Thuật ngữ “Chửa ngoài dạ con” thì nhiều chị em phụ nữ đã nghe qua nhưng giải đáp cho câu hỏi “Chửa ngoài dạ con có giữ được không” thì không phải ai cũng biết. Là một bà mẹ thông thái của thời đại mới, hãy trang bị kiến thức cho bản thân về vấn đề này ngay từ hôm nay.
Menu xem nhanh:
1.Thế nào chửa ngoài dạ con?
Trong một thai kỳ bình thường, trứng đã được thụ tinh sẽ di chuyển qua ống dẫn trứng và làm tổ ở tử cung. Nhưng với chửa ngoài dạ con, trứng được thụ tinh sẽ làm tổ ở ngoài tử cung, phổ biến nhất là ống dẫn trứng, trong một số trường hợp hiếm hoi sẽ xảy ra ở một số vị trí khác như ổ bụng, buồng trứng, cổ tử cung…..
Chửa ngoài dạ con được coi là một bệnh lý vô cùng nguy hiểm. Nếu không được phát hiện kịp thời dẫn đến việc khối thai vỡ, mẹ sẽ mất máu thậm chí có nguy tử vong. Nhiều trường hợp đã qua cơn nguy kịch nhưng lại phải cắt bỏ vòi trứng và vĩnh viễn không còn khả năng sinh con.
2. Nguyên nhân chửa ngoài dạ con
2.1 Vòi trứng bị tổn thương
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tổn thương vòi trứng, có thể chia ra những nhóm nguyên nhân chính sau:
– Do can thiệp đến vòi trứng: Phẫu thuật vòi trứng, nạo phá thai, phẫu thuật vùng xương chậu,….
– Do bẩm sinh: Hẹp vòi trứng, tắc vòi trứng,…..
– Do mắc các bệnh liên quan: Các bệnh lý lây qua đường tình dục như chlamydia, lậu,…..
2.2 Thường xuyên hít phải khói thuốc lá
Theo một nghiên cứu từ các chuyên gia tại Đại học Edinburgh, chất Cotinine trong khói thuốc lá kích hoạt phản ứng làm tăng một loại protein được gọi là PROKR1 trong ống dẫn trứng. PROKR1 được xác định là chất tăng nguy cơ trứng làm tổ bên ngoài tử cung.
Gần đây, một thống kê trên Tạp chí y học bệnh lý của Mỹ cho thấy những người phụ nữ hút thuốc hay thường xuyên hít phải khói thuốc lá và mang thai ngoài tử cung có lượng PROKR1 trong ống dẫn trứng cao gấp đôi so với những người không hút thuốc và có thai kỳ khỏe mạnh.
3. Dấu hiệu nhận biết chửa ngoài dạ con
Ngoài những dấu hiệu sẽ có khi có thai thông thường như các phụ nữ khác như buồn nôn, đau tức ngực, đau lưng thì thai phụ chửa ngoài dạ con sẽ có một số dấu hiệu khác như:
3.1 Đau bụng
Hiện tượng đau bụng có thể sẽ xảy ra ở một số bà bầu bình thường nhưng nếu hiện tượng này kéo dài, âm ỉ và đôi lúc cảm giác cơn đau dồn dập dữ dội thì hãy đến ngay bác sĩ để kiểm tra vì đó có thể là một “báo động đỏ” cho hiện tượng chửa ngoài dạ con.
3.2 Âm đạo ra máu bất thường
Đối với thai phụ chửa ngoài dạ con, hiện tượng chảy máu sẽ xảy ra.Với các chị em không theo dõi chu kỳ hàng tháng hoặc có kinh nguyệt không đều sẽ nghĩ đây là việc bình thường tuy nhiên cần phân biệt rõ nếu màu máu đen thẫm, không đông và rò rỉ từng chút thì khả năng cao là đang chửa ngoài dạ con. Đặc biệt khi khối thai ngoài tử cung bị vỡ, máu sẽ chảy ồ ạt trong ổ bụng kèm theo các dấu hiệu như đau bụng, mạch nhanh, tụt huyết áp và thậm chí tử vong khi không được cứu chữa kịp thời.
3.3 Nồng độ HCG thấp
Bánh nhau trong bụng mẹ không chỉ có vai trò cung cấp chất dinh dưỡng cho con mà còn tiết ra hormone điều hòa quá trình mang thai. Một trong những hormone đó có tên là HCG (Human Chorionic Gonadotropin) giúp kích thích tiết ra hormone sinh dục và hình thành giới tính thai nhi. Khi bánh nhau tạo ra, HCG sẽ khuếch tán vào máu của sản phụ và thải ra dưới dạng nước tiểu, dựa vào cơ sở này các bác sĩ sẽ nhận biết sự mang thai của mẹ bầu. Nếu sau lần đầu đã có kết quả, sang đến lần hai kết quả cho thấy nồng độ HCG thấp và không tương xứng với tuổi thai nhi thì chửa ngoài dạ con chính là một trong những nguyên nhân gây ra điều đó.
Đặc biệt, khi sản phụ gặp một số triệu chứng như buồn nôn, ói mửa, cảm giác choáng váng, ngất xỉu, đau thắt ở vùng bụng, vai, cổ hay trực tràng….. thì khả năng cao khối thai đã vỡ và mẹ bầu nên nhanh chóng đến cơ sở bệnh viện uy tín để kịp thời xử lý.
4. Chửa ngoài dạ con có giữ được không?
Ở điều kiện bình thường, trứng đã thụ tinh sẽ làm tổ ở tử cung. Đây được coi là môi trường lý tưởng để phôi thai hình thành với không gian rộng rãi và đầy đủ chất dinh dưỡng được cung cấp thông qua dây rốn.
Nhưng với trường hợp chửa ngoài dạ con, trứng đã được thụ tinh sẽ làm tổ bên ngoài tuy nhiên do không đủ không gian sống và chất dinh dưỡng để phát triển nên sẽ vỡ bất ngờ. Khi khối thai vỡ, ổ bụng sẽ chảy máu ồ ạt vì vậy sản phụ sẽ cảm thấy bủn rủn, mặt tái nhợt, có thể sẽ đau bụng dữ dội và ngất đi vì thiếu máu.
Tuy nhiên, thai ngoài tử cung được phát hiện rất sớm, ở tuần thứ 4 – 5 của thai kỳ vì vậy ngay từ khi có những dấu hiệu của việc mang thai, chị em nên đến thăm khám ở các bệnh viện uy tín để kiểm tra về tình trạng phát triển của thai nhi. Nếu không may gặp phải trường hợp chửa ngoài dạ con, hãy nghe theo chỉ định của bác sĩ để loại bỏ khối thai ra ngoài. Dẫu biết việc này sẽ rất đau đớn vì con là máu mủ yêu thương mà chúng ta trân trọng và nâng niu nhưng nếu mẹ bầu không nghe theo chỉ dẫn của bác sĩ sẽ gặp nguy hiểm đến tính mạng.
5. Các biện pháp phòng tránh và điều trị chửa ngoài dạ con
5.1 Phòng ngừa
Chính vì mức độ nguy hiểm của chửa ngoài dạ con, chị em nên chủ động phòng tránh để đảm bảo an toàn cho bản thân bằng những cách sau:
– Tránh tối đa việc tiếp xúc với khói thuốc
– Trước khi mang thai, hãy đi khám sức khỏe thường xuyên để đảm bảo sức khỏe tốt nhất. Sau khi mang thai, hãy khám thai sớm và định kỳ thường xuyên đảm bảo thai nhi phát triển bình thường.
– Quan hệ tình dục an toàn để tránh những bệnh lý lây truyền
– Vệ sinh vùng kín sạch sẽ, nhất là trong thời kỳ kinh nguyệt, sau khi quan hệ tình dục, sau khi sinh và cho con bú.
– Hạn chế việc nạo phá thai gây tổn thương vòi trứng
– Kiêng cữ và tránh thai ít nhất 6 tháng sau khi đã phẫu thuật loại bỏ thai ngoài tử cung một lần vì chửa ngoài dạ con có nhiều khả năng tái phát.
5.2 Điều trị
Thai ngoài tử cung được coi là tình trạng cấp cứu cần được phát hiện điều trị càng sớm thì càng dễ dàng và ít nguy hiểm hơn. Hiện nay, có 3 phương pháp để điều trị tình trạng này:
Sử dụng thuốc
Thuốc được sử dụng phổ biến hiện nay là Methotrexate.Tác dụng của thuốc này là ngăn chặn sự phân chia tế bào, bảo tồn ống dẫn trứng.
Phẫu thuật nội soi
Phương pháp này cải tiến với mức độ an toàn và thời gian hồi phục nhanh hơn so với phẫu thuật mở bụng truyền thống. Mổ nội soi giúp tránh được các nguy cơ khi phẫu thuật như tắc dính hay nhiễm trùng cho thai phụ.
Phẫu thuật mở bụng
Do sự phát triển của khoa học y tế hiện đại nên hiện nay việc phẫu thuật mở rất hiếm. Chỉ khi mẹ bầu không đi thăm khám thường xuyên nên không biết tình trạng chửa ngoài dạ con dẫn đến vỡ vòi trứng, chảy máu ồ ạt mới cần sử dụng phương pháp phẫu thuật mở ở ổ bụng.
Cần lưu ý rằng việc sử dụng các phương pháp nào phải tùy vào trường hợp cụ thể và theo đúng chỉ định của bác sĩ có chuyên môn tại các cơ sở y tế uy tín.
Trên đây là những kiến thức tổng quan nhất để các chị em có lời giải đáp cho câu hỏi “Chửa ngoài dạ con có giữ được không”. Theo thống kê, cứ 1000 phụ nữ thì có 4 – 5 người chửa ngoài dạ con – có lẽ con số này sẽ khiến nhiều chị em phụ nữ thờ ơ vì 0.5% này sẽ không rơi vào mình đâu. Tuy nhiên, “phòng cháy hơn chữa cháy” vì vậy ngay từ hôm nay, hãy trang bị cho bản thân những biện pháp phòng tránh tốt để đảm bảo cơ thể khỏe mạnh và sẵn sàng cho hành trình làm mẹ diệu kỳ nhé.