Viêm màng phổi ở trẻ: Những điều bố mẹ phải biết

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Mai Hoa

Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI

Hệ miễn dịch chưa hoàn thiện là một trong những nguyên nhân khiến trẻ dễ mắc các bệnh hô hấp, đặc biệt là bệnh viêm màng phổi. Vậy, viêm màng phổi ở trẻ nhận biết và điều trị như thế nào, đọc bài viết sau của Thu Cúc TCI để biết thông tin chi tiết, bố mẹ nhé!

1. Khái niệm

Bao bọc bên ngoài phổi là màng phổi. Màng phổi được cấu thành từ 2 lớp tế bào, ở giữa 2 lớp tế bào đó là khoang màng phổi, có chứa một lượng dịch nhỏ. Nhiệm vụ của màng phổi là hạn chế phổi và thành ngực va chạm trực tiếp khi chúng ta hô hấp. Như vậy, viêm màng phổi là bệnh lý mà trong đó, màng phổi nhiễm trùng, sưng, phù nề. Viêm màng phổi có thể là nguyên phát hoặc thứ phát, tùy vị trí khởi phát viêm màng phổi, là tại chính mô của màng phổi hay tại một vị trí khác ở phổi/lồng ngực.

2. Phân loại và nguyên nhân

2.1. Viêm màng phổi nguyên phát

Viêm màng phổi nguyên phát thường phát sinh do virus. Viêm màng phổi nguyên phát do virus ít biểu hiện nặng và có thể cải thiện hiệu quả sau một thời gian điều trị. Trong điều trị viêm màng phổi dạng này, hệ miễn dịch giữ vai trò vô cùng quan trọng.

Viêm màng phổi nguyên phát thường phát sinh do virus

Virus là nguyên nhân phát sinh viêm màng phổi nguyên phát

2.2. Viêm màng phổi thứ phát

Viêm màng phổi thứ phát, như đã chia sẻ phía trên, có nguyên nhân hình thành là các bệnh lý ở phổi hoặc các bệnh lý ở lồng ngực, như: Viêm phổi, tràn khí màng phổi, thuyên tắc phổi, chấn thương lồng ngực,… Viêm màng phổi thứ phát thường nghiêm trọng hơn viêm màng phổi nguyên phát, điều trị khó khăn và biến chứng dễ dàng.

3. Dấu hiệu nhận biết

Bố mẹ có thể sử dụng những dấu hiệu sau để phát hiện sớm viêm màng phổi ở trẻ:

– Trẻ viêm màng phổi thường thở nhanh hơn bình thường: Theo chuyên gia, khi màng phổi viêm, phổi trẻ mất đi tính mềm mại, từ đó không thể co giãn một cách nhịp nhàng, khiến trẻ bị thiếu Oxy và phải thở nhanh hơn nhằm bù đắp sự thiếu hụt này.

Trẻ quấy khóc.

– Trẻ bỏ chơi, bỏ bú.

– Trẻ viêm màng phổi nặng lồng ngực dưới sẽ bị lõm do trẻ cố gắng hô hấp

– Trẻ sốt, li bì.

– Trẻ viêm màng phổi lâu ngày không điều trị có thể co giật và suy dinh dưỡng nặng.

4. Biến chứng

Biến chứng gần như chỉ xuất hiện ở trẻ viêm màng phổi thứ phát. Theo đó, nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, viêm màng phổi thứ phát có thể tiến triển đến: Áp xe phổi, tràn dịch màng ngoài tim, nhiễm khuẩn huyết,…

Viêm màng phổi ở trẻ có thể biến chứng đến nhiễm khuẩn huyết

Nhiễm khuẩn huyết là một trong những biến chứng của viêm màng phổi

5. Chẩn đoán và điều trị

5.1. Chẩn đoán viêm màng phổi ở trẻ

Viêm màng phổi chỉ có thể được chẩn đoán xác định sau thăm khám lâm sàng và thăm khám cận lâm sàng. Trong đó, thăm khám cận lâm sàng là thăm khám mang ý nghĩa quyết định. Thăm khám cận lâm sàng viêm màng phổi chủ yếu là: Xét nghiệm máu, soi cấy (sịnh hóa dịch màng phổi xác định tác nhân gây bệnh), chụp X-quang ngực thẳng, siêu âm, chụp cắt lớp vi tính (được chỉ định trong trường hợp trẻ cần dẫn lưu dịch bằng can thiệp ngoại khoa, sau 48 – 72 giờ không đáp ứng điều trị nội khoa hoặc được chỉ định trong trường hợp trẻ nghi ngờ dày dính màng phổi/có các bệnh lý nhu mô phổi kèm theo, như viêm phổi…)

5.2. Điều trị viêm màng phổi ở trẻ

Điều trị viêm màng phổi được tiến hành sau chẩn đoán xác định. Phương pháp điều trị bệnh lý này cụ thể ở mỗi trẻ có thể khác nhau. Tuy nhiên, dù giống hay khác, chúng cũng sẽ bao gồm:

– Kiểm soát triệu chứng viêm màng phổi: Trẻ được chỉ định sử dụng thuốc hạ sốt, liệu pháp Oxy,… khi sốt cao, suy hô hấp. Ngoài sốt cao, suy hô hấp, những triệu chứng khác của viêm màng phổi cũng sẽ được chuyên gia kiểm soát bằng các phương pháp thích hợp.

– Sử dụng kháng sinh: Kháng sinh liều đầu được chỉ định cho trẻ sử dụng khi có kết quả soi tươi sau chọc dò màng phổi. Tùy khả năng đáp ứng kháng sinh, trẻ sẽ được chỉ định sử dụng các liều tiếp theo.

– Chọc hút dịch: Chuyên gia chỉ định chọc hút dịch đối với các trường hợp viêm màng phổi có mủ vàng, đục, đặc.

– Dẫn lưu dịch bằng can thiệp ngoại khoa: Can thiệp này được chỉ định cho các trường hợp viêm màng phổi không đáp ứng kháng sinh, chọc hút dịch hoặc nghi ngờ có vách hóa trên hình ảnh chụp X-quang và hình ảnh siêu âm.

– Vật lý trị liệu: Trẻ viêm màng phổi cần vật lý trị liệu trong tối thiểu 3 tháng. Đây là hoạt động điều trị cần thực hiện để dự phòng nguy cơ viêm màng phổi biến chứng đến dày dính màng phổi.

– Tái khám định kỳ

Tái khám định kỳ để bảo vệ trẻ trước viêm màng phổi

Để bảo vệ trẻ trước viêm màng phổi cho trẻ tái khám định kỳ

Ngoài điều trị viêm màng phổi với chuyên gia, để trẻ mắc bệnh lý này hồi phục nhanh chóng, bố mẹ cần ghi nhớ và tuân thủ một số lưu ý như sau:

– Tăng cường cho trẻ ăn và bú: Nếu trẻ còn bú mẹ, mẹ cho trẻ bú thường xuyên hơn và nhiều hơn bình thường để bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng và tăng sức đề kháng cho trẻ. Trường hợp trẻ đã lớn, cho trẻ ăn nhiều bữa nhỏ hơn cũng như tăng cường cho trẻ ăn thực phẩm có khả năng kháng các tác nhân gây bệnh.

– Hút mũi cho trẻ hàng ngày: Trẻ bị viêm màng phổi thường có triệu chứng ngạt mũi. Vì thế, hãy hút mũi cho trẻ hàng ngày để trẻ dễ thở hơn, có thể ăn hoặc bú dễ dàng.

Phía trên là những thông tin bố mẹ cần biết về viêm màng phổi ở trẻ. Hy vọng rằng với chúng, bố mẹ có thể bảo vệ trẻ an toàn trước bệnh lý này. Liên hệ Thu Cúc TCI ngay nếu bố mẹ còn thắc mắc cần giải đáp chi tiết một cách nhanh chóng, bố mẹ nhé!

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital