Dấu hiệu sốt xuất huyết ở trẻ giúp phát hiện bệnh sớm

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Mai Hoa

Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI

Số ca mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội hiện ghi nhận tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này khiến các bậc phụ huynh không khỏi lo lắng cho con em mình khi dịch sốt xuất huyết đang tăng cao. Vậy trẻ nhỏ mắc sốt xuất huyết có nguy hiểm không? Dấu hiệu sốt xuất huyết ở trẻ là gì? Xem ngay bài viết dưới đây để được giải đáp chi tiết nhé.

1. Trẻ sốt xuất huyết bố mẹ chớ chủ quan

Sốt xuất huyết là một trong những bệnh được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp vào danh sách các bệnh đáng được quan tâm nhất do bị muỗi truyền. Những năm qua, các bệnh nhân nhiễm sốt xuất huyết trên toàn thế giới đã tăng lên gấp hơn 30 lần.

Sốt xuất huyết là một loại bệnh truyền nhiễm do “thủ phạm” là virus Dengue gây ra, hiện có 4 thể: DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Trẻ mắc bệnh sốt xuất huyết do thể nào thì cơ thể chỉ có thể có miễn dịch với thể đó. Vậy nên, tất cả các bé đều có khả năng mắc bệnh sốt xuất huyết nhiều hơn 1 lần trong đời.

Bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em hay người lớn đều có tốc độ lây lan nhanh, mạnh nên rất dễ bùng thành dịch trong cộng đồng. Bệnh có thể xảy ra quanh năm, nhưng dễ bùng phát thành dịch vào mùa mưa, nhất là từ tháng 7 – tháng 10 hàng năm.

Thời gian gần đây, dịch bệnh sốt xuất huyết tại Việt Nam lại bùng phát và có chiều hướng tăng cao ở cả 3 miền. Theo đó, TP Hồ Chí Minh hiện ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết đã tăng 19% chỉ sau 1 tháng, Thừa Thiên Huế ghi nhận 154 ca mắc sốt xuất huyết (tính từ đầu năm đến hết tháng 7), và Hà Nội ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết đã tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái với hơn 3.500 ca mắc.

Dấu hiệu sốt xuất huyết giúp nhận biết sớm trẻ nhỏ đã mắc bệnh-1

Trẻ sốt xuất huyết có thể bị biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong nếu không điều trị đúng cách

Trẻ mắc sốt xuất huyết thông thường có thể điều trị tại nhà. Thế nhưng, nếu cha mẹ chủ quan, không cho con điều trị đúng cách thì bệnh lâu khỏi và tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến chứng nguy hiểm. Một số biến chứng bệnh sốt xuất huyết có thể gặp ở trẻ như: giảm tiểu cầu nhiều kéo theo nguy cơ xuất huyết não hoặc tử vong, suy tim, suy thận, sốc do mất máu, suy đa tạng…

2. Những dấu hiệu sốt xuất huyết ở trẻ thường gặp

Những triệu chứng bất thường chính là dấu hiệu giúp các bậc phụ huynh nhận biết bệnh ở trẻ. Với bệnh sốt xuất huyết cũng vậy, trẻ nhỏ mắc bệnh sẽ dần xuất hiện các triệu chứng bất thường, đặc thù, phụ huynh chỉ cần quan sát kĩ là đã có thể sớm phát hiện bệnh của con.

Dấu hiệu sốt xuất huyết giúp nhận biết sớm trẻ nhỏ đã mắc bệnh-2

Trẻ sốt xuất huyết thường khởi phát bệnh với triệu chứng sốt cao 39 – 40 độ C

Dưới đây là một số triệu chứng, dấu hiệu sốt xuất huyết ở trẻ thường xuất hiện trong giai đoạn đầu bé mắc bệnh:

– Trẻ mắc sốt xuất huyết thường khởi phát với triệu chứng sốt cao đột ngột 39 – 40 độ C, trước đó trẻ hoàn toàn bình thường. Tình trạng sốt cao kéo dài từ 2 – 3 ngày đầu.

– Trẻ xuất hiện các triệu chứng kèm theo như: mặt đỏ bừng, da xung huyết, đau đầu, cơ thể đau nhức…

– Một số trẻ còn có các biểu hiện kèm theo như đau họng, mệt mỏi, nôn, viêm kết mạc mắt…

– Trẻ nhũ nhi thì còn có thể xuất hiện triệu chứng tiêu chảy.

– Vài ngày sau khi khởi phát bệnh, trẻ sẽ xuất hiện thêm các triệu chứng đặc thù như: có chấm xuất huyết trên các vùng cẳng chân, cẳng tay, nách, ngực, vùng thắt lưng… xuất huyết niêm mạc với biểu hiện cụ thể là chảy máu răng, chảy máu mũi hay đi vệ sinh ra máu.

Khi trẻ xuất hiện những triệu chứng trên, bố mẹ hoàn toàn có thể nghi ngờ trẻ có thể đã mắc sốt xuất huyết. Để chắc chắn hơn, bố mẹ hãy đưa con đi khám bác sĩ. Tại các cơ sở y tế uy tín như Thu Cúc TCI, bé sẽ được tiến hành các kiểm tra, xét nghiệm cần thiết để xác định bệnh và được bác sĩ tư vấn phác đồ điều trị phù hợp với tình trạng bệnh của bé hiện tại.

3. Các giai đoạn trẻ mắc sốt xuất huyết sẽ phải trải qua

Trẻ mắc sốt xuất huyết sẽ phải trải qua đầy đủ 3 giai đoạn của bệnh: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn cơ thể phục hồi. Khi nắm được các giai đoạn của bệnh, phụ huynh sẽ hiểu hơn về bệnh sốt xuất huyết, bình tĩnh xử lý đúng cách giúp con đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất.

3.1. Giai đoạn trẻ sốt cao

Trẻ nhiễm virus sốt xuất huyết sẽ khởi phát bệnh với triệu chứng sốt cao đột ngột và liên tục. Bé sẽ sốt 39 – 40 độ trong khoảng 2-3 ngày đầu. Các bé nhỏ sẽ xuất hiện triệu chứng kèm theo như cảm thấy bứt rứt, khó chịu và quấy khóc nhiều. Các bé lớn hơn sẽ than đau đâu, cơ thể mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, có biểu hiện da sung huyết. Một số bé còn đau cơ khớp, chảy máu chân răng, chảy máu cam, nhức ở hai hố mắt…

Ở giai đoạn này, nếu bố mẹ đưa trẻ đi khám thì kết quả xét nghiệm máu thường cho các chỉ số bình thường. Dung tích hồng cầu ở mức bình thường, số lượng tiểu cầu và bạch cầu bình thường hoặc giảm nhé.

Dấu hiệu sốt xuất huyết ở trẻ nhỏ

Trẻ xuất hiện triệu chứng bất thường mẹ nên cho đi khám sớm để xác định và điều trị bệnh

Tuy nhiên, bố mẹ vẫn nên cho trẻ đi khám bác ở giai đoạn này. Việc trẻ sốt xuất huyết được đưa đi khám sớm sẽ giúp bé được phát hiện sớm các dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm do mắc sốt xuất huyết nếu có. Hơn thế, phụ huynh sẽ được bác sĩ tư vấn phác đồ điều trị phù hợp cho con, cách chăm sóc, hỗ trợ hạ sốt cho bé sốt xuất huyết đúng cách. Nhờ đó, bố mẹ tự tin hơn khi chăm sóc bé sốt xuất huyết tại nhà, loại bỏ tối đa các nguy cơ biến chứng nặng.

3.2. Giai đoạn nguy hiểm

Giai đoạn này thường rơi vào khoảng ngày thứ 3 – 7 tính từ khi bé khởi phát bệnh với triệu chứng sốt cao. Ở giai đoạn nguy hiểm, bé có thể vẫn còn sốt nhưng mức nhiệt đã giảm và xuất hiện thêm triệu chứng thoát huyết tương.

Lưu ý rằng, nếu gặp phải tình trạng thoát huyết tương nặng, lượng huyết tương trong máu của bé sẽ giảm ồ ạt khiến cho bé bị chướng bụng và có thể dẫn tới sốc và có nguy cơ tử vong cao. Dấu hiệu dễ nhận thấy ở trẻ sốt xuất huyết bị thoát huyết tương nặng là bé có biểu hiện vật vã, lờ đờ, da lạnh, lạnh các đầu chi, mạch nhanh nhỏ, tiểu ít, huyết áp bị tụt, bị kẹt hoặc không thể đo được huyết áp. Trường hợp này, bố mẹ cần đưa bé đi cấp cứu ngay để được bác sĩ hỗ trợ điều trị để không biến chứng nguy hiểm.

Ngoài ra, ở giai đoạn nguy hiểm, trẻ sốt xuất huyết còn xuất hiện các triệu chứng xuất huyết dưới da hoặc xuất huyết dưới da, xuất huyết các mảng bầm tím hay xuất huyết ở niêm mạc. Tuy nhiên, đây không phải triệu chứng bắt buộc, không xảy ra ở rất nhiều trẻ sốt xuất huyết.

3.3. Giai đoạn hồi phục

Sau 48 – 72 giờ ở trong giai đoạn nguy hiểm, trẻ sốt xuất huyết sẽ chuyển sang giai đoạn hồi phục. Ở giai đoạn này, trẻ hết sốt, tình trạng sức khỏe cải thiện nhiều, huyết áp ổn định hơn, tiểu cầu tăng dần, bé thèm ăn và ăn uống dần bình thường. Tuy nhiên, các bé bị sốt xuất huyết nặng thì giai đoạn này có nguy cơ cao xảy ra biến chứng, các phụ huynh cần hết sức cẩn thận.

Trường hợp phát hiện thấy dấu hiệu sốt xuất huyết ở trẻ bất thường như nôn nôn, đau bụng dữ dội… bố mẹ không nên chủ quan. Đây có thể là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ bé sốt xuất huyết biến chứng nặng. Bố mẹ hãy nhanh chóng cho con tới Thu Cúc TCI cơ sở gần nhất để được các bác sĩ hỗ trợ kịp thời nhé.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital