Chứng trào ngược dạ dày về đêm và cách khắc phục

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKI

Phạm Đức Sơn

Trưởng Đơn vị Thăm dò chức năng - Nội soi tiêu hóa

Có thể bạn chưa biết, có khoảng 20% các trường hợp người bệnh có triệu chứng trào ngược dạ dày về đêm. Điều này gây khó chịu, rối loạn giấc ngủ và ảnh hưởng lớn tới chất lượng cuộc sống của người bệnh. Tìm hiểu ngay những cách khắc phục trào ngược về đêm dưới đây.

1. Bệnh trào ngược dạ dày về đêm

Trào ngược dạ dày thực quản là hiện tượng dịch acid, dịch mật, thức ăn từ dạ dày bị trào ngược lên tới thực quản. Trào ngược với biểu hiện điển hình là khàn tiếng, khó nuốt, ợ hơi, ợ chua, buồn nôn hoặc nôn,… Bệnh có thể xảy đến ở nhiều thời điểm khác nhau trong ngày.

Trào ngược dạ dày về đêm thường gặp phải lúc rạng sáng, khi người bệnh đang chìm vào giấc ngủ. Điều này làm người bệnh khó chịu, gây rối loạn giấc ngủ, ngủ không ngon giấc, làm suy giảm chất lượng cuộc sống.

Trào ngược về đêm thường đến từ những nguyên nhân chủ yếu sau:

– Ăn uống không khoa học, ăn đêm, ăn quá no sát giờ đi ngủ.

– Dư thừa acid dạ dày

– Nằm sai tư thế

– Do bị stress, căng thẳng quá độ.

Chứng trào ngược dạ dày về đêm gây mất ngủ

Trào ngược dạ dày về đêm khiến người bệnh bị mất ngủ.

2. Ảnh hưởng do trào ngược về đêm gây ra

Bị trào ngược dạ dày thực quản khi ngủ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giấc ngủ và sức khỏe của người bệnh. Nếu tình trạng này kéo dài không được xử lý sẽ kèm theo đó là hàng loạt hệ lụy bao gồm:

– Thường xuyên gây mất ngủ, ngủ không được ngon giấc bởi những cơn đau rát vùng cổ họng do acid dạ dày trào ngược lên gây ra ợ hơi. Phần acid này dần ăn mòn niêm mạc thực quản càng tăng thêm cảm giác khó chịu. Mất ngủ nhiều sẽ khiến người bệnh mệt mỏi, stress và trào ngược cũng nghiêm trọng hơn. Nó như một vòng tuần hoàn, trào ngược gây mất ngủ và mất ngủ khiến trào ngược thêm nặng cứ vậy lặp đi lặp lại.

– Dòng chảy của acid đi từ dạ dày đến thực quản có thể vào tới cổ họng, thanh quản và gây ra cảm giác khó thở. Dần dần, người bệnh sẽ bị khàn giọng, viêm họng, khó nói, khó nuốt,…

– Những cơn trào ngược kéo dài thường gây đau rát ngực, đắng miệng, ho nhiều, hôi miệng, cùng nhiều triệu chứng khó chịu khác.

– Tăng nguy cơ mắc các bệnh về thực quản như viêm loét, hẹp thực quản, nghiêm trọng hơn cả là ung thư thực quản.

3. Cách khắc phục chứng trào ngược dạ dày về đêm

3.1. Nằm nghiêng bên trái khi ngủ

Dạ dày vốn có cấu tạo gần giống như chữ J. Khi nằm xuống sẽ tạo thành một dòng chảy thuận lợi đưa acid dịch vị dễ dàng trào ngược lên tới thực quản. Chính vì vậy, tư thế nằm nghiêng sang trái sẽ giúp dạ dày thấp hơn so với thực quản, từ đó hạn chế được tình trạng trào ngược khi ngủ một cách tự nhiên.

Nằm nghiêm bên trái giúp giảm trào ngược dạ dày

Nằm nghiêm bên trái là tư thế tốt cho dạ dày và hạn chế tình trạng bị trào ngược acid.

3.2. Kê gối cao giúp giảm chứng trào ngược dạ dày về đêm

Dạ dày và thực quản nằm ở vị trí ngang nhau vì vậy người bệnh muốn giảm trào ngược cần nâng cao gối lên để phần thực quản sẽ được cao hơn so với dạ dày. Kê gối với độ cao lý tưởng khoảng 8cm (khoảng 15 độ). Bạn cũng không nên kê gối quá cao vì sẽ ảnh hưởng tới xương cổ gây khó chịu khi ngủ.

3.3. Mặc quần áo thoải mái

Mặc quần áo bó sát đặc biệt là bó sát vùng bụng, thắt lưng, ngực sẽ vô tình tạo áp lực lên dạ dày và khiến tình trạng trào ngược dạ dày thêm nghiêm trọng hơn. Tốt nhất, bạn nên chọn quần áo rộng rãi, thoáng mát, chất liệu mềm mịn khi ngủ sẽ giúp cơ thể thoải mái và dễ đi vào giấc ngủ hơn.

3.4. Ăn uống khoa học và không ăn sát giờ đi ngủ

Đối với người bệnh bị trào ngược về đêm cần tránh tuyệt đối các loại thực phẩm gây ra triệu chứng ợ nóng, khó tiêu, đầy bụng như đồ ăn chua cay, thức ăn chiên rán, nhiều dầu mỡ, rượu, bia, thức uống có ga,… Nên ăn nhiều các loại rau xanh, sữa chua ít hoặc không đường sẽ giúp kích thích hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn. Từ đó hỗ trợ giảm triệu chứng trào ngược.

Bên cạnh đó, bạn cũng cần lưu ý không nên ăn quá no vào buổi tối và không ăn sát giờ đi ngủ. Cụ thể, không nên ăn trong vòng 3 giờ trước khi ngủ, bỏ thói quen ăn đêm. Thời điểm ăn bữa tối thích hợp vào khoảng trước 19h. Trong trường hợp bạn bị đói về đêm chỉ nên ăn nhẹ nhàng, chọn đồ ăn dễ tiêu hóa.

Ăn uống khoa học giúp giảm trào ngược dạ dày về đêm

Ăn tối sát giờ đi ngủ sẽ khiến tình trạng trào ngược về đêm thêm nghiêm trọng.

3.5. Đi bộ nhẹ nhàng sau khi ăn

Khoảng 1 giờ sau khi ăn bữa tối, người bệnh có thể đi bộ nhẹ nhàng sẽ giúp dạ dày tiêu hóa thức ăn được hiệu quả hơn, giảm tăng tiết acid dư thừa. Đồng thời, việc đi bộ nhẹ nhàng trước khi ngủ cũng sẽ giúp bạn dễ đi vào giấc ngủ hơn và ngủ ngon hơn, sâu giấc hơn.

3.6. Thư giãn tinh thần

Căng thẳng, stress là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng trào ngược dạ dày thực quản và gây ra mất ngủ về đêm. Mất ngủ liên tục cũng là yếu tố dẫn đến tinh thần bị căng thẳng stress. Do đó, một tinh thần thoải mái, kiểm soát tốt căng thẳng stress sẽ giúp cải thiện tích cực tình trạng trào ngược. Để làm được điều đó, bạn cần cân đối thời gian làm việc và nghỉ ngơi, suy nghĩ tích cực, có thể áp dụng một số phương pháp như nghe nhạc nhẹ nhàng, ngồi thiền, tập yoga,.. đưa cơ thể dần về trạng thái thoải mái, thư giãn.

3.7. Sử dụng thuốc theo đơn kê của bác sĩ giúp giảm chứng trào ngược dạ dày

Trong trường hợp bạn đã thực hiện các biện pháp thay đổi về thói quen ăn uống sinh hoạt điều độ mà tình trạng trào ngược không có dấu hiệu thuyên giảm, bạn hãy chủ động thăm khám bác sĩ chuyên khoa và thực hiện điều trị theo đúng chỉ định. Tùy thuộc vào mức độ trào ngược cũng như mức độ ảnh hưởng của bệnh, bác sĩ sẽ lên đơn kê phù hợp. Người bệnh cần thực hiện đúng đơn thuốc, đúng hướng dẫn sử dụng để nhanh chóng cải thiện triệu chứng, không để bệnh ảnh hưởng tới sức khỏe và chất lượng cuộc sống.

Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI triển khai thực hiện các kỹ thuật thăm dò rối loạn vận động và chức năng đường tiêu hóa gồm có:

– Đo áp lực và nhu động thực quản độ phân giải cao HRM là tiêu chuẩn vàng chẩn đoán các rối loạn vận động thực quản.

– Đo pH trở kháng thực quản 24h là tiêu chuẩn vàng chẩn đoán xác định bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản.

Trong trường hợp bạn bị ợ hơi, ợ chua, nuốt khó, nuốt vướng, nghẹn khi ăn hoặc điều trị nội khoa bằng thuốc chống trào ngược nhưng không khỏi thì cần thực hiện thăm khám để được chẩn đoán đúng bệnh và tiến hành điều trị đúng phác đồ. Liên hệ hotline 0936 388 288 để được tư vấn chi tiết.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital