Điều trị giãn tĩnh mạch thừng tinh như thế nào để phòng tránh các biến chứng đáng tiếc là điều rất quan trọng. Giãn tĩnh mạch thừng tinh là tình trạng tĩnh mạch nằm phía trên tinh hoàn bị xoắn giãn một cách bất thường làm cho tinh hoàn chảy xệ. Mặc dù còn nhiều tranh cãi nhưng có nhiều ý kiến cho rằng giãn tĩnh mạch thừng tinh có thể thể gây vô sinh do số lượng và chất lượng tinh trùng giảm sút.
Menu xem nhanh:
1. Điều trị giãn tĩnh mạch thừng tinh như thế nào?
Điều trị giãn tĩnh mạch thừng tinh còn tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng này. Nếu người bệnh không đau, không có trở ngại trong vấn đề sinh sản, bác sĩ có thể đề nghị tiếp tục theo dõi. Tuy nhiên nếu giãn tĩnh mạch thừng tinh gây đau, teo tinh hoàn, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản hoặc người bệnh đang cân nhắc để thực hiện một kỹ thuật hỗ trợ sinh sản nào đó, điều trị là rất cần thiết.
2. Các phương pháp điều trị giãn tĩnh mạch thừng tinh thường được áp dụng
- Phẫu thuật vi phẫu: trong phương pháp phẫu thuật này, người bệnh sẽ được gây mê toàn thân hoặc tại chỗ. Thông thường bác sĩ sẽ tiếp cận tĩnh mạch qua vết mổ ở háng hoặc bụng hay dưới háng. Tiếp đến là sử dụng kính vi phẫu để quan sát rõ và tiến hành thắt tĩnh mạch, phong tỏa các tĩnh mạch bị ảnh hưởng để chuyển hướng lưu lượng máu vào các tĩnh mạch bình thường.
Người bệnh có thể quay trở lại sinh hoạt bình thường khoảng 2 ngày sau phẫu thuật. Miễn là không cảm thấy khó chịu, người bệnh có thể tham gia các hoạt động đòi hỏi nhiều sức lực hơn, chẳng hạn như tập thể dục sau 2 tuần.
Đau sau phẫu thuật là tình trạng phổ biến nhưng chỉ ở mức độ nhẹ, kéo dài trong vài ngày hoặc tuần. Để giảm bớt sự khó chịu, bác sĩ có thể kê đơn thuốc giảm đau cho người bệnh.
Lưu ý bệnh nhân phẫu thuật giãn tĩnh mạch thừng tinh nên tạm thời tránh quan hệ tình dục. Thông thường sẽ mất khoảng vài tháng để chất lượng tinh dịch được cải thiện sau phẫu thuật. Điều này là bởi vì cần thời gian để tinh trùng mới phát triển.
- Phẫu thuật nội soi ổ bụng: bác sĩ sẽ tạo một vết rạch nhỏ ở bụng, sau đó chèn dụng cụ phẫu thuật chuyên dụng qua vết rạch để quan sát và tiến hành thắt hoặc làm tắc tĩnh mạch giãn. Phẫu thuật này đòi hỏi phải gây mê toàn thân.
- Thuyên tắc qua da: trong thủ thuật này người bệnh sẽ được gây tê tại chỗ. Sau đó bác sĩ sẽ chèn ống thông nhỏ vào tĩnh mạch ở bẹn hoặc cổ. Tiếp đến là tiêm thuốc cản quang để xác định chính xác vấn đề là gì và ở đâu. Bằng cách sử dụng cuộn dây hoặc thuốc tiêm vào mạch máu để làm chúng co lại, bác sĩ can thiệp vào mạch máu bất thường, giảm áp lực lên tĩnh mạch thừng tinh bị giãn.
Những phương pháp chẩn đoán và điều trị trên đây chỉ mang tính chất tham khảo.