Chán ăn mất ngủ là dấu hiệu của bệnh lý gì?

Tham vấn bác sĩ
Tiến sĩ, Bác sĩ

Nguyễn Văn Doanh

Trưởng khoa Khám bệnh

Chán ăn mất ngủ là có thể là triệu chứng của nhiều bệnh lý, có khả năng gây nguy hiểm tới sức khỏe nếu không được chẩn đoán nguyên nhân và điều trị kịp thời. Tình trạng này đang diễn ra ngày càng phổ biến và xuất hiện ở mọi lứa tuổi. Cùng tìm hiểu các thông tin về tình trạng chán ăn, mất ngủ và các bệnh lý liên quan trong bài viết sau đây.

1. Tình trạng mất ngủ chán ăn biểu hiện như thế nào?

Chứng chán ăn mất ngủ thường không có các biểu hiện đặc trưng rõ ràng. Đặc biệt, tình trạng này lại rất dễ bị nhầm lẫn với các dấu hiệu mệt mỏi khác của cơ thể. Do đó, người bệnh cần chú ý theo dõi các thay đổi qua chất lượng giấc ngủ và chế độ ăn uống hàng ngày để sớm nhận biết các bất thường.

Một số biểu hiện mất ngủ chán ăn phổ biến đó là:

– Giấc ngủ không liền mạch, khó đi vào giấc ngủ và thức giấc nhiều lần trong đêm mà không rõ lý do.

– Thời gian ngủ một ngày bị suy giảm người bệnh chỉ ngủ được khoảng 4 – 5 tiếng/ngày, thức dậy từ rất sớm và khó ngủ lại sau đó.

– Cơ thể thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, uể oải, thiếu sức sống sau khi thức dậy vào buổi sáng.

– Mất tập trung trong học tập và công việc hàng ngày.

– Ăn uống kém và không cảm thấy ngon miệng khi ăn.

– Hay bị nôn hoặc buồn nôn vào sáng sớm và sau khi ăn.

– Đau đầu hoặc đau nửa đầu kéo dài, kèm theo đó là tính trạng ù tai, hoa mắt, chóng mặt.

– Hệ tiêu hóa suy giảm, dễ bị tiêu chảy hoặc táo bón.

biểu hiện của tình trạng mất ngủ chán ăn

Tình trạng mất ngủ chán ăn thường có các biểu hiện đa dạng.

2. Nguyên nhân khiến người bệnh bị mất ngủ, ăn không ngon

Tình trạng mất ngủ chán ăn có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có cả yếu tố chủ quan và khách quan, cụ thể đó là:

– Cơ thể suy nhược

Ăn ngủ kém, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, nhức mỏi cơ xương, phản ứng kém… đều là những dấu hiệu cơ bản cảnh báo tình trạng suy nhược cơ thể ở người bệnh.

– Rối loạn tâm lý

Áp lực tâm lý do căng thẳng, stress trong cuộc sống hay công việc đều khiến người bệnh mất tập trung, dễ nảy sinh các suy nghĩ tiêu cực, mất ngủ, chán ăn. Tình trạng stress kéo dài còn là nguyên nhân gây đau đầu, suy nhược thần kinh hay thậm chí là bệnh trầm cảm.

– Tuổi tác

Sự gia tăng của tuổi tác cũng đồng nghĩa với việc các bộ phận trong cơ thể bị suy yếu, lão hóa dần. Khi đó, chúng không thể đảm bảo các chức năng vận hành, dễ khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi. Đặc biệt, hiện tượng thiếu máu lên não chính là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây mất ngủ chán ăn ở người cao tuổi.

– Yếu tố bệnh lý

Ở một số trường hợp, tình trạng mất ngủ chán ăn là dấu hiệu cảnh báo sớm của một số bệnh lý liên quan tới rối loạn tiêu hóa, đau dạ dày, bệnh về huyết áp, suy thận…

– Các tác nhân bên ngoài

Sự thay đổi đột ngột của thời tiết, môi trường sống hay môi trường làm việc, ô nhiễm tiếng ồn… có thể khiến cơ thể không kịp thích ứng, gây mất ngủ, chán ăn.

Nguyên nhân khiến người bệnh bị mất ngủ và chán ăn

Mất ngủ chán ăn là dấu hiệu cảnh báo tình trạng suy nhược cơ thể ở người bệnh.

3. Chán ăn mất ngủ là dấu hiệu của những bệnh lý gì?

Mất ngủ chán ăn thường chỉ là biểu hiện của rối loạn sinh lý trong thời gian ngắn, có thể điều chỉnh thông qua việc thay đổi thói quen sinh hoạt và chế độ ăn uống. Tuy nhiên, nếu tình trạng này vẫn kéo dài và không có xu hướng thuyên giảm sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người bệnh. Ngoài ra, đây còn có thể là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý sau đây:

3.1 Chán ăn mất ngủ là biểu hiện của bệnh lý đường tiêu hóa

Chán ăn có thể là triệu chứng đầu tiên của các bệnh lý liên quan tới đường tiêu hóa. Khi đó, người bệnh sẽ cảm thấy không muốn ăn, khó ăn hoặc không cảm thấy ngon miệng khi ăn…. Các bệnh lý về tiêu hóa người bệnh thường gặp phải khi có triệu chứng mất ngủ chán ăn đó là:

– Trào ngược thực quản: Là tình trạng dịch dạ dày trào ngược lên thực quản, gây viêm nhiễm và tổn thương đến dạ dày cũng như thực quản.

Viêm loét dạ dày, tá tràng: Biểu hiện qua cảm giác đau đớn, mệt mỏi, khó chịu, chán ăn bởi những vết viêm loét dạ dày.

– Xuất huyết dạ dày: Có thể đi kèm với tình trạng nôn ra máu, mệt mỏi, vật vã, đi ngoài phân đen, tụt huyết áp…

3.2 Bệnh thần kinh

Thông thường, tình trạng mất ngủ thường chỉ xảy ra ở đối tượng người cao tuổi. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp vẫn có nguy cơ xuất hiện ở người trẻ tuổi cùng với các biểu hiện đi kèm như chán ăn, ăn không ngon miệng… gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Bên cạnh đó, mất ngủ chán ăn còn có thể xảy ra do tác động từ tâm lý dẫn đến lo âu quá mức. Đây cũng chính là cảnh báo sớm cho nhiều vấn đề nghiêm trọng như:

– Suy nhược thần kinh: Xuất hiện khi não bộ phải hoạt động quá mức trong thời gian dài. Người bệnh mắc bệnh lý này thường có dấu hiệu chán ăn, mất ngủ, mệt mỏi, đau đầu thường xuyên.

– Rối loạn lo âu: Xuất hiện kèm theo các triệu chứng lo lắng và sợ hãi, khiến người bệnh trở nên chán ăn, khó ngủ, hoảng loạn tinh thần.

– Rối loạn tâm trạng: Những rối loạn này thường biểu hiện qua rối loạn khí sắc, rối loạn lưỡng cực, trầm cảm…

Chán ăn, khó ngủ là dấu hiệu của bệnh lý thần kinh

Ngủ kém, chán ăn có thể là biểu hiện của các bệnh lý liên quan đến thần kinh

3.3 Mệt mỏi mạn tính

Mệt mỏi mạn tính là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng mất ngủ chán ăn kéo dài. Thông thường, nó sẽ đi kèm với một số triệu chứng biểu hiệu ở các cơ quan khác nhau như: tiêu hóa, thần kinh cơ, hô hấp, tiết niệu…

Bên cạnh chứng ít ngủ kém ăn, người mắc các bệnh lý mệt mỏi mạn tính có thể kèm theo các biểu hiện như:

– Đau đầu thường xuyên, sốt nhẹ

– Khó tập trung vào công việc

– Đau họng kéo dài kèm nổi hạch ở cổ

– Đau tức ngực, đau cơ, khớp

– Tim đập nhanh, dễ đổ mồ hôi vào ban đêm

3.4 Suy tuyến thượng thận

Những tổn thương ở thận có thể làm suy giảm chức năng sản sinh ra cortisol. Đây là một trong những nguyên nhân làm rối loạn chuyển hóa trong cơ thể với các dấu hiệu ban đầu là mệt mỏi, chán ăn, mất ngủ.

Một số biểu hiện kèm theo của tình trạng suy tuyến thượng thận đó là:

– Thường xuyên mệt mỏi, uể oải, thiếu sức sống

– Xuất hiện cảm giác chán ăn, khó ngủ và khó duy trì ngủ

– Nhịp tim tăng nhanh hơn bình thường, huyết áp xuống thấp

– Sốt cao, cơ thể cảm thấy lạnh nhưng lại đổ mồ hôi

– Thường xuyên xuất hiệu các cơn đau ở chân và vùng lưng

3.5 Chán ăn mất ngủ có thể gây ra là biểu hiện của bệnh suy giáp

Bệnh suy giáp là một dạng rối loạn nội tiết do tuyến giáp không sản sinh đủ lượng hormone cần thiết phục vụ cho quá trình trao đổi chất trong cơ thể. Từ đó khiến người bệnh cảm thấy chán ăn, khó ngủ, sức khỏe suy giảm và dễ bị kiệt sức.

Các triệu chứng điển hình của bệnh suy giáp đó là:

– Ăn không có cảm giác ngon miệng, thường xuyên bị táo bón

– Trí nhớ suy giảm trầm trọng

– Mất ngủ, khó ngủ, ngủ thường không ngon giấc

– Làn da bị khô, tái xanh và kém sức sống

– Xuất hiện tình trạng đau cơ và đau khớp

– Nhịp tim thay đổi liên tục

Mất ngủ hay chán ăn có thể là dấu hiệu của bệnh suy giáp

Bệnh lý suy giáp là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng khó ngủ, chán ăn.

Chán ăn mất ngủ tuy không phải là triệu chứng quá nguy hiểm nhưng có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nếu không được tầm soát kịp thời và đúng cách. Vì vậy, người bệnh nên chủ động thăm khám sớm để kiểm soát tốt tình trạng bệnh cũng như phòng ngừa các biến chứng do bệnh gây ra.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:
Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital