Chẩn đoán phình mạch não bằng chụp cộng hưởng từ MRI là phương pháp cận lâm sàng được đánh giá có hiệu quả hàng đầu trong chẩn đoán căn bệnh này. Phình động mạch não khi bị vỡ có thể khiến người bệnh đột quỵ, tổn thương não, thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Menu xem nhanh:
1. Thế nào là phình mạch não?
Phình mạch máu não là tình trạng các mạch máu não phình lên bất thường, khiến mạch não bị rò rỉ hoặc vỡ gây xuất huyết não.
Theo thống kê, khoảng 5% dân số bị phình mạch máu não. Bệnh có thể xảy ra với mọi độ tuổi, đặc biệt 50-60 tuổi. Phụ nữ mắc bệnh nhiều hơn nam giới. Tăng huyết áp, hút thuốc lá, tiểu đường ….có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Vỡ động mạch não là tình trạng nguy hiểm có thể khiến cho người bệnh đột quỵ, tổn thương não, thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Quá trình xảy ra tình trạng phình mạch não tóm gọn như sau:
Thành của các động mạch chứa một loại cơ đặc biệt và lớp sợi chun, giúp cho máu chảy qua theo nhịp mạch đập. Khi có những tổn thương do bệnh lý hoặc bất thường bẩm sinh có thể gây ra các điểm yếu ở thành động mạch. Các điểm yếu này thường hình thành khi các động mạch chia nhánh. Theo thời gian, áp lực dòng máu đi qua động mạch, đè thêm vào điểm yếu nhiều hơn. Áp lực máu có thể làm điểm yếu phồng ra và hình thành nên một túi gọi là phình mạch não.
Phình mạch não là loại phổ biến nhất và còn được gọi là phình mạch dạng túi. Theo thời gian, túi phình to lên và chèn ép mô não hoặc thần kinh gần đó. Máu cũng có thể bị rỉ ra từ túi phình. Nếu thành của túi quá mỏng, nó có thể bị nổ hoặc vỡ ra. Lúc này, máu trong túi phình sẽ tràn vào khoảng giữa não với áp lực cao. Khối máu tràn ra gây đè ép lên các mô não và có thể làm tổn thương các tế bào não. Đặc biệt, não dễ bị sưng lên và chịu tổn thương nghiêm trọng.
2. Dấu hiệu của bệnh nhân bị phình mạch não
Đáng lo ngại, một số trường hợp người bệnh dù bị phình mạch máu não nhưng không có bất cứ triệu chứng nào trước khi túi phình bị vỡ. Hoặc người bệnh có thể gặp một số triệu chứng khi túi phình to lên. Tuy nhiên, lúc này các dấu hiệu thường rất mơ hồ, khó chẩn đoán rõ ràng như:
– Đau đầu và đau ở gần hoặc dưới một mặt
– Nhìn đôi hoặc nhìn mờ
– Sụp mí
– Tê hoặc yếu một bên mặt
Do các biểu hiện hầu như không nhận biết được, nên khi khám và chẩn đoán thông thường sẽ rất khó phát hiện ra bệnh. Lúc này việc chẩn đoán phình mạch não bằng phương pháp chụp cộng hưởng từ MRI cho thấy hiệu quả vượt trội. Bệnh nhân được chụp MRI mạch máu não mới phát hiện ra túi phình mạch máu não.
Khi túi phình mạch não bị vỡ sẽ gây các triệu chứng phổ biến bao gồm:
– Đau đầu đột ngột và dữ dội
– Xảy ra vấn đề bất thường về thị giác như: nhìn mờ, nhìn đôi.
– Buồn nôn và nôn
– Cổ bị cứng và/hoặc đau
– Người bệnh rơi vào trạng thái lơ mơ, rối loạn ý thức
Vì vậy, ngay khi nhận thấy các triệu chứng trên đây, bản thân bệnh nhân hoặc người nhà cần nhanh chóng đến gặp bác sĩ chuyên khoa Nội thần kinh và Cấp cứu hồi sức ngay để được chăm sóc đúng cách.
Cần lưu ý dấu hiệu trước khi túi phình bị vỡ: Khoảng 30-60% người bệnh thấy đau đầu từ nhiều ngày đến nhiều tuần trước khi vỡ túi phình.
3. MRI – giải pháp “vàng” chẩn đoán phình mạch não và hỗ trợ điều trị bệnh
3.1. MRI có vai trò thế nào trong chẩn đoán phình mạch não?
Trước đây, khi trang thiết bị máy móc y tế còn hạn chế, các bác sĩ thường chỉ chẩn đoán các tổn thương mạch máu não trong đó có dị dạng phình mạch não dựa trên các triệu chứng lâm sàng và kinh nghiệm. Ngoài ra có sự kết hợp của chụp X-quang, siêu âm, tuy nhiên hiệu quả còn khá khiêm tốn. Sự xuất hiện của phương pháp chụp cắt lớp vi tính MSCT cho phép khảo sát mạch máu não hiệu quả hơn bằng chụp cắt lớp vi tính có tiêm thuốc cản quang.
Với sự tiến bộ vượt bậc của y học, sự ra đời của máy chụp cộng hưởng từ MRI là một thành công vượt trội, đặc biệt trong tầm soát, chẩn đoán các bệnh lý ở não, hệ thần kinh. MRI não có thể giúp khảo sát mạch máu não rõ nét, chính xác, mà lại rất ưu việt khi phương pháp này an toàn với hầu như mọi đối tượng, bao gồm người già, trẻ em, người đang có bệnh nền, thai phụ. Hơn nữa, chụp MRI không bắt buộc phải tiêm thuốc cản quang như chụp CT.
Máy chụp cộng hưởng từ MRI có tác dụng chẩn đoán, tầm soát nhiều bệnh lý từ đơn giản đến phức tạp trong đó có chụp cộng hưởng từ mạch máu não (gọi tắt là MRA).
3.2. Ưu điểm khi chụp MRA chẩn đoán phình mạch não
– Đánh giá chi tiết các tổn thương ở mạch máu não.
– Cho hình ảnh có độ tương phản cao, sắc nét và rõ ràng.
– Chi tiết, giải phẫu tốt và có khả năng tái tạo 3D.
– An toàn, có thể áp dụng cho nhiều đối tượng bệnh nhân thuộc nhiều lứa tuổi.
Điểm còn hạn chế của MRA là thường cần có thời gian chuẩn bị nhất định trước khi chụp cho bệnh nhân. Vì vậy, với các trường hợp chưa có dấu hiệu cấp cứu thường sẽ được ưu tiên chụp MRA để tầm soát, kiểm tra sức khỏe não bộ, hệ thần kinh. Với các bệnh nhân phải cấp cứu có thể sử dụng phương pháp chụp CT (cắt lớp vi tính) để chẩn đoán tổn thương mạch máu. Sau đó khi bệnh nhân qua giai đoạn cấp cứu có thể sử dụng MRA để chẩn đoán bổ sung.
4. Phình mạch não điều trị thế nào?
Như vậy có thể thấy rõ, tình trạng phình mạch não là mối đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng của người mắc phải. Trong khi đó, tình trạng này không hiếm gặp, gây nên mỗi lo ngại lớn với giới chuyên môn cũng như cộng đồng.
Về việc điều trị căn bệnh nguy hiểm này, với sự phát triển của y học, nhiều phương pháp cho thấy hiệu quả nhất định với từng trường hợp. Trong đó có các phương pháp ngoại khoa như phẫu thuật, can thiệp nội mạch bằng đặt stent nhằm chuyển hướng dòng chảy của máu. Tuy nhiên, điều quan trọng trước hết là việc thăm khám, tầm soát mạch máu não càng sớm càng tốt. Điều này nhằm phát hiện những bất thường ở mạch máu não (nếu có) trước khi chúng “gây họa” dễ gây nguy hiểm đến tính mạng.
Đặc biệt, nếu thấy tê bì, yếu nửa người, đau đầu phía trên hoặc sau mắt, giảm thị lực, có thể nhìn đôi, người bệnh cần đi khám ngay chuyên khoa Nội thần kinh và chụp MRI phình mạch não để phát hiện sớm nguy cơ phình mạch não.
Nếu không can thiệp kịp thời và hiệu quả, nguy cơ vỡ túi phình trong vòng 5 năm là khoảng 17,8%. Nếu túi phình vỡ sẽ gây tỉ lệ tử vong rất cao, lên tới tối đa hơn 80% các ca bệnh. Trường hợp may mắn bệnh nhân còn sống thì tỷ lệ tàn tật cũng lên đến khoảng 20%.
Do đó, việc sớm tầm soát, bảo vệ sức khỏe não bộ nói riêng, hệ thần kinh nói chung là vô cùng cần thiết. Qua đó có biện pháp phòng ngừa và hỗ trợ điều trị đúng hướng, giúp ngăn chặn hoặc giảm thiểu các biến chứng nguy hiểm.