Cách trị HP dạ dày bằng nghệ mật ong có thực sự hiệu quả?

Tham vấn bác sĩ
Phó Giáo sư, Tiến sĩ

Vũ Văn Khiên

Phó giám đốc phụ trách Nội soi tiêu hóa

Nhiều người bệnh đau dạ dày HP thường sử dụng nghệ và mật ong như một bài thuốc điều trị bệnh. Tuy nhiên, liệu rằng đây có phải cách trị HP dạ dày mang lại hiệu quả tốt, hãy cùng tìm hiểu ngay.

1. HP dạ dày là gì?

HP là một chủng vi khuẩn với tên đầy đủ Helicobacter Pylori. Đây là vi khuẩn có khả năng lây truyền nhanh và xâm nhập, cư trú, hoạt động tại lớp nhầy thành niêm mạc dạ dày. Trong quá trình hoạt động, vi khuẩn sẽ tiết độc tố chống lại môi trường axit cao ở dạ dày người. Chính điều này lâu dần sẽ gây ra các bệnh lý đường tiêu hóa như viêm dạ dày, loét hành tá tràng, thậm chí có thể dẫn tới ung thư dạ dày.

Vi khuẩn HP dạ dày

Vi khuẩn HP là nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh lý ở đường tiêu hóa.

2. Điều trị HP bằng nghệ và mật ong có hiệu quả không?

Nghệ và mật ong được biết đến là bài thuốc đặc trị hữu hiệu với các bệnh dạ dày. Thành phần của nghệ chứa curcumin (2-7%). Chất này có tác dụng chống oxy hóa, kháng viêm tốt, giải độc gan và kích thích tiết mật. Đặc biệt, bộ đôi nghệ và mật ong cho hiệu quả tốt với bệnh viêm loét dạ dày: giúp tăng cường lớp màng bảo vệ, hỗ trợ tốt trong việc giảm triệu chứng bệnh và làm lành ổ viêm loét.

Tuy nhiên, nghệ và mật ong chưa được chứng minh mang lại hiệu quả trong điều trị vi khuẩn HP. Nếu có cũng chỉ dừng lại ở việc thuyên giảm các triệu chứng tiêu hóa chứ không có tác dụng loại bỏ vi khuẩn và giúp bệnh âm tính trở lại.

3. Cách trị HP dạ dày đúng được áp dụng

Hiện nay, việc điều trị HP dạ dày được Bộ Y tế đưa ra dựa trên các phác đồ điều trị chuyên biệt bằng các nhóm thuốc kháng sinh cụ thể. Như vậy, người bệnh cần chủ động thăm khám với bác sĩ chuyên khoa, chẩn đoán chính xác về tình trạng nhiễm khuẩn và nhận chỉ định phác đồ điều trị tương thích.

Cách trị HP dạ dày đúng phác đồ

Điều trị HP dạ dày cần tuân thủ đúng các phác đồ thuốc được Bộ Y tế công bố.

3.1. Cách trị HP dạ dày bằng liệu pháp 3 thuốc

Phác đồ 3 thuốc tiêu diệt vi khuẩn HP thường được áp dụng trong những trường hợp nhiễm vi khuẩn được phát hiện sớm ở giai đoạn đầu với mức độ ảnh hưởng nhẹ. Nhóm 3 loại thuốc được sử dụng trong phác đồ này bao gồm: Kháng sinh, nhóm thuốc ức chế bơm proton (PPI) và Amoxicillin. Cụ thể:

Kết quả điều trị bằng liệu pháp 3 thuốc: Phác đồ được áp dụng trong khoảng 10-14 ngày, cho hiệu quả tiêu diệt vi khuẩn HP tốt lên tới trên 80% đối với lần điều trị đầu tiên. Tuy nhiên, phác đồ này còn ít được áp dụng tại Việt Nam do khả năng vi khuẩn H.pylori kháng Metronidazole khá cao.

2.2. Phác đồ điều trị 4 thuốc

Phác đồ 4 thuốc là giải pháp điều trị thay thế khi phác đồ 3 thuốc thực hiện không phù hợp hoặc không mang lại kết quả tốt. Cụ thể, phác đồ điều trị 4 thuốc sẽ được chia làm 2 loại như sau:

– Phác đồ 4 thuốc có thêm Bismuth bao gồm: Bismuth; Tinidazole hoặc dùng Metronidazol; Tetracyclin; Nhóm PPI.

– Phác đồ 4 thuốc và không có Bismuth bao gồm: Nhóm PPI; Kháng sinh Amoxicillin; Tinidazole hoặc dùng Metronidazol; Clarithromycin.

Kết quả điều trị bằng phác đồ 4 thuốc: Phác đồ 4 thuốc điều trị HP cũng thường được áp dụng từ 10 – 14 ngày. Với liệu pháp 4 thuốc có sử dụng thêm Bismuth sẽ cho hiệu quả tiêu diệt HP lên tới 95%. Tuy nhiên, việc áp dụng phác đồ 4 thuốc này khá phức tạp và cần tham khảo thật kỹ ý kiến từ bác sĩ để tránh các tác dụng phụ và dẫn đến tình trạng kháng thuốc, vi khuẩn HP có thể tái lại.

2.3. Cách trị HP dạ dày bằng phác đồ điều trị nối tiếp

Phác đồ nối tiếp được sử dụng như một giải pháp kế tiếp hoặc có thể được sử dụng ngay ở hai liệu trình đầu. Phác đồ được chia cụ thể thành 2 giai đoạn như sau:

– Ở 5 ngày đầu tiên: Dùng kháng sinh Amoxicillin + PPI.

– Ở 5 ngày tiếp theo: Dùng Tinidazole + Clarithromycin + PPI.

Kết quả điều trị bằng phác đồ nối tiếp: Phác đồ nối tiếp sẽ được áp dụng trong thời gian 10 ngày theo 2 giai đoạn như trên. Phác đồ điều trị này có thể đạt tỷ lệ tiêu diệt vi khuẩn HP cao, chiếm tới 88,9% trên các chủng vi khuẩn H.pylori kháng thuốc kháng sinh Clarithromycin và đạt tỷ lệ 28,6% so với điều trị bằng phác đồ 3 thuốc.

2.4. Phác đồ kết hợp giữa liệu pháp 3 thuốc có chứa Levofloxacin

Phác đồ kết hợp giữa điều trị vi khuẩn HP 3 thuốc và có thêm Levofloxacin thường được áp dụng khi thực hiện liệu pháp 4 thuốc và phác đồ nối tiếp không cho hiệu quả loại bỏ HP. Phác đồ kết hợp sử dụng các nhóm thuốc sau: Kháng sinh; PPI; Levofloxacin; Amoxicillin. Người bệnh uống thuốc vào buổi sáng và buổi tối sau khi ăn.

Kết quả điều trị bằng phác đồ kết hợp: Thời gian áp dụng phác đồ kết hợp diễn ra trong 10 ngày. Theo các chuyên gia đánh giá, phác đồ trị vi khuẩn HP kết hợp 3 thuốc có chứa Levofloxacin sẽ cho hiệu quả tiêu diệt HP cao hơn liệu pháp 4 thuốc. Tuy nhiên, phác đồ này chỉ được thực hiện đối với một số trường hợp cụ thể có chọn lọc.

4. Những lưu ý trong điều trị HP dạ dày

Như đã nói ở trên, vi khuẩn HP rất dễ sinh đề kháng với các kháng sinh điều trị. Chính vì vậy, người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ các chỉ định, hướng dẫn mà bác sĩ chuyên khoa đưa ra để đảm bảo hiệu quả điều trị đạt kết quả tốt nhất, tiêu diệt HP thành công.

Lưu ý trong điều trị HP dạ dày

Ăn uống khoa học, sinh hoạt lành mạnh sẽ giúp tăng hiệu quả điều trị HP dạ dày.

Cụ thể, người bệnh cần lưu ý như sau:

– Tuân thủ đúng phác đồ, đúng loại kháng sinh, đúng liều lượng và thời gian sử dụng.

– Không tự ý dừng thuốc hay thay đổi loại thuốc kể cả khi các triệu chứng có thuyên giảm.

– Các trường hợp gặp phải tác dụng phụ trong quá trình dùng thuốc kháng sinh cần thông báo chi tiết về mức độ triệu chứng với bác sĩ điều trị để được hướng dẫn xử lý đúng cách.

– Bên cạnh việc dùng thuốc, người bệnh HP dạ dày cần xây dựng chế độ ăn khoa học, thực hiện nếp sống lành mạnh và vận động điều độ. Việc làm này sẽ giúp tăng nhanh hiệu quả điều trị bệnh.

– Tái khám đúng lịch đã hẹn, thực hiện thêm các xét nghiệm test HP sau thời gian tuân thủ phác đồ.

Như vậy có thể thấy, cách trị HP dạ dày bằng nghệ hoàn toàn chưa có căn cứ xác thực. Trên hết, người bệnh cần thực hiện thăm khám cùng bác sĩ chuyên khoa, chẩn đoán bệnh chính xác, bác sĩ lên phác đồ và tuân thủ nghiêm phác đồ điều trị mới là cách loại bỏ HP đúng đắn.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital