Viêm họng mạn tính có thể gặp ở bất cứ ai, không phân biệt độ tuổi hay nghề nghiệp. Bệnh gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe và sinh hoạt hàng ngày. Dưới đây là cách điều trị viêm họng mạn tính bạn cần biết.
1. Viêm họng mạn tính là gì?
Viêm họng mạn tính là một bệnh thường gặp, nam mắc nhiều hơn nữ. Đây là tình trạng niêm mạc họng và hầu bị viêm, tái phát nhiều lần và không dứt điểm.

Viêm họng mạn tính là một bệnh thường gặp
Dấu hiệu của bệnh thường là: khó chịu hoặc đau họng – nhất là vào buổi sáng; cảm giác vướng trong cổ họng; ho khan; sốt, xuất hiện đờm… Các triệu chứng khác có thể là: cơ thể mệt mỏi, kèm theo sổ mũi, hắt xì liên tục, mất tiếng, chán ăn…
2. Nguyên nhân viêm họng mạn tính
Các nguyên nhân gây viêm họng mạn tính bao gồm:
- Nhiễm trùng dai dẳng trong các cấu trúc xung quanh của hầu họng như xoang, amiđan, mũi…
- Ô nhiễm môi trường

Ô nhiễm môi trường, khói bụi công nghiệp có thể gây ra nhiều bệnh lý, trong đó có viêm họng mạn tính
- Một số nghề nghiệp nhất định: ca sĩ, người dẫn chương trình… thường có nguy cơ mắc viêm họng mạn tính
- Thở bằng miệng: không khí thở trực tiếp vào miệng không qua mũi sẽ không được lọc sạch bụi bẩn, đồng thời không được làm ấm, làm ẩm nên rất dễ làm nhiễm khuẩn họng. Nguyên nhân thở bằng miệng thường là: Tắc mũi: do polyp mũi, viêm mũi dị ứng, viêm mũi vận mạch, quá phát cuốn mũi, vẹo vách ngăn mũi hoặc u vùng mũi; tắc ở vùng vòm họng: do u vòm hoặc VA quá phát; do vẩu răng, làm môi khép không kín; do thói quen thở bằng miệng không rõ nguyên nhân.
3. Điều trị viêm họng mạn tính thế nào?

Bỏ thuốc lá là việc tiên quyết để điều trị viêm họng mạn tính
Các yếu tố bệnh lý hoặc tác nhân gây bệnh bên ngoài phải được loại bỏ để giải quyết viêm họng. Ví dụ: ngưng hút thuốc lá, tránh xa rượu và đồ uống, thức ăn lạnh, thức ăn gây kích ứng; điều trị dứt điểm các nguyên nhân gây viêm họng như viêm mũi, viêm xoang, viêm A, viêm VA… nếu có.
Cần giữ ấm vùng cổ, ngực. Thay đổi điều kiện khí hậu, môi trường sinh hoạt làm việc nếu có thể. Bệnh nhân cần có chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, nên uống nước ấm, bổ sung thêm vitamin C, A, D.
Cùng với việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, bệnh nhân cần nhỏ mũi, rửa mũi ngày 2 – 3 lần. Khí dung họng theo chỉ định của bác sĩ. Ngoài việc xúc miệng bằng nước muối, có thể ngậm chanh với muối; gừng với muối; quất với đường phèn hoặc mật ong…