Chân răng bị đen không phải vấn đề quá nguy hiểm đến sức khỏe. Cũng bởi điều này, nhiều người thường chủ quan, ngó lơ mà không điều trị, chăm sóc. Lâu dần, phần răng đen sẽ ngày càng rõ, gây mất thẩm mỹ. Bên cạnh đó, tình trạng này nếu để lâu sẽ chính là nguy cơ cho nhiều vấn đề bệnh lý khác. Vậy làm sao để điều trị và chăm sóc răng bị đen chân, chúng ta hãy cùng theo dõi ngay sau đây.
Menu xem nhanh:
1. Lý do khiến đen chân răng
1.1 Chân răng bị đen do cao răng
Cao răng bản chất chính là những mảng bám trên về mặt răng và chân nướu. Mới đầu, những mảng bám này có màu nâu, vàng và khá mềm. Tình trạng cao răng bị màu đen một phần là do chế độ sinh hoạt, ăn uống của người bệnh. Và tích tụ lâu ngày, cao răng sẽ dần cứng lại, chuyển từ màu vàng sang đen.
1.2 Chân răng bị đen do sâu răng
Sâu răng cũng là một yếu tố khiến đen chân răng. Điều này là do vị trí năng nằm sát lợi khá khó khăn trong việc vệ sinh. Vì vậy, những vi khuẩn sẽ dễ tích tụ, xâm nhập và hình thành những lỗ sâu răng. Khi ấy, tổ chức ngà răng ở vị trí răng sâu sẽ có phản ứng lại khiến phần ngà dần cứng lại, đổi sang màu đen sẫm. Quá trình này là để ngăn cho vi khuẩn sâu răng không phát triển thêm nữa. Do đó, ở những vị trí sâu răng, răng thường hay có màu đen.
1.3 Đen chân răng do mão răng quá cũ
Khi sử dụng chụp răng bằng vật liệu kim loại, sau một thời gian, phần kim loại sẽ dần bị oxy hóa. Tình trạng này kết hợp với những mảng bám, cặn thức ăn thừa còn sót lại ở chụp răng dẫn đến đường viền ở phần răng sát lợi chuyển sang màu đen.
1.4 Đen chân răng do bệnh nha chu
Sau khi mắc bệnh nha chu, phần thân răng sẽ có xu hướng dài hơn. Đây là do nướu bị tụt và nêu không có phương pháp điều trị kịp thời sẽ dẫn đến bệnh teo rút nướu. Từ đó, những người bị bệnh sẽ kéo theo tình trạng phần chân răng bị màu đen sẫm.
1.5 Đen chân răng do chế độ ăn uống
Chế độ ăn uống cũng là một trong những yếu tố gây đen chân răng. Cụ thể, đối với những người thường xuyên uống thức uống có màu sẫm như cafe, socola,… thì những màu thực phẩm này sẽ bám vào răng. Và khi ngày càng bám nhiều màu, lâu dần sẽ khiến chân răng đen và trở nên kém thẩm mỹ.
Bên cạnh việc ăn uống, một vài thói quen khác cũng ảnh hưởng đến màu sắc của răng. Điển hình như hút thuốc lá, sử dụng betadine để súc miệng,…
2. Đen chân răng có gây nguy hiểm không?
Tuy bề ngoài, việc đen chân răng không phải một căn bệnh quá nguy hiểm nhưng hậu họa của nó lại khôn lường. Dù cho bị đen bởi bất kỳ lý do nào cũng cần được khắc phục nhanh chóng để tránh tình trạng biến chứng.
– Chân răng đen do răng sâu nếu không khắc phục sớm sẽ khiến lỗ sâu ngày càng to, lan rộng. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn tới tính thẩm mỹ và quá trình ăn uống. Nguy hiểm hơn, các lỗ sâu này sẽ lan tới tủy gây ra các vấn đề như viêm chân răng, viêm tủy,…
– Ngoài những ảnh hưởng trên, sâu răng còn có thể dẫn tới viêm lợi. Và nếu để lâu ngày, đó sẽ là mầm mống của các bệnh lý như tim mạch, đái tháo đường, nhiễm trùng máu,…
– Đen chân răng do cao răng là nguy cơ dẫn tới việc nướu bị tụt. Lâu ngày, răng sẽ lung lay và kéo theo khả năng bị mất răng.
– Đối với tình trạng đen chân răng do mão răng cũ không chỉ ảnh hưởng xấu tới tính thẩm mỹ mà còn là nguyên nhân của hôi miệng, nguy cơ cao hỏng cùi răng thật bên trong.
3. Cách điều trị chân răng bị đen
Chân răng bị đen có thể điều trị được và tùy theo từng nguyên nhân sẽ có phương pháp điều trị khác nhau:
– Đen chân răng do cao răng: Bác sĩ sẽ loại bỏ cao răng sau đó đánh bóng răng. Việc đánh bóng răng rất quan trọng. Nó giúp mặt răng sáng bóng và nhẵn, từ đó hạn chế hình thành cao răng mới.
– Đen chân răng do sâu răng: Với các trường hợp răng bị sâu, hàn trám răng vẫn luôn là phương pháp phổ biến nhất. Đầu tiên, bác sĩ sẽ lấy hết đi những tổ chức sâu và ngà răng bị bệnh. Sau đó, chất hàn thẩm mỹ sẽ được sử dụng. Chất này được dùng để tạo hình thẩm mỹ, đem lại dáng vẻ như ban đầu cho răng.
– Đen chân răng do mão răng cũ: Trong trường hợp này, hàm răng đang báo động là chúng ta cần thay thế chụp răng khác nếu không sẽ gây nhiều vấn đề khác. Và lưu ý, nếu không muốn tình trạng bị đen chân răng do mão răng, chúng ta nên sử dụng những loại chụp răng có cấu tạo hoàn toàn bằng sứ.
4. Một vài lưu ý chăm sóc đen chân răng
Tùy vào mỗi trường hợp đen chân răng mà chúng ta sẽ có phương pháp điều trị và chăm sóc khác nhau. Nhưng nhìn chung, ta cần tuân theo một số nguyên tắc sau:
– Loại bỏ việc sử dụng tăm tre xỉa răng. Thay vào đó, chúng ta nên dùng các loại chỉ nha khoa hoặc tăm nước. Những công cụ này đạt hiệu quả cao trong việc loại bỏ cặn bám. Đồng thời hạn chế nguy cơ hình thành cao răng.
– Làm sạch răng miệng đủ và đúng cách. Cụ thể, chúng ta nên đánh răng từ 2-3 lần mỗi ngày. Điều này sẽ giúp cho khoang miệng luôn sạch sẽ. Tuy nhiên, ta cũng nên lưu ý đừng đánh răng nhiều quá để tránh làm tổn thương men răng.
– Hạn chế tối đa ăn những thực phẩm có lượng chất đường bột cao. Lượng đường bột quá cao sẽ không hề có lợi cho răng miệng. Nếu ăn nhiều, đây còn có thể là thứ tiếp tay cho vi khuẩn xâm nhập. Ngoài ra, nước co ga, cà phê,… cũng là những cái tên cần lưu ý tránh xa để giảm thiểu nguy cơ ăn mòn men răng.
– Bên cạnh việc chăm sóc tại nhà, những bệnh nhân hãy nhớ kết hợp điều trị tại nha khoa theo chỉ định của nha sĩ. Sau khi đã chữa khỏi hoàn toàn, chúng ta cũng đừng quên thăm khám định kỳ mỗi năm để bảo toàn độ chắc khỏe cho hàm răng.
Trong bài viết này, chúng ta đã điểm qua một số thông tin cần thiết về tình trạng chân răng bị đen. Tuy bề ngoài, căn bệnh này không quá đáng ngại nhưng cũng đừng vì thế mà lơ là nhé!