Cách nhận biết trẻ bị cảm lạnh và những thuốc có thể dùng cho trẻ

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Mai Hoa

Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI

Phát hiện các dấu hiệu sớm cho thấy trẻ bị cảm lạnh là yếu tố quan trọng để đưa ra biện pháp chữa trị và chăm sóc kịp thời, đồng thời giúp trẻ hồi phục nhanh chóng và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. Cách nhận biết trẻ bị cảm lạnh và những thuốc có thể dùng cho trẻ là những thông tin mà bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn đọc.

1. Những thông tin cơ bản về cảm lạnh ở đối tượng trẻ em

1.1. Bệnh cảm lạnh là bệnh gì?

Cảm lạnh là một căn bệnh rất phổ biến ở trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ trong độ tuổi từ 1 đến 2 tuổi. Có khoảng 200 loại virus khác nhau có khả năng gây ra bệnh cảm lạnh, trong số đó, rhinovirus là nguyên nhân chính. Vì cảm lạnh do virus gây ra, việc sử dụng kháng sinh không có hiệu quả đối với trẻ.

Bệnh cảm lạnh là một vấn đề rất phổ biến và không quá đáng lo ngại nếu cha mẹ biết cách chăm sóc trẻ tại nhà. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp biến chứng nếu không được điều trị kịp thời, gây ra các tình trạng nguy hiểm. Vì vậy, cha mẹ không nên coi thường và cần chú ý đến việc điều trị bệnh cảm lạnh cho trẻ em.

1.2. Lý do nào khiến trẻ bị cảm lạnh?

Nguyên nhân gây bệnh cảm lạnh, như đã đề cập trước đó, là do sự tác động của virus. Các loại virus này có thể xâm nhập vào hệ hô hấp của trẻ thông qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với người mắc bệnh.

cách nhận biết trẻ bị cảm lạnh

Thói quen hay cho đồ vào miệng cũng là nguyên nhân khiến trẻ dễ mắc bệnh

Mặc dù tất cả trẻ em đều có nguy cơ bị cảm lạnh, nhưng có một số nguyên nhân có thể tăng khả năng trẻ mắc bệnh cảm lạnh, bao gồm:
– Trẻ không may hít phải virus gây bệnh.
– Thay đổi thời tiết, môi trường khô hơn tạo điều kiện thuận lợi cho virus cảm lạnh xâm nhập và phát triển mạnh, gây bệnh cho trẻ.
– Nếu người lớn bị cảm lạnh chạm vào mũi, miệng của họ sau đó tiếp xúc trực tiếp với trẻ.
– Trẻ tiếp xúc với đồ vật, đồ chơi chứa virus gây cảm lạnh.
– Trẻ bị dị ứng thời tiết, thường xuyên hít phải khói thuốc lá dẫn đến hệ miễn dịch suy giảm và dễ mắc bệnh hơn.

Khi đưa trẻ đi khám, các bác sĩ chuyên khoa nhi thường yêu cầu lấy mẫu máu, nước tiểu hoặc dịch tiết từ mắt để xác định liệu nguyên nhân gây bệnh có phải là virus hay vi khuẩn. Có thể xuất hiện tình trạng viêm do vi khuẩn sau khi nhiễm virus. Vì vậy, một số biến chứng của cảm lạnh có thể bao gồm viêm phổi, viêm họng và viêm tai giữa.

Cảm lạnh là một căn bệnh phổ biến ở trẻ em trong thực tế lâm sàng. Virus gây bệnh có thể tồn tại trong không khí và trên bề mặt các vật dụng trong một khoảng thời gian ngắn. Điều này làm cho bệnh có thể lây lan đến người không tiếp xúc trực tiếp với trẻ bị bệnh. Trẻ nhỏ ở gần những trẻ lớn hơn thường có nguy cơ mắc bệnh cảm lạnh cao hơn.

Trẻ được nuôi bằng sữa mẹ thường có hệ miễn dịch tốt hơn so với trẻ được nuôi bằng sữa công thức. Sữa mẹ chứa nhiều kháng thể, tế bào bạch cầu và các enzym quan trọng cho sự phát triển của trẻ. Đây là những yếu tố giúp phòng ngừa nhiễm khuẩn. Trẻ sơ sinh được tiếp xúc với sữa mẹ thừa hưởng hệ miễn dịch đối với các bệnh mà người mẹ đã từng mắc phải.

Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc trẻ sơ sinh hoàn toàn miễn dịch với bệnh cảm lạnh.

1.3. Cách nhận biết trẻ bị cảm lạnh, cha mẹ nên để ý

Thời gian ủ bệnh của cảm lạnh ở trẻ thường ngắn, khoảng 1 – 3 ngày, sau đó các dấu hiệu đầu tiên của bệnh sẽ xuất hiện. Cách nhận biết trẻ bị cảm lạnh thời điểm ban đầu thường bao gồm:
– Sổ mũi, hắt hơi, chảy nước mũi và nghẹt mũi.
– Ho và đau họng.
– Nước mũi ban đầu trong và loãng, sau đó trở nên đặc và có thể chuyển sang màu vàng hoặc xanh.

Cha mẹ cần để ý các dấu hiệu bệnh của con để chăm sóc trẻ tốt hơn

Cha mẹ cần để ý các dấu hiệu bệnh của con để chăm sóc trẻ tốt hơn

Trong những ngày tiếp theo, các triệu chứng ban đầu sẽ giảm dần nhưng có thể xuất hiện thêm những triệu chứng điểm hình dễ nhận biết như:
– Trẻ bị sốt cao.
– Nôn trớ.
– Mệt mỏi, chán ăn và kém muốn bú.
– Trẻ quấy khóc nhiều và chảy nước mắt.
– Ho và nghẹt mũi khiến bé khó ngủ.
– Xuất hiện hạch bạch huyết ở cổ hoặc sau gáy đối với 1 vai trẻ.

Ngoài ra, trẻ có thể bị tiêu chảy, tuy hiếm gặp. Không chỉ có triệu chứng ho, sổ mũi và sốt, nhiều trẻ khi bị cảm lạnh còn có biểu hiện nôn trớ. Nguyên nhân của việc này là do trẻ nuốt phải nước mũi, nước bọt và thậm chí đờm vào dạ dày. Các dịch tiết này làm cho dạ dày của bé bị đầy, gây ra hiện tượng nôn – một cơ chế tự bảo vệ của cơ thể.

Với những trẻ bị nôn trớ nhẹ, không quấy khóc nhiều và không sốt, không cần lo lắng quá. Hãy cho trẻ nghỉ ngơi sau khi nôn trớ, không buộc trẻ ăn hoặc uống bất cứ thứ gì trong khoảng thời gian 30 phút – 1 tiếng sau đó.

2. Có thể dùng thuốc gì khi trẻ bị cảm lạnh?

Thông thường, cảm lạnh sẽ tự khỏi trong khoảng 1-2 tuần mà không cần sử dụng thuốc điều trị. Tuy nhiên, trong những trường hợp kéo dài và không có sự thuyên giảm, bác sĩ có thể đề xuất sử dụng thuốc để tránh các biến chứng nguy hiểm. Dưới đây là một số loại thuốc thông dụng mà trẻ có thể sử dụng khi mắc cảm lạnh:

– Thuốc thông mũi: Thuốc thông mũi có tác dụng làm giảm sưng niêm mạc mũi, giúp giảm khó thở và ngạt mũi. Một số loại thuốc thông mũi bao gồm Pseudoephedrine, aphedrine và phenylephrine. Tuy nhiên, các thuốc này có thể làm tăng huyết áp, nhịp tim và gây tình trạng thức dậy, do đó, nên tuân thủ chỉ định của bác sĩ. Tránh sử dụng thuốc xịt và thuốc nhỏ mũi lâu dài vì có thể gây tắc nghẽn.

– Thuốc giảm ho: Thuốc giảm ho thường ức chế phản xạ ho bằng cách tác động lên trung tâm ho của hệ thần kinh. Một số loại thuốc giảm ho phổ biến bao gồm Codein, pholcodin và dextromethorphan. Codein hiệu quả nhưng chỉ được sử dụng cho trẻ em trên 12 tuổi do có thể gây táo bón, buồn ngủ và gây nghiện. Pholcodin và dextromethorphan ít gây tác dụng phụ hơn, nhưng cũng có thể gây buồn ngủ.

Trước khi dùng bất kỳ loại thuốc nào cũng cần tham khảo ý kiến của bác sĩ Nhi khoa

Trước khi dùng bất kỳ loại thuốc nào cũng cần tham khảo ý kiến của bác sĩ Nhi khoa

– Thuốc làm tăng tiết dịch đường hô hấp: Thuốc này giúp giảm độ nhớt của chất nhầy trong đường hô hấp, làm dịch tiết dễ tống ra khỏi đường thở.

– Thuốc kháng Histamin: Loại thuốc này giúp giảm triệu chứng hắt hơi, sổ mũi và ho. Được sử dụng trong các trường hợp ho vào ban đêm, ho do chảy dịch mũi hoặc liên quan đến viêm mũi dị ứng. Có hai thế hệ thuốc kháng histamin, thế hệ 1 gồm promethazin, clorpheniramin, diphenhydramin,… gây buồn ngủ và thời gian tác dụng ngắn, và thế hệ 2 gồm loratadin, cetirizin, desloratadine,… không làm buồn ngủ và thời gian hiệu quả kéo dài.

– Thuốc giảm đau, hạ sốt: Paracetamol, aspirin và ibuprofen là những loại thuốc có thể được sử dụng để giảm sốt và đau nhức do cảm lạnh gây ra. Tuy nhiên, paracetamol có thể gây tổn thương gan khi dùng quá liều và aspirin không được khuyến nghị cho trẻ em để điều trị cảm lạnh do nguy cơ mắc hội chứng Reye.

Quan trọng nhất, trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc nhà chuyên môn để đảm bảo an toàn và đúng liều lượng cho trẻ.

Trên đây là những thông tin về cách nhận biết trẻ bị cảm lạnh, hi vọng thông qua bài viết này, các bậc cha mẹ sẽ có thể chăm sóc trẻ tốt hơn.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital