Những điều nên và không nên làm khi người thân bị đột quỵ là kiến thức cần thiết cho nhiều người. Đây có thể là cách để xử lý nhanh chóng khi có người xung quanh bạn không may bị đột quỵ. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp những thông tin hữu ích, đồng thời hướng dẫn cách sơ cứu cho người đột quỵ.
Menu xem nhanh:
1. Những dấu hiệu có người bị đột quỵ cần biết
Đột quỵ là tình trạng hàng đầu gây tử vong hay tàn tật. Căn bệnh này có thể xảy ra đối với bất kì ai, xảy ra ở mọi giới tính và độ tuổi.
Đây cũng là tình trạng báo động cần cấp cứu khẩn cấp để hạn chế thương tổn và giảm nguy cơ tử vong cho người bệnh. Để hỗ trợ người bệnh, bạn cần nhận biết được các dấu hiệu đột quỵ nguy hiểm thông qua nguyên tắc B.E.F.A.S.T như sau:
– Balance – Cân bằng: Đột nhiên chóng mặt, mất thăng bằng cơ thể hoặc khó khăn trong phối hợp các hoạt động của cơ thể.
– Eyes – Mắt: Mắt nhìn mờ hoặc đột nhiên mất thị lực ở một bên hoặc cả hai mắt.
– Face – Khuôn mặt: Một bên mặt bị méo xệch, miệng méo sụp xuống và bị cảm giác tê cứng.
– Arms – Cánh tay: Tê hoặc yếu đi một cánh tay, không nâng cả hai cánh tay lên cao được.
– Speech – Ngôn ngữ: Đột nhiên nói ngọng, nói chuyện không lưu loát hoặc không nói được thành câu rõ ràng.
– Time – Thời gian: Gọi cấp cứu ngay lập tức hoặc đưa người bệnh đến những cơ sở y tế có thể điều trị đột quỵ ngay lập tức.
Nếu xung quanh bạn có người đột quỵ hoặc nghi ngờ người thân bị đột quỵ thì cần lưu ý những điều như sau:
2. Những điều quan trọng cần lưu ý khi có người đột quỵ
2.1 Những điều nên làm khi người thân đột quỵ
Khi nhận thấy có người xung quanh hoặc người thân đột quỵ thì bạn cần ngay lập tức hành động cấp cứu đột quỵ. Đây chính là thời điểm “vàng” để cứu sống người bệnh bởi cứ mỗi phút trôi qua sẽ có đến 2 triệu tế bào não chết đi. Trì hoãn việc cấp cứu đồng nghĩa với những di chứng đến não ngày một nhiều ảnh hưởng tới sức khỏe và tính mạng của người bệnh.
Vậy cụ thể bạn cần làm gì khi có người đột quỵ? Chúng tôi có một số lưu ý quan trọng cho bạn như sau:
– Đỡ bệnh nhân nằm xuống để không bị ngã khiến chấn thương. Đặt bệnh nhân nằm xuống một mặt phẳng an toàn sau đó để bệnh nhân nằm nghiêng một bên. Đồng thời đầu hơi nâng cao để thúc đẩy lưu lượng máu và hạn chế nguy cơ bị tắc đường thở nếu bệnh nhân nôn ói.
– Nếu bệnh nhân chảy dãi hoặc nôn, bạn cần làm sạch đường miệng để bệnh nhân dễ thở.
– Gọi ngay cho xe cấp cứu hoặc gọi taxi đưa người bệnh đến bệnh viện sớm nhất, thời điểm “vàng” là khoảng 4 giờ đầu sau triệu chứng đầu tiên.
– Nới lỏng quần áo giúp người bệnh không bị khó thở hoặc khó chịu.
– Nếu bệnh nhân rơi vào hôn mê thì cần liên tục theo dõi và kiểm tra nhịp thở, nhịp tim. Trường hợp bệnh nhân mất nhịp tim hoặc ngừng thở thì cần hô hấp nhân tạo ngay.
– Cần lưu ý về thời gian xuất hiện triệu chứng để kịp thời thông báo với bác sĩ, qua đó có hướng xử lí kịp thời.
– Nếu người bệnh vẫn có thể giao tiếp, hãy hỏi họ về thuốc điều trị, những bệnh lý, tình trạng dị ứng, cảm giác hiện tại… để thông báo cho bác sĩ.
Đồng thời, toàn bộ quá trình này diễn ra hết sức nhanh chóng nên bạn cần tuyệt đối bình tĩnh, không cuống và hãy hành động nhanh nhất có thể. Đồng thời, hãy trấn an người bệnh đột quỵ để họ không sợ hãi.
Nếu bạn không thể hoặc không biết cấp cứu cho người bệnh đột quỵ, hãy gọi sự giúp đỡ nhanh chóng.
2.2 Những điều không nên làm khi người thân bị đột quỵ
Điều trị sớm đột quỵ sẽ đem lại những cơ hội sống khỏe mạnh và giảm thiểu nguy cơ tàn tật hay tổn thương tới não cho bệnh nhân, đồng thời cứu sống người bệnh khỏi “cửa tử thần”. Bạn cần lưu ý những điều sau để tránh gây nguy hiểm cho người thân:
– Hãy lái xe đưa người bệnh đến bệnh viện và hạn chế tối đa chở người bệnh bằng xe máy vì có thể có chấn thương.
– Không chờ đợi cho bệnh tự thuyên giảm hoặc hết, đột quỵ càng để kéo dài càng nguy hiểm.
– Không làm căng hoặc kéo các chi của người bệnh đột quỵ.
– Không tốn thời gian cạo gió, sử dụng các phương pháp dân gian, bôi dầu…, có thể làm ảnh hưởng tới bệnh nhân bởi chậm trễ thời gian đến bệnh viện.
– Không cho người bệnh ăn uống bất kì thứ gì bởi có thể làm người bệnh bị hóc hoặc nuốt nghẹn bởi chức năng nhai và nuốt của người đột quỵ kém.
– Không tùy ý cho người bệnh uống thuốc mà chưa có bác sĩ chỉ định, đặc biệt là aspirin bởi đối với người bệnh đột quỵ não việc sử dụng aspirin có thể nguy hiểm nhiều hơn.
3. Những điều không nên làm khi có người thân bị đột quỵ nhiều người mắc phải
Đa số khi thấy có người đột quỵ, người nhà thường sơ cứu bằng cách cạo gió, cho bệnh nhân uống thuốc, nước gừng. Tuy nhiên đây được cảnh báo là những hành động lãng phí thời gian cấp cứu và thậm chí nguy hiểm.
Có một tình trạng tắc nghẽn tạm thời – cơn đột quỵ não thoáng qua (TIA), đây cũng là tình trạng đột quỵ nhẹ. Những triệu chứng của đột quỵ lúc này không rõ ràng và sau đó có thể tự biến mất. Bạn hãy đến các cơ sở y tế để đánh giá nguy cơ bởi cơn đột quỵ thoáng qua này có thể trở thành đột quỵ thực sự.
Khám tầm soát sớm nguy cơ đột quỵ để từ đó xây dựng phác đồ điều trị và lối sống phù hợp cho từng trường hợp có bệnh nền là rất cần thiết. Bất kì ai cũng có thể gặp phải đột quỵ, kể cả người trẻ, do đó hãy chủ động phòng ngừa từ sớm để tránh hệ lụy đáng tiếc.
Trên đây là những điều nên làm và không nên làm khi người thân bị đột quỵ để bảo vệ sức khỏe cho người thân và những người xung quanh.