Mất ngủ về đêm là tình trạng thường gặp ở nhiều người, đặc biệt là những người cao tuổi. Đêm mất ngủ nhiều người thường nghĩ ngay đến việc sử dụng thuốc an thần để tiếp tục giấc ngủ nhưng liệu điều này có đúng không? Cần lưu ý gì khi sử dụng thuốc ngủ, thuốc an thần? Nếu đêm mất ngủ thì nên làm gì? Cùng tham khảo ngay trong bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Đêm mất ngủ do nguyên nhân nào?
Nếu bạn bị mất ngủ về đêm, hãy lưu ý đến một số các nguyên nhân sau đây:
– Áp lực, lo lắng, căng thẳng từ công việc, cuộc sống, gia đình, học tập có thể khiến bạn bị căng thẳng thần kinh, suy nghĩ nhiều và dẫn đến khó ngủ, đêm mất ngủ
– Sử dụng chất kích thích như bia, rượu, cafe, trà, thuốc lá,… trước khi ngủ có thể khiến hệ thần kinh bị ảnh hưởng, dẫn tới khó ngủ, mất ngủ.
– Do môi trường: phòng ngủ quá nóng hoặc quá lạnh, ồn ào, ánh sáng không phù hợp (quá sáng), phòng ngủ vệ sinh không sạch sẽ,…
– Do bệnh lý: các bệnh lý mạn tính như cơ xương khớp, tim mạch, bệnh thận, tiêu hóa, tiểu đường, xoang … tái phát có thể khiến đêm mất ngủ. Hoặc một số bệnh lý cấp tính như viêm amidan cấp, viêm xoang cấp, viêm họng cấp, ngộ độc thực phẩm,… cũng có thể dẫn đến mất ngủ.
Ngoài ra các bệnh lý về thần kinh như đau đầu, chóng mặt, chấn thương sọ não và bệnh trầm cảm cũng khiến nhiều người bị mất ngủ. Sở dĩ điều này là do người bị trầm cảm khiến hormone cân bằng hóa học trong não bị suy giảm, gây rối loạn sức khỏe tâm thần.
– Thói quen xấu trước khi ngủ: lịch ngủ không đều khiến đồng hồ sinh học trong cơ thể bạn bị thay đổi khiến bạn ngủ không ngon giấc và thường tỉnh giấc vào ban đêm, sáng dậy uể oải. Thói quen xem điện thoại hoặc hoạt động mạnh vào buổi tối có thể khiến bạn dễ bị mất ngủ.
– Ăn muộn vào ban đêm: ăn quá nhiều trước khi ngủ sẽ khiến cơ thể bạn không thoải mái bởi hệ tiêu hóa phải hoạt động hết công suất cả ngày lẫn đêm, cơ thể sẽ dễ bị mệt mỏi, khó chịu. Nhiều người khi ăn no vào buổi tối sẽ gặp phải tình trạng ợ nóng, trào ngược acid và thức ăn từ dạ dày thực quản khiến bạn cảm thấy rất khó chịu. Điều này có thể ảnh hưởng tới giấc ngủ của bạn.
2. Đêm mất ngủ có nguy hiểm không?
Nếu mất ngủ liên tục vào ban đêm gây ra nhiều hệ lụy xấu đến sức khỏe của bạn.
Cụ thể:
– Thừa cân, béo phì hoặc gầy sút, suy nhược
– Làm giảm hiệu quả làm việc, học tập
– Tăng nguy cơ mắc tâm thần: trầm cảm, rối loạn lo âu
– Giảm sức đề kháng, dễ mắc các bệnh thông thường
– Tăng nguy cơ mắc các bệnh huyết áp cao, bệnh tim mạch, tiểu đường
3. Đêm mất ngủ có nên dùng thuốc an thần không?
Nhiều người lầm tưởng thuốc an thần chỉ có tác dụng dễ ngủ, dùng thuốc nhiều cũng sẽ không ảnh hưởng gì tới sức khỏe nên đã tùy tiện sử dụng mặc dù chưa đi thăm khám và lắng nghe tư vấn cũng như chỉ định của bác sĩ.
Thực chất các loại thuốc an thần làm chậm hoạt động của não bộ và giúp điều hòa hệ thần kinh. Thuốc có tác dụng trực tiếp lên hệ thần kinh trung ương (não) để tạo sự kích thích hoặc ức chế thần kinh với mục đích phòng và chữa bệnh.
Có nhiều loại thuốc an thần khác nhau. Các mức liều dùng phù hợp sẽ có lợi ích trên những người bị lo âu, căng thẳng hoặc rối loạn giấc ngủ. Đôi khi, một số thuốc trong nhóm này còn được sử dụng để gây mê, chống co giật, giảm đau, thư giãn cơ…
Tuy nhiên thuốc an thần dễ bị lạm dụng, nếu sử dụng bừa bãi các tác dụng phụ của thuốc sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của người bệnh. Thậm chí nếu sử dụng quá liều có thể khiến người bệnh rơi vào trạng thái hôn mê và tử vong. Trong những ngày đầu tiên khi mới sử dụng thuốc, người bệnh có thể cảm thấy lơ mơ, đứng không vững, ngủ gật và khó tập trung.
Vì vậy, nếu đêm mất ngủ nhưng tình trạng này chỉ diễn ra 1 hoặc 2 lần và bạn cũng chưa đi khám bác sĩ thì không nên tự ý sử dụng thuốc an thần. Thay vào đó bạn nên áp dụng một số biện pháp giúp cải thiện giấc ngủ không cần dùng thuốc trước, nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn hoặc cải thiện không đáng kể thì nên đi khám với bác sĩ để được chẩn đoán đúng, có biện pháp điều trị hiệu quả, ngăn ngừa tình trạng đêm mất ngủ kéo dài dẫn tới khó điều trị. Ngoài ra, việc hạn chế sử dụng thuốc khi không cần thiết có thể giúp bạn tránh được tác dụng phụ không mong muốn của thuốc an thần.
4. Những tác dụng phụ của thuốc an thần là gì?
Buồn ngủ vào sáng hôm sau: Sự tồn dư tự nhiên của thuốc an thần có thể khiến bạn buồn ngủ vào sáng ngày hôm sau. Mức tồn dư của thuốc càng lớn nếu bạn uống thuốc quá muộn nhất là vào buổi đêm. Bởi nếu bạn uống vào khoảng 10 giờ tối hôm trước thì khoảng 2 tiếng sau là 12 giờ đêm thuốc sẽ đạt nồng độ cao nhất, do thuốc thấm rất tốt vào mô mỡ nên đến tận 6 giờ tối ngày hôm sau thuốc mới thải được một nửa, mức tồn dư trong cơ thể còn lại gây tác dụng buồn ngủ vào ngày hôm sau.
Ngoài ra, một số tác dụng phụ của thuốc có thể đi kèm như: chóng mặt, mờ mắt, không thể nhìn tốt như bình thường, phản xạ suy giảm, thở chậm hơn, khó tập trung hoặc suy nghĩ, nói chậm hơn hoặc nói ngọng.
Nếu bạn lạm dụng thuốc an thần trong thời gian dài có thể dẫn đến nhiều tác dụng phụ như: chứng hay quên, bệnh trầm cảm, lo lắng, rối loạn chức năng gan, phụ thuộc vào thuốc ngủ thậm chí là nghiện thuốc.