Da khô là tình trạng xuất hiện vảy khô, ngứa và nứt trên da. Tình trạng này có thể xảy ra ở bất cứ vùng nào trên cơ thể, nhưng thường phổ biến ở chân, tay và vùng bụng. Nhận biết nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ sẽ giúp kiểm soát tình trạng da khô khó chịu.
Menu xem nhanh:
Nguyên nhân
Da khô thường là do ảnh hưởng của môi trường. Một số bệnh lý nhất định cũng có thể gây ra triệu chứng là da khô. Những nguyên nhân tiềm ẩn của da khô bao gồm:
- Thời tiết. Da có xu hướng khô nhất vào mùa đông, khi nhiệt độ và độ ẩm giảm xuống.
- Nhiệt: lò sưởi, bếp lò… có thể làm giảm độ ẩm ở da và dẫn tới tình trạng da khô.
- Tắm nước nóng: tắm quá lâu và tắm trong nước nóng có thể làm khô da. Tương tự ở những người đi bơi thường xuyên, đặc biệt trong các bể có chứa nhiều clo, cũng có thể bị khô da.
- Xà phòng và các chất tẩy rửa mạnh: nhiều loại xà phòng và các chất tẩy rửa làm mất đi độ ẩm ở da.
- Các bệnh lý về da: những người bị các chứng bệnh như viêm da dị ứng (chàm) hoặc bệnh vẩy nến thường dễ bị khô da.
Các yếu tố nguy cơ
Bất cứ ai cũng có thể bị khô da tuy nhiên những đối tượng sau sẽ có nguy cơ cao hơn:
- Độ tuổi từ 40 trở lên. Nguy cơ bị khô da tăng dần theo tuổi tác, hơn 50% người lớn tuổi bị khô da.
- Sống trong điều kiện khí hậu khô, lạnh hoặc độ ẩm thấp
- Thường xuyên phải làm việc trong môi trường dưới nước
- Hay đi bơi trong các bể có chứa nhiều clo
Biến chứng
Da khô thường là vô hại nhưng khi không chăm sóc, da khô có thể dẫn đến:
- Viêm da dị ứng (eczema): ở những người có cơ địa dễ phát triển bệnh lý này, khô da quá mức có thể kích hoạt bệnh, gây đỏ, nứt và viêm.
- Nhiễm trùng. Da khô có thể nứt, cho phép vi khuẩn xâm nhập, gây nhiễm trùng.
Những biến chứng này có thể xảy ra nhiều nhất khi cơ chế bảo vệ bình thường của da bị tổn hại nghiêm trọng. Ví dự như da khô nghiêm trọng có thể gây ra vết nứt sâu, hở và chảy máu, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập dẫn tới nhiễm trùng.
Chẩn đoán và điều trị
Bác sĩ sẽ tiến hành khám sức khỏe tổng quát và hỏi về tiền sử bệnh, bao gồm thời điểm mà tình trạng khô da xuất hiện, những yếu tố làm cho tình trạng này trở nên tồi tệ hơn hay tốt hơn, thói quen tắm rửa, chế độ ăn uống cũng như cách chăm sóc da.
Sau đó bác sĩ có thể đề nghị người bệnh thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán nhất định để kiểm tra xem da khô có phải là hậu quả của một bệnh lý tiềm ẩn nào đó không, chẳng hạn như suy giáp.
Trong hầu hết các trường hợp, tình trạng da khô sẽ cải thiện sau khi điều chỉnh lối sống, chẳng hạn như sử dụng kem dưỡng ẩm và tránh tắm trong nước nóng lâu.
Nếu người bệnh mắc các bệnh về da nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như viêm da dị ứng, cá vẩy nến hoặc bệnh vẩy nến, bác sĩ có thể kê toa các loại kem bôi ngoài da.
Đôi khi da khô dẫn đến viêm da, gây ra da đỏ, ngứa. Trong những trường hợp này, điều trị có thể bao gồm các loại kem chứa hydrocortisone.
Tất cả những thông tin trong bài chỉ mang tính chất tham khảo. Tốt nhất nên tới bệnh viện để thăm khám, kiểm tra và tư vấn điều trị phù hợp. Nếu có thắc mắc cần giải đáp, xin vui lòng liên hệ theo số điện thoại 0936 388 288 hoặc 1900 55 88 92