Cúm A có bị lây không? Phòng tránh bằng cách nào?

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Mai Hoa

Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI

Cúm A là một trong các bệnh thường gặp ở mọi lứa tuổi tại nước ta và có thể gây nên những triệu chứng và biến chứng nghiêm trọng cho người mắc bệnh. Thế nhưng không phải ai cũng nắm rõ thông tin về bệnh lý này để có thể bảo vệ thật tốt cho bản thân và gia đình mình. Có nhiều câu hỏi thường được đặt ra khi nhắc đến cúm A như: Cúm A có bị lây không? Người mắc bệnh có biểu hiện như thế nào? Cách phòng tránh ra sao?… Bài viết dưới đây sẽ đem đến cho các bạn cái nhìn tổng quan nhất về căn bệnh này.

1. Bệnh cúm A có bị lây không?

1.1 Virus cúm A là gì?

cúm A có bị lây không

Cúm A là loại cúm mùa được biết đến với nhiều chủng như A/H1N1, A/H5N1,…

Cúm A là một trong 3 loại cúm mùa gây ra bởi virus bao gồm Virus cúm A, virus cúm B và virus cúm C. Trong đó, cúm A là loại gây nguy hiểm nhất mà chúng ta cần đặc biệt lưu ý khi mắc. ĐIều đáng chú ý ở cúm A là virus này có rất nhiều chủng, được phân loại dựa theo kháng nguyên bề mặt của chúng. Hai kháng nguyên đặc trưng của virus cúm A được dùng để phân loại bao gồm Hemagglutinin (H) và Neuraminidase (N):

– Kháng nguyên H: kháng nguyên ngưng kết hồng cầu giúp virus có thể xâm nhập vào tế bào hô hấp của người bị nhiễm.

– Kháng nguyên N: kháng nguyên giúp cho quá trình lắp ráp các thành phần cấu tạo của virus và phóng thích virus từ các tế bào bị nhiễm virus ra ngoài, tăng khả năng lây truyền virus..

Virus cúm A có tổng cộng 16 loại kháng nguyên H và 9 loại kháng nguyên N, kết hợp phân phối với nhau sẽ tạo thành 1 chủng virus cúm A mới. Ví dụ như một vài cái tên chúng ta từng biết đến do gây ra đại dịch là H1N1, H5N1, H7N9,… Khả năng chuyển đổi các kháng nguyên H và N là rất lớn nên cúm A tồn tại và gây bệnh với rất nhiều chủng, trong đó có nhiều chủng gây bệnh rất nguy hiểm.

1.2 Cúm A có bị lây không?

Virus cúm A đi vào cơ thể chúng ta qua đường hô hấp và giọt bắn, xâm nhập và làm tổn thương các tế bào niêm mạc đường hô hấp trên, khiến người bệnh xuất hiện các triệu chứng ho và hắt hơi. Vì khả năng lây nhiễm của cúm A không chỉ là từ người sang người như các loại virus cúm khác mà còn có thể lây từ gia cầm sang người nên nó cũng được biết đến với cái tên Cúm gia cầm. Trong nhiều trường hợp xảy ra đại dịch cúm A, nguyên nhân chính là do virus được truyền từ chim, động vật hoang dã sang gia cầm được nuôi nhốt trong các hộ gia đình, từ đó lây sang cho người.

Virus cúm A có khả năng tồn tại trong môi trường nước lên đến 4 ngày ở 22 độ C và sống đến 30 ngày ở nhiệt độ 0 độ C. Vì đặc điểm này, các hồ bơi công cộng cũng có thể tạo ra môi trường lý tưởng cho virus phát triển, trở thành nguồn lây lan cúm A, nhất là trong tiết trời mưa dầm, ẩm ướt, thiếu ánh sáng.

Không chỉ vậy, virus cúm A có thể sống tới 48h trên các bề mặt đồ vật như tay nắm cửa, bàn, ghế… Đối với quần áo virus có thể tồn tại trong khoảng 8-12 giờ, thậm chí duy trì trên tay chúng ta lên tới 5 phút nếu không được rửa với xà phòng.

Chính vì vậy, khả năng lây lan của cúm A là rất lớn và rất dễ bùng phát thành đại dịch. Đây cũng chính là câu trả lời chi tiết nhất cho câu hỏi “Cúm A có bị lây không?”.

2. Biểu hiện và biến chứng của cúm A

2.1 Biểu hiện cúm A

cúm A có bị lây không

Sốt, đau họng hay hắt hơi sổ mũi,… đều là biểu hiện của cúm A

Các dấu hiệu của cúm A thường xuất hiện đột ngột với cá biểu hiện thường gặp ở cúm như:

– Ho, đau họng

– Sốt

– Hắt hơi, chảy nước mũi

– Đau đầu, mệt mỏi

– Đau nhức cơ thể

– …

Tuy nhiên khác với cúm thông thường, các triệu chứng của cúm A thường nặng hơn và xảy ra đồng thời cùng lúc. Bệnh cúm A có thể dao động từ nhẹ đến nặng tùy nền tảng sức khỏe của người bị nhiễm cúm. Đa số người bệnh có thể hồi phục, khỏi bệnh sau vài ngày mà không cần dùng thuốc điều trị, nhưng cũng có nhiều trường hợp bệnh biến chuyển nặng phải nhập viện và có nguy cơ dẫn đến tử vong.

Nếu các triệu chứng và sốt cao trên 38,5 độ kéo dài nhiều ngày và có dấu hiệu trở nặng, người bệnh nên đến ngay các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời tránh các biến chứng nguy hiểm.

2.2 Biến chứng cúm A

Mặc dù cúm A có triệu chứng ban đầu nhẹ và dễ nhầm lẫn sang cúm thường nên những người có biểu hiện bệnh không nên chủ quan tự điều trị tại nhà, nhất là trong thời điểm đang bùng phát dịch vì có khả năng chữa trị sai cách. Khi diễn biến bệnh trở nặng nhưng không được điều trị sớm, kịp thời và đúng cách, cúm A có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm không chỉ đối với những người có sức đề kháng yếu mà kể cả những người bình thường.

Bệnh nhân cúm A nặng có thể gặp phải nhiều biến chứng nguy hiểm như: nhiễm trùng tai, viêm phổi, suy giảm miễn dịch, nghiêm trọng hóa các bệnh tim mạch, hen suyễn, suy hô hấp, thậm chí có thể gây tử vong. Đối với những người có hệ miễn dịch yếu như trẻ em, phụ nữ có thai, nguời lớn tuổi, người mắc bệnh nền thì nguy cơ cúm A chuyển biến nặng là rất cao, do đó người nhà cần theo dõi kĩ các thay đổi trong biểu hiện bệnh. Đặc biệt, cúm A khi đang mang thai, nhất là trong 3 tháng đầu sẽ dẫn đến bệnh lý thai nhi và hơn cả là nguy cơ sảy thai.

Khi gặp các biểu hiện dưới đây, người bệnh nên được đưa tới các cơ sở y tế ngay để các bác sĩ kịp thời cấp cứu, tránh những rủi ro không mong muốn:

– Sốt cao trên 39 độ, có thể kèm co giật

– Khó thở, tức ngực, có nguy cơ dẫn đến suy hô hấp hoặc có biểu hiện suy hô hấp

– Nôn nhiều lần, liên tục

– Tiêu chảy nhiều lần khiến cơ thể mất nước, háo nước

– Chân tay lạnh, tím tái

3. Phòng tránh cúm A

3.1 Các biện pháp phòng cúm A

cúm A có bị lây không

Đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người khác là biện pháp cơ bản phòng chống lây nhiễm cúm A

Cúm A là dạng bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nên để phòng ngừa sự lây lan của cúm A, Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế khuyến cáo mỗi người đều nên thực hiện tốt các hướng dẫn sau

– Tăng cường các hoạt động giữ vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng, mũi khi ho và hắt hơi.

– Đeo khẩu trang y tế khi tiếp xúc gần với người khác và giữ khoảng cách tối thiểu trên 1 mét trong trường hợp phải tiếp xúc với người bệnh; hoặc khi ở nơi đông đúc trong thời điểm diễn ra dịch bệnh.

– Đảm bảo vệ sinh sạch sẽ nơi ở, nơi làm việc, lớp học, thường xuyên lau chùi các bề mặt tiếp xúc bằng chất sát khuẩn.

– Mỗi người tự theo dõi sức khỏe hàng ngày, nếu có những biểu hiện nghi ngờ nhiễm cúm A cần đi khám, thực hiện xét nghiệm để có chẩn đoán chính xác. Nếu xác định mắc cúm A, người bệnh cần duy trì đeo khẩu trang và được cách ly.

– Chủ động tiêm phòng các loại vacxin cúm định kì hàng năm ở cả người lớn và trẻ nhỏ là biện pháp phòng ngừa lây nhiễm cúm A hiệu quả nhất.

3.2 Cúm A có bị lây không nếu phòng tránh đầy đủ?

Nếu bạn thực hiện tốt tất cả các biện pháp phòng ngừa cúm A nhưng không tiêm vacxin cúm đều đặn nhắc lại mỗi năm thì nguy cơ mắc cúm A vẫn hiện diện. Nguyên nhân do có quá nhiều chủng loại cúm A với tổ hợp H và N khác nhau và mỗi chủng sau mỗi mùa gây bệnh cũng biến đổi tinh vi hơn khiến việc tiêm phòng 1 lần duy nhất là không đủ. Do đó vacxin phòng cúm A phải thay đổi thường xuyên để phù hợp với loại cúm A đang hiện diện nhiều nhất.

Tổ chức Y tế thế giới WHO sẽ dựa vào những thống kê, số liệu của bệnh cúm trên toàn cầu để đưa ra dự báo về các loại virus cúm sẽ gây dịch cúm mùa hàng năm. Từ đó dự báo này sẽ là cơ sở để sản xuất vacxin phòng bệnh cúm cho người bao gồm vacxin phòng cúm A và vacxin phòng cúm B.

Không chỉ thay đổi theo từng năm mà các loại vacxin phòng cúm A ở năm trước nếu dùng không hết không thể dùng trong năm kế tiếp vì khả năng phòng bệnh giảm sút. Đó cũng chính là lý do chúng ta cần tiêm phòng cúm A định kì hàng năm.

4. Cúm A có bị lây không nếu đã tiêm vacxin?

Tỉ lệ phòng ngừa cúm A sau khi tiêm vacxin lên tới 97%. Trong trường hợp người đã tiêm phòng nếu bị mắc cúm thì các triệu chứng thường nhẹ hơn, giảm thiểu nguy cơ xuất hiện các biến chứng nặng và nhanh khỏi bệnh hơn so với người chưa tiêm phòng. Vậy nên để trả lời cho câu hỏi “cúm A có bị lây không nếu đã tiêm vacxin?” thì câu trả lời là có, nhưng khả năng sẽ rất ít.

Các loại vacxin cúm có thể kết hợp phòng từ 3 đến 4 chủng virus cúm khác nhau như: A/H1N1, A/H3N2 và 2 loại virus cúm B. Vacxin cúm hiện đang được sử dụng phổ biến là vacxin cúm Tứ giá Vaxigrip Tetra (Pháp) với khả năng phòng 4 chủng cúm bao gồm: 2 chủng cúm A (H1N1, H3N2) và 2 loại cúm B (Yamagata, Victoria).

Phác đồ tiêm vắc xin cúm được Bộ Y tế khuyến cáo như sau:

– Nhóm trẻ từ 6 tháng đến dưới 9 tuổi chưa từng tiêm vắc xin cúm: tiêm 2 mũi cách nhau tối thiểu 1 tháng. Mỗi năm tiêm nhắc lại 1 lần.

– Nhóm trẻ dưới 9 tuổi đã từng tiêm vacxin cúm, trẻ từ 9 tuổi trở lên và người lớn: Tiêm 1 mũi và sau đó tiêm nhắc lại hàng năm.

Hiện nay, Phòng tiêm chủng Thu Cúc TCI có sẵn vacxin cúm thế hệ mới Vaxigrip Tetra (Pháp) đáp ứng nhu cầu tiêm chủng của tất cả mọi người. Nếu có bất cứ thắc mắc nào về vacxin phòng cúm A hay về bệnh cúm A, các bạn có thể liên hệ Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI để được giải đáp sớm nhất!

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital