Viêm âm đạo luôn là bệnh lý đi đầu trong việc gây ra những triệu chứng khó chịu cho người bệnh. Không chỉ gắn liền với tình trạng ngứa ngáy vùng kín, bệnh còn kéo theo nhiều triệu chứng nghiêm trọng mà chị em chớ nên xem thường. Dưới đây là các triệu chứng của viêm âm đạo mà người bệnh cần chú ý để sớm có kế hoạch thăm khám, điều trị.
Menu xem nhanh:
1. Viêm âm đạo và các mức độ của viêm âm đạo
Viêm âm đạo thuộc nhóm bệnh viêm phụ khoa, được nhận định là phổ biến nhất ở chị em phụ nữ. Nếu như trước đây, viêm âm đạo thường chỉ xuất hiện ở phụ nữ đã quan hệ tình dục hoặc sau sinh nở thì hiện tại, bệnh còn có thể gặp ở những bạn gái chưa qua quan hệ.
Âm đạo là cơ quan sinh dục nữ có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ đường sinh dục, tiếp nhận dương vật cũng như hỗ trợ quá trình sinh sản. Âm đạo gồm các mô cơ từ cổ tử cung cho tới bên ngoài. Vì vậy, đây cũng là bộ phận có dịch tiết âm đạo tiết ra từ tử cung.
Với môi trường ẩm ướt, nhiệt độ ấm cùng với việc là cơ quan sinh dục ngoài nên âm đạo rất dễ bị các tác nhân gây hại tấn công. Có thể kể đến một số tác nhân như nấm Candida, trùng roi Trichomonas, khuẩn Chlamydia, các loại khuẩn Gram dương, Gram âm, khuẩn lậu,…
Chỉ cần một chút lơ là trong việc vệ sinh vùng kín hàng ngày, thói quen sử dụng đồ lót hay quan hệ tình dục không an toàn, chị em hoàn toàn có thể bị viêm âm đạo. Ngoài ra, những trường hợp viêm âm đạo trong quá trình mang thai, sau sinh hoặc viêm do thay đổi nội tiết, rối loạn kinh nguyệt cũng thường xuyên xảy ra.
Viêm âm đạo nếu không được phát hiện và điều trị từ sớm sẽ có nguy cơ chuyển biến thành viêm mãn tính. Ban đầu, triệu chứng của bệnh chưa thể hiện rõ ràng, vì vậy khiến chị em chủ quan. Sau thời gian dài viêm không được kiểm soát, viêm tái đi tái lại, bệnh diễn tiến thành mãn tính và gây viêm diện rộng, viêm sâu, ảnh hưởng tới chức năng sinh dục, sinh sản.
Các mức độ của viêm âm đạo:
– Viêm âm đạo cấp tính: Viêm âm đạo cấp tính thường là chưa biểu hiện qua nhiều triệu chứng. Vì vậy, người bệnh thường khá chủ quan ở giai đoạn này. Đa phần bệnh nhân sẽ chọn cách tự điều trị với các loại thuốc bôi chống viêm, thuốc đặt hoặc dùng dung dịch vệ sinh phụ nữ để cải thiện triệu chứng.
– Viêm âm đạo mãn tính: Viêm âm đạo mãn tính thể hiện rõ nhất qua việc viêm tái đi tái lại. Các triệu chứng xuất hiện, người bệnh thực hiện điều trị, khắc phục một thời gian, viêm sẽ tái diễn. Vì vậy, tình trạng này khiến cho âm đạo và các cơ quan sinh dục sâu bên trong bị tổn thương nghiêm trọng, ảnh hưởng tới chức năng và hoạt động của chúng. Lâu dần, không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe sinh lý, viêm âm đạo mãn tính còn có thể ảnh hưởng tới khả năng mang thai của phụ nữ.
2. Triệu chứng viêm âm đạo theo từng tác nhân gây bệnh và những triệu chứng cần chú ý
Viêm âm đạo có thể xuất phát từ nhiều tác nhân khác nhau, từ đó cũng thể hiện qua những triệu chứng khác nhau.
2.1. Nhận biết các triệu chứng của viêm âm đạo theo tác nhân gây bệnh
Thông thường, biểu hiện của viêm âm đạo khá rõ ràng, dễ nhận biết. Cụ thể gồm:
– Dịch âm đạo có sự thay đổi về màu sắc và mùi.
– Âm đạo ngứa, khó chịu, châm chích.
– Đau trong quá trình tiểu tiện hoặc tiếp xúc với dương vật.
– Chảy máu âm đạo.
Ngoài ra, các triệu chứng cũng có thể thay đổi theo tác nhân gây viêm âm đạo:
– Vi khuẩn tấn công gây viêm âm đạo: Âm đạo tiết dịch màu trắng xám, mùi hôi đặc trưng, tanh nồng. Mùi tanh của dịch âm đạo càng rõ hơn sau quá trình giao hợp.
– Nhiễm nấm men gây viêm âm đạo: Ngứa nhiều. Ngoài ra dịch âm đạo có thể trắng và đặc như mủ. Người bệnh cảm nhận rõ cơn ngứa xung quanh âm hộ kèm theo đau rát khi đi tiểu hoặc trong quá tình quan hệ tình dục. Nấm có thể lan rộng và khiến vùng da quanh âm đạo sưng tấy, gây khó chịu.
– Viêm âm đạo do nhiễm trùng roi Trichomonas: Dịch âm đạo ở những trường hợp này có màu xanh, loãng và đôi khi có kèm bọt khí. Cảm giác đau và ngứa rõ rệt, đôi khi ngứa liên tục không dứt cơn. Tình trạng viêm kéo dài, bụng dưới còn có thể bị đau.
– Nhiễm khuẩn Chlamydia: Là trường hợp viêm âm đạo khó phát hiện do triệu chứng biểu hiện không nhiều, đôi khi không kèm theo triệu chứng. Một số trường hợp, dịch âm đạo có thể tiết ra một cách bất thường kèm theo đau tại vùng chậu, bụng dưới.
2.2. Chị em cần lưu ý các triệu chứng của viêm âm đạo để thăm khám
Những triệu chứng của viêm âm đạo có thể rất đa dạng. Tuy nhiên, khi phát hiện những dấu hiệu sau đây, chị em cần nhanh chóng tiến hành thăm khám và điều trị để tránh viêm rộng, tái phát nhiều lần.
– Khí hư tại âm đạo tiết ra bất thường. Lượng khí hư khiến “cô bé” ẩm ướt không kiểm soát. Khí hư có mùi khó chịu và trạng thái bất thường.
– Âm đạo có cảm giác ngứa ngáy và châm chích rõ rệt.
– Sau quan hệ tình dục, âm đạo thường đau và có xuất huyết bất thường.
– Vùng môi lớn, môi bé và phần da quanh âm đạo bị sưng tấy và tổn thương.
– Xuất hiện triệu chứng sốt, ớn lạnh kèm theo đau bụng dưới, vùng chậu.
3. Làm thế nào để phòng ngừa những triệu chứng của viêm âm đạo?
Triệu chứng bất thường của viêm âm đạo có thể được kiểm soát và phòng ngừa, tránh dẫn đến những biến chứng nguy hiểm thông qua một số biện pháp sau:
– Chú ý giữ vệ sinh “cô bé”, tránh lau, rửa âm đạo theo hướng từ sau ra phía trước.
– Mỗi khi đi vệ sinh xong, chị em nên rửa lại bộ phận sinh dục để tránh nhiễm khuẩn, đặc biệt là khuẩn từ đường tiết niệu.
– Không nên dùng những loại dung dịch vệ sinh có tính kiềm, sát khuẩn mạnh, pH cao hơn pH tự nhiên của âm đạo.
– Không nên sử dụng các chất dễ gây kích ứng âm đạo như nước hoa vùng kín, chất bôi trơn,…
– Chú ý an toàn trước khi quan hệ tình dục, nên sử dụng bao cao su để tránh những tác nhân gây viêm từ bạn tình.
– Phát hiện nguy cơ, tác nhân gây bệnh tiềm ẩn bằng cách khám phụ khoa.
– Tránh ngâm bồn, ngâm vùng kín khi có các dấu hiệu như ngứa, rát âm đạo.
Chị em cần lưu ý về việc khám phụ khoa định kỳ. Thời gian khám tối thiểu mỗi 6 tháng 1 lần. Khi thăm khám, chị em cần lựa chọn cơ sở y tế chuyên khoa có đội ngũ bác sĩ chuyên môn giỏi, cơ sở vật chất, thiết bị y tế đảm bảo quy trình khám an toàn, bảo mật.
Hiện tại, với những bệnh nhân có phát hiện các triệu chứng của viêm âm đạo, Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI cung cấp dịch vụ khám phụ khoa cơ bản. Từ những bước khám tổng quát cùng bác sĩ chuyên khoa nhiều kinh nghiệm cho tới các xét nghiệm cần thiết, người bệnh sẽ được thực hiện và hỗ trợ để nhận phương án điều trị phù hợp. Điều trị từ sớm là cách tốt nhất để cải thiện các triệu chứng bệnh, đồng thời phòng ngừa nguy cơ viêm lan rộng và gây biến chứng khó lường.