Cần làm gì khi chửa ngoài tử cung để bảo tồn khả năng làm mẹ?

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Văn Hà

Phó Giám đốc Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI, Trưởng khoa Phụ Sản

Chửa ngoài tử cung là một trong những tình trạng nguy hiểm một số chị em gặp phải trong quá trình mang thai. Chửa ngoài tử cung nguy hiểm bởi nó ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe sinh sản sau này của người mẹ. Vậy chị em phụ nữ cần phải làm gì khi chửa ngoài tử cung để bảo tồn được khả năng làm mẹ về sau?

1. Khái niệm chửa ngoài tử cung là gì?

Chửa ngoài tử cung là hiện tượng thai không làm tổ bên trong buồng tử cung mà lại nằm ở bên ngoài. Các vị trí thai ngoài tử cung có thể làm tổ đó là:

– Thai nằm ở vị trí vòi tử cung: Đây là trường hợp chửa ngoài tử cung thường gặp nhất (chiếm tới 95%).

– Thai nằm ở vị trí cổ tử cung, buồng trứng, vòi tử cung, ổ bụng.

Chửa ngoài tử cung là một tình trạng vô cùng nguy hiểm bởi vì túi thai không làm tổ đúng vị trí cho sự phát triển nên dễ gây vỡ vị trí nó bám và chảy máu ồ ạt vào trong ổ bụng. Hiện tượng này gây nguy hiểm tới tính mạng của mẹ bầu nên cần phải lưu ý đặc biệt.

Chửa ngoài tử cung là hiện tượng nhiều chị em phụ nữ gặp phải

Chửa ngoài tử cung là hiện tượng nhiều chị em phụ nữ gặp phải

2. Dấu hiệu chửa ngoài tử cung

Mẹ bầu chửa ngoài tử cung sẽ vẫn xuất hiện những dấu hiệu mang thai thông thường như đau bụng, trễ kinh, buồn nôn, căng tức ngực,… Tuy nhiên, chị em phụ nữ vẫn nên cẩn trọng với một số dấu hiệu sau đây để biết liệu mình có chửa ngoài tử cung hay không.

2.1. Chảy máu âm đạo

Một số chị em khi mang thai xuất hiện một chút máu hồng khi không trong vòng kinh nguyệt, hiện tượng này được gọi là máu báo thai. Thông thường, máu báo thai có màu hồng nhạt hơn máu kinh và thời gian xuất hiện ngắn hơn hành kinh cũng như ít khi bị đau bụng. Thế nhưng, khi không đến tháng mà máu xuất hiện và có màu đỏ sẫm thì chị em nên đi khám ngay vì có thể đã chửa ngoài tử cung.

Chảy máu âm đạo là dấu hiệu chửa ngoài tử cung

Chảy máu âm đạo là dấu hiệu chửa ngoài tử cung

2.2. Đau bụng

Đau bụng khi tới tháng là hiện tượng nhiều chị em phụ nữ gặp phải. Tuy nhiên, nếu chị em thấy đau mót rặn giống táo bón, đau nhói bụng dưới, đau âm ỉ kéo dài, chảy máu âm đạo và nhiều lúc đau dữ dội thì cũng có thể là triệu chứng của chửa ngoài tử cung. Mức độ đau bụng thường tỷ lệ thuận với sự phát triển của bào thai.

Có một số trường hợp chị em còn cảm thấy đau bụng dữ dội, chân tay bủn rủn, đau nhức vai, hoa mắt chóng mặt, toát mồ hôi, thậm chí là ngất xỉu. Khi gặp phải những triệu chứng bất thường này, chị em cần phải đi tới bệnh viện để được thăm khám ngay. Trong trường hợp chửa ngoài tử cung, càng để tình trạng này kéo dài thì càng nguy hiểm vì thai nhi phát triển to dần khiến bào thai bị vỡ, chảy máu tràn ổ bụng đe dọa tới tính mạng của chị em.

3. Nguyên nhân gây ra hiện tượng chửa ngoài tử cung

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra hiện tượng chửa ngoài tử cung nhưng chủ yếu là do những bất thường ở vòi trứng. Cụ thể là:

– Viêm vòi trứng do viêm nhiễm vùng chậu hoặc nạo phá thai nhiều lần.

– Hẹp vòi trứng sau khi tiến hành tạo hình vòi trứng.

– Vòi trứng có nhiều nhu động bất thường, bị co thắt.

– Bên trong lòng vòi trứng có khối u hoặc khối u bên ngoài vòi trứng chèn lên làm hẹp vòi trứng.

4. Chị em nên làm gì khi chửa ngoài tử cung?

Chửa ngoài tử cung không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây hại tới sức khỏe và đe dọa tính mạng của chị em phụ nữ. Do đó, khi gặp phải trường hợp này, chị em cần phải được điều trị càng sớm càng tốt. Vậy nên làm gì khi mang thai ngoài tử cung? Một số phương pháp điều trị chửa ngoài tử cung phổ biến nhất là dùng thuốc, theo dõi diễn tiến của phôi thai, phẫu thuật.

– Nếu bào thai đã vỡ hoặc gây chảy máu bên trong ổ bụng thì phải mổ cấp cứu ngay để cứu tính mạng của chị em phụ nữ. Đây là trường hợp bắt buộc và không được chần chừ.

– Nếu bào thai chưa vỡ nhưng to và có nguy cơ bị vỡ thì cần phải phẫu thuật càng sớm càng tốt.

– Bào thai có kích thước nhỏ và chưa vỡ nhưng không có khả năng thoái triển thì nên sử dụng thuốc để thai thoái triển hoặc phẫu thuật.

– Bào thai tự ngừng phát triển thì chị em cần phải theo dõi sát sao và tuân theo đúng chỉ định của bác sĩ cho tới khi khối thai tự thoái triển hoàn toàn.

Tình trạng chửa ngoài tử cung ở mỗi chị em phụ nữ là khác nhau, kích cỡ và mức độ nguy hiểm cũng không giống nhau. Do đó, chị em cần phải thăm khám và trao đổi với bác sĩ để xem phương pháp nào là phù hợp, an toàn nhất.

Phải làm gì khi chửa ngoài tử cung là thắc mắc của nhiều chị em phụ nữ

Phải làm gì khi mang thai ngoài tử cung là thắc mắc của nhiều chị em phụ nữ

5. Biện pháp ngăn ngừa chửa ngoài tử cung

Chửa ngoài tử cung là hiện tượng nguy hiểm trên hành trình mang thai và làm mẹ của chị em phụ nữ. Để đề phòng tình trạng này, chị em nên thực hiện một số giải pháp sau đây:

– Quan hệ tình dục an toàn đề tránh viêm nhiễm vòi trứng, làm gia tăng nguy cơ chửa ngoài tử cung.

– Nên ngừng hút thuốc, không sử dụng chất kích thích, đồ uống có cồn khi quyết định mang thai.

– Nên dùng bao cao su khi quan hệ tình dục khi quan hệ tình dục để tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh qua đường sinh dục và giúp làm giảm nguy cơ bị viêm vùng chậu.

– Nếu đang mang thai, chị em hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ khi sử dụng bất cứ một loại thuốc nào.

– Đi khám thai và siêu âm thai định kỳ theo chỉ định của bác sĩ.

Hy vọng bài viết này đã giúp chị em giải đáp được thắc mắc “Nên làm gì khi chửa ngoài tử cung?”. Tốt nhất, ngay khi có dấu hiệu mang thai, chị em nên đi khám để biết chính xác vị trí của túi thai và được bác sĩ tư vấn cách chăm sóc bản thân tốt nhất.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital