi nhất.

3.1. Điều trị HP theo đúng loại kháng sinh phù hợp

Điều trị vi khuẩn HP bằng kháng sinh được thực hiện dựa theo tình trạng bệnh cụ thể của người nhiễm HP, khả năng dung nạp tốt với thuốc, tỷ lệ kháng kháng sinh của vi khuẩn mà bác sĩ sẽ chỉ định loại kháng sinh tương thích.

Nhằm tăng tỷ lệ điều trị thành công, trong phác đồ diệt trừ HP, bác sĩ sẽ cần kết hợp từ 2 loại kháng sinh trở lên và thực hiện theo các phác đồ Bộ Y tế ban hành:

– Phác đồ liệu pháp 3 thuốc

– Phác đồ liệu pháp 4 thuốc

– Phác đồ điều trị nối tiếp

– Phác đồ điều trị kết hợp gồm liệu pháp 3 thuốc và có kháng sinh Levofloxacin

Một số điều cần lưu ý cho người bệnh khi thực hiện phác đồ kháng sinh diệt vi khuẩn HP cần:

– Tuân thủ đúng yêu cầu về loại thuốc, không tự ý thay thế kháng sinh kể cả là loại tương tự.

– Dùng đúng liều lượng, uống đều đặn mỗi ngày.

– Không tự ý dừng thuốc giữa chừng khi chưa có chỉ định của bác sĩ kể cả khi đã thuyên giảm các triệu chứng.

– Dừng sử dụng các loại kháng sinh khác hoặc tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ.

– Đặc biệt, trong trường hợp tái nhiễm vi khuẩn HP không được sử dụng đơn thuốc cũ vì rất có thể đã xảy ra tình trạng kháng thuốc. Thực hiện thăm khám để được chỉ định điều trị đúng cách.

Điều trị vi khuẩn HP bằng kháng sinh

Người bệnh cần tuân thủ đúng phác đồ điều trị bác sĩ chỉ định để diệt trừ thành công vi khuẩn HP.

3.2. Điều trị HP bằng chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học

Thực hiện chế độ ăn uống khoa học, điều chỉnh thói quen sinh hoạt phù hợp giúp nâng cao hiệu quả điều trị và phối hợp phòng bệnh về sau bằng các yêu cầu sau đây:

– Bổ sung đầy đủ chất xơ, vitamin và chất chống oxy hóa cao như ớt chuông, bông cải, kale, cải bó xôi, cà rốt, các loại dầu thực vật (dầu olive, dầu hạt cải, dầu đậu nành,..), các loại quả mọng, táo,…

– Những loại thực phẩm giúp cung cấp lợi khuẩn tốt cho tiêu hóa: sữa chua các loại, rượu kefir, kim chi,…

– Một số thực phẩm hỗ trợ điều trị tốt các bệnh dạ dày như: mật ong, nghệ, gừng, trà xanh khử cafein, đậu bắp, cam thảo, nha đam,…

– Đảm bảo yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm trong ăn uống, thực hiện ăn chín uống sôi.

– Tránh ăn hàng quán ở vỉa hè không sạch sẽ, lựa chọn thực phẩm cần chú ý tới nguồn gốc.

– Không uống rượu bia.

– Không hút thuốc lá.

– Nghỉ ngơi điều độ, tránh căng thẳng mệt mỏi, ngủ đủ giấc, không nên thức quá khuya.

– Vận động mỗi ngày, tập thể dục thể thao đúng cường độ.

Ăn uống khoa học nâng cao hiệu quả điều trị HP

Ăn uống khoa học hợp vệ sinh giúp tăng hiệu quả điều trị vi khuẩn HP.

Điều trị HP muốn đạt hiệu quả tốt và nhanh chóng cần tuân thủ đầy đủ các yêu cầu trong phác đồ được chỉ định. Người bệnh chủ động tiến hành thăm khám chuyên khoa tiêu hóa để được các bác sĩ chẩn đoán và điều trị bệnh hiệu quả.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital