Viêm đường hô hấp trên là tình trạng viêm nhiễm xảy ra ở các bộ phận tại đường hô hấp trên. Bé bị viêm đường hô hấp trên thường tái phát theo mùa. Bệnh ảnh hưởng ít nhiều đến sức khỏe và quá trình phát triển của con khiến các bố mẹ không khỏi lo lắng. Vậy khi trẻ mắc bệnh có biểu hiện bệnh như thế nào? Bài viết dưới đây của Thu Cúc TCI sẽ giúp bạn hiểu thêm.
Menu xem nhanh:
1. Khái niệm viêm đường hô hấp
Đầu tiên cần biết đường hô hấp trên bao gồm các bộ phận như: xoang, mũi, hầu, họng, thanh quản, khí quản, phế quản, phổi. Các bộ phận này đóng vai trò dẫn khí từ bên ngoài vào phổi đảm bảo quá trình hô hấp diễn ra bình thường. Mỗi bộ phận bị viêm sẽ có các tên gọi khác nhau: viêm xoang, viêm họng, viêm phổi, viêm thanh quản,… Viêm đường hô hấp trên là bệnh lý phổ biến trên thế giới, là nguyên nhân đi gặp bác sĩ nhiều nhất. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, mọi thời điểm nhưng phổ biến nhất là mùa thu đông. Trẻ em là đối tượng rất dễ mắc bệnh bởi hệ miễn dịch non yếu, dễ bị vi khuẩn tấn công.
2. Triệu chứng khi bé bị bệnh
Thông thường khi bé bị viêm đường hô hấp trên sẽ có các biểu hiện điển hình mà bố mẹ rất dễ nhận biết như:
– Ngạt mũi, cay mũi, chảy nước mũi trong suốt khi mới bị bệnh
– Ho từ nhẹ đến nặng tùy từng mức độ viêm, có thể ho khan hoặc ho có đờm
– Trẻ có thể có các cơn sốt
– Hắt hơi
– Đau họng và khó nuốt
– Mệt mỏi, đau đầu, nặng đầu
– Khàn tiếng
– Cơ thể mệt mỏi
– Một số triệu chứng rất ít gặp: đau xoang, ngứa mắt,…
Viêm đường hô hấp trên là bệnh lý đơn giản, có thể tự khỏi sau 5 – 7 ngày với những trẻ có hệ miễn dịch tốt. Tuy nhiên, nếu để bệnh kéo dài thì bệnh có thể chuyển từ cấp tính sang mãn tính. Các triệu chứng tiến triển nặng hơn, khiến trẻ gặp khó chịu trong sinh hoạt hàng ngày: ho có đờm kéo dài, rát họng, nước mũi chuyển sang màu xanh, vàng, đặc hơn, trẻ thở bằng miệng, khò khè,… Bệnh chuyển nặng khiến trẻ mệt mỏi, lừ đừ, nghỉ học, ảnh hưởng đến việc học không hề nhỏ. Bệnh dai dẳng còn cảnh báo một số biến chứng nguy hiểm như: viêm não, viêm cơ tim,… Vì vậy, bố mẹ hãy chú ý đến các dấu hiệu sớm để cho trẻ đến gặp bác sĩ điều trị kịp thời.
3. Nguyên nhân gây bệnh
Vậy nguyên nhân nào khiến bé bị viêm đường hô hấp trên? Dưới đây là tổng hợp một vài nguyên nhân chính thường gặp gây bệnh cho trẻ:
– Do virus và vi khuẩn lành tính xâm nhập vào niêm mạc đường hô hấp trên gây viêm nhiễm (nguyên nhân gây bệnh chủ yếu của trẻ dưới 5 tuổi)
– Dị ứng thời tiết
– Trẻ bị dị ứng với một số tác nhân khác như: phấn hoa, lông động vật
– Khói bụi
– Tiếp xúc với người mắc bệnh, bệnh được lây truyền qua hô hấp hoặc sử dụng đồ cá nhân của người bệnh
– Trẻ hít khói thuốc tự động
– Vệ sinh tay không sạch sẽ
– Suy giảm miễn dịch do bệnh nền hoặc phẫu thuật
Tác nhân vi khuẩn, virus muốn xâm nhập vào cơ thể gây bệnh cần vượt qua vài lớp hàng rào bảo vệ đường hô hấp: lớp lông niêm mạc mũi, lớp dịch nhầy trong lòng mũi, hệ miễn dịch (VA, amidan đóng vai trò rất quan trọng). Tuy nhiên, virus và vi khuẩn cũng tự sinh sôi, biến đổi để chống lại các hàng rào cản trở bệnh này. Mỗi loại virus, vi khuẩn lại có thời gian sinh sôi ủ bệnh và phát bệnh khác nhau. Vì vậy, trẻ cần đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán xác nhận nguyên nhân gây bệnh và tiếp nhận điều trị phù hợp.
4. Bé bị viêm đường hô hấp được điều trị như thế nào?
Bác sĩ tiến hành chẩn đoán để phân biệt bệnh với các bệnh khác có triệu chứng tương tự. Qua thăm khám, bác sĩ có thể đánh giá được mức độ sưng viêm và tình trạng bệnh lây lan sang các bộ phận khác. Việc chẩn đoán của bác sĩ có thể tiến hành bằng một số phương pháp:
– Thăm hỏi, đánh giá triệu chứng lâm sàng
– Thăm khám cận lâm sàng
– Xét nghiệm khi cần thiết
Trẻ có thể được kê các loại thuốc kháng viêm, giảm đau, giảm phù nề, trị ho, hạ sốt để thuyên giảm các triệu chứng, đặc biệt để ngăn chặn nguy cơ sốt cao gây co giật. Bên cạnh đó có thể sử dụng một vài loại thuốc giúp thông mũi, làm sạch mũi. Việc điều trị cho trẻ còn cần kết hợp với chế độ dinh dưỡng, chăm sóc hợp lý. Các bác sĩ khuyên bố mẹ nên thực hiện các biện pháp chăm sóc cho trẻ như:
– Rửa mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý nhưng không nên lạm dụng
– Kết hợp chườm ấm, lau người cho trẻ khi bị sốt
– Giữ ấm cơ thể trẻ khi trẻ bị bệnh vào mùa lạnh
– Bù nước cho trẻ bằng cách cho uống nhiều nước hoặc cho bú
– Đảm bảo trẻ ăn uống đầy đủ, chia bữa nhỏ và ăn lỏng để dễ tiêu
– Nếu trẻ bị nôn, bố mẹ hãy đặt trẻ nằm nghiêng, không cố bù thuốc trong trường hợp trẻ nôn ra thuốc mới uống
Nếu trẻ được chỉ định điều trị ngoại trú thì bố mẹ cần chú ý cập nhật tình hình đều đặn với bác sĩ và đưa trẻ trở lại bệnh viện trong trường hợp trẻ không thuyên giảm triệu chứng và có dấu hiệu lừ đừ, mệt mỏi, li bì.
5. Phòng bệnh cho bé
Để phòng bệnh cho trẻ, bố mẹ có thể thực hiện một số biện pháp như:
– Tiêm chủng đầy đủ
– Bú mẹ đầy đủ
– Hạn chế đưa trẻ đến nơi đông người, nếu có thì cần đeo khẩu trang và vệ sinh khi trở về nhà
– Giữ gìn vệ sinh cho bé, giúp bé nhận thức được tầm quan trọng của vệ sinh tay sạch sẽ
– Bố mẹ nên xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý cho trẻ để tăng cường đề kháng
Bố mẹ cần đặc biệt chú ý đến đường hô hấp của con khi thời tiết giao mùa hoặc vào mùa lạnh để phòng tránh nguy cơ bé bị viêm đường hô hấp trên. Bố mẹ cũng cần lưu ý: không lạm dụng và dùng các bài thuốc dân gian để điều trị bệnh, hãy đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời. Khoa Nhi Thu Cúc TCI đồng hành và hỗ trợ bố mẹ 24/24 chăm sóc sức khỏe con yêu.