Chào bác sĩ. Đẻ thường như thế nào ạ? Cháu đang mang thai ở tuần 38 và quyết định sinh thường. Tuy nhiên cháu cảm thấy rất hồi hộp và lo lắng. Xin bác sĩ tư vấn – Hà Hiền (27 tuổi, Bắc Ninh).
Đẻ thường như thế nào
Xin chào Hà Hiền! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi vào hòm thư tư vấn của Bệnh viện Thu Cúc. Thắc mắc của bạn sẽ được tư vấn trong phần dưới đây.
Đẻ thường như thế nào là điều rất nhiều mẹ bầu quan tâm chứ không chỉ riêng bạn. Trước tiên, bạn không nên quá lo lắng, bởi đây là điều mà hầu hết tất cả những mẹ bầu chuẩn bị sinh thường đều sẽ trải qua.
Đây là khoảng thời gian bạn cần nghỉ ngơi, thư giãn nhiều hơn, chuẩn bị tất cả những đồ dùng, vật dụng cần thiết để có thể sẵn sàng nhập viện sinh bất kì lúc nào khi có dấu hiệu chuyển dạ.
Khi thấy xuất hiện những cơn co thắt mạnh, ra một chút máu báo, vỡ ối hay bất kì dấu hiệu chuyển dạ nào, bạn cần nhờ sự hỗ trợ của người thân và những người xung quanh nhanh chóng tới bệnh viện.
Khi thấy xuất hiện các cơn co thắt càng mạnh với tần suất cao thì tức là bạn sắp sinh bởi những cơn co này sẽ tạo một áp lực lớn để đẩy thai nhi ra ngoài.
Bạn Hà Hiền thân mến, bạn không nên quá lo lắng, bởi khi thực hiện quá trình này tại bệnh viện, các bác sĩ, điều dưỡng sẽ giúp đỡ, hỗ trợ và hướng dẫn bạn từng chút một.
Khi cổ tử cung mở hoàn toàn, đầu của thai nhi đang ở vùng thấp nhất dưới xương chậu, bạn sẽ cảm nhận được một sự kích thích nhẹ, thôi thúc như việc muốn rặn đẻ để đẩy thai nhi ra ngoài. Khi tử cung co bóp sẽ gây sức ép lên thai nhi để thai nhi di chuyển xuống đường sinh.
Trong lúc này, bác sĩ có thể tiến hành rạch tầng sinh môn để tạo điều kiện thuận lợi cho việc sinh nở.Vết rạch sẽ kéo dài từ cuối âm đạo xuống dưới hậu môn theo đường hơi chếch một chút. Do tiến hành rạch tầng sinh môn trong khi đang có cơn co nên bạn sẽ không cảm thấy cơn đau khi bị rạch.
Sau một vài lần rặn, bác sĩ sẽ thấy ở phần da đầu của bé lộ ra ở tầng sinh môn của mẹ. Lúc này, áp lực của bé tại vùng đáy chậu sẽ mạnh hơn, bạn sẽ dùng lực để rặn mạnh để đẩy phần đầu của bé ra ngoài.
Khi đầu bé xuất hiện, bác sĩ và điều dưỡng sẽ kéo bé ra dần dần, lau qua người bé và cho bé thực hiện da kề da với bạn. Chờ dây rốn ngừng đập (sau khi bé chào đời từ 3 – 5 phút), bác sĩ sẽ tiến hành cắt dây rốn và lấy toàn bộ nhau thai trong bụng mẹ ra ngoài, tiếp tục bác sĩ tiến hành khâu tầng sinh môn cho mẹ.
Em bé sau đó sẽ được đưa đi lau người, vệ sinh sạch sẽ, mẹ được chuyển về phòng hậu phẫu và em bé cũng theo mẹ về phòng ngay nếu không có bất kì vấn đề bất thường nào về sức khỏe.
Khi trở về phòng hậu phẫu, bạn đã có thể chăm sóc và cho bé bú, dành thêm thời gian nghỉ ngơi để lấy lại sức.
Trên đây là một số thông tin giúp giải đáp phần nào thắc mắc “Đẻ thường như thế nào?” của bạn. Hi vọng với những thông tin này, bạn sẽ cảm thấy an tâm và tự tin hơn khi “vượt cạn”. Chúc bạn mẹ tròn con vuông!