Chẩn đoán và điều trị đột quỵ xuất huyết não tự phát

Tham vấn bác sĩ

Xuất huyết não tự phát gây đột quỵ thể chảy máu não (xuất huyết não). Đây là dạng đột quỵ có tỷ lệ tử vong và biến chứng cao. Cùng tìm hiểu nguyên nhân, biểu hiện, phương pháp chẩn đoán và điều trị đột quỵ xuất huyết não tự phát ngay trong bài viết dưới đây.

1. Hiểu về xuất huyết não tự phát

Đúng như tên gọi của nó, xuất huyết não tự phát là tình trạng chảy máu (xuất huyết) cấp tính vào nhu mô não không do chấn thương (tự phát). Khi một hoặc các mạch máu trong não vỡ ra và chảy máu quanh các mô não, sẽ gây tổn thương tế bào não.

Xuất huyết não tự phát là bệnh lý có tỷ lệ tử vong cao nhất trong tất cả các loại tai biến mạch máu não và dễ dẫn đến những tàn tật nghiêm trọng sau này.

trị đột quỵ

Đột quỵ xuất huyết nãolà tình trạng chảy máu (xuất huyết) cấp tính vào nhu mô não.

2. Chẩn đoán

Để chẩn đoán xuất huyết não tự phát, sau khi thăm khám bác sĩ thường chỉ định người bệnh chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ sọ não (MRI), xét nghiệm máu để xác định nguyên nhân, mức độ tổn thương và đưa ra phương án can thiệp cũng như điều trị kịp thời.

3. Hướng điều trị đột quỵ xuất huyết não tự phát

Hiện nay có hai phương pháp đang được sử dụng để điều trị đột quỵ xuất huyết não tự phát, đó là điều trị bằng nội khoa bảo tồn (sử dụng thuốc) hoặc điều trị ngoại khoa (phẫu thuật).

3.1 Điều trị đột quỵ xuất huyết não tự phát bằng nội khoa

Quy trình sẽ là: sau khi theo dõi ban đầu và điều trị xuất huyết não ở đơn vị hồi sức tích cực, điều trị glucose nhằm kiểm soát đường huyết, đồng thời đưa đường huyết đúng giới hạn bình thường.

Bác sĩ có thể cân nhắc sử dụng thuốc chống động kinh.

3.2 Phẫu thuật điều trị đột quỵ xuất huyết não tự phát

Phẫu thuật được chỉ định thực hiện càng sớm càng tốt để lấy khối máu tụ, trong trường hợp người bệnh bị xuất huyết tiểu não có khiếm khuyết thần kinh. Hoặc bị chèn ép thân não và tràn dịch não do tắc nghẽn não thất.

Hay trong trường hợp người bệnh có khối máu tụ ở thùy > 30ml và nằm cách bề mặt khoảng 1cm thì bác sĩ có thể xem xét mở hộp sọ trên lều để lấy máu tụ.

4. Nguyên nhân gây xuất huyết não tự phát

Có nhiều nguyên nhân gây xuất huyết não tự phát, trong đó có tăng huyết áp và các bệnh lý, dị tật ở mạch máu não và não là nguyên nhân chủ yếu thường gặp nhất.

– Cao huyết áp: Người bị tăng huyết áp mạn tính khiến mạch máu giảm sự đàn hồi vốn có, khi huyết áp cao đột ngột dễ làm tăng áp lực lớn lên mạch máu gây chảy máu (xuất huyết). Theo thống kê, tăng huyết áp mạn tính chiếm hơn một nửa số ca bệnh xuất huyết não tự phát.

– Dị dạng mạch máu não: dị dạng động tĩnh mạch (túi phình động mạch) vỡ ra gây chảy máu bất thường.

– Huyết khối xoang tĩnh mạch: huyết khối hay còn có tên gọi khác là cục máu đông. Cục máu đông ở xoang tĩnh mạch có thể gây nhồi máu tĩnh mạch xuất huyết, gây xuất huyết não do tăng áp lực tĩnh mạch.

– Mạch máu thoái hóa dạng bột: đây là một bệnh lý xảy ra ở mạch máu não, do sự lắng đọng amyloid trong thành mạch máu và gây tổn thương thành mạch. Đây cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây đột quỵ xuất huyết não tự phát. Đặc trưng của bệnh này là thường tái phát nhiều lần.

– Bệnh u não: khối u não nếu không được phát hiện sớm và xử trí dễ dẫn đến hoại tử và chảy máu trong u gây đột quỵ xuất huyết não (thường gặp ở u não di căn hoặc u tuyến yên).

– Hậu phẫu: sau khi phẫu thuật tim, phẫu thuật bóc lớp áo trong động mạch cảnh,… tiềm ẩn nguy cơ xuất huyết não.

– Một số nguyên nhân khác như: nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương, rối loạn chức năng đông máu, nhồi máu chuyển dạng xuất huyết, lạm dụng thuốc hoặc rượu bia,…

Việc xác định được nguyên nhân gây là yếu tố rất quan trọng để đưa ra phương pháp điều trị đột quỵ xuất huyết não tự phát và dự phòng tình trạng chảy máu não tái phát.

trị đột quỵ xuất huyết não

Người có túi phình dị dạng động – tĩnh mạch não cần theo dõi để can thiệp kịp thời, hiệu quả ngăn ngừa nguy cơ đột quỵ xuất huyết não xảy ra.

5. Biểu hiện thường gặp

Suy giảm ý thức: phụ thuộc vào vị trí và mức độ chảy máu não mà người bệnh có thể bị suy giảm chức năng cảm giác, suy giảm chức năng vận động đối bên ở mức độ khác nhau.

Rối loạn chức năng vỏ não: rối loạn ngôn ngữ (hoặc mất ngôn ngữ), sững sờ, khó liếc.

Rối loạn chức năng thân não: thất điều, rung giật nhãn cầu, bất thường về liếc ngang.

Ngoài ra, còn có một số triệu chứng không đặc hiệu khác như đau đầu, buồn nôn và nôn, hội chứng màng não.

trị đột quỵ xuất huyết não tự phát

Các triệu chứng của đột quỵ xuất huyết não thường đến nhanh chóng và rầm rộ cần phải được cấp cứu kịp thời như chóng mặt, đau đầu dữ dội, buồn nôn, sợ ánh sáng, té ngã, rối loạn ý thức, rối loạn ngôn ngữ,…

6. Theo dõi và phòng ngừa

Mỗi người cần kiểm soát thật tốt chỉ số huyết áp của mình. Đặc biệt là những người có tiền sử huyết áp cao, cần tuân thủ điều trị theo đúng chỉ định của bác sĩ để đạt được mục tiêu huyết áp bình thường <140/90 mmHg.

Nếu có tiền sử đông máu hay nghi ngờ đông máu hoặc muốn phòng ngừa, bạn cần phải thăm khám và có chỉ định rõ ràng từ bác sĩ.

Không nên uống nhiều bia, rượu; bỏ hút thuốc lá vì chúng có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ xuất huyết não tái phát.

Cần xây dựng chế độ ăn uống hợp lý, sinh hoạt lành mạnh và khoa học. Các chuyên gia khuyến cáo, ăn ít cholesterol và chất béo có thể làm giảm mảng xơ vữa bám trong động mạch.

Tăng cường tập luyện thể dục thể thao, lựa chọn các bài tập vừa sức để làm giảm huyết áp, tăng mức HDL-cholesterol, cải thiện sức khỏe, giảm cân, kiểm soát chỉ số đường huyết và giảm căng thẳng.

Đột quỵ là căn bệnh nguy hiểm và ngày càng phổ biến trong thế kỷ hiện nay. Đây được xem là vấn đề nóng của toàn cầu chứ không riêng gì Việt Nam. Do đó, các nước cần có chiến lược toàn diện để truyền thông cho người dân hiểu được sự nguy hiểm của đột quỵ và những biện pháp nên làm để phòng tránh đột quỵ, bởi đối với đột quỵ thì phòng tránh để không xảy ra là “chìa khóa” giúp bạn tránh xa căn bệnh này.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital