Trẻ ăn dặm bị hóc xương cá là tình huống nguy hiểm mà cha mẹ cần hết sức lưu ý. Bên cạnh đó, cần có cách xử trí nhanh chóng để có thể bảo toàn tính mạng trẻ, lấy xương cá ra kịp thời, đúng cách cho bé.
Menu xem nhanh:
1. Những nguy hiểm từ tình huống trẻ ăn dặm và bị hóc xương cá
1.1. Vì sao trẻ ăn dặm dễ hóc xương cá?
Trẻ từ khoảng 6 tháng tuổi là độ tuổi lý tưởng để bắt đầu ăn dặm, nhằm bổ sung dinh dưỡng và năng lượng cần thiết cho bé. Trong quá trình này, việc đa dạng các món ăn cho trẻ là điều rất cần thiết để trẻ đủ chất, đồng thời, làm quen với các hương vị khác nhau. Đây cũng là điều mà cha mẹ luôn quan tâm với lý do: để con sau này không kén ăn.
Trong các món ăn dặm của con, các món với cá như cháo cá, súp cá khá phổ biến bởi đây là nguồn dinh dưỡng cơ bản và quan trọng dành cho bé. Tuy nhiên, cũng cần chú ý về khả năng và thói quen khi ăn của trẻ lúc này. Trẻ mới tập ăn, chưa có răng, chưa quen với việc nhai và thường có xu hướng nuốt ngay khi đồ ăn vào miệng. Do có nhiều xương nhỏ, khó phát hiện nên các món với cá là một trong những nguyên nhân chính gây hiện tượng hóc ở trẻ. Các chuyên gia cũng cảnh báo, trẻ ăn dặm và các bé dưới 5 tuổi là những đối tượng đang có tỷ lệ bị hóc xương cá rất cao.
1.2. Cẩn trọng những nguy hiểm cho trẻ bị hóc xương cá khi ăn dặm
Trẻ bị hóc xương cá thường kèm theo triệu chứng khó chịu kèm việc khóc lớn. Trong tình huống đó, cha mẹ nên sớm xử lý bởi trẻ có thể đối mặt với nhiều vấn đề và nguy hiểm:
– Xương cá đâm vào niêm mạc họng của trẻ, gây chảy máu và viêm nhiễm cho hầu họng cũng như các vị trí xung quanh của trẻ. Trong nhiều tình huống, xương cá có thể đâm vào sâu, liên quan đến động mạch chủ của trẻ.
– Xương cá có thể đâm sâu thành họng, gây áp xe cục bộ, có thể làm tắc khí quản và nghẹt thở, nguy hiểm đến tính mạng trẻ.
– Xương cá có thể rơi xuống khu vực đường thở, suy hô hấp và làm tắc nghẽn đường thở ở trẻ.
– Nguy cơ thủng thực quản, thủng dạ dày và các vấn đề nhiễm trùng.
Nhiều trường hợp trẻ ăn dặm và bị hóc xương cá được đưa đến bệnh viện để chữa hóc nhanh, nhưng do tuổi nhỏ, nguy cơ suy hô hấp trên bàn mổ dẫn đến tử vong là rất lớn. Chính vì thế, việc trẻ nhỏ bị hóc xương cá là vấn đề nguy hiểm, cha mẹ cần lưu ý phòng tránh đúng cách cho trẻ.
2. Xử lý đúng cách, bảo vệ tính mạng trẻ bị hóc xương cá
2.1. Cách xử lý
Nếu đang cho con ăn các món với cá mà bỗng dưng trẻ có những triệu chứng như ho, nôn, khó thở, khóc khàn tiếng, thở rít,… thì cha mẹ cần nghĩ đến việc trẻ bị hóc. Trong tình huống này, cần dỗ để giúp trẻ bình tĩnh, nín khóc để xương cá không bị kẹt sâu hơn (điều này là rất khó). Sau đó, hãy nhanh chóng đưa trẻ đến các bác sĩ tai mũi họng để được thăm khám, giải quyết phù hợp.
Tại chuyên khoa tai mũi họng, các bác sĩ sẽ thăm khám, xác định tình hình và điều trị phù hợp, đúng cách cho trẻ. Với những tình huống giả hóc, bác sĩ có thể kê đơn phù hợp và dặn dò cha mẹ chế độ theo dõi sát. Trong một số trường hợp, trẻ cần chỉ định chụp phim để thấy xương cá hóc. nếu xương cá ở sâu, bác sĩ có thể thực hiện theo hình thức gây mê trẻ để lấy xương cá ra. Tuy nhiên, tình huống gây mê có thể có một số vấn đề tai biến cho trẻ, nên các bác sĩ sẽ chỉ sử dụng cách này trong tình huống xấu.
Với những trường hợp trẻ có biểu hiện khó thở, ngưng thở, cha mẹ cần gọi cấp cứu sớm và sơ cứu cho con trong quá trình chờ sự hỗ trợ từ các bác sĩ. Khi này, phương pháp vỗ lưng ấn ngực để đẩy xương cá khỏi bị trí chèn ép đường thở là rất cần thiết với trẻ.
2.2. Tránh hành động sai lầm khi con bị hóc xương cá
Do trẻ ăn dặm tuổi còn nhỏ, rất dễ tổn thương hầu họng, nên cha mẹ tuyệt đối phải xử lý nhanh khi trẻ bị hóc xương cá. Đặc biệt, cần tránh việc dùng tay móc họng trẻ. Điều này có thể khiến cho xương cá càng đâm sâu và tổn thương, nguy hiểm với trẻ nhiều hơn. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần tránh những cách chữa hóc xương cá dân gian như cho trẻ uống giấm, ngậm chanh hay vuốt lưng con,… Những cách này không được kiểm chứng khoa học, tính hiệu quả không rõ ràng và có thể làm chậm trễ việc điều trị cho con.
Điều cần thiết nhất lúc này là gọi cấp cứu – sơ cứu cho trẻ trong tình huống nguy hiểm và cần đưa trẻ đến bệnh viện chuyên khoa tai mũi họng sớm để được bác sĩ hỗ trợ lấy xương cá cho con bằng các phương pháp phù hợp.
3. Phòng ngừa tình huống trẻ bị hóc xương cá trong quá trình ăn dặm
Cá là thực phẩm chứa dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của trẻ, đặc biệt là thành phần đạm và nhiều loại vitamin. Do đó, đây là món ăn không thể thiếu trong quá trình ăn dặm của trẻ. Tuy nhiên, do có nhiều xương và dễ gây hóc, nên cha mẹ cần cẩn trọng để phòng ngừa tai nạn này cho trẻ:
– Nên cho trẻ ăn những loại cá lớn ít xương, nhiều thịt hoặc các loại cá có xương lớn, dễ nhận biết và dễ loại bỏ.
– Trước khi cho trẻ ăn cá, cha mẹ cần kiểm tra kỹ lượng lại một lần nữa trước khi cho con ăn.
– Nếu có thể, hãy nghiền nhỏ cá và kiểm tra lại trước khi nấu để tránh vấn đề xương còn trong cá khi cho con ăn.
– Tránh việc để xương cá lọc gần nơi trẻ nằm, bởi trẻ có thể cầm nắm và nuốt xương cá mà bố mẹ không kiểm soát được.
Như vậy, tình huống trẻ ăn dặm bị hóc xương cá là một tai nạn nguy hiểm cần được bố mẹ phòng ngừa và xử trí đúng cách. Hãy cẩn trọng hơn trong việc chế biến đồ ăn cho trẻ. Bên cạnh đó, cần nhờ các bác sĩ tai mũi họng hỗ trợ sớm ngay khi con bị hóc, tránh để tình trạng xương cá gây nguy hiểm và để lại hệ quả lâu dài cho con.