Ở tình trạng bình thường, huyết trắng có màu trắng trong, dai như lòng trắng trứng, hơi tanh. Khi huyết trắng thay đổi lượng, có mùi, có màu bất thường… thì có thể bạn nữ đang mắc phải bệnh huyết trắng. Cách trị bệnh huyết trắng ở phụ nữ thế nào? Hãy tìm hiểu thông tin mà chúng tôi cung cấp sau đây.
Menu xem nhanh:
1. Bệnh huyết trắng là gì?
Huyết trắng là dịch tiết âm đạo gặp ở từ độ tuổi dậy thì của bạn nữ, có nhiều hơn lúc rụng trứng, trước kỳ kinh… thể hiện tình trạng nội tiết, sức khỏe của người phụ nữ, giữ âm đạo luôn ẩm, chống lại vi khuẩn xâm nhập gây bệnh. Ở tình trạng bình thường, huyết trắng không xuất hiện đi kèm với triệu chứng kích thích, ngứa, đau khi giao hợp, ống sinh dục và cơ quan sinh dục bên ngoài bình thường, huyết trắng trong không hôi. Tuy nhiên, khi mầm bệnh tấn công vượt quá khả năng bảo vệ của dịch tiết âm đạo này sẽ dẫn đến viêm nhiễm, còn gọi là bệnh huyết trắng với các dấu hiệu như ngứa, bỏng rát, đau khi giao hợp, đau khi tiểu tiện, tiểu nhiều lần, đau âm ỉ vùng bụng dưới…
2. Nguyên nhân bệnh huyết trắng
Nguyên nhân bệnh huyết trắng có thể do trùng roi, tạp trùng, nấm men…
– Huyết trắng do nấm men gây ngứa bộ phận sinh dục, đóng thành từng mảng dính hoặc đóng cục, mùi tanh hôi. Bệnh thường gặp sau một thời gian dài dùng kháng sinh, có thai hoặc bị suy giảm miễn dịch; và rất dễ tái lại.
– Huyết trắng do trùng roi: Lượng dịch tiết âm đạo tăng, thay đổi màu, có màu vàng xanh, mùi tanh, và loãng, thường gây ngứa vùng kín.
– Huyết trắng do tạp trùng: Lúc này dịch tiết có màu vàng, hơi loãng, có mùi hôi.
3. Ảnh hưởng của bệnh huyết trắng tới chị em
– Huyết trắng bất thường kéo dài, tái phát nhiều lần ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng sinh sản của chị em.
– Gây phiền toái, khó chịu trong sinh hoạt, người nữ thường e ngại khi quan hệ từ đó mà có thể ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình.
– Đối với phụ nữ mang thai: Huyết trắng nếu kéo dài, không điều trị sẽ làm viêm nhiễm, có thể gây rỉ ối non, sinh non…
4. Cách trị bệnh huyết trắng ở phụ nữ
Huyết trắng do nhiều nguyên nhân gây ra chính vì thế mà khi có dấu hiệu bất thường nên đi thăm khám sớm tìm đúng nguyên nhân, mức độ, tình trạng… để được chỉ định phù hợp, kịp thời, có thể dùng thuốc uống hoặc thuốc đặt để điều trị.
Trong sinh hoạt chị em cần lưu ý một số vấn đề sau:
– Vệ sinh sạch vùng kín đúng cách, không dùng dung dịch rửa quá nhiều lần vì có thể làm thay đổi độ pH; trước khi mặc quần lót cần lau khô bằng khăn sạch, thay quần lót liên tục, tránh mặc quần ẩm ướt, giặt sạch quần lót và phơi ra nắng trước khi mặc.
– Có chế độ ăn đầy đủ các nhóm thực phẩm, cân bằng về dinh dưỡng, nên ăn nhiều rau xanh, sữa chua, các loại quả mọng…và một thói quen sinh hoạt lành mạnh để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.