Đau đầu ở trẻ em ba mẹ cần cảnh giác những điều gì?

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Mai Hoa

Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI
Những cơn đau đầu ở trẻ em thường xuất hiện một cách đột ngột từ đau âm ỉ đến dữ dội. Điều này có thể gợi ý một vấn đề nghiêm trọng ở đầu hoặc hệ thần kinh trung ương của bé hoặc các vấn đề về sức khỏe thể chất hoặc tâm lý khác. Cần phát hiện sớm và có biện pháp xử trí kịp thời để tránh gây nguy hiểm đến sức khỏe của trẻ.

Nguyên nhân gây đau đầu ở trẻ em

đau đầu ở trẻ em
Đau đầu ở trẻ em có thể do nhiều nguyên nhân như chấn thương đầu, bệnh lý nhiễm trùng, các vấn đề về thần kinh (não bộ), sử dụng chất kích thích,… (ảnh minh họa)

Chấn thương đầu

Đau đầu ở trẻ em có thể xuất phát từ những chấn thương ở vùng đầu do bé gây ra trong quá trình sinh hoạt và vận động hàng ngày. Các vết sưng và bầm tím gây đau đầu. Nếu con ngã mạnh và bị va đập vùng đầu hoặc bị đánh mạnh vào vùng đầu sẽ gây ảnh hưởng đến phần đầu đặc biệt là hệ thần kinh của bé, khi đó ba mẹ nên cho bé đi thăm khám tại các cơ sở y tế uy tín đặc biệt khi trẻ vừa bị chấn thương tại vùng đầu.

Bệnh nhiễm trùng

Các bệnh như cảm lạnh, cúm, nhiễm trùng tai, viêm tai, xoang,… có thể gây triệu chứng đau đầu ở trẻ em.

Các trường hợp nhiễm trùng nghiêm trọng như viêm màng não hoặc viêm não cũng có thể gây đau đầu. Tuy nhiên các bệnh này thường đi kèm với các dấu hiệu và triệu chứng khác như sốt, gáy cứng, nôn, rối loạn tri giác.

Vấn đề về thần kinh (não bộ)

Một số trường hợp hiếm gặp như áp xe não, u não, chảy máu trong não có thể gâu chèn ép vào các khu vực của não bộ, gây ra những cơn đau đầu cho bé. Thông thường các trường hợp đau đầu này thường đi kèm với các vấn đề về thị giác, chóng mặt, thậm chí có thể co giật.

Một số trẻ nhỏ do quá căng thẳng và lo lắng khi gặp các vấn đề với bạn bè, giáo viên hay phụ huynh có thể gây căng thẳng thần kinh, cũng là một trong những nguyên nhân gây ra chứng đau đầu ở trẻ em.

Ngoài ra đối với một số trẻ bị trầm cảm cũng có thể xuất hiện các cơn đau đầu, đặc biệt là khi bé cảm thấy buồn bã và cô đơn.

Sử dụng chất kích thích

Một số loại thực phẩm có chứa nhiều nitrat (một loại chất bảo quản thực phẩm được tìm thấy trong các loại thịt được chế biến sẵn như xúc xích, thịt xông khói,..) có thể gây ra đau đầu ở trẻ. Và một số đồ uống có chứa chất caffeine như cà phê, socola, trà, rượu, bia,…gây kích thích hệ thần kinh và gây ra các cơn đau đầu.

Biểu hiện đau đầu ở trẻ em

biểu hiện đau đầu ở trẻ em
Các cơn đau đầu thường gây cảm giác khó chịu, đau dữ dội hoặc âm ỉ có thể kèm theo một số biểu hiện như sốt, nôn, rối loạn thị giác,… (ảnh minh họa)

Các cơn đau đầu do căng thẳng thần kinh (não bộ, sử dụng chất kích thích) thường xuất hiện đột ngột và diễn ra trong khoảng thời gian ngắn, khác với đau đầu do chấn thương đầu, do bệnh bệnh nhiễm trùng hoặc đau đầu tái phát (đau nửa đầu) thường kéo dài vài ngày, thậm chí vài tuần.

Một số trẻ em bị đau đầu tái phát gọi là đau nửa đầu. Đau nửa đầu là bệnh lý đau đầu do rối loạn vận mạch. Đau nửa đầu thường kéo dài vài giờ hoặc thậm chí qua đêm. Các cơn đau đầu thường kèm theo các triệu chứng khác như:

– Cơn đau đầu xảy ra cùng với buồn nôn, ói mửa hoặc rối loạn thị giác.

– Cơn đau đầu thường là cảm giác nhói hoặc như thể bị đâm và có thể ảnh hưởng đến một hoặc cả hai bên đầu.

– Cũng có thể có những cảm giác khó chịu khác trong đầu, bao gồm rát, ngứa ran, đau nhức, hoặc đau tức.

– Đứa trẻ có thể thích phòng tối hơn.

Cách xử trí khi trẻ bị đau đầu

Khi trẻ có biểu hiện đau đầu, ba mẹ nên kiểm tra nhiệt độ cơ thể của bé. Nếu bé sốt cao nên cho con đi thăm khám bác sĩ ngay.

Nếu con bạn bị đau đầu do căng thẳng, hãy khuyến khích trẻ nằm xuống và thư giãn, với đầu hơi cao. Giảm những căng thẳng trong học tập cho con.

Đối với trẻ bị đau nửa đầu, điều cần thiết là giảm thiểu sự kích thích cảm giác như: Tắt đèn trong phòng, đóng rèm cửa, yêu cầu các thành viên trong gia đình không làm ồn.

Nếu trẻ đau quá có thể dùng thuốc giảm đau theo chỉ định của bác sĩ (nếu đã đưa bé đi thăm khám với bác sĩ chuyên khoa). Khuyến khích trẻ ngủ đủ giấc, tập thể dục và có một chế độ ăn khỏe mạnh, có thể xen kẽ các bữa ăn nhẹ.

Ngoài ra để giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác nguyên nhân đau đầu, ba mẹ nên lưu ý các thông tin về lịch sử đau đầu của con như:

– Bé thường đau đầu khi nào?

– Kéo dài bao lâu

– Đau đầu tự phát hay tái phát nhiều lần? Có nghi ngờ tác nhân nào khiến bé bị đau đầu hay không?

– Trẻ có ngủ đủ giấc, ăn uống đều hay có đang mắc phải bệnh lý gì không?

Khi nào cần đưa bé đến gặp bác sĩ

Khi trẻ bị đau đầu, ba mẹ nên cho con đi thăm khám sớm với bác sĩ chuyên khoa Nhi để con được kiểm tra sức khỏe, hỏi tình trạng bệnh sử của bé. Nếu bác sĩ nghi ngờ tình trạng nghiêm trọng  có thể yêu cầu chụp cắt lớp vi tính sọ não, chụp cộng hưởng từ sọ não, chọc dò tủy sống hay các xét nghiệm khác để kiểm tra từ đó sớm phát hiện và có các biện pháp xử trí tốt nhất.

đau đầu ở trẻ em khi nào cần đi thăm khám với bác sĩ
Đau đầu có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, và sẽ ứng tốt nhất khi điều trị sớm. Vì vậy, khi thấy bé có dấu hiệu đau đầu ba mẹ không nên chủ quan, hãy cho con đi thăm khám để bé được kiểm tra sức khỏe, chẩn đoán đúng bệnh lý và có biện pháp xử trí kịp thời, tốt nhất. (ảnh minh họa)

Sau đây là những trường hợp trẻ bị đau đầu nên đưa đi gặp bác sĩ ngay:

  • Đau cả đầu/ đau nửa đầu đột ngột dữ dội
  • Đau đầu đột ngột sau đó là các triệu chứng như: nôn, buồn nôn, méo miệng,…
  • Đau đầu kèm theo sốt cao
  • Đau đầu kèm theo khó di chuyển bàn chân bàn tay
  • Đau đầu sau chấn thương vùng đầu
  • Thường xuyên đau đầu,…

Nếu bạn có thắc mắc cần được giải đáp hay muốn đặt lịch khám cho bé tại Chuyên khoa Nhi – Hệ thống Y tế Thu Cúc xin vui lòng liên hệ 1900 55 88 92 để được hỗ trợ tốt nhất.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital