Chế độ dinh dưỡng thai kỳ rất quan trọng, để đảm bảo sự phát triển tối ưu của thai nhi cũng như sức khỏe tốt nhất cho mẹ. Có bầu nên ăn gì được nhiều mẹ quan tâm.
Menu xem nhanh:
Có bầu nên ăn gì?
– Thực phẩm nhiều đạm: Chất đạm cần thiết xây dựng bào thai, nhau thai và mô cơ thể của người mẹ. Nên ăn những thực phẩm nhiều đạm như trứng, sữa, thịt cá, các loại đậu…
– Chất béo: Chất béo rất cần thiết để xây dựng màng tế bào và hệ thống thần kinh thai nhi, cung cấp năng lượng cho mẹ. Nên bổ sung cả acid béo no và không no. Acid béo no có trong mỡ động vật, dầu cọ, dầu dừa… Tuy nhiên không được ăn quá 10% năng lượng khẩu phần. Nên tăng cường bổ sung dầu thực vật có trong dầu đậu nành, dầu mè, dầu đậu phộng, mỡ cá… để cung cấp acid béo không no.
– Thực phẩm chứa canxi: Canxi cần cho thai nhi xây dựng bộ xương và tạo răng. Nên bổ sung những thực phẩm giàu canxi trong thai kỳ như sữa, rau xanh, đậu, cá… Đây là nguồn cung cấp canxi rất dồi dào.
– Acid folic: Acid folic cần cho sự phát triển của cơ thể. Thiếu acid folic có thể gây thiếu máu, dị tật ống thần kinh ở thai nhi. Rau có lá, măng tây, bắp cải, bông cải xanh, cam, chuối, trứng… là những thực phẩm giàu acid folic cho mẹ bầu.
– Vitamin A: Đây là một loại vitamin cần thiết để cung cấp cho con và nâng cao sức đề kháng cho mẹ. Vitamin A có nhiều trong gan, lòng đỏ trứng, bơ, thịt, sữa…
– Vitamin D: Vitamin D cần thiết để hấp thu can-xi và phốt-pho góp phần cấu tạo xương. Thiếu vitamin D sẽ dễ dẫn đến nhuyễn xương, loãng xương, co giật do hạ canxi máu… Nguồn cung cấp vitamin D cho cơ thể chủ yếu do sự tổng hợp của da dưới tác dụng của ánh mặt trời. Thực phẩm có chứa nhiều vitamin D là gan cá, các loại cá béo, trứng, bơ, sữa..
– Vitamin B1: Cần cung cấp đủ vitamin B1 để phòng tránh bệnh tê phù thai kỳ. Vitamin B1 sẽ được cung cấp khi mẹ bầu dùng gạo không xay xát trắng quá, ăn nhiều hạt họ đậu, thịt lợn, rau, các sản phẩm lên men…
– Chất sắt: Bổ sung sắt khi mang thai cần thiết giúp thai kỳ phát triển tốt nhất. Sắt cần thiết để tạo nên Hemoglobin – thành phần quan trọng trong hồng cầu, tham gia vào cấu tạo của nhiều enzyme, giúp hệ thống miễn dịch khỏe mạnh, tránh bị nhiễm khuẩn. Sắt chứa nhiều trong thịt, gan động vật, các loại rau màu xanh đậm…
– I-ốt: Thiếu I-ốt ảnh hưởng đến sự phát triển bào thai, có nguy cơ xảy thai, sinh non, trẻ sinh ra sẽ bị chậm phát triển trí tuệ, cân nặng sơ sinh thấp, dễ bị các khuyết tật bẩm sinh… Cá biển, rong biển… là những thực phẩm giàu i-ốt. Chú ý sử dụng muối có bổ sung i-ốt với một lượng hợp lý.
Chế độ ăn uống hợp lý cho phụ nữ mang thai
– Bà bầu không nên kiêng khem, ăn thực phẩm đa dạng, cung cấp đủ dinh dưỡng.
– Không nên dùng các chất kích thích trong thai kỳ, như thuốc lá, bia rượu, cà phê… hạn chế thức ăn có gia vị như ớt, tỏi, gừng, hạt tiêu…
– Nên chọn thực phẩm sạch, giá trị dinh dưỡng cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
– Nếu bị ốm nghén nặng, buồn nôn, nên chia nhỏ bữa ăn trong ngày.
Bên cạnh đó, chị em cần có thời gian nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ 8 tiếng 1 ngày; có tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng lo âu; giữ không gian sống trong lành, tránh môi trường khói bụi, thuốc lá…
Đặc biệt, nên đi khám thai định kỳ theo chỉ định của bác sĩ hoặc khám ngay khi có bất thường.