Đau đầu do mất ngủ: Cơ chế và cách cải thiện

Tham vấn bác sĩ
Tiến sĩ, Bác sĩ

Nguyễn Văn Doanh

Trưởng khoa Khám bệnh

Tình trạng mất ngủ ngày càng phổ biến và gây nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống, sức khỏe của người bệnh. Một trong số những hệ lụy đó là gây ra chứng đau đầu. Vậy đau đầu do mất ngủ có cơ chế như thế nào? Cùng tìm hiểu về mối liên hệ giữa đau đầu và mất ngủ cũng như cách khắc phục hiệu quả trong bài viết dưới đây.

1. Mất ngủ và những hệ lụy 

Mất ngủ là tình trạng khó đi vào giấc ngủ, giấc ngủ không sâu và ngon, thường tỉnh giấc giữa đêm và khó ngủ lại, sáng dậy mệt mỏi, thiếu sức sống. Mất ngủ có thể xảy ra do bệnh lý, lo lắng, căng thẳng trong công việc, hậu quả của việc lạm dụng chất kích thích, tác dụng phụ của thuốc,… 

Tình trạng thiếu ngủ, mất ngủ diễn ra thường xuyên dẫn đến giảm khả năng tập trung, ghi nhớ, thay đổi tâm trạng… từ đó gây ảnh hưởng đến khả năng làm việc và giao tiếp xã hội. Bên cạnh đó những người bị mất ngủ cũng có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch, tiêu hóa, ung thư. Một số nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng thiếu ngủ do mất ngủ có thể dẫn đến đau đầu. 

Đau đầu mất ngủ là một tình trạng ngày càng phổ biến

Đau đầu mất ngủ là một tình trạng ngày càng phổ biến

2. Đặc điểm và cơ chế của cơn đau đầu do mất ngủ

2.1 Đặc điểm của cơn đau đầu do mất ngủ

Các dạng đau đầu do mất ngủ bao gồm: đau nửa đầu migraine, đau đầu căng thẳng, đau đầu cụm và đau đầu giảm trương lực. Trong đó, đau nửa đầu migraine là loại phổ biến nhất.

– Bệnh nhân thường gặp phải tình trạng đau đầu, đau nửa đầu, ngủ dậy nhức đầu,…

– Bị đau nhức vùng đầu vào buổi sáng thường liên quan đến chứng ngưng thở khi ngủ.

– Tình trạng mất ngủ có thể gây đau đầu mức độ từ nhẹ đến trung bình. Một số trường hợp đặc biệt, đau đầu có thể xảy ra ngay trong khi ngủ.

Không chỉ làm tăng nguy cơ đau nửa đầu, thiếu ngủ còn làm trầm trọng thêm tình trạng đau nửa đầu sẵn có. Ngoài ra, việc ngủ quá nhiều cũng có thể gây ra chứng đau đầu.

2.2 Cơ chế đau đầu do mất ngủ

Một nghiên cứu của các nhà khoa học từ Đại học bang Missouri năm 2011 đã chỉ ra rằng thiếu giấc ngủ REM (giấc ngủ mắt chuyển động nhanh) có thể gây ra những cơn đau đầu dữ dội hơn. Bởi trong giấc ngủ REM, não sẽ hoạt động tích cực hơn, cơ thể được thả lỏng và bất hoạt, các giấc mơ xuất hiện, mắt chuyển động nhanh. Khi giai đoạn này bị gián đoạn, người bệnh dễ bị đau đầu.

Ngoài ra, thiếu ngủ làm tăng quá trình tạo protein trong cơ thể. Các protein này có thể làm giảm ngưỡng đau của cơ thể và gây ra chứng đau nửa đầu dữ dội. Bởi vậy, mất ngủ thường xuyên có thể gây ra chứng đau đầu mạn tính.

Vùng dưới đồi là phần não chịu trách nhiệm điều chỉnh giấc ngủ và cũng là nơi chứa các tế bào thần kinh điều chỉnh cơn đau. Tại đây chứa một nhóm nhân trên chéo có chức năng nhận tín hiệu từ mắt và điều chỉnh hành vi ngủ phù hợp với chu kỳ ánh sáng và bóng tối bên ngoài. Khi các nhân này bị hỏng có thể gây ra rối loạn chu kỳ ngủ – thức.

Ngoài ra, sự suy giảm melatonin – hormone giúp nhận biết sự thay đổi ngày đêm và gây buồn ngủ – cũng có thể là nguyên nhân gây ra chứng đau nửa đầu, đau đầu cụm.

Đau đầu do mất ngủ có đặc điểm gì?

Đau đầu do thiếu ngủ có thể tồn tại dưới nhiều dạng nhưng phổ biến nhất là đau nửa đầu.

3. Các yếu tố làm tăng nguy cơ đau đầu ở những người bị thiếu ngủ

Mất ngủ và đau đầu có mối liên hệ hai chiều. Việc mất ngủ có thể gây đau đầu, và ngược lại tình trạng đau đầu cũng tác động tiêu cực đến giấc ngủ. Chứng đau nửa đầu có thể khiến bạn mệt mỏi, kiệt sức, buồn ngủ quá mức và gây gián đoạn giấc ngủ. Nếu một người bị nhức đầu nhiều hơn 7 lần/tháng thì sẽ có nguy cơ mất ngủ – rối loạn giấc ngủ cao hơn.

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ đau đầu, mất ngủ thường gặp là:

– Thay đổi thời tiết: Thời tiết thay đổi buộc con người phải thích nghi. Các cơn đau đầu có thể là bằng chứng cho sự tác động này. Rất nhiều người bị đau đầu khi thời tiết thay đổi, gây ảnh hưởng trực tiếp đến giấc ngủ.

– Căng thẳng, áp lực: Tình trạng đau đầu mất ngủ có thể xuất phát từ những lo lắng trong cuộc sống như công việc, gia đình, con cái,… Điều này khiến bạn luôn căng thẳng, không thể thư giãn để đi vào giấc ngủ, lâu dần có thể gây rối loạn giấc ngủ.

– Thói quen sinh hoạt: Sinh hoạt không điều độ sẽ gây ảnh hưởng đến hoạt động trao đổi chất trong cơ thể, gây mất cân bằng và ảnh hưởng thần kinh, từ đó dẫn đến rối loạn giấc ngủ và đau đầu dữ dội.

– Ít vận động: Lười vận động khiến cho cơ thể nặng nề, ì ạch, khiến máu khó lưu thông. Tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến thiếu ngủ, đau đầu.

4. Làm cách nào để phòng tránh và cải thiện tình trạng đau đầu do mất ngủ?

4.1 Biện pháp phòng tránh

Việc duy trì thói quen ngủ lành mạnh có thể cải thiện chất lượng giấc ngủ, giảm khả năng gây ra các cơn đau nửa đầu. Một số thói quen ngủ tốt bạn nên xây dựng và duy trì bao gồm:

– Đi ngủ và thức dậy vào cùng một thời điểm trong ngày.

– Xây dựng kế hoạch ngủ theo nhu cầu của bản thân gồm thời gian thích hợp để lên giường đi ngủ và thời lượng giấc ngủ (thường từ 7-9 tiếng/đêm đối với người trưởng thành).

– Dành thời gian tham gia các hoạt động ngoài trời, luyện tập thể thao để não bộ ghi nhận chu kỳ sáng – tối tốt hơn.

– Giữ môi trường ngủ yên tĩnh, mặc đồ ngủ thoải mái, sạch sẽ.

– Hạn chế tối đa đặt các thiết bị điện tử xung quanh giường.

– Tập thể dục trước khi ăn tối thay vì trước khi đi ngủ. 

– Bỏ hút thuốc lá vì nicotin trong khói thuốc có thể kích thích thần kinh và ức chế melatonin.

– Không thực hiện các hoạt động như xem tivi, đọc sách, học tập, làm việc…trên giường.

Khi bị đau đầu, mất ngủ, bạn nên chủ động theo dõi và chủ động thăm khám sớm để được chẩn đoán và điều trị. Bên cạnh đó, duy trì thói quen ngủ lành mạnh để cải thiện giấc ngủ.

Khi bị đau đầu, mất ngủ, bạn nên chủ động theo dõi và chủ động thăm khám sớm để được chẩn đoán và điều trị. Bên cạnh đó, duy trì thói quen ngủ lành mạnh để cải thiện giấc ngủ.

4.2 Biện pháp cải thiện

Nếu bị đau đầu do thiếu ngủ, bạn có thể tham khảo một số biện pháp giảm nhẹ sau:

– Chườm lạnh trán bằng một miếng vải mát hay một túi đá.

– Uống nhiều nước.

– Dùng thuốc để giảm đau đầu và các triệu chứng liên quan. Trước khi sử dụng các loại thuốc bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ và uống thuốc đúng chỉ định.

Nếu cơn đau đầu do thiếu ngủ kéo dài dai dẳng thì bạn nên đi khám và trao đổi trực tiếp với bác sĩ để đưa ra phương án phù hợp nhất.

Như vậy chúng ta vừa tìm hiểu về chứng đau đầu do mất ngủ và biện pháp phòng ngừa, cải thiện. Nếu có hiện tượng mất ngủ kèm theo đau đầu, hãy chủ động theo dõi và chủ động thăm khám được chẩn đoán và tư vấn điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa. 

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital