Dấu hiệu trẻ sơ sinh bị cảm lạnh và cách điều trị hiệu quả

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Mai Hoa

Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI

Cảm lạnh ở trẻ sơ sinh là căn bệnh khá phổ biến vào mùa thu đông. Nhận biết sớm những dấu hiệu trẻ sơ sinh bị cảm lạnh sẽ giúp phụ huynh có cách điều trị hiệu quả hơn. Cùng tìm hiểu ngay qua bài viết này của Thu Cúc nhé.

1. Tổng quan về bệnh cảm lạnh ở trẻ sơ sinh

Trẻ em là đối tượng dễ bị cảm lạnh nhất, đặc biệt là trẻ sơ sinh. Lý do là vì trẻ sơ sinh có hệ miễn dịch chưa được hoàn thiện và cần thời gian thích nghi với môi trường mới. Khi hệ miễn dịch của trẻ sơ sinh bị yếu, virus sẽ dễ dàng xâm nhập và gây cảm lạnh. Song ba mẹ không nên quá lo lắng. Vì những virus bé mắc phải trong giai đoạn này sẽ giúp hệ miễn dịch của bé dần hoàn thiện hơn.

Cảm lạnh ở trẻ sơ sinh không nguy hiểm, nhưng khi để tình trạng kéo dài và không cải thiện sẽ ảnh hưởng đến hệ hô hấp và khiến trẻ viêm phổi, viêm thanh khí phế quản,…

2. Dấu hiệu khi trẻ sơ sinh bị cảm lạnh như thế nào?

Cảm lạnh cũng có những dấu hiệu nhận biết gần giống với cảm cúm. Dù vậy, cảm lạnh ở mức độ nhẹ hơn và có trường hợp bé tự khỏi. Cụ thể, những dấu hiệu khi bé bị cảm lạnh ba mẹ cần chú ý như sau:

Dấu hiệu trẻ sơ sinh bị cảm lạnh

Dấu hiệu trẻ sơ sinh bị cảm lạnh: đầu tiên là sổ mũi, sốt nhẹ

2.1 Sổ mũi, hắt hơi

Dấu hiệu dễ nhận biết nhất khi trẻ sơ sinh bị cảm lạnh đó chính là sổ mũi, hắt hơi. Khi thấy bé xuất hiện dịch đặc ở mũi, hay hắt hơi thì ba mẹ cần lưu ý theo dõi ngay. Bởi đây có thể là những tín hiệu cho thấy trẻ sơ sinh có thể bị cảm lạnh.
Lưu ý ban đầu dịch mũi có thể có màu trong, loãng nhưng để ứ đọng và không vệ sinh có thể bị bội nhiễm dịch trở nên đục, xanh.

2.2 Sốt

Ngoài sổ mũi thì sốt cũng là một dấu hiệu giúp ba mẹ dễ phát hiện bé bị cảm lạnh. Tuy nhiên, bé chỉ sốt nhẹ khoảng 38 độ C. Dấu hiệu này không rõ rệt và có thể hết sau một vài ngày.

2.3 Ho, đau họng

Khi trẻ sơ sinh bị cảm lạnh còn có thể có dấu hiệu ho, đau họng kéo dài. Thời gian đầu ba mẹ thấy bé hay khò khè, nghẹt mũi, ho có đờm… về lâu dài có thể nguy hiểm đến đường hô hấp.

2.4 Biếng ăn

Trẻ sơ sinh bị virus xâm nhập sẽ gây nên những thay đổi trong cơ thể. Khi đó, bé có thể quấy khóc và biếng ăn hơn. Thậm chí, nhiều mẹ phải thức suốt đêm để chăm bé.

3. Nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị cảm lạnh

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến trẻ sơ sinh bị cảm lạnh. Có thể tổng hợp ngắn gọn qua 5 nguyên nhân chính sau:

– Trẻ sơ sinh tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh thông qua việc họ ôm hôn, bế hoặc cầm tay bé.

– Trẻ sơ sinh vô tình bị nhiễm virus trong không khí, hay các đồ vật thường ngày.

– Trẻ bị dị ứng với thời tiết, môi trường ô nhiễm dẫn đến bị cảm lạnh.

– Trẻ sơ sinh tiếp xúc với gió lạnh quá lâu, hoặc môi trường điều hòa quá thấp

– Trẻ sơ sinh dùng sữa công thức thay vì sữa mẹ sẽ có hệ miễn dịch kém hơn nên dễ bị cảm lạnh hơn.

4. Cách điều trị hiệu quả khi trẻ sơ sinh bị cảm lạnh

Một số cách điều trị hiệu quả cho trẻ sơ sinh bị cảm lạnh ba mẹ có thể tham khảo như:

– Tăng cường sức đề kháng cho trẻ bằng cách cho trẻ uống cả sữa mẹ và sữa công thức. Nếu trẻ trên 6 tháng tuổi, có thể cho bé uống thêm một ít nước.

– Vệ sinh mũi cho trẻ sơ sinh bằng nước muối sinh lý thường xuyên. Hút sạch dịch mũi cho bé bằng dụng cụ hút chuyên dùng.

– Sử dụng máy lọc không khí, máy làm ẩm giúp nâng cao độ ẩm không khí xung quanh.

– Tắm nhanh cho bé bằng nước ấm và trong phòng kín gió.

– Cho bé nghỉ ngơi nhiều hơn để mau hồi phục

5. Khi trẻ sơ sinh bị cảm lạnh nên tránh điều gì?

Ba mẹ nên tránh những điều sau đây khi phát hiện bé bị cảm lạnh:

– Kháng sinh không diệt được virus nên khi bé bị cảm lạnh ba mẹ không nên tự ý dùng cho bé.

– Không dùng thuốc hạ sốt như Tylenol cho bé dưới 3 tháng tuổi nếu không có chỉ định của bác sĩ. Ba mẹ nên hỏi ý kiến và đi thăm khám bác sĩ chuyên khoa nhi trước khi dùng bất cứ loại thuốc nào.

– Phụ huynh tuyệt đối không dùng Aspirin cho trẻ sơ sinh.

Ba mẹ không dùng Aspirin cho trẻ sơ sinh

Ba mẹ không dùng Aspirin cho trẻ sơ sinh

– Trẻ dưới 2 tuổi bao gồm trẻ sơ sinh không khuyến cáo dùng các loại thuốc giảm ho.

– Ba mẹ không nên đặt sấp trẻ khi ngủ.

6. Khi nào nên đưa trẻ sơ sinh bị cảm lạnh đến khám bác sĩ?

Ba mẹ nên đưa trẻ đến khám bác sĩ chuyên khoa nhi khi thấy trẻ bị cảm lạnh mãi không khỏi và có các triệu chứng sau:

Đưa trẻ đi khám sớm tại Thu Cúc giúp ba mẹ yên tâm hơn

Đưa trẻ đi khám sớm tại Thu Cúc giúp ba mẹ yên tâm hơn

– Nổi ban đỏ trên toàn bộ cơ thể hoặc một vùng nhất định

– Sốt cao trên 38,5 độ C kéo dài nhiều ngày

– Da bé tái xanh, môi nhợt nhạt

– Khó thở, hay bị nôn và ọc sữa

– Tiêu chảy

– Dịch mũi lẫn máu

– Quấy khóc liên tục mà ba mẹ không rõ nguyên nhân

– Dấu hiệu rút lõm lồng ngực

Hy vọng những thông tin về dấu hiệu khi trẻ sơ sinh bị cảm lạnh kể trên sẽ hữu ích cho các bậc phụ huynh. Ngay khi thấy bé khác thường, ba mẹ nên theo dõi và đưa bé đi khám sớm tránh biến chứng nguy hiểm.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital