Di chứng tai biến liệt nửa người và cách điều trị

Tham vấn bác sĩ
Tiến sĩ, Bác sĩ

Nguyễn Văn Doanh

Trưởng khoa Khám bệnh

Tai biến liệt nửa người là một trong những di chứng điển hình nhất của bệnh tai biến mạch máu não. Có đến 80% bệnh nhân mắc tai biến bị liệt nửa người với những biến chứng nguy hiểm gây ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống hàng ngày. Cùng tìm hiểu về những di chứng và cách điều trị tai biến mạch máu não liệt nửa người qua bài viết sau đây.

1. Tai biến mạch máu não liệt nửa người là tình trạng gì?

Tai biến mạch máu não liệt nửa người là biến chứng nặng nề và thường gặp nhất sau khi mắc tai biến. Đây là hiện tượng một bên cơ thể suy yếu, đau tê, khó hoặc không thể cử động được. Biến chứng liệt nửa người xảy ra do não bộ bị tổn thương. Trường hợp não trái gặp tổn thương sẽ gây liệt nửa người bên phải. Ngược lại, nếu phần não bên phải tổn thương sẽ khiến nửa cơ thể bên trái bị liệt.

Một số biểu hiện của người mắc tai biến mạch máu não liệt nửa người đó là:

– Khả năng vận động bị giảm hoặc mất đi

– Mất thăng bằng

– Cơ thể yếu ớt, mệt mỏi khiến những sinh hoạt hàng ngày như ăn uống, đi vệ sinh… cũng trở nên khó khăn.

– Khó nói chuyện

– Khó nuốt trong khi ăn

– Suy giảm khả năng cầm nắm…

Bên cạnh đó, những người mắc các bệnh lý về tim mạch, cao huyết áp, tiểu đường… sẽ có nguy cơ mắc chứng tai biến mạch máu não liệt nửa người cao hơn so với người bình thường.

Tai biến mạch máu não liệt nửa người làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe.

Suy giảm khả năng vận động là biểu hiện rõ rệt nhất ở người bị tai biến mạch máu não liệt nửa người.

2. Di chứng để lại do tai biến mạch máu não liệt nửa người

Khi bị tai biến mạch máu não liệt nửa người dù ở bên trái hay phải, người bệnh đều sẽ gặp phải những biến chứng gây ảnh hưởng lớn tới cuộc sống hàng ngày, cụ thể đó là:

2.1 Tai biến liệt nửa người gây khó khăn, bất tiện khi di chuyển cử động

Thống kê cho thấy, có khoảng 80% người bệnh tai biến mạch máu não mắc phải di chứng này. Họ thường gặp phải tình trạng mất định hướng, mất thăng bằng, đau mỏi cơ thể, tay chân tê bì làm giảm cảm giác. Do đó, người bệnh sẽ gặp nhiều khó khăn khi cử động, đi lại và cảm thấy đau đớn.

Với một số trường hợp nặng, người bệnh còn có thể nằm liệt nguyên nửa người mà không thể làm gì được. Nếu nằm quá lâu, không cử động cơ thể sẽ khiến người bệnh gặp phải hiện tượng lở loét, trật khớp vai, teo cơ…

2.2 Giao tiếp khó khăn

Một di chứng nữa mà người mắc tai biến mạch máu não liệt nửa người hay gặp phải đó là khó giao tiếp. Điều này sẽ khiến cho việc suy nghĩ, đưa ra những phán xét, lý luận hay hiểu các khái niệm sẽ có phần chậm hơn. Theo nghiên cứu, có khoảng 25 – 30% người bị liệt nửa người mắc phải biến chứng này.

Bên cạnh đó, một số trường hợp còn có thể bị méo miệng. Chính vì vậy, hoạt động giao tiếp của người bệnh trở nên khó khăn trong cả vấn đề về phát âm, diễn đạt và hiểu ý của người khác.

2.3 Cần sự trợ giúp trong những hoạt động hàng ngày

Khi bị tai biến mạch máu não liệt nửa người, người bệnh có nguy cơ đối mặt với những biến chứng như: suy giảm thị lực, đau cơ, khó nuốt, cầm nắm các đồ vật khó khăn… Do vậy, các hoạt động hàng ngày như ăn uống, tắm rửa, đi vệ sinh… chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng khiến bệnh nhân không tự làm được. Khi đó, người bệnh sẽ cần tới sự trợ giúp của người nhà hoặc các dụng cụ hỗ trợ.

2.4 Tai biến liệt nửa người làm gián đoạn công việc

Có rất nhiều người mắc tai biến mạch máu não liệt nửa người ở độ tuổi còn trẻ, đang đi làm hoặc mới nghỉ hưu. Trong khi bệnh lý này sau khi được cấp cứu kịp thời sẽ cần một khoảng thời gian điều trị và phục hồi khá lâu. Do đó, bệnh có thể làm gián đoạn tới công việc của người bệnh.

Di chứng để lại do tai biến liệt nửa người

Tai biến mạch máu não liệt nửa người gây khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.

3. Phương pháp điều trị tai biến liệt nửa người

Để giúp bệnh nhân phục hồi và ngăn ngừa đột quỵ tái phát, cần xây dựng những phương pháp điều trị tai biến mạch máu não liệt nửa người đúng cách. Các phương pháp được áp dụng phổ biến hiện nay đó là:

3.1 Áp dụng bài tập phục hồi chức năng tích cực

Việc tập luyện phục hồi chức năng từ sớm sẽ giúp người bệnh có thể tự thực hiện các hoạt động sinh hoạt thường ngày một cách độc lập, chủ động. Thông thường từ 3 – 6 tháng sau đột quỵ là khoảng thời gian phù hợp để người bệnh phục hồi chức năng não tốt nhất.

Người bệnh nên được đưa tới các bệnh viện hoặc cơ sở điều dưỡng để tiến hành phục hồi đúng cách cũng như có các thiết bị chuyên dụng hỗ trợ quá trình luyện tập.

3.2 Bài tập phục hồi thụ động

Bài tập phục hồi thụ động được áp dụng khi người bệnh không thể tự vận động được, cần sự hỗ trợ hoàn toàn từ người khác. Người mắc tai biến mạch máu não liệt nửa người nên được thực hiện từ 2 – 4 lần/ngày. Một số bài tập có thể áp dụng đó là xoay khớp, gấp duỗi chân tay…

3.3 Sử dụng công cụ chỉnh hình và hỗ trợ

Có thể sử dụng những dụng cụ cơ bản trong sinh hoạt hàng ngày như: cốc uống nước, thìa đũa, nẹp dưới gối, nẹp cổ tay… được thiết kế dành riêng cho người đột quỵ. Hoặc khi tới các cơ sở y tế sẽ có các loại máy tập, ròng rọc phục hồi chức năng chuyên dụng dành riêng cho người bệnh.

3.4 Kết hợp, duy trì luyện tập tại nhà

Gia đình người bệnh cũng nên tham gia vào quá trình điều trị phục hồi sau đột quỵ bằng cách hỗ trợ để họ có thể tự làm các hoạt động chăm sóc bản thân như đánh răng, rửa mặt, ăn uống, vệ sinh cá nhân… Điều này vừa giúp người bệnh tập luyện vận động, vừa khiến tâm lý thoải mái hơn, không có cảm giác mình bị vô dụng.

3.5 Xây dựng chế độ ăn giàu dinh dưỡng

Với người bị tai biến mạch máu não liệt nửa người, thực đơn ăn uống cần cung cấp đầy đủ và cân bằng giữa chất béo, protein và carbohydrate. Người bệnh nên ăn những đồ ăn ở dạng mềm, lỏng giúp dễ tiêu hóa và hấp thụ. Một số loại thực phẩm tốt cho người bị tai biến đó là cá, rau xanh, trái cây tươi và các loại thực phẩm giàu chất xơ. Người bệnh cũng cần lưu ý hạn chế ăn muối, chất béo và các chất kích thích gây hại cho sức khỏe.

Phương pháp điều trị tai biến mạch máu não liệt nửa người

Áp dụng bài tập phục hồi chức năng trong điều trị tai biến mạch máu não liệt nửa người.

Tai biến liệt nửa người có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng tới cả sức khỏe thể chất và tinh thần của người bệnh. Do vậy, cần chú ý theo dõi sức khỏe và tham khảo tư vấn từ bác sĩ chuyên khoa Nội thần kinh để có kế hoạch xây dựng phương pháp điều trị phù hợp và hiệu quả.

 

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital