Hiện nay các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa ngày càng trở nên phổ biến, trong đó có bệnh lý về đại trực tràng. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa biết rõ đại trực tràng là gì, đại trực tràng nằm ở đâu và thực hiện chức năng như thế nào? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về đại trực tràng ngay sau đây.
Menu xem nhanh:
1. Đại trực tràng nằm ở đâu?
Cơ thể con người được vận hành bởi các hệ cơ quan gồm tập hợp nhiều hoạt động sinh học khác nhau. Trong đó hệ tiêu hóa là bộ phận có chức năng thu nhận, hấp thu chất dinh dưỡng, biến đổi thức ăn và đào thải cặn bã ra khỏi cơ thể. Các bộ phận chính của hệ tiêu hóa gồm: Miệng, thực quản, dạ dày, ruột non và ruột già.
Đại trực tràng là một phần của ruột già, nằm ở đoạn cuối cùng trong ống tiêu hóa. Ở người trưởng thành, ruột già dài khoảng 1,4 – 1,8m, so với ruột non thì chiều dài ruột già ngắn hơn nhưng đường kính lại lớn hơn ruột non nhiều lần.
Ruột già tạo thành khung hình chữ U ngược với 4 phần: Manh tràng, đại tràng, trực tràng và ống hậu môn. Ở ruột già nói chung và đại trực tràng nói riêng có hệ vi sinh vật đặc biệt phát triển.
2. Phân biệt đại tràng và trực tràng?
Đại trực tràng gồm đại tràng và trực tràng. Đây là hai bộ phận khác nhau trong ống tiêu hóa. Dưới đây là các thông tin cơ bản để bạn đọc có thể dễ dàng phân biệt 2 bộ phận này.
2.1. Đại tràng là gì?
Đại tràng là bộ phận tiếp nối với manh tràng, gồm 4 phần là đại tràng lên dài 8 – 15cm, đại tràng ngang dài 35 – 1m, trung bình 50m, đại tràng xuống dài 25 – 30cm và đại tràng sigma dài 40cm.
Các phần của đại tràng tạo thành một đường cong lõm xuống dưới hoặc lên trên, dính vào thành bụng sau bởi mạc treo di động.
2.2. Trực tràng là gì?
Trực tràng là bộ phận khác của ruột già, là cầu nối giữa đại tràng và ống hậu môn. Trung bình trực tràng có chiều dài 12 – 15cm với dung tích khoảng 250ml. Trực tràng được chia làm 2 đoạn, đoạn trên phình to là bóng trực tràng, đoạn dưới hẹp dần về phía ống hậu môn và kết thúc ở ống hậu môn.
Đối với nữ giới, trực tràng thường nằm ở phía trước cùng thân tử cung, cổ tử cung và vòm âm đạo, phần đoạn dưới trực tràng liên quan đến thành sau âm đạo.
Còn đối với nam giới, trực tràng nằm ở sau bàng quang, túi tinh trùng, ống dẫn tinh, tuyến tiền liệt, ngăn cách bởi mạc sau bàng quang và nối đến tận trung tâm đáy vùng xương chậu.
3. Chức năng của đại trực tràng là gì?
Chức năng của hệ tiêu hóa nói chung và ruột già nói riêng là tiếp nhận và hấp thu chất dinh dưỡng từ thức ăn, sau đó chuyển phần còn lại thành phân và đẩy ra ngoài cơ thể.
3.1. Chức năng của đại tràng
Đầu tiên, đại tràng sẽ tiếp nhận và hấp thu các thức ăn chưa được tiêu hóa triệt để tại ruột non, chuyển các chất dinh dưỡng hấp thu được vào máu và cung cấp các chất cần thiết cho cơ thể hoạt động.
Thứ hai, đại tràng tạo môi trường kiềm, điều kiện thích hợp để phân hủy hết các thành phần không thể tiêu hóa ở môi trường acid trong dạ dày và ruột non.
Thứ ba, đại tràng còn là bộ phận tái hấp thu nước, đưa nước đến thận và cô đặc thức ăn đã được tiêu hóa thành phân. Khi chức năng của đại tràng gặp vấn đề sẽ gây ra tình trạng táo bón hoặc tiêu chảy.
3.2. Chức năng của trực tràng
Thứ nhất, trực tràng làm nhiệm vụ chứa đựng chất thải và đào thải phân ra ngoài. Khi đại tiện, trực tràng sẽ tiết dịch nhày để bôi trơn giúp phân ra ngoài dễ dàng hơn.
Thứ hai, ngoài chức năng chính như trên, trực tràng còn là bộ phận có khả năng hấp thu một số thuốc, do đó có thể dùng trực tràng để đưa thuốc vào cơ thể người bệnh.
4. Quá trình tiêu hóa thức ăn và đào thải phân
4.1. Quá trình tiêu hóa thức ăn ở đại trực tràng là gì?
Thức ăn sau khi đã qua hoạt động co bóp, tiêu hóa ở dạ dày sẽ thành dạng dịch lỏng và chuyển qua ruột non, đại tràng và cuối cùng là manh tràng. Lúc này các vi khuẩn trong đại tràng sẽ tiếp nhận thức ăn ở dạng dịch và tiến hành quá trình phân giải.
Đại tràng sẽ sử dụng các vi khuẩn có sẵn để tách và hấp thu các vitamin, khoáng chất cần thiết cho cơ thể thêm một lần nữa như: Các vitamin K, B2, thiamin, riboflavin… đặc biệt là vitamin K vì lượng vitamin K trong thức ăn là rất ít. Những gì còn dư thừa hoặc cơ thể không tiêu hóa được sẽ được đưa đưa đến trực tràng và bị thải ra ngoài.
Mỗi ngày cơ thể bài tiết khoảng 150g phân, trong đó có 75% là nước và 25% là chất rắn. Trong chất rắn thì 30% là các chất vô cơ, 2 – 3% là protein và 30% là các chất xơ không tiêu hóa được, sắc tố mật, các tế bào biểu mô ruột non… Màu của phân là màu do stercobilin và urobilin.
4.2. Quá trình đào thải phân ở đại trực tràng là gì và như thế nào?
Đại tiện là quá trình hoạt động thiết yếu của cơ thể để đào thải các cặn bã, và cũng là chức năng chính của đại trực tràng. Chính vì vậy, nếu đại trực tràng bị rối loạn chức năng thì chất thải sẽ không thể được đẩy ra ngoài cơ thể một cách thuận lợi.
Quá trình đại tiện bình thường được diễn ra với bước đầu tiên là kết tràng vận động để đưa chất thải xuống trực tràng, kích thích các dây thần kinh truyền tín hiệu đến vỏ đại não và tạo cảm giác muốn đi đại tiện cho cơ thể. Lúc này, chất thải ở trực tràng đã sẵn sàng được đẩy ra ngoài thông qua ống hậu môn.
Nếu gặp các bệnh đại trực tràng như viêm đại trực tràng, viêm ruột, nhiễm trùng kiết lỵ, người bệnh khó có thể đi đại tiện một cách bình thường và dễ đến đến nhiều bệnh lý khác.
Bài viết trên đây của chúng tôi đã cùng các bạn giải đáp thắc mắc đại trực tràng là gì, đại trực tràng ở đâu và nhiều thông tin khác. Hệ thống y tế Thu cúc với đội ngũ chuyên gia, y bác sĩ hàng đầu về tiêu hóa cùng với các trang thiết bị, máy móc hiện đại, đảm bảo khả năng khám và điều trị bệnh đạt hiệu quả tối ưu. Ngay khi thấy bản thân có các dấu hiệu bất thường về đại trực tràng, hãy tới cơ sở y tế để được thăm khám và điều sớm bạn nhé!