Đau thượng vị là triệu chứng bệnh tiêu hóa xuất hiện phổ biến ở mọi lứa tuổi. Bệnh có thể gây ra nhiều khó chịu và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Việc hiểu rõ nguyên nhân bệnh sẽ giúp bạn có những biện pháp can thiệp hợp lý, giúp giảm đau thượng vị nhanh chóng tại nhà.
Menu xem nhanh:
1. Người bệnh bị đau vùng thượng vị do đâu?
Vùng thượng vị có ranh giới từ rốn trở lên đến phía dưới xương ức, tuy nhiên người bệnh có thể cảm nhận đau ở nhiều vị trí khác nhau. Các cơn đau ngoài tập trung chủ yếu tại thượng vị, còn có thể lan ra sau lưng, đôi khi gây khó chịu ở cả vùng ngực. Người bệnh dễ bắt gặp các cơn đau vùng thượng vị khi đói hoặc về đêm. Điều này khiến cho sinh hoạt hàng ngày trở lên khó khăn, mệt mỏi.
Đau thượng vị có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân, hầu hết liên quan đến các bệnh lý đường tiêu hóa trên.
1.1 Yếu tố bệnh lý
Kết quả từ nhiều nghiên cứu cho thấy những người có tiền sử viêm dạ dày, viêm thực quản, trào ngược dạ dày thực quản, khó tiêu chức năng… dễ bị đau vùng thượng vị, cụ thể:
Viêm dạ dày
Là tình trạng xuất hiện các tổn thương sưng đỏ, phù nề tại lớp niêm mạc dạ dày. Các cơn đau gây ra do viêm dạ dày có mức độ từ nhẹ – trung bình đến dữ dội. Người bệnh còn có thể cảm thấy nóng rát cùng lúc, nhất là khi đói bụng hoặc sau ăn. Ngoài gây đau, viêm dạ dày cũng có thể gây ra các triệu chứng như ợ hơi, ợ nóng, buồn nôn, nôn, rối loạn đại tiện…
Hội chứng trào ngược dạ dày thực quản
Trào ngược dạ dày thực quản (GERD) là tình trạng dịch vị dạ dày, có thể bao gồm: axit, thức ăn, men tiêu hóa, khí… trào ngược lên thực quản. Người mắc trào ngược thường cảm thấy đau tức vùng thượng vị, đôi khi thắt ở ngực, xuyên ra sau lưng và cánh tay. Tình trạng này được lý giải do axit khi trào ngược gây kích thích vào các đầu mút thần kinh tại niêm mạc thực quản đưa ra tín hiệu đau như đau ngực. Người bệnh cần chú ý để không bị nhầm lẫn với các cơn đau do bệnh phổi, bệnh tim mạch.
Khó tiêu
Là tình trạng người bệnh cảm thấy có những khó chịu rõ ràng hoặc mơ hồ tại đường tiêu hóa trên bao gồm: thực quản, dạ dày, tá tràng… Cơn đau gây ra do chứng bệnh này có mức độ từ nhẹ đến nặng, có thể đi kèm với cảm giác nóng rát, đầy hơi, buồn nôn, no sớm hoặc tức bụng sau ăn. Người bệnh cũng có thể cảm thấy đau lan từ thượng vị lên ngực, phía sau xương ức hoặc qua lưng. Điểm chung của các triệu chứng này là dễ xuất hiện và cũng nhanh biến mất, có lúc xảy ra đột ngột, có lúc tiếp diễn trong nhiều ngày.
Tuy nhiên trong một số ít trường hợp, đau vùng thượng vị cũng có thể là dấu hiệu của các bệnh lý ngoài ống tiêu hóa như: viêm túi mật, viêm tụy cấp hoặc bệnh lý tim mạch… Do đó, ngay khi nghi ngờ triệu chứng, người bệnh cần đến cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và có hướng điều trị phù hợp.
1.2 Do thói quen sinh hoạt không lành mạnh
Bên cạnh nguyên nhân bệnh lý, thói quen sinh hoạt bừa bãi, thiếu khoa học cũng có thể là yếu tố gây đau thượng vị. Người bệnh uống nhiều rượu bia, ăn thức ăn cay, nóng, nhiều dầu mỡ, có thể khiến niêm mạc dạ dày bị kích thích, về lâu dài tạo thành các tổn thương viêm loét gây ra các cơn đau thượng vị.
1.3 Do căng thẳng thần kinh quá độ
Có thể bạn chưa biết, căng thẳng, stress có thể gây co thắt thực quản đồng thời tăng tiết axit tại dạ dày. Nếu tình trạng này diễn ra thường xuyên, người bệnh sẽ bị viêm dạ dày gây ra các cơn đau vùng thượng vị.
2. Giảm đau vùng thượng vị tại nhà như thế nào?
2.1 Giảm đau thượng vị bằng cách sử dụng các mẹo dân gian
Chườm nóng
Nhiệt độ cao từ túi chườm chứa nước ấm hoặc muối, gạo sau rang có thể thúc đẩy tuần hoàn máu đến dạ dày. Điều này có tác dụng thư giãn các cơ co thắt, đồng thời giảm chứng khó tiêu, táo bón ở người bệnh trong một số trường hợp. Chườm nóng nên được thực hiên ít nhất 15 – 20 phút để thấy được hiệu quả giảm đau. Người bệnh cũng có thể thay chườm nóng bằng cách tắm nước ấm, nhất là những trường hợp bị đau thượng vị do stress.
Nằm nghiêng trái
Người bệnh bị đau thượng vị do chứng khó tiêu, trào ngược, thì việc nằm ngửa trong thời gian dài có thể khiến các triệu chứng xuất hiện thường xuyên hơn. Đặc biệt với những người bệnh béo phì, nằm ngửa còn gây chèn ép dạ dày gây đau tức thượng vị và khó thở. Các nghiên cứu cho thấy nằm nghiêng bên trái là tư thế mang lại hiệu quả tối ưu trong việc giảm đau thượng vị nói riêng và các triệu chứng bệnh nói chung. Do cấu tạo dạ dày hình chữ J nên nằm nghiêng trái sẽ giúp dạ dày luôn thấp hơn thực quản, hạn chế tình trạng dịch vị từ dạ dày trào ngược làm tổn thương các cơ quan khác.
Giảm đau thượng vị dạ dày bằng nghệ
Nghệ được biết đến là một nguyên liệu nổi tiếng trong các mẹo chữa đau dạ dày dân gian. Hàm lượng curcumin có trong nghệ mang lại công dụng khám viêm, làm lành vết loét và ức chế axit trong môi trường dạ dày. Người bệnh có thể dùng nghệ chữa đau bụng vùng thượng vị bằng cách dùng nghệ ngâm mật ong pha cùng nước ấm, uống viên tinh nghệ hoặc dùng nghệ tươi trong chế biến các món ăn hàng ngày…
Sử dụng bạc hà
Tinh dầu có trong bạc hà được chứng minh có tác dụng làm giảm viêm, giảm triệu chứng buồn nôn, cũng như làm dịu những khó chịu do các cơn co thắt tại dạ dày. Người bệnh có thể sử dụng bạc hà bằng cách ăn sống như một loại rau sống, nấu chín hoặc hãm cùng nước trà, nước lọc đun sôi…
2.2 Sử dụng thuốc tây giúp giảm nhanh cơn đau vùng thượng vị
Người bệnh sau khi sử dụng các mẹo dân gian nhưng triệu chứng vẫn không thuyên giảm, có thể cân nhắc sử dụng các loại thuốc tây để cắt cơn đau dạ dày nhanh chóng. Một số loại thuốc người bệnh đau thượng vị có thể sử dụng như: thuốc kháng axit , thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày, thuốc ức chế bơm proton (PPI), thuốc kháng thụ thể Histamin H2, thuốc kháng dopamine D2…
Trên đây là các mẹo dân gian và những loại thuốc giúp giảm đau thượng vị người bệnh có thể tham khảo. Tuy nhiên, cần lưu ý, trước khi áp dụng bất kỳ phương nào, bệnh nhân cũng cần tham khảo ý kiến của bác sĩ. Đặc biệt, tuyệt đối không tự ý mua thuốc về sử dụng hoặc sử dụng lại đơn thuốc của người khác. Việc sử dụng thuốc bừa bãi có thể khiến tình trạng đau thượng vị tiến triển theo chiều hướng xấu, thậm chí gây nhờn thuốc khiến bệnh tái đi tái lại nhiều lần.