Dấu hiệu của thủy đậu: cách nhận biết và điều trị hiệu quả

Tham vấn bác sĩ

Dấu hiệu của thủy đậu sẽ xuất hiện ngày càng rõ ràng theo từng giai đoạn trẻ mắc bệnh. Nếu quan sát kĩ, bố mẹ có thể sớm phát hiện và cho con điều trị sớm. Nhờ đó, bệnh của bé sẽ mau khỏi, hạn chế tối đa nguy cơ biến chứng, cơ thể trẻ sau khi hết bệnh cũng phục hồi nhanh hơn.

1. Các dấu hiệu của bệnh thủy đậu ở trẻ nhỏ

Dấu hiệu của thủy đậu ở trẻ em sẽ dần xuất hiện theo từng giai đoạn của bệnh. Càng về sau, dấu hiệu của bệnh thủy đậu càng rõ ràng hơn.

1.1. Dấu hiệu của thủy đậu giai đoạn ủ bệnh

Giai đoạn ủ bệnh của thủy đậu kéo dài từ 10 – 20 ngày. Trẻ em khi mắc phải thủy đậu ở giai đoạn ủ bệnh sẽ không có bất kỳ dấu hiệu gì, điều này làm cho việc nhận biết bệnh trở nên rất khó.

1.2. Dấu hiệu của thủy đậu giai đoạn khởi phát

Dấu hiệu của thủy đậu: cách nhận biết và điều trị hiệu quả-1

Trẻ mắc thủy đậu giai đoạn khởi phát xuất hiện dấu hiệu đau đầu, mệt mỏi

Ở giai đoạn khởi phát của bệnh thủy đậu, trẻ sẽ bắt đầu có các triệu chứng như sốt nhẹ, mệt mỏi cơ thể, và nhức đầu. Trong khoảng thời gian 24 – 48 giờ đầu, những nốt phát ban màu đỏ sẽ dần xuất hiện trên cơ thể, có đường kính khoảng vài milimet. Một số trẻ có thể sẽ nổi hạch sau tai và kèm theo triệu chứng viêm họng.

1.3. Dấu hiệu thủy đậu giai đoạn toàn phát

Trẻ em bị bệnh thủy đậu tới giai đoạn toàn phát sẽ bắt đầu bị sốt cao, buồn nôn, chán ăn, đau đầu, mệt mỏi, đau cơ. Các nốt ban đỏ trên da bắt đầu phát triển thành nốt mụn nước hình tròn, có đường kính từ 1 – 3 mm. Trẻ sẽ cảm thấy ngứa rát và khó chịu nhiều khi mọc mụn nước.

Không chỉ mọc trên cơ thể, lan toàn mặt, mụn nước thủy đậu còn có thể mọc trong niêm mạc miệng và lưỡi. Điều này khiến bé bị đau và gặp nhiều khó khăn trong ăn uống.

Trường hợp trẻ bị nhiễm trùng mụn nước, các nốt mụn có thể tăng kích thước lớn hơn, dịch bên trong nốt mụn sẽ có màu đục do chứa mủ. Hoặc trường hợp khác, nếu nốt mụn nước bị trẻ gãi hay do tác nhân nào đó mà vỡ ra, thì tình trạng viêm nhiễm, lở loét trên da sẽ xảy ra.

Dấu hiệu thủy đậu: cách nhận biết và điều trị hiệu quả -2

Trẻ thủy đậu giai đoạn toàn phát nổi mụn nước to lan khắp cơ thể

1.4. Dấu hiệu thủy đậu giai đoạn hồi phục

Tính từ giai đoạn khởi phát, nếu bệnh thủy đậu của bé được phát hiện và điều trị sớm, đúng cách, thì bệnh của bé sẽ sớm ổn định sau 7 – 10 ngày. Theo đó, đến giai đoạn hồi phục, các nốt mụn nước thủy đậu sẽ tự vỡ ra, khô lại và bong vảy.

Ở giai đoạn hồi phục, bố mẹ cần vệ sinh cẩn thận các vết thủy đậu trên người trẻ, tránh để nhiễm trùng. Đồng thời sử dụng kết hợp các loại thuốc trị sẹo, thuốc trị thâm để tránh các nốt sẹo rỗ do thủy đậu để lại.

Lưu ý rằng, trẻ mắc thủy đậu nên được phát hiện bệnh càng sớm càng tốt. Lý do là bởi, khi được hỗ trợ điều trị bệnh sớm, đúng cách, bệnh thủy đậu của bé sẽ sớm khỏi, ít nguy cơ biến chứng và cơ thể nhanh hồi phục khi đã khỏi bệnh.

2. Những biến chứng có thể xảy ra khi trẻ mắc thủy đậu

Dù thủy đậu là bệnh lành tính nhưng khi nhà có trẻ nhỏ mắc bệnh thủy đậu, bố mẹ và người chăm sóc tuyệt đối không thể chủ quan. Bởi nếu không được chăm sóc tốt, trẻ mắc thủy đậu có thể xảy ra nhiều biến chứng nguy hiểm:

– Bệnh zona thần kinh. Virus thủy đậu vẫn tồn tại ở rễ dây thần kinh của trẻ sau khi khỏi bệnh. Virus sẽ tái hoạt động và gây bệnh zona thần kinh vào thời điểm hệ thần kinh của trẻ suy yếu.

– Nhiễm trùng, bội nhiễm thứ phát. Các nốt mụn nước bị xuất huyết bên trong khi mụn nước bị vỡ, trầy xước, bong tróc sẽ dẫn tới nhiễm trùng, bội nhiễm thứ phát, tạo mủ, lở loét. Tình trạng này sẽ để lại sẹo sâu khó trị khỏi sau khi trẻ khỏi bệnh.

– Viêm thanh quản. Tình trạng này là do mụn thủy đậu mọc ở khoang miệng hay niêm mạc miệng dẫn tới nhiễm trùng, sưng tấy.

– Viêm võng mạc. Virus gây bệnh thủy đậu có thể xâm nhập cả vào giác mạc ảnh hưởng tới mắt, gây nên bệnh viêm võng mạc.

– Viêm cầu thận cấp. Bệnh thủy đậu ở trẻ em nếu diễn biến nặng sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới thận như bệnh viêm thận, viêm cầu thận cấp.

– Viêm tai ngoài, tai giữa. Trường hợp mụn nước mọc ở trong tai có thể gây biến chứng viêm tai ngoài, viêm tai giữa ở trẻ em.

– Hội chứng liệt Landry. Đây là biến chứng bệnh thủy đậu ở trẻ em hiếm gặp, nhưng cực kỳ nguy hiểm vì liên quan đến hệ thần kinh ngoại biên, làm tứ chi tê yếu, liệt dần rồi lan sang toàn thân.

3. Cách điều trị bệnh thủy đậu cho trẻ khoa học, hiệu quả

Khi nhà có trẻ mắc thủy đậu, bố mẹ có thể tham khảo hướng dẫn điều trị dưới đây:

3.1. Cho trẻ xuất hiện dấu hiệu thủy đậu đi khám bác sĩ sớm

Dấu hiệu thủy đậu: cách nhận biết và điều trị hiệu quả -3

Cho trẻ xuất hiện dấu hiệu nghi mắc thủy đậu đi khám bác sĩ sớm

Ở giai đoạn khởi phát, trẻ nhỏ thường xuất hiện dấu hiệu của thủy đậu như sốt nhẹ, đau đầu, cơ thể nhức mỏi và có thể xuất hiện những nốt ban đỏ đầu tiên trên người. Bố mẹ nếu hãy quan sát con thật kĩ, nếu sang ngày thứ hai tình trạng mệt mỏi của bé chưa khỏi thì hãy cho con đi khám bác sĩ ngay.

Tại các cơ sở y tế như Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI, sau thăm khám và tiến hành các kiểm tra cần thiết, trẻ sẽ được bác sĩ chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh, xây dựng phác đồ điều trị phù hợp. Hơn thế, khi đưa con đi khám bệnh sớm, bố mẹ cũng sẽ được bác sĩ TCI tư vấn cách chăm sóc giúp con mau hết bệnh hơn.

3.2. Cho trẻ mắc thủy đậu uống thuốc đúng chỉ định của bác sĩ

Hầu hết trẻ mắc thủy đậu sau khám bệnh đều sẽ được bác sĩ chỉ định điều trị tại nhà. Một điều quan trọng bố mẹ cần làm là cho con uống thuốc đúng chỉ định liều lượng và thời gian của bác sĩ.

Trong thời gian điều trị bệnh thủy đậu cho con tại nhà, nếu bé xuất hiện thêm các triệu chứng khác như sốt cao, ngứa nhiều… Bố mẹ hãy gọi điện hỏi bác sĩ để được hỗ trợ có nên cho con uống thêm thuốc điều trị triệu chứng hay không. Trường hợp bé xảy ra nhiễm trùng, lở loét ở nốt thủy đậu, bố mẹ hãy đưa bé đi khám bác sĩ ngay để con được hỗ trợ kịp thời, ngăn ngừa nguy cơ biến chứng nặng.

3.3. Chăm sóc trẻ mắc thủy đậu tại nhà cẩn thận

Ngoài tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ, bố mẹ còn cần chăm sóc thật tốt cho trẻ mắc thủy đậu:

– Cho trẻ ăn đủ bữa, đủ chất dinh dưỡng. Nếu bé chán ăn nhiều, bố mẹ hãy ưu tiên chế biến thức ăn dạng lỏng, chia nhỏ bữa ra cho bé dễ ăn và dễ tiêu hóa hơn.

– Đảm bảo kiêng gió, kiêng gãi nốt mụn nước cho trẻ.

– Không cần kiêng tắm cho bé. Hãy vệ sinh cho bé hằng ngày bằng nước ấm để tránh nhiễm trùng có thể xảy ra.

– Hãy cho bé mặc đồ rộng rãi, chất liệu mềm mại, dễ thấm hút mồ hôi để bé được thoải mái hơn trong những ngày bị bệnh.

– Hãy chủ động cách ly trẻ mắc thủy đậu bằng cách không cho bé dùng chung bất kì đồ cá nhân gì với các thành viên trong gia đình. Mục đích để không cho bệnh thủy đậu lây lan, phát tán.

Trên đây, bài viết đã giải đáp tới bố mẹ các dấu hiệu của thủy đậu ở trẻ và gợi ý điều trị bệnh khoa học, mang lại hiệu quả tốt. Hy vọng bài viết đã cung cấp tới bố mẹ nhiều thông tin hữu ích.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital