Chứng hay quên: Cách nhận diện và cải thiện

Tham vấn bác sĩ
Tiến sĩ, Bác sĩ

Nguyễn Văn Doanh

Trưởng khoa Khám bệnh

Chứng hay quên có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi và ngày càng trẻ hóa, gây nhiều ảnh hưởng tới cuộc sống, công việc của người bệnh. Làm thế nào để nhận diện và khắc phục hiệu quả tình trạng hay quên? Cùng tìm câu trả lời qua bài viết sau đây.

1. Các dấu hiệu nhận diện chứng hay quên

Bệnh hay quên còn có tên gọi khác là bệnh đãng trí. Các triệu chứng của bệnh này có thể biểu hiện đa dạng ở mỗi người tùy theo mức độ bệnh và nguyên nhân.

Các dấu hiệu cho thấy một người có thể mắc chứng hay quên gồm: 

– Quên vị trí để đồ vật hàng ngày.

– Quên các sự kiện, con người trong quá khứ.

– Thường xuyên hỏi những câu giống nhau, kể những câu chuyện giống nhau ở những thời điểm gần nhau.

– Hay bị lạc, thậm chí lạc ở những nơi quen thuộc.

– Khó hoặc không thể ghi nhớ và làm theo các hướng dẫn.

– Bị mất phương hướng về thời gian, con người và địa điểm, không biết tại sao mình lại đến nơi mình đang đứng. 

– Ít quan tâm đến sự an toàn, vấn đề vệ sinh và dinh dưỡng của bản thân.

Bạn có thể tự kiểm tra khả năng nhớ của mình qua những câu hỏi sau:

– Bạn có thường xuyên hỏi mọi người nhiều lần một câu hỏi giống nhau?

– Bạn có hay lạc ở cả nơi quen thuộc?

– Bạn có ít để ý đến dinh dưỡng và việc vệ sinh cá nhân không?

– Bạn có thể ghi nhớ và làm theo dễ dàng khi có hướng dẫn ?

– Bạn có bị mất phương hướng về địa điểm, thời gian, con người không?

– Gần đây, nhân cách và hành vi của bạn có dấu hiệu bất thường?

Đây cũng là những câu hỏi thường được các bác sĩ sử dụng khi thăm khám lâm sàng, kết hợp với các xét nghiệm, chụp chiếu để đưa ra kết luận chính xác.

Chứng hay quên biểu hiện như thế nào?

Không nhớ việc đã xảy ra, khó tiếp nhận kiến thức mới là những biểu hiện của bệnh hay quên.

2. Những nguyên nhân khiến người bệnh mắc chứng hay quên

– Tuổi tác: Trong não có một hệ thống bán tín kiểm soát cảm xúc và ký ức. Theo thời gian, hệ thống này dần suy thoái khiến khả năng lưu giữ thông tin không còn như xưa.

– Tổn thương não: Những tổn thương ở sọ não có thể làm thay đổi cấu trúc não, gây ra tình trạng hay quên. Các tổn thương bao gồm: đột quỵ, bệnh Alzheimer, bệnh động kinh, khối u, nhiễm khuẩn, ung thư, rối loạn tự miễn, chứng Wernicke-Korsakoff…

– Bệnh lý ở não: Tình trạng viêm màng não, viêm não, teo vỏ não do di truyền hoặc bệnh lý thoái hóa,… có thể gây suy giảm chức năng của não, dẫn tới giảm khả năng ghi nhớ. Ngoài ra các bệnh lý mạn tính như tim mạch, phổi, gan, thận, bệnh tuyến giáp… có thể gây rối loạn trong cơ thể, khiến não không được cung cấp đủ oxy và dinh dưỡng, khiến trí nhớ suy giảm.

– Tác dụng phụ của thuốc: Một số loại thuốc điều trị có tác dụng phụ là làm suy giảm trí nhớ. Ngoài ra thường xuyên dùng chất kích thích, nhất sử dụng quá liều cũng có thể gây ảnh hưởng đến trí nhớ.

– Thiếu dinh dưỡng: Không được bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, đặc biệt là vitamin B12 sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng ghi nhớ. 

– Căng thẳng, lo âu, hay trầm cảm: Áp lực công việc lớn, lo lắng về bệnh tật, căng thẳng kéo dài, stress, rối loạn giấc ngủ,… có thể ảnh hưởng đến trí nhớ và sự tập trung.

– Chấn thương: Các chấn thương có thể gây mất trí nhớ tạm thời hoặc dài hạn.

Nguyên nhân khiến người bệnh hay quên

Sau đột quỵ, người bệnh có thể bị suy giảm trí nhớ.

3. Làm thế nào để cải thiện tình trạng hay quên, tăng cường trí nhớ?

Mục tiêu của việc điều trị bệnh hay quên là làm giảm các triệu chứng của bệnh, ngăn ngừa sa sút trí tuệ và những biến cố nguy hiểm khác. 

Điều quan trọng để đạt được mục tiêu này là cần xác định được nguyên nhân dẫn đến suy giảm hoạt động chức năng não, giảm khả năng ghi nhớ của não bộ, từ đó đưa ra cách điều trị từ nguyên nhân. 

3.1 Điều trị chứng hay quên do vấn đề về tinh thần

Đối với những trường hợp hay quên do bệnh lý tinh thần, các bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc chống trầm cảm, thuốc bình thần để giải quyết tình trạng trầm cảm và lo âu, từ đó cải thiện khả năng ghi nhớ. Các loại thuốc này chỉ nên sử dụng ở liều thấp theo đơn của bác sĩ để đạt hiệu quả tốt và không gây phụ thuộc thuốc.

3.2 Cải thiện bệnh hay quên do lão hóa

Nếu chứng hay quên liên quan đến quá trình lão hóa thì thường không cần điều trị. Thay vào đó, có thể thực hiện một số biện pháp cải thiện hoạt động của não bộ như:

– Tham gia các hoạt động rèn luyện trí óc, giúp bộ não nhanh nhẹn hơn.

– Lên kế hoạch những việc cần làm, có thể 1 lập danh sách để dễ dễ theo dõi.

– Sử dụng các dụng cụ hỗ trợ trí nhớ: giấy ghi chú, lịch…

– Giữ các thói quen hằng ngày, tích cực hoạt động và liên lạc xã hội.

– Hạn chế dùng các chất kích thích gây hại cho não và hệ thần kinh.

– Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ kết hợp với nghỉ ngơi hợp lý.

3.3 Điều trị chứng hay quên do bệnh Alzheimer

Hiện nay vẫn chưa có biện pháp điều trị đối với bệnh Alzheimer. Bệnh nhân có thể được kê một số loại thuốc để làm chậm tiến triển của bệnh, từ đó giúp triệu chứng được cải thiện phần nào.

Cách cải thiện tình trạng hay quên

Thăm khám sớm để chẩn đoán nguyên nhân gây quên và có biện pháp điều trị phù hợp sẽ giúp cải thiện tình trạng hay quên.

Chứng hay quên gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người bệnh. Vì vậy, khi có các biểu hiện hay quên, hãy sớm đi thăm khám và điều trị, đồng thời áp dụng các biện pháp phòng ngừa, cải thiện bệnh.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:
Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital