Mất ngủ, khó ngủ là một trong những vấn đề thường gặp trong đời sống hàng ngày của mọi người. Tuy nhiên, khi cơ thể thiếu ngủ trong một thời gian sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tâm lý người bệnh. Cùng theo dõi bài viết dưới đây để “giải mã” nguyên nhân khó ngủ cũng như điều trị đúng cách.
Menu xem nhanh:
1. Các kiến thức cần biết về giấc ngủ
Ngủ là hoạt động tự nhiên theo định kỳ của mọi người. Khi ngủ các hoạt động và cảm giác được tạm hoãn ở mức độ tương đối. Điều này được thể hiện bằng sự bất động của cơ bắp và giảm đi các phản ứng với các kích thích bên ngoài.
Giấc ngủ có vai trò rất quan trọng với cơ thể, đó là thời gian giúp cơ thể được nghỉ ngơi và phục hồi tinh thần.Về thời gian, trung bình một người sẽ ngủ từ 7-8 giờ/đêm. Một giấc ngủ được xem là đảm bảo chất lượng khi đáp ứng các yêu cầu: đủ giờ, ngủ sâu, cảm thấy thoải mái khi tỉnh dậy,…
Theo khảo sát thì thời gian ngủ sẽ giảm dần theo độ tuổi, với trẻ sơ sinh sẽ ngủ tới 17 giờ/ngày, trẻ ở tuổi dậy thì từ 9-10 giờ/đêm; người trưởng thành là 7-8 giờ/đêm còn người cao tuổi chỉ khoảng 5-6 giờ/đêm
2. Dấu hiệu và tác hại của khó ngủ, mất ngủ
Mất ngủ thường sẽ xuất hiện các dấu hiệu chủ yếu sau:
– Khó đi vào giấc ngủ dù đang mệt.
– Khó duy trì giấc ngủ theo đúng giờ giấc.
– Đi ngủ muộn nhưng dậy sớm và cảm thấy mệt mỏi.
– Dễ bị tỉnh giấc và khó ngủ lại.
Một số tác hại của việc khó ngủ, mất ngủ gây ra cho người bệnh mà mọi người cần biết như:
– Tác động rất nhiều đến sức khỏe tinh thần của người bệnh. Mất ngủ thoáng qua sẽ gây trạng thái buồn ngủ, mệt mỏi và cơ thể không linh hoạt như bình thường. Với mất ngủ kéo dài thì sẽ dễ gây trầm cảm, cáu gắt và nổi nóng thường xuyên, giảm tập trung vào ban ngày. Tình trạng này ảnh hưởng rất lớn đến công việc và hoạt động sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.
– Là nguyên nhân lớn dẫn đến các vấn đề về thần kinh. Theo các số liệu thống kê về bệnh nhân bị mất ngủ: có khoảng 33% người gặp một trong số các dấu hiệu trên; 13% mệt mỏi và dễ đau đầu vào ban ngày; 30% bệnh nhân mất ngủ có liên quan đến bệnh tâm thần.
Tỷ lệ bị mất ngủ, khó ngủ ở phụ nữ nhất là giai đoạn tiền mãn kinh cao hơn so với nam giới. Điều này chủ yếu do sự thay đổi về horemone trong cơ thể.
3. Nguyên nhân khó ngủ, mất ngủ bạn đã biết?
Mất ngủ nếu chỉ xuất hiện nhất thời từ 1-3 ngày sẽ không có quá nhiều vấn đề. Nhưng nếu tình trạng này kéo dài và dần hình thành mất ngủ mãn tính. Khi bị mất ngủ mãn tính sẽ làm người bệnh khó lấy cân bằng trong đồng hồ sinh học của bản thân. Và dưới đây là một số nguyên nhân dẫn đến khó ngủ đối với mức độ thoáng qua và mức độ mãn tính:
3.1. Nguyên nhân khó ngủ thoáng qua
Đây là tình trạng khó ngủ, mất ngủ kéo dài từ 5-7 ngày. Với mức độ bệnh nhẹ dưới một tuần thì nguyên nhân chủ yếu là do:
– Căng thẳng, lo lắng trong công việc và các mối quan hệ. Theo số liệu tính toán: stress chiếm 34% ở nữ và 22% ở nam giới.
– Do bị thay đổi về giấc sinh hoạt. Rối loạn giấc ngủ do lịch làm việc kéo dài bất thường hay đổi ca không thường xuyên (chuyển làm ca đêm đối với công nhân) hoặc do thay đổi múi giờ khi đi du lịch cũng là một nguyên nhân gây ra khó ngủ.
– Thói quen sử dụng đồ có chất kích thích với não: cà phê, thuốc lá, rượu, bia… Hoặc có thể do lạm dụng đồ ăn nhanh, đồ ăn nhiều dầu mỡ.
– Một số yếu tố từ bên ngoài như: ánh sáng, nhiệt độ, không gian, tiếng ồn,…
3.2. Nguyên nhân khó ngủ, mất ngủ mãn tính
Khó ngủ, mất ngủ mãn tính là tình trạng rối loạn giấc ngủ từ 1 tháng trở lên. Với trường hợp này thì nhóm nguyên nhân chính chủ yếu sẽ gặp ở những người có bệnh lý cơ thể hay bệnh lý về tâm thần.
– Người mắc bệnh lý như: dị ứng, viêm xương khớp, bệnh tim, huyết áp, hen phế quản,…
– Theo ước tính có đến khoảng 35-55% trường hợp bị khó ngủ, mất ngủ mãn tính liên quan đến các bệnh lý tâm thần.
Các bệnh tâm thần có nguy cơ cao dẫn đến mất ngủ mãn tính như:
– Trầm cảm
– Rối loạn lo âu.
– Các rối loạn tâm lý sau chấn thương.
– Nghiện rượu, bia và các chất kích thích.
– Tâm thần phân liệt.
– Alzheimer và parkinson ở nhóm đối tượng lớn tuổi.
Ngoài ra một số vấn đề liên quan đến sinh lý cũng có thể gây ra khó ngủ, mất ngủ mãn tính như: mãn kinh, có thai, phụ nữ sau sinh, sốt,…
4. Điều trị tình trạng khó ngủ, mất ngủ
Để cải thiện tình trạng bệnh này chủ yếu cần kết hợp giữa điều trị triệu chứng và điều trị nguyên nhân khó ngủ. Nếu xác định được nguyên nhân và phát hiện bệnh sớm sẽ giúp điều trị bệnh hiệu quả hơn.
– Loại bỏ đi các nguyên nhân chủ quan dẫn đến mất ngủ. Nếu chú tâm tìm hiểu rõ các nguyên nhân chủ quan gây ra mất ngủ, người bệnh có thể hạn chế tiếp nhận các đồ uống có chất kích thích. Bên cạnh đó người bệnh cũng cần: hạn chế ăn đồ cay nóng, ăn quá nhiều vào bữa tối, đi du quá nhiều làm thay đổi giờ giấc sinh hoạt,…
– Điều trị bằng thuốc. Người bệnh có thể được chỉ định sử dụng một số loại thuốc thuộc nhóm: benzodiazepine (đặc biệt tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ). Một số loại thuốc không thuộc nhóm trên đa phần là thuốc mới và không gây lệ thuộc như benzodiazepine như: melatonin, ramelteon. Hay các thuốc chống trầm cảm, lo âu cũng thường được dùng cho bệnh nhân bị mất ngủ
– Về tâm lý người bệnh có thể thư giãn đầu óc bằng việc đọc sách, nghe nhạc, xem phim,…. trước giờ ngủ. Nếu nằm lâu nhưng không ngủ được có thể dậy đi lại nhẹ nhàng hoặc làm việc khác thay vì xem điện thoại.
Mất ngủ sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của mọi người. Khi đã hiểu rõ các nguyên nhân khó ngủ, chúng ta cần chú ý hơn để ngăn ngừa và điều trị bệnh. Nếu phát hiện ra các dấu hiệu bất thường bạn cần đến các cơ sở y tế tin cậy để được thăm khám và tư vấn kịp thời.