Chăm sóc bệnh nhân sau mổ sỏi niệu quản

Tham vấn bác sĩ
Thầy Thuốc ưu tú, Bác sĩ CKII

Phạm Huy Huyên

Phó Giám đốc Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc, Phụ trách Ngoại thận tiết niệu

Chăm sóc bệnh nhân sau mổ sỏi niệu quản đúng cách, đúng thời điểm là yếu tố rất quan trọng, quyết định khả năng phục hồi sức khỏe và ngăn sỏi tái phát trở lại. Để làm được điều này, người bệnh cần khéo léo kết hợp giữa tuân thủ chỉ dẫn của bác sĩ và xây dựng một chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt khoa học.

1. Tại sao cần chăm sóc bệnh nhân sau mổ sỏi niệu quản?

Sau khi phẫu thuật mổ sỏi tiết niệu nói chung và sỏi niệu quản nói riêng, cơ thể người bệnh còn rất yếu. Vì thế để cải thiện được sức khỏe, phòng tránh và giảm nhẹ các biến chứng có thể xảy ra sau mổ người bệnh cần có chế độ chăm sóc đặc biệt. Việc chăm sóc bệnh nhân sau mổ sỏi niệu quản như thế nào sẽ quyết định tới việc bệnh nhân đó có khỏi bệnh hoàn toàn hay không đồng thời rút ngắn thời gian nằm viện.

Sau khi phẫu thuật, trong một số trường hợp vì lý do trong quá trình thực hiện hay thể trạng của người bệnh mà có thể xảy ra một số biến chứng không mong muốn. Lúc này, người bệnh gặp một số vấn đề như sau:

1.1 Biến chứng thông thường

– Rối loạn tiêu hóa: Trong quá trình phẫu thuật, người bệnh cần sử dụng các thuốc gây tê, gây mê, giảm đau, chống viêm. Các thuốc này có thể gây ra một số tác dụng phụ như ợ hơi, buồn nôn, khô miệng, táo bón hoặc tiêu chảy trong vài ngày đầu sau mổ.

– Đau: Bất kỳ phương pháp mổ sỏi niệu quản nào cũng đều gây đau đớn cho người bệnh, chỉ là mức độ đau sẽ khác nhau tùy vào từng loại phẫu thuật.

– Nước tiểu có máu: Trong một vài ngày đầu sau khi mổ lấy sỏi, người bệnh có thể thấy nước tiểu có màu hồng hay đỏ nhạt do tổn thương khi mổ hoặc do cặn sỏi cọ xát gây trầy xước niêm mạc.

1.2 Biến chứng nguy hiểm

– Tổn thương niệu quản: gây chảy máu nhiều trong đường tiết niệu, thậm chí có thể để lại sẹo gây xơ hóa làm hẹp niệu quản.

– Rối loạn tiểu tiện: sau mổ sỏi niệu quản, người bệnh có thể gặp tình trạng đi tiểu ra máu. tiểu són, tiết buốt, tiểu rắt, tiểu không tự chủ trong thời gian đầu.

– Tổn thương các cơ quan khác: thường gặp nhất là các cơ quan lân cận, gần sát với niệu quản như thận, gan, lá lách,…

– Nhiễm khuẩn tiết niệu, nhiễm trùng máu: đây là một trong những biến chứng nguy hiểm nhất, không chỉ gây đau đớn mà còn đe dọa trực tiếp tính mạng của người bệnh.

Cách chăm sóc bệnh nhân sau mổ sỏi niệu quản

Sau mổ sỏi niệu quản, người bệnh có thể gặp một số biến chứng: rối loạn tiểu tiện, tổn thương niệu quản, nhiễm khuẩn tiết niệu,..

2. Kế hoạch chăm sóc bệnh nhân sau mổ sỏi niệu quản

Chế độ chăm sóc người bệnh sau mổ sỏi niệu quản quyết định đến gần một nửa sự thành bại của ca phẫu thuật. Nếu không được chăm sóc tốt, sức khỏe của người bệnh sẽ bị ảnh hưởng, đồng thời làm tăng nguy cơ gặp phải các biến chứng nguy hiểm sau mổ sỏi niệu quản kể trên

2.1 Cách chăm sóc bệnh nhân sau mổ sỏi niệu quả tại viện

Sau mổ sỏi niệu quản, tùy từng loại phẫu thuật mà người bệnh sẽ được yêu cầu ở lại viện theo dõi từ 1-10 ngày.

– Chăm sóc vết mổ tại chỗ: người bệnh cần được thay băng vết mổ thường xuyên để tránh nhiễm trùng nếu can thiệp qua da. Trường hợp vết mổ bị chảy máu, sưng đỏ đi kèm biểu hiện sốt, khó thở, tim đập nhanh, người bệnh có nguy cơ nhiễm trùng. Lúc này cần thông báo sớm cho bác sĩ.

– Dùng ống thông tiểu: Hầu hết người bệnh sau phẫu thuật đều phải dùng ống thông tiểu trong khoảng 1 – 2 ngày.

– Theo dõi số lượng và màu sắc nước tiểu: nếu thấy nước tiểu ít hay nước tiểu có  nhiều máu, mủ đục, có mùi hôi khó chịu thì cần báo ngay với bác sĩ để được xử lý kịp thời.

– Hoạt động sau mổ: Người bệnh nghỉ ngơi, không nên di chuyển nhiều hay vận động mạnh. Cần nhớ khóa ống nối trước khi ngồi dậy để tránh tình trạng dịch chảy ngược vào trong.

– Theo dõi mức độ các cơn đau ở vết mổ, quanh khu vực bụng, lưng và nhu động ruột.

– Kết hợp với chế độ ăn uống khoa học, sinh hoạt điều độ sau mổ để phục hồi nhanh.

Mách bạn chăm sóc bệnh nhân sau mổ sỏi niệu quản

Những ngày đầu sau mổ sỏi niệu quản, người bệnh cần chú ý chăm sóc vết mổ, chú ý màu sắc và số lượng nước tiểu cũng như những biểu hiện khác của cơ thể.

2.2 Chăm sóc bệnh nhân sau mổ sỏi niệu quản bằng chế độ dinh dưỡng

Sau phẫu thuật sỏi niệu quản, người bệnh rất cần có chế độ dinh dưỡng khoa học  để nhanh chóng lấy lại sức khỏe và ngăn sỏi tái lại.

Sau mổ sỏi niệu quản nên ăn gì?

– Sử dụng thức ăn mềm, dễ tiêu hóa: sau phẫu thuật, thể trạng người bệnh còn khá yếu nên bác sĩ khuyến cáo nên ăn các loại thực phẩm mềm, dễ tiêu hóa như sữa, súp, cháo, sinh tố…

– Uống nhiều nước: đây là giải pháp đơn giản nhưng rất quan trọng trong chăm sóc bệnh nhân sau mổ sỏi tiết niệu cũng như sỏi niệu quản. Người bệnh được khuyên nên uống tối thiểu 2,5 lít nước mỗi ngày để giúp đào thải cặn sỏi còn sót lại ra ngoài nhanh chóng, đồng thời tăng cường chức năng đường tiết niệu và ngăn sỏi tái phát.

– Bổ sung thức ăn giàu canxi một cách hợp lý: có đến 80% sỏi tiết niệu là canxi oxalat nên nhiều người nghĩ cần phải kiêng hoàn toàn canxi. Tuy nhiên, đây là quan điểm sai lầm. Lượng canxi vừa đủ (khoảng 800mg) từ các bữa ăn có thể làm giảm nguy cơ sỏi tái phát, bởi khi cung cấp đủ canxi, canxi và oxalat khi đó sẽ kết hợp với nhau, được tái hấp thu trong đường tiêu hóa thay vì đào thải qua đường tiết niệu.

– Tăng lượng chất xơ: chất xơ giúp cải thiện chức năng tiêu hóa, làm giảm tình trạng táo bón sau mổ. Do vậy, đây cũng là thực phẩm rất cần thiết trong chế độ ăn để chăm sóc bệnh nhân sau mổ sỏi niệu quản. Một số thực phẩm giàu chất xơ bạn có thể tham khảo là rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt, trái cây tươi,…

Những loại thực phẩm nên tránh sau mổ sỏi niệu quản

Sau mổ sỏi niệu quản, người bệnh nên hạn chế một số loại thực phẩm dưới đây:

– Thực phẩm có nhiều muối, dầu mỡ: Đồ ăn mặn, nhiều dầu mỡ sẽ khiến thận và hệ tiêu hóa phải làm việc nhiều hơn. Do đó để tránh gây áp lực trên thận sau mổ sỏi niệu, người bệnh nên ăn nhạt, ít dầu mỡ hơn

– Thực phẩm dễ gây kích ứng: Những loại đồ ăn cay, nóng, nhiều ớt, tiêu hay chua thường khiến vết mổ lâu lành hơn, có thể gây ngứa ngáy và dễ bị mưng mủ.

– Thức ăn lên men như cà muối, dưa muối chứa nhiều muối và vi sinh vật có nguy cơ gây rối loạn tiêu hóa và nhiễm trùng vết mổ.

– Chất kích thích như rượu, bia, cà phê, thuốc lá thường làm chậm quá trình hồi phục sau mổ và là tác nhân khiến sỏi tái phát nhanh hơn.

– Thực phẩm giàu chất oxalat: khoai lang, khoai tây, củ cải đường, trà,… Vì chúng gián tiếp làm tăng nồng độ oxalat – nguyên nhân chính gây sỏi tiết niệu.

chăm sóc bệnh nhân sau mổ sỏi niệu quản đúng cách, khoa học

Chế độ dinh dưỡng khoa học, sinh hoạt hợp lý là điều rất cần thiết để người bệnh sau mổ sỏi niệu quản nhanh hồi phục và phòng tránh sỏi tái phát

2.3 Chế độ sinh hoạt khi chăm sóc bệnh nhân sau mổ sỏi niệu quản

– Sử dụng các loại thuốc giảm đau, thuốc kháng sinh theo đúng chỉ định của bác sĩ để tránh nhiễm trùng.

– Vận động cơ thể nhẹ nhàng như đi bộ, yoga, thiền sau khi các vết mổ đã ổn định.

– Tích cực theo dõi sức khỏe, nên đi tái khám định kỳ. Đặc biệt là khi thấy có biểu hiện bất thường như: đái ra máu nhiều, sốt cao, nôn, … bạn cần liên hệ ngay với bác sĩ để xử lý kịp thời các biến chứng sau phẫu thuật.

Việc chăm sóc bệnh nhân sau mổ sỏi niệu quản không quá khó khăn nhưng có nhiều điểm đáng lưu tâm. Hy vọng những hướng dẫn cụ thể trên đây có thể giúp bạn tìm đúng giải pháp để chăm sóc sức khỏe hiệu quả, nhanh phục hồi và ngăn sỏi niệu quản tái phát.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital