[Cảnh báo] Bệnh bạch hầu ở trẻ em dễ nhầm lẫn với bệnh viêm mũi họng

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Mai Hoa

Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI
Bệnh bạch hầu ở trẻ em thường xảy ra ở lứa tuổi dưới 15 tuổi. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh bạch hầu có thể dẫn đến suy nhược thần kinh, suy tim và tử vong (tỷ lệ tử vong khoảng 5-10%). Các dấu hiệu về mũi, họng có thể là biểu hiện của bệnh bạch hầu ở trẻ em, điều này dễ khiến nhiều người nhầm lẫn nghĩ là bệnh viêm mũi họng nên không cho bé đi thăm khám và xử trí sớm, dễ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.

Bệnh bạch hầu ở trẻ em là gì?

bệnh bạch hầu ở trẻ em

Bệnh bạch hầu ở trẻ em là bệnh lý nhiễm khuẩn cấp tính do vi khuẩn bạch hầu Corynebacterium diphtheriae gây ra. (ảnh minh họa)

Bệnh bạch hầu ở trẻ em là bệnh lý nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi do vi khuẩn bạch hầu Corynebacterium diphtheriae gây ra. Đây là một loại bệnh vừa nhiễm trùng vừa nhiễm độc. Có khả năng lây lan mạnh và nhanh chóng tạo thành dịch.

Bệnh bạch hầu có thể lưu hành rộng rãi ở mọi nơi trên thế giới, thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi chưa được gây miễn dịch đầy đủ. Đây là loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và có tính lây lan rộng, nên bắt buộc người bệnh hay gia đình bệnh nhân phải khai báo để cơ quan chức năng có các biện pháp kiểm soát, cũng như phòng tránh dịch lây lan trên diện rộng.

Vi khuẩn bạch hầu có 3 tuýp là Gravis, Mitis và Intermedius. Hình thể vi khuẩn đa dạng, gram (+). Loại vi khuẩn này có sức đề kháng cao khi ở ngoài cơ thể và chịu được khô lạnh. Chúng có thể sống trên các đồ vật vài ngày đến vài tuần, trên đồ vải có thể sống được 30 ngày, trong sữa, nước uống có thể sống đến 20 ngày, trong cơ thể người chết có thể sống được khoảng 2 tuần. Ở nhiệt độ 58 độ C vi khuẩn sống được 10 phút, ở phenol 1% và cồn 60 độ có thể sống được 1 phút. Chuột lang có cảm nhiễm cao đối với vi khuẩn bạch hầu.

Nguyên nhân gây bệnh

Người mang bệnh bạch hầu và người lành mang vi khuẩn vừa là ổ chứ, vừa là nguồn truyền bệnh. Ở Việt Nam thời kỳ chưa thực hiện tiêm vắc-xin bạch hầu trong chương trình tiêm chủng mở rộng bệnh diễn ra chủ yếu ở các thành phố có mật độ dân cư cao. Nhưng từ khi đưa vắc-xin bạch hầu vào chương trình tiêm chủng đã giảm tối đa số ca bệnh trẻ em bị nhiễm bạch hầu, từ đó mà tỷ lệ tử vong do căn bệnh này cũng đã giảm xuống rất nhiều.

Bệnh bạch hầu được lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc với người bệnh hoặc người lành mang vi khuẩn bạch hầu. Bệnh còn có thể lây do tiếp xúc với những đồ vật có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu. Sữa tươi cũng có thể là một phương tiện lây truyền bệnh bạch hầu ở trẻ em.

Triệu chứng bệnh bạch hầu ở trẻ em

Vi khuẩn bạch hầu thường ảnh hưởng nhiều nhất đến mũi và họng. Các triệu chứng thường xuất hiện trong vòng 2-5 ngày sau khi bị nhiễm vi khuẩn gây bệnh bạch hầu. Thời kỳ lây truyền kéo dài 2 tuần hoặc ngắn hơn, ít khi trên 4 tuần. Ở người lành mang vi khuẩn bạch hầu có thể vài ngày đến 3,4 tuần, rất hiếm trường hợp kéo dài tới 6 tháng.

triệu chứng bệnh bạch hầu ở trẻ em

Bệnh bạch hầu ở trẻ em chủ yếu biểu hiện ở mũi, họng nên dễ khiến người bệnh nhầm lẫn là bệnh viêm mũi họng. (ảnh minh họa)

Các triệu chứng lâm sàng bệnh bạch hầu ở trẻ em

+ Viêm họng, mũi, thanh quản. Họng đỏ, nuốt đau. Da xanh, mệt, nổi hạch ở dưới hàm làm sưng tấy vùng cổ.

+ Ớn lạnh; chảy nước dải; ho nhiều; khó thở; khó nuốt…

Cần cho bé đi thăm khám với bác sĩ chuyên khoa Nhi sớm để chẩn đoán sớm và có biện pháp xử trí kịp thời.

+ Khi khám thấy có giả mạc. Cần phân biệt tính chất của giả mạc bạch hầu với giả mạc mủ. Giả mạc bạch hầu thường trắng ngà hoặc mầu xám dính chặt vào xung quanh tổ chức viêm, nếu bóc ra sẽ bị chảy máu. Cho giả mạc vào cốc nước dù có khuấy mạnh cũng không tan. Còn giả mạc mủ thì sẽ bị hoà tan hoàn toàn trong cốc nước. Vùng niêm mạc xung quanh giả mạc bị xung huyết.

+ Bạch hầu thanh quản là thể bệnh nặng ở trẻ em. Biểu hiện lâm sàng bị nhiễm ngoại độc tố bạch hầu tại chỗ là giả mạc và biểu hiện toàn thân là nhiễm độc thần kinh, làm tê liệt thần kinh sọ não, thần kinh vận động ngoại biên và thần kinh cảm giác và/hoặc viêm cơ tim. Tỷ lệ tử vong khoảng 5% – 10%.

Chẩn đoán phân biệt cần lưu ý phân biệt với bệnh viêm họng có giả mạc mủ khác hoặc viêm amydan có hốc mủ. Sau khi thăm khám cần thực hiện các xét nghiệm, phân lập bạch hầu dương tính từ mẫu bệnh phẩm lâm sàng để có kết quả chính xác và có biện pháp xử trí kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm.

Phòng bệnh bạch hầu ở trẻ em bằng cách nào?

phòng bệnh bạch hầu ở trẻ em

Tiêm vaccin bạch hầu có thể ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh bạch hầu ở trẻ em đến 97%, vì vậy phụ huynh nên tiêm phòng đầy đủ cho con. (ảnh minh họa)

Tiêm phòng đầy đủ vắc-xin cho trẻ, đặc biệt là vắc-xin ngừa bạch hầu. Hiệu quà bảo vệ của vaccin bạch hầu là 97% và giảm dần theo thời gian nên tiêm chủng nhắc lại từ 18 tháng tuổi – 24 tháng tuổi vì vậy phụ huynh không nên bỏ qua loại vắc-xin này. Đây là biện pháp phòng ngừa bệnh bạch hầu tốt nhất cho con.

Ngoài ra để phòng ngừa bệnh bạch hầu ở trẻ em, phụ huynh cần lưu ý: cho trẻ uống nhiều nước, rửa tay thường xuyên, nghỉ ngơi hợp lý, tránh đi đến hay tiếp xúc với những người ở vùng mắc bệnh bạch hầu hoặc nghi ngờ mắc bệnh, khi có dấu hiệu về mũi, họng nên cho trẻ đi thăm khám sớm với bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán, phát hiện sớm và xử trí kịp thời.

Ổ dịch bạch hầu ở Đắk Nông

Ổ dịch xuất hiện ở thôn 6, xã Quảng Hòa, huyện Đắk Glong, Đắk Nông. Bệnh nhi là cháu Sùng Thị H (9 tuổi) cùng một người khác trong thôn bị nhiễm bệnh (ngày 19/6/2020). Ngay sau đó, em H được chuyển lên BVĐK Đắk Nông trong tình trạng tức ngực, ho nhiều, khó thở. Tại đây, H tiếp tục được chuyển lên Bệnh viện Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh. Ngày 20/6 thì em H tử vong, kết luận nguyên nhân do H bị bạch hầu ác tính biến chứng tim.

Bệnh nhân thứ 2 bị nhiễm là Ma Văn Th được cấp cứu và chăm sóc tích cực. Tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên từ ngày 19/6 đến nay cũng đã tiếp nhận 14 người (chủ yếu là trẻ em, đến từ Đắk Nông) có biểu hiện nghi vấn nhiễm bệnh bạch hầu đến xét nghiệm. Kết quả cho thấy có 2 người nhiễm bệnh.

Sở Y tế Đắk Nông ngay sau khi có thông tin dịch bệnh, đã khẩn trương tuyên truyền đến từng người dân không được chủ quan. Đã phun thuốc khử khuẩn phòng dịch toàn bộ khu vực lẫn trường học và Trạm y tế xã Quảng Hòa. Bên cạnh đó, lập 2 đội chốt chặn phòng dịch, cách ly toàn bộ gia đình trong khu vực có ổ dịch, tiến hành khảo sát tiêm vắc xin và cho uống thuốc phòng dịch với người từ 7 tuổi đến dưới 40 tuổi.

Công tác khống chế dịch đang được làm khẩn trương, người dân tuyệt đối không chủ quan. Khi có các triệu trứng, cần cho trẻ đến ngay cơ sở y tế để được kiểm tra và điều trị.

Nếu cần tư vấn hay muốn đặt lịch thăm khám sức khỏe cho bé tại Hệ thống Y tế Thu Cúc, phụ huynh vui lòng liên hệ 1900 55 88 92 để được hỗ trợ tốt nhất.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital