Dấu hiệu cho thấy bé suy dinh dưỡng

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Mai Hoa

Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI

Ngày nay khi đời sống đã được nâng cao nhưng tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em vẫn xảy ra. Vậy dấu hiệu nào cho thấy bé suy dinh dưỡng. Cha mẹ hãy đọc ngay những thông tin bổ ích dưới đây

1. Bệnh suy dinh dưỡng trẻ em

Ngày nay cuộc sống đã nâng cao nhưng tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em vẫn diễn ra phổ biến

Ngày nay cuộc sống đã nâng cao nhưng tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em vẫn diễn ra phổ biến

Suy dinh dưỡng trẻ em là tình trạng trẻ bị thiếu hụt chất dinh dưỡng dẫn đến không phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ. Tình trạng suy dinh dưỡng này có thể xảy ra ở bất kỳ giai đoạn phát triển nào của trẻ. Một số trẻ bị suy dinh dưỡng ngay từ trong bào thai, một số trẻ gặp phải tình trạng này trong quá trình khôn lớn.

Thông thường, đối với trẻ em Việt Nam, trẻ phát triển bình thường sẽ có một số đặc điểm cơ bản về chiều cao và cân nặng dưới đây:

– Khi chào đời, trẻ sẽ có cân nặng trung bình dao động từ 2 – 3kg, cao khoảng 50cm.

– Khi được 1 tuổi, trẻ thường nặng gấp 3 lần thời điểm sinh (dao động từ 9 – 10 kg) và chiều cao gấp 1,5 lần khi mới sinh, khoảng 75cm.

– Giai đoạn từ 2 – 10 tuổi trẻ thường tăng trung bình mỗi năm khoảng 2 – 3kg và khoảng 5 – 7 cm chiều cao.

Nếu trẻ không phát triển bình thường về thể chất, quá gầy hoặc quá béo nhưng phản xạ chậm, cha mẹ có thể nghi ngờ trẻ bị suy dinh dưỡng. Tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ được phân loại thành một số dạng sau đây: suy dinh dưỡng nhẹ cân thấp còi, suy dinh dưỡng thể phù và suy dinh dưỡng hỗn hợp.

Hiện nay, nguyên nhân của các tình trạng suy dinh dưỡng của trẻ được xác định là do thiếu chất dinh dưỡng. Tùy thuộc vào nhu cầu của từng trẻ, nếu chế độ ăn uống hằng ngày không đảm bảo bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng và các vi chất cần thiết đều gây ra một loạt các tác động xấu đến sức khỏe của trẻ, và biểu hiện ra bên ngoài bằng những triệu chứng rất đặc trưng.

2. Dấu hiệu bé suy dinh dưỡng

Tùy thuộc vào từng dạng suy dinh dưỡng trẻ gặp phải mà các dấu hiệu sẽ có những đặc trưng riêng. Tuy nhiên đặc điểm chung nhất mà ba mẹ có thể quan sát con chính là dựa vào chỉ số chiều cao, cân nặng của trẻ và một số đặc điểm bên ngoài có bình thường hay không. Cụ thể, đối với từng dạng suy dinh dưỡng sẽ có những đặc điểm sau đây:

2.1. Bé suy dinh dưỡng nhẹ cân thấp còi

Trong trường hợp này, trẻ không đạt tiêu chuẩn về chiều cao và cân nặng. Rất dễ nhận ra trẻ suy dinh dưỡng nhẹ cân thấp còi bởi hình thể của trẻ thường nhỏ bé hơn hẳn so với bạn đồng lứa. Để theo dõi chiều cao cân nặng theo từng độ tuổi tiêu chuẩn của trẻ, cha mẹ có thể tham khảo bảng số liệu dưới đây.

Bảng cân nặng tiêu chuẩn theo WHO cho bé trai và bé gái từ 0 đến 10 tuổi

Bảng cân nặng tiêu chuẩn theo WHO cho bé trai và bé gái từ 0 đến 10 tuổi

Ngoài chỉ số chiều cao cân nặng, trẻ bị suy dinh dưỡng nhẹ cân, thấp còi còn có một số đặc điểm khác như: da dẻ không tươi sáng, một số trẻ nhận thấy rõ xanh xao; vận động thể chất chậm hoặc nhanh mệt; trẻ thường uể oải khi học tập, vui chơi.

2.2. Bé suy dinh dưỡng thể phù

Có thể đánh giá đây là một dạng suy dinh dưỡng nặng và khó điều trị. Trẻ bị suy dinh dưỡng thể phù có khuồn mặt đầy đặn nhưng chân tay gầy, khẳng khiu. Quan sát trên da trẻ sẽ có những mảng da bị rối loạn sắc tổ, thường quan sát thấy những đốm đỏ sẫm hoặc những đốm đen. Sử dụng tay ấn nhẹ vào da của trẻ có thể thấy lực đàn hồi của da rất thấp. Trẻ bị suy dinh dưỡng thể phù thường liên quan trực tiếp tới thiếu protid và các vi chất dinh dưỡng, muối khoáng cần thiết cho cơ thể.

Về lâu dài, trẻ nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây nên tình trạng còi xương, thiếu máu, quáng gà, khô giác mạc và một loạt các triệu chứng rối loạn tiêu hóa.

Mặc dù suy dinh dưỡng thể phù rất nguy hiểm, song nhiều gia đình chỉ nhận thức suy dinh dưỡng là phải gầy, thấp nên nhiều trường hợp khi phát hiện thì tình trạng suy dinh dưỡng đã rất nghiêm trọng.

Hình ảnh em bé suy dinh dưỡng mức độ nhẹ

Hình ảnh em bé suy dinh dưỡng mức độ nhẹ

2.3. Suy dinh dưỡng hỗn hợp

Dạng suy dinh dưỡng này ít gặp nhưng vẫn xảy ra, là sự kết hợp của thể phù và thấp còi nhẹ cân.Tình trạng này có thể đánh giá là suy dinh dưỡng rất nặng, khó điều trị, nguy hiểm trực tiếp tính mạng của trẻ. Suy dinh dưỡng hỗn hợp liên quan tới thiếu dinh dưỡng, vi chất và muối khoáng cần thiết cho cơ thể một cách nghiêm trọng.

3. Cần làm gì để cải thiện tình trạng bé suy dinh dưỡng?

Khi nghi ngờ trẻ bị suy dinh dưỡng, điều đầu tiên cha mẹ cần làm đó là đưa trẻ tới các trung tâm y tế để thăm khám. Tại đây, các bác sĩ sẽ thực hiện một loạt các xét nghiệm, kiểm tra để đánh giá xem bé đang thiếu những dinh dưỡng nào, tìm ra nguyên nhân thiếu hụt do chế độ ăn không đảm bảo hay do vấn đề nội tại cơ thể bé khiến bé kém hấp thu

Sau khi có bảng tư vấn dinh dưỡng, cha mẹ cần cân đối thực đơn cho bé hằng ngày để bổ sung đầy đủ những dinh dưỡng cơ thể bé còn thiếu. Ngoài bổ sung dinh dưỡng qua ăn uống, cha mẹ còn cần giúp trẻ tạo dựng một lối sống lành mạnh, bao gồm việc nghỉ ngơi và vận động hợp lý. Sau một thời gian, cần đưa trẻ tái khám để theo dõi quá trình phục hồi của cơ thể.

Đối với thai nhi, tình trạng suy dinh dưỡng  thể hiện ở việc cân nặng của bé không đạt chuẩn với các mốc mang thai tương ứng. Trong trường hợp này, mẹ cần chủ động bổ sung dinh dưỡng theo tư vấn của bác sĩ để em bé đạt chuẩn cân nặng, nâng cao thể trạng để khi chào đời em bé được khỏe mạnh.

4. Phòng ngừa suy dinh dưỡng ở trẻ

Thăm khám dinh dưỡng định kỳ cho bé giúp cha mẹ theo dõi được sự phát triển của bé có đạt chuẩn hay không

Thăm khám dinh dưỡng định kỳ cho bé giúp cha mẹ theo dõi được sự phát triển của bé có đạt chuẩn hay không

Để phòng ngừa suy dinh dưỡng ở trẻ, ngay từ giai đoạn mang thai, người mẹ cần chủ động bổ sung đầy đủ dinh dưỡng để thai nhi được khỏe mạnh.

Sau khi chào đời, chế độ dinh dưỡng của em bé nên được tư vấn bởi các chuyên gia dinh dưỡng nhằm giúp em bé phát triển đầy đủ nhất. Cha mẹ nên đưa trẻ đi khám dinh dưỡng định kỳ mỗi năm để theo dõi sự phát triển của trẻ. Ngoài ra, một số lưu ý sau đây cha mẹ cũng cần lưu ý:

– Chủ động cho trẻ tiếp xúc với ánh nắng buổi sáng trước 9 giờ để được hấp thụ vitamin D, chống còi xương, vàng da.

– Bổ sung vitamin A định kỳ hàng năm cho trẻ theo lịch của bộ y tế.

– Xây dựng cho trẻ thói quen thức dậy, đi ngủ và vui chơi hợp lý, khoa học ngay từ nhỏ để trẻ phát triển tối đa về thể chất và trí tuệ.

Trên đây là một số thông tin về tình trạng bé suy dinh dưỡng cũng như một số lưu ý cho cha mẹ để điều trị, phòng ngừa cho con. Hi vọng rằng những thông tin này sẽ mang đến những kiến thức cần thiết trong hành trình nuôi con khôn lớn của các bậc phụ huynh.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital