Cha mẹ cần biết: Cách trị viêm họng cho bé nhanh khỏi

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Mai Hoa

Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI

Viêm họng là bệnh rất phổ biến ở trẻ em, nhất là vào mùa đông. Đây không phải bệnh nguy hiểm nếu được điều trị kịp thời. Tuy nhiên, nếu cha mẹ chủ quan không nắm rõ về bệnh và cách trị viêm họng cho bé, để bệnh chuyển nặng có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.

1. Tổng quan về viêm họng ở trẻ em

Bệnh viêm họng không chỉ phổ biến ở trẻ em mà ở tất cả lứa tuổi, giới tính. Đây là chứng bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, niêm mạc ở hầu và họng bị sưng viêm, triệu chứng đặc trưng nhất là đầu rát cổ họng. Trẻ mắc bệnh viêm họng có thể kèm theo cảm lạnh hoặc cảm cúm.

Cách trị viêm họng cho bé - viêm họng trẻ em là gì?

Viêm họng là bệnh phổ biến ở trẻ em, do vi khuẩn hoặc virus gây ra

Những trẻ dưới 5 tuổi dễ mắc bệnh viêm họng hơn các trẻ khác do sức đề kháng còn yếu. Ngoài ra, nếu trẻ sống trong môi trường ô nhiễm, ẩm mốc; trẻ thường xuyên tiếp xúc với khói bụi, khói thuốc cũng khiến khả năng nhiễm viêm họng tăng cao.

Bệnh viêm họng không phải bệnh nguy hiểm nên cha mẹ không cần quá lo lắng khi bé nhiễm bệnh. Chỉ cần chú ý điều trị, chăm sóc đúng cách bé sẽ khỏi rất nhanh. Nhưng nếu thấy tình trạng không thuyên giảm, cần đưa trẻ đến bệnh viện khám ngay để xác định rõ nguyên nhân và được điều trị đúng cách, tránh dẫn tới biến chứng nghiêm trọng như viêm mũi, viêm tai giữa (tai giữa có ống tai nối liền với họng), viêm xoang, viêm phế quản, viêm phổi…

2. Nguyên nhân trẻ em bị viêm họng

Nguyên nhân trẻ bị viêm họng là do virus hoặc vi khuẩn gây viêm dẫn tới sưng tấy ở niêm mạc hầu và họng, từ đó gây đau rát cổ họng. Một số trường hợp viêm họng có thể do nấm Candida gây ra.

– Virus: Các loại virus sởi, virus cúm, Adenovirus… đều có thể là tác nhân gây viêm họng ở trẻ em. Đối với tác nhân này, các loại thuốc kháng sinh trị viêm họng đều không có tác dụng, chúng chỉ khiến sức khỏe của bé bị ảnh hưởng xấu mà thôi.

– Vi khuẩn: Các loại phế cầu khuẩn, tụ cầu khuẩn, liên cầu khuẩn… là vi khuẩn chủ yếu gây viêm họng trẻ em. Trong đó, nếu trẻ bị viêm họng do liên cầu khuẩn nhóm A (S.pyogenes) là nguy hiểm nhất, dễ dẫn tới biến chứng viêm khớp, viêm cầu thận cấp…

– Nấm Candida: Đây là một loại nấm men sống trên da và trong cơ thể con người. Nấm này xâm nhập vào cổ họng, phát triển mạnh sẽ gây nhiễm trùng, viêm họng.

Ngoài ra, trẻ bị viêm họng còn do thay đổi thời tiết, thay đổi môi trường sống và điều kiện sống không đảm bảo. Có thể kể đến như thời tiết mưa nhiều chuyển lạnh, thời tiết lạnh mùa đông, thời tiết nồm ẩm dài ngày, môi trường nhiều khói bụi, khói thuốc, không khí ô nhiễm, dị ứng lông động vật, trẻ mới đi mẫu giáo, thay đổi chế độ ăn…

3. Các triệu chứng viêm họng ở trẻ em

Triệu chứng đầu tiên khi bé bị viêm họng là đau rát họng, đau khi nuốt. Ngoài ra, viêm họng có các triệu chứng đi kèm khác như sau:

– Sốt cao đột ngột, có thể sốt cao tới 39 – 40 độ C

– Đau họng khi uống nước, ăn uống và cả khi nói chuyện

– Nghẹt 1 hoặc 2 bên mũi

– Quấy khóc, bỏ ăn, mệt mỏi

– Ho khan, giọng nói khàn, chảy nước mũi

– Môi khô, lưỡi bẩn

– Một số trẻ có thể bị đau trong tai

– Với trẻ lớn có thể đau đầu và ù tai.

4. Cách trị viêm họng cho bé nhanh khỏi

Điều trị viêm họng cho trẻ em chủ yếu sử dụng thuốc kháng viêm, thuốc kháng sinh, hạ sốt và làm sạch cổ họng cho bé.

4.1. Thuốc kháng viêm

Những loại thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) như Advil hoặc Aleve được sử dụng để điều trị viêm họng ở trẻ em. Chúng có tác dụng chống viêm, làm giảm các triệu chứng bệnh như giảm đau, hạ sốt, giúp bé thấy dễ chịu hơn.

4.2. Thuốc kháng sinh

Uống thuốc kháng sinh là một trong nhữn cách trị viêm họng cho bé hiệu quả

Một số loại thuốc kháng sinh được sử dụng để trị viêm họng cho bé

Nếu nguyên nhân viêm họng là do vi khuẩn thì sử dụng thuốc kháng sinh là hiệu quả nhất. Trong đó, một số loại kháng sinh có thể sử dụng điều trị viêm họng như sau:

– Penicillin V: Đây là thuốc uống, có tác dụng với hầu hết loại viêm họng.

– Penicillin G benzathin A: Đây là thuốc tiêm bắp, chỉ tiêm 1 mũi duy nhất. Nó được sử dụng cho những bé không thể uống Penicillin hay không thể uống liên tục 10 ngày.

– Amoxicillin: Thuốc này sử dụng thay thế Penicillin, có thể uống trong lúc ăn.

– Erythromycin ethylsuccinate (ví dụ như E-Mycin): Nếu dị ứng với Penicillin, thuốc này được sử dụng uống thay thế.

4.3. Viên ngậm hoặc siro ho

Viêm ngậm và siro có tác dụng gia tăng tiết nước bọt nhiều hơn, làm ấm họng, giúp giảm đau. Để hiệu quả giảm đau tốt hơn, bạn có thể cho bé ngậm viên ngậm có thành phần bạc hà.

4.4. Súc miệng bằng nước muối

Súc miệng bằng nước muối ấm hàng ngày có thể giảm viêm, tiêu sưng, giảm cảm giác đau rát họng hiệu quả. Việc này cũng kích thích tuyến chất nhầy, loại bỏ các kích ứng hay vi khuẩn là nguyên nhân gây đau họng.

4.5. Uống nhiều nước

Trẻ đau họng sẽ kèm theo sốt cao, dẫn đến cơ thể mất nước. Cha mẹ cần chú ý cho bé uống nhiều nước để chống mất nước. Đồng thời, uống nhiều nước cũng giúp giữ ấm các mảng nhầy, tăng cường khả năng chống lại vi khuẩn gây bệnh.

Bên cạnh đó, cha mẹ có thể cho bé uống nước gừng mật ong, quất với đường phèn hay ăn cam nướng cũng hỗ trợ điều trị viêm họng cho bé nhanh khỏi hơn. Đồng thời, đừng quên chú ý vệ sinh miệng sạch sẽ cho bé hàng ngày, giữ ấm cơ thể để tình trạng bệnh không tiến triển nặng thêm.

5. Lưu ý khi điều trị viêm họng cho bé

– Không tự ý cho bé sử dụng thuốc kháng sinh hay bất kỳ loại thuốc nào khác mà không có chỉ định của bác sĩ. Điều này có thể ảnh hưởng xấu đến hệ tiêu hóa và chức năng gan thận của bé.

– Kiểm tra nhiệt độ cho bé thường xuyên

– Vệ sinh sạch sẽ môi trường sống xung quanh bé, không để bé tiếp xúc với khói bụi, thuốc lá, ẩm mốc

– Vệ sinh răng miệng, cổ họng cho bé bằng nước muối loãng hàng ngày. Vệ sinh mũi cho bé bằng nước muối sinh lý 0,9 %.

– Cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho bé, cho bé ăn thức ăn lỏng, mềm, dễ nuốt để tránh đau họng, chia nhỏ bữa ăn trong ngày nến bé chán ăn.

– Bổ sung nhiều vitamin cho bé bằng việc ăn trái cây, uống nước trái cây.

– Không cho bé ăn đồ lạnh, đồ cay nóng, nhiều dầu mỡ, chúng sẽ kích thích chỗ sưng viêm, gây đau đớn, bệnh lâu khỏi.

Đặc biệt, khi thấy bé có các biểu hiện bệnh nặng như sau, cần đưa đến bệnh viện ngay:

– Số cao trên 38,5 độ C liên tục, uống thuốc và chườm nước ấm không hạ, có biểu hiện co giật do sốt

– Ho nhiều, khó thở hoặc thở nhanh hơn bình thường, một số trẻ sẽ ho đến mức co rút lồng ngực.

– Tai chảy mủ

– Bắt đầu nôn ói, nôn nhiều.

– Đi ngoài phân lỏng nhiều lần trong ngày

– Tình trạng bệnh không tốt lên sau 2 ngày điều trị.

6. Phòng tránh viêm họng cho bé nhanh khỏi

Để tránh bé nhiễm viêm họng, cha mẹ cần chú ý một số biện pháp phòng bệnh dưới đây:

– Đảm bảo môi trường sống trong sạch, không khói bụi, khói thuốc, xăng dầu, ẩm mốc

– Tập thói quen vệ sinh răng miệng, súc miệng nước muối hàng ngày cho bé

– Rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi ăn, sau khi vệ sinh, sau khi chơi đồ chơi, sau khi từ ngoài về nhà và sau khi tiếp xúc với người bệnh.

– Hạn chế cho bé tiếp xúc với người bệnh, đeo khẩu trang cho bé

– Không dùng chung đồ vật, ăn chung thực phẩm với người nhiễm bệnh

Cách trị viêm họng cho bé - Chú ý giữ ấm cho bé vào mùa đông

Chú ý giữ ấm cho bé là cách phòng bệnh viêm họng hiệu quả nhất vào mùa đông

– Giữ ấm cơ thể cho bé khi trời lạnh, nhất là cổ, tay, chân.

– Đưa bé đi tiêm phòng đầy đủ.

Trên đây là các lưu ý về cách trị viêm họng cho bé nhanh khỏi và cách phòng bệnh hiệu quả. Cha mẹ nên nắm rõ triệu chứng bệnh để thực hiện điều trị sớm, tránh biến chứng.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital